Chọn Trường Cho Con, Hãy Điềm Tĩnh & Khôn Ngoan

"Giáo dục chân chính không cần sự ồn ào lóng lánh như một bữa dạ tiệc hay thảm đỏ giải Oscar, mà cần những khoảng lặng và tĩnh tâm như đứng giữa sân chùa, nghe mọi âm thanh rơi để nhận ra thật – giả." (Trích #BéĐất)

Quanh năm suốt tháng – nhưng có lẽ đợt này là “căng” nhất – nhiều phụ huynh nhắn tin, điện thoại, email, hẹn café để hỏi về một chuyện: Chọn trường nào cho con. Tất nhiên, mỗi gia đình, đứa trẻ sẽ có phù hợp với một dạng trường nhất định. Nhưng với thời kỳ mà trường học mọc ra như nấm, thông tin mạng loạn xì ngầu, mô hình giáo dục nghe cái nào cũng “rất kêu”, nên việc chọn trường có lẽ càng… “điên đầu” hơn.

Bây giờ phụ huynh đi đâu cũng hỏi: Trường có bao nhiêu tiết Tiếng Anh, có mấy tiết người Tây, có dạy STEM không, chuẩn đầu ra được mấy chấm, tụi nhỏ có được thi thố gì không,… Tất nhiên, không phủ nhận những yếu tố này đều có giá trị và lợi ích. Thế nhưng, nếu chỉ chăm chăm và ưu tiên số một vào những điều đó, thì có lẽ các bố mẹ đang đi một nước cờ… sai lầm, và không hiểu rõ giáo dục cho lũ trẻ thật sự cần cái gì.

Vì không có thời gian để trả lời hết các bố mẹ, và có những thứ trao đổi 1–2 phút không thể nói hết lời, nên hôm nay mình xin copy lại những trang sách đã viết ra hơn 3 năm trước. Đọc đi đọc lại những suy nghĩ “vụn dại” của mình ngày trước, hóa ra lại thấy không hề cũ.

Chỉ mong các bố mẹ hiểu rằng chọn trường cho con là chọn một con đường dài và một triết lý rõ ràng, chứ không phải chọn một tên trường “mờ mờ ảo ảo”. Có như vậy mới hy vọng là con đường lũ trẻ đi cũng được… vững chãi và bình yên hơn một tẹo.

Đời Dài, Sao Lại Chọn Lối Ngắn?

Gần chục năm bén duyên rồi “kết hôn” với giáo dục, mình có duyên may được lắng nghe nhiều trăn trở và băn khoăn của phụ huynh. Mình hiểu rằng dù đúng hay sai, tròn trịa hay còn khiếm khuyết, thì tất cả đều xuất phát từ một sự chân thành và nỗi niềm đau đáu, mong muốn những điều tốt nhất cho đứa trẻ.

Đó là một tình yêu vô điều kiện, nhưng đôi khi tình yêu ấy quá lớn nên che mờ luôn cái đầu tỉnh táo của những ông bố bà mẹ trong những lúc cần tỉnh táo nhất.

Năm nào cũng vậy, giữa những câu chuyện vơi đầy bên tách cà phê, câu hỏi đặt ra nhiều nhất cho mình vẫn là: “Chọn trường nào cho con?”, dù đó là trường mầm non, cấp một hay cấp hai, cấp ba hay đại học, Việt Nam, song ngữ hay quốc tế, trong nước hay ngoài nước, trường top hay trường thường, đôi khi là cả những mô hình trường học mới nổi lên như cồn, nào là trường học online và cả homeschooling.

Những yếu tố cơ bản như trường gần hay xa nhà, thu nhập của gia đình và học phí, rồi cơ sở vật chất, dịch vụ,... là những vấn đề gần như ai cũng cân nhắc và tìm hiểu. Sau đó nhiều người sẽ nhảy phập vào, chộp lấy những “ví dụ tiêu biểu” của ngôi sao mỗi trường để mặc định đó là cái đích đến của con mình, mà quên rằng để thật sự tìm một nơi thích hợp cho con, họ cần đặt cho chính bản thân những câu hỏi sâu hơn để có cái nhìn rộng hơn.

A. Triết Lý & Thuyền Trưởng

Câu hỏi đầu tiên mà gần như chẳng mấy ai chịu hỏi hoặc có thể không biết để hỏi chính là: “Triết lý và quan điểm giáo dục của trường là gì?”

Với mình, mỗi trường học, dù họ có gọi tên thành lời hay không thì đều có “triết lý”, “quan điểm” giáo dục riêng, còn “triết lý” đó có đẹp hay xấu thì... còn tùy. Đôi khi chính nhà trường cũng chẳng để ý mấy đến triết lý giáo dục và cái cách nó ảnh hưởng những đứa trẻ kinh khủng đến mức nào.

Những con người sống ngày qua ngày trong môi trường ấy, đặc biệt khi đó là những đứa trẻ, dù muốn hay không đều sẽ thấm cái “triết lý” ấy, như cái giẻ lau bát thấm nước vậy. Triết lý tốt hay xấu, tất cả đều sẽ rơi vào và ký sinh trong người những đứa trẻ, để qua năm tháng tạo nên những con người mà mỗi lời nói, cử chỉ và việc làm đều ít nhiều sẽ phảng phất cái “chất” của ngôi trường ấy.

Mình tin rằng: Không có mô hình giáo dục nào là hoàn hảo cả. Vì vậy, điều cần biết là những người thuyền thưởng, thuyền phó thật sự chèo lái con thuyền ấy – chứ không phải những bù nhìn, nhãn mác – có được một triết lý và quan điểm giáo dục rõ ràng, phù hợp với định hướng cho con mình hay không.

Giáo dục đôi khi phải mất 5–10 năm mới thấy hoa trái rõ ràng. Vì vậy, cái chúng ta cần tìm hiểu là hai mặt được–mất của mỗi mô hình, dù nó được “đóng gói” và “dán nhãn” hàng Việt Nam chất lượng cao hay hàng ngoại nhập “xịn” như thế nào chăng nữa.

B. Người Gieo Chữ

Hãy nhìn vào những giáo viên. Để chương trình thật sự chạm đến học sinh, phát huy những điểm hay và khắc phục những điểm chưa tốt, quan trọng nhất vẫn là người gieo chữ. Từng trực tiếp phỏng vấn, đào tạo chuyên môn và làm việc với hơn 3.000 giáo viên, Tây lẫn Ta, từ bậc mầm non cho đến đại học, sau đại học, mình vẫn luôn tin rằng: Có bằng cấp, học vị cao, luyện thi một vài học sinh xuất sắc thì cũng chưa chắc là một giáo viên giỏi, chứ chưa nói đến là nhà giáo dục tốt.

Điều mình quan trọng và chú tâm nhiều hơn cả là năng lực, đam mê và cái tâm của người dạy. Liệu rằng giáo dục có thật sự là đam mê của những người ngày ngày đứng trên bục giảng, hay chỉ là một công việc “kiếm cơm” qua ngày, sáng vừa đến đã nghĩ tới lúc xong tiết, chiều về, tối nay dạy luyện ở đâu? Chỉ có những con người đam mê mới có thể đào tạo và hướng dẫn những đứa trẻ biết đam mê và sống trọn với đam mê.

C. Thước Đo Cho Lũ Trẻ

Hãy nhìn vào cách mà những con người ở nơi ấy đang dùng để đánh giá học sinh. Nếu một trường học đặt mục tiêu là chuẩn hóa, thì từ chương trình đến người dạy, và cả việc đánh giá học sinh cũng sẽ chuẩn hóa đồng loạt. Họ sẽ cứ lấy điểm số ra mà sát hạch và đóng tem một đứa trẻ “giỏi” hay “dở” so với cái chuẩn ấy, còn chuẩn ấy lợi và hại gì thì... thôi.

Nếu học sinh được đánh giá chỉ đơn thuần qua những bài thi lấy điểm, thì phần lớn sẽ phát triển theo đúng cái cách học đối phó quá “kinh điển”: học để thi. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh nghĩ rằng việc học trên trường chưa đủ đậm đà nên cho con đi học thêm “trường kỳ kháng chiến” để được là học sinh giỏi, để chạy theo đáp ứng nhu cầu thi cử ở trường, mà không nhận thức rằng những màn “thêm-nếm” ấy chưa chắc bổ sung được điều học sinh thật sự thiếu và cần.

Học hành kiểu chạy show, đua theo thành tích này nuốt chửng không biết bao nhiêu thời gian của học sinh, nhưng chưa chắc chúng được nảy mầm và lên cây một cách thật sự... có chất.

D. Vẹn Tròn Một Chữ ... Tâm

Nhưng sau tất cả, mình vẫn tin rằng: một chương trình học hay, một thầy giáo giỏi, một cách đánh giá học sinh phù hợp chưa chắc đã tạo ra những lứa học sinh tốt về năng lực và đẹp trong tính cách, nếu như bài toán của những người xây viên gạch thiếu đi một chữ “TÂM”. Dù tốt hoặc chưa tốt, một khi họ đã đam mê và đặt học sinh trong tâm, họ sẽ bám trụ và làm tất cả vì học sinh, chứ không phải chỉ đơn thuần vì thương mại.

Trường học là nơi dạy làm người, giáo dục là một đường đi dài, và vì vậy đừng chỉ nhìn vào danh tiếng, truyền thông, hay một vài “ngôi sao sáng” bước ra từ đó. Hãy chọn chính con người của trường, từ người lãnh đạo, đến thầy cô và thậm chí người lao công, bảo vệ, nhân viên bán trú của trường.

Từng ngày từng giờ, mỗi đứa trẻ đều đang nhìn vào cách những người này đi, đứng, ăn, nói, để một cách vô thức lấy đó làm gương, chắt lọc thành tính cách của chính trẻ. Tất cả những con người “chạm” đến một đứa trẻ mỗi ngày đều có thể là “thầy” của nó.

Giáo dục chân chính không cần sự ồn ào lóng lánh như một bữa dạ tiệc hay thảm đỏ giải Oscar, mà cần những khoảng lặng và tĩnh tâm như đứng giữa sân chùa, nghe mọi âm thanh rơi để nhận ra thật – giả.

Những gì nhiều người lớn đang làm lắm lúc chỉ vì tiền tài danh lợi của các chiến lược kinh doanh thương mại, hay vì lợi ích của một số quỹ đầu tư chỉ xem tụi nhỏ như một công cụ kiếm tiền. Chưa chắc những con người ấy đã hiểu giáo dục chân chính là gì và làm thế nào để thật sự thay đổi những đứa trẻ.

Tất cả chừng ấy thứ, bằng cách nào đó, lại đang vô tình đẩy tụi nhỏ vào một vòng lẩn quẩn của sách vở và những góc tối của cảm xúc. Lắm lúc chúng không hiểu vì sao những bàn tay người lớn đã đẩy chúng vào xó xỉnh ấy, trong khi chúng nó lẽ ra phải được học và chơi với đam mê trong cái giai đoạn đẹp nhất của một đời người.

Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể. Điều phù hợp với người khác chưa chắc đã phù hợp với con mình. Giáo dục là một con đường dài. Vì vậy, đừng chỉ lựa chọn giống như con bò tót mù màu trong đấu trường, hễ thấy một chuyển động dù nhỏ nhất của tấm vải đỏ là cứ thế mà lao vào.

Các bậc cha mẹ hãy lựa chọn có thông tin, phân tích, có chọn lọc, như một cái sàng đãi gạo, gạt đi bao vỏ trấu vàng óng ánh để chỉ giữ lại những gì trắng tinh và “chất” nhất trên sàng. Dù mỗi người một cách nghĩ, nhưng nếu nghĩ theo chiều dài và sâu, mình hy vọng mỗi người sẽ có lựa chọn hợp lý cho con và cho mình.

Lựa chọn vội vàng là lựa chọn của những con người “vội vàng”. Lựa chọn dựa trên một triết lý là lựa chọn của những con người có triết lý vững vàng, và xác suất cao là họ sẽ góp phần tạo ra những đứa trẻ sống vững vàng, có triết lý. Vì một lẽ đơn giản, mưa dầm ắt sẽ thấm lâu.

Nguồn tham khảo: thầy Hiếu

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101522641012371&set=t.37007161


Jul 22, 2023

14 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL