10 Suy Nghĩ "Nông Nổi" Con Đã Đủ Lớn Để Vỡ Ra Chưa?

10 SUY NGHĨ “NÔNG NỔI”
CON ĐÃ ĐỦ LỚN ĐỂ VỠ RA CHƯA?

Đã dạy nhiều học trò và quan sát, chia sẻ với nhiều nhóm bạn trẻ, tự nhiên thấy có một phần của mình ngày xưa trong vài suy nghĩ của tụi nhỏ hôm nay.

Nói thật là cũng đã từng trẻ trâu, xốc nổi, bồng bột, lầm lỗi, gây tổn thương,… Nhưng một điều may mắn là luôn có những người "cả trong nhà, lẫn ngoài phố" đủ cảm thông, sâu sắc để chỉ bảo, vạch lối cho mình vỡ ra kịp thời, thay vì nhúng chân quá sâu vào vũng sình lầy, càng lâu càng lún, của những kiểu suy nghĩ “nông nổi” này.

Cũng chỉ mong mỗi bạn trẻ đi qua thời học sinh, sinh viên mà vỡ ra được những suy nghĩ có chút “nông nổi” này, để thay đổi và lớn lên. Để con đường đi đến thành công và hạnh phúc của mỗi người sẽ được sáng tỏ, bản lĩnh và bình an hơn một chút.

Tất cả là tại bố mẹ đấy.

Ừ, có thể một phần là do bố mẹ thật, nhưng không thể nào không có phần của con. Và nếu con cứ mãi ôm lấy suy nghĩ đó, thì con cũng khó có thể chủ động thay đổi cuộc sống của chính mình.

Mai kia, chưa chắc gì còn bố mẹ để con có thể “quăng” câu nói ấy ra mà không suy nghĩ lại. Và chả nhẽ mai kia chuyện gì cũng cứ đổ tại người này, tại người kia, tại cái này, tại cái nọ,… mà không hiểu thật sự có thể là… tại mình?

Cái này khó lắm, không làm được đâu.

Ừ, cái đó khó thật, nhưng sẽ còn nhiều cái khó hơn. Mai kia nhìn lại, con sẽ thấy cái khó của hôm nay chỉ là con muỗi so với nhiều cái khó sau này. Con có thể bỏ một hai cái khó cũng được, nhưng không thể nào cứ thấy khó là bàn lui.

Đã có quá nhiều người lớn ôm cái tư tưởng đó từ trẻ đến giờ, chưa chịu rũ bỏ. Và đó chính là bức tường cản trở bao nhiêu tiềm năng, tố chất của họ. Nếu lúc nào cũng chỉ chọn dễ dàng, có lẽ con cũng sẽ bằng lòng với những điều tầm thường.

Con chỉ thích được bình yên, giống như “bỏ phố về quê”.

Ừ, nếu con hiểu thật sự bình yên là gì và bình yên đến từ đâu, thì con chọn gì cũng được. Nơi chốn chỉ là chất xúc tác, còn bình yên đến từ việc con có biết mình là ai, mình theo đuổi cái gì, và ý nghĩa của mỗi ngày đến từ đâu. Và mong là con đừng nhầm lẫn giữa thích bình yên và… lười biếng.

Con cứ thử thôi, có mất mác gì đâu.

Có cái rất đáng để thử, nhưng có cái không đáng để thử. Và khi đã thử thì hãy cho mình một mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, và theo đuổi với hết sức, chứ đừng kiểu bỏ dở giữa chừng, phỉ phui trách nhiệm. Đã có người thử quá nhiều thứ, mỗi thứ một chút, rồi cái gì cũng bỏ, đùn đẩy trách nhiệm. Để rồi cuối cùng, họ cũng chẳng có được thành quả gì, kể cả sự kiên trì cũng không.

Mỗi thứ con biết một chút là được rồi.

Tranh biện, viết lách, "chém trên mạng" giờ cứ như là một cuộc chơi của Google và “chặt chém”. Thế nên, giờ con nít chỉ cần google nhanh, rồi cứ thế mà “khua tay múa chân”, nhưng thật ra nhiều bạn không hiểu sâu cái gì cả. Vì các bạn quen lướt web, chứ không phải là “suy ngẫm” trên web.

Những cái một chút đó vẫn có chỗ dùng trong cuộc sống, nhưng khi ra biển lớn, học hành và làm việc ở những nơi ưu tú nhất, mấy cái một chút đó, nếu không ý thức để khắc phục, có thể là sự tự cao, lại vừa là con dao hai lưỡi. Những người thật sự giỏi và thành công, ngoài những cái biết một chút, họ thường biết 1–2 lĩnh vực gì đó rất sâu.

Con học như vậy là đủ rồi.

Đủ là so với gì vậy con? So với yêu cầu của trường lớp, thầy cô ư, hay là so với thế giới và cuộc đời? Nếu con biết rõ thế giới ngoài kia đang thay đổi thế nào và tương lai sẽ yêu cầu con những gì, thì okie, có lẽ con sẽ biết thế nào là đủ.

Có nhiều người đi làm chục năm, họ cho rằng làm như họ là đủ rồi, nhưng suốt ngày cứ ngồi mộng mơ tự do, gato, hoặc chặt chém, “chửi đổng” trên thành công của người khác. Cái họ không bao giờ thấy được chính là người khác đã học/ làm ĐỦ như thế nào, so với cái “như vậy là đủ rồi” của bản thân họ.

Và cái họ khó có được chính là sự bình an thật sự trong tận sâu cõi lòng mình, vì họ chỉ giỏi đi so sánh thành tựu mà không biết và không làm được phép so sánh... nỗ lực.

Khối người không học cũng giàu có mà.

Sao con biết là cả khối? Sao biết là họ không học? Có khi họ học nhiều hơn con tưởng tượng đó, chỉ là họ không học trước mắt con và họ không học theo cách con đang học thôi. Và có nhiều cách để giàu, nhưng không phải cách nào cũng phù hợp để con chọn bước đi.

Bố mẹ biết gì mà nói.

Ừ thì bố mẹ không biết những cái con biết, nhưng con cũng không biết những cái bố mẹ biết. Và có thể bố mẹ không biết tiếng Tây tiếng Tàu, ca sỹ ABC, nhưng có lẽ bố mẹ biết nhiều về cuộc đời hơn con, và bố mẹ biết là bố mẹ đã hy sinh những gì cho con mà con không biết.

Con chỉ mong lớn nhanh để được tự do ra khỏi nhà này.

Ừ, rồi con cũng sẽ vào đại học, đi làm, và tất nhiên bố mẹ cũng chẳng giữ con lại. Bố mẹ vừa mong con lớn nhanh để tự lập, nhưng trong thâm tâm, vẫn có phần mong con lớn chậm lại chút để bố mẹ được ở với con lâu hơn chút.

Bố mẹ mong ở ngoài kia sẽ có nhiều người đối xử thật sự tốt với con, nhưng dù không có ai, thì con cũng sẽ hiểu vẫn có hai người sẵn sàng đón con quay về mỗi khi con mệt mỏi. Hồi bé thì con mong lớn nhanh, nhưng rồi lớn lên, biết đâu con sẽ mong mình được bé lại, như bố mẹ mong ước hôm nay.

Bố mẹ không hiểu con gì cả.

Đúng rồi, bố mẹ không hiểu được con nhiều, nhưng con cũng có hiểu được bố mẹ đâu. Chỉ mong là chúng ta có thể ngồi lại, trò chuyện cùng nhau, cười đùa và thật sự sống cùng nhau.

Có thể đi cả cuộc đời này, bố mẹ và con cũng không thể nào hiểu hết về nhau, nhưng qua thời gian, lớn lên và nhìn lại, đi xa rồi trở về, có thể chúng ta sẽ hiểu nhau hơn một chút, nếu như trong thẳm sâu cõi lòng, chúng ta vẫn nghĩ về nhau và yêu thương nhau.

Chỉ mong là bố mẹ sống đủ lâu, để mỗi ngày được hiểu con thêm một chút.

Kết luận:

Tuổi trẻ đúng là cần va vấp để trưởng thành, lớn khôn. Nhưng có những suy nghĩ nên ý thức sớm và cần đổi thay, để không lãng phí thời gian mắc kẹt trong đống “sình bùn” đó.

Nếu không thì có khi đến lúc 30–40–50 tuổi rồi mà vẫn có khư khư ôm nhiều suy nghĩ như trẻ con, và chẳng bao giờ “giải thoát” cho bản thân mình khỏi những “sân si, mê muội” đã quá đát vài chục năm, nên dừng lại ở thời tuổi trẻ.

Vỡ ra được là một chuyện tốt rồi. Còn từ ý thức đến hành động và thói quen là cả một quá trình, dài ngắn nông sâu lại vẫn tùy ở bản thân mỗi người.

Muốn thấy ánh sáng, cần đi qua những đêm dài. Nhưng đừng vì mắc kẹt quá lâu trong đêm dài mà cứ ru rú ngồi mãi ở đó. Bản chất của sự sống là hướng về ánh sáng. Và trưởng thành, lớn khôn thật sự trong tâm trí của một con người cũng như vậy.

Nguồn tham khảo: thầy Lê Hiếu

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101707117260491&set=t.37007161


Oct 02, 2023

37 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL