Khi nào bố mẹ mới bớt bớt kiểu... "cái gì cũng tại thầy cô, trường học" - thầy Hiếu

KHI NÀO BỐ MẸ MỚI BỚT BỚT KIỂU...
"CÁI GÌ CŨNG TẠI THẦY CÔ, TRƯỜNG HỌC"
 
3 năm qua, nhẩm lại thì mình cũng họp không dưới 100 cuộc họp lớn bé với phụ huynh ở các trường. Có nhiều cuộc họp, mình bước ra khỏi phòng, rất cảm động với tấm lòng và sự đồng cảm, đồng hành của bố mẹ, cũng như trân trọng mức độ chừng mực, lễ nghi của bố mẹ. Nhìn các bố mẹ ấy, mình nghĩ đến... bố mẹ mình.
 
Ông bà từng là giáo viên của rất nhiều thầy cô dạy mình trong suốt thời tiểu học, phổ thông. Thế nhưng chưa bao giờ ông bà đổ thừa chuyện gì không tốt về mình lên trên vai thầy cô, nhà trường. Thay vào đó, ông bà kính trọng thầy cô của mình, dù đó có là học trò của ông bà và nhỏ hơn ông bà 20-30 tuổi đi nữa, và có gì khó thì cũng cùng thầy cô gỡ rối và chỉnh thằng "oắt con" là mình ngày xưa, vốn cũng nhiều thói hư tật xấu lắm.
 
Thế nhưng, cũng không đếm hết được có bao nhiêu cuộc họp với phụ huynh, mà nếu mình không thuộc dạng người cực kỳ bình tĩnh nhẫn nại, thì chắc chỉ muốn đứng dậy, bước ra khỏi căn phòng, hoặc dừng luôn cuộc họp cho xong vì quá tốn thời gian mà nhìn quanh đến 9h tối rồi, các thầy cô vẫn chưa được các bố mẹ... "tha" cho về nhà.
 
Mức độ hiểu biết và trải nghiệm giáo dục của "một số" bố mẹ chưa chắc rộng và sâu, nhưng lại cứ cậy tiền bạc, đòi hỏi cho thật nhiều thứ mà chưa chắc hiểu không phải cái gì cũng thật sự tốt cho đứa trẻ. Có chuyện gì thì họ đều đổ thừa tất tần tật lên nhà trường và phủi tay "đá banh trách nhiệm" toàn bộ cho thầy cô trong việc dạy con cái họ. Còn yêu cầu bố mẹ làm gì với con, cho con, hoặc chính họ cần thay đổi vì con, thì câu trả lời lại là: "Tôi không biết/ không có thời gian/ không làm được. Tôi giao nó cho nhà trường mà".
 
Dẫu biết là cũng không thể trách phụ huynh mọi thứ, nhưng nếu vẫn với nhận thức và cư xử như vậy, không tí gì thay đổi, thì có khi "nạn nhân" cuối cùng lại là những đứa trẻ.
 
Vì vậy, dù bận công việc ngập mặt và chưa bao giờ dịch cuốn sách nào, tối nào cũng lóc cóc 9-10h tối mới làm xong việc, một tuần làm việc 6-7 ngày là thường, và "lương dịch" thì chắc không đáng là bao, nhưng mình vẫn phải quyết tâm dịch cho bằng được cuốn sách này.
 
Vì mình tin và hy vọng...
 
Chỉ khi nào phụ huynh hiểu ra vai trò của mình trong việc giáo dục con trẻ, thì khi đó lũ trẻ mới thật sự được giáo dục thành Tài và thành Nhân. Đừng có Mất gì là cũng đổ thừa tại trường học và thầy cô, còn Được thì là tự hào do bố mẹ chúng đầu tư. Cuộc sống này không có mấy thứ rạch ròi trắng đen được như thế đâu.
 
Vâng, nhà trường và thầy cô sẽ thay đổi để tốt lên, thế bố mẹ có chịu thay đổi không? Giáo dục tại gia đang xuống cấp nhưng đó mới chính là nền tảng gốc rễ của một con người - ngày trước, ngày nay và chắc ngày mai cũng thế.
 
LỜI GIỚI THIỆU
 
[...] Còn đây mới là điều kì lạ. Phụ huynh chúng ta ngày càng chi nhiều tiền vào việc nuôi dạy con, nhưng khi chúng ta nhìn vào kết quả, thì mọi việc lại trở nên tệ hơn, chứ nào có tốt hơn đâu.
 
Xác xuất trẻ em Mỹ hiện nay bị chẩn đoán mắc hội chứng Tăng động giảm trí nhớ (ADHD) hoặc rối loạn lưỡng cực hoặc các chứng rối loạn tâm thần khác đã cao hơn nhiều so với 25 năm trước (Tôi sẽ đưa ra dẫn chứng ở Chương 3), và trẻ nặng cân hơn và không khỏe mạnh bằng 25 năm trước (Chương 2). Các nghiên cứu kết quả dài hạn cho thấy trẻ con Mỹ ngày nay kém kiên cường và yếu ớt hơn xưa. Trong Chương 5, tôi sẽ giải thích “dễ vỡ hơn” nghĩa là gì và tôi sẽ trình bày dẫn chứng cho nhận định đó.
 
Vậy chuyện gì đang xảy ra?
 
Đây là chẩn đoán của tôi. Trong ba thập kỷ qua đã có một sự chuyển giao mạnh mẽ quyền lực từ phụ huynh sang con cái. Cùng với sự chuyển giao quyền lực này là sự thay đổi trong việc đánh giá ý kiến và lựa chọn của con cái. Trong nhiều gia đình, những gì trẻ nghĩ, những gì trẻ thích và những gì trẻ muốn cũng “nặng ký” ngang bằng, hoặc hơn, những gì phụ huynh nghĩ và thích và muốn. “Để con cái tự quyết định” đã trở thành phương châm của việc làm cha mẹ tốt. Tôi sẽ cho thấy những thay đổi với dụng ý tốt đẹp này thực sự đã làm hại con trẻ.
 
Tôi nghĩ tôi đã tìm ra những điểm sai lầm của chúng ta và cách sửa chữa. [...]
 
Một vài khía cạnh của sự sụp đổ của việc nuôi dạy con cũng nan giải ở Anh và Úc giống như ở Mỹ. Ở mỗi nước tôi tới thăm, tôi đều phát hiện nhiều phụ huynh còn mơ hồ về vai trò của mình. Họ hỏi, “Tôi có nên là người bạn tâm tình đáng tin cậy nhất của con? Là bạn thân nhất của con? Nhưng nếu tôi là bạn thân nhất của con trai, sao tôi có thể cấm con không được chơi các trò chơi điện tử bạo lực?”.
 
Tiến sĩ Timothy Wright là hiệu trưởng trường Shore, một trường tư thục mà tôi đến thăm ở Sydney, Úc. Gần đây anh ấy kể với tôi về việc một người mẹ đã yêu cầu anh ấy tư vấn cho con trai của về việc chơi trò chơi điện tử sao cho phù hợp: trò chơi nào được chơi, trò chơi nào không và thời gian cậu ấy nên chơi. Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, Tiến sĩ Wright từ chối. Anh giải thích rằng công việc hướng dẫn và quản lý một cậu bé sử dụng trò chơi điện tử là công việc của phụ huynh, không phải công việc của ban giám hiệu nhà trường.
 
Vì vậy, một số khía cạnh của vấn đề này ở đâu cũng có, trên toàn thế giới. Nhưng các khía cạnh khác trong sự sụp đổ của việc nuôi dạy con cái thì đặc thù chỉ có ở Bắc Mỹ và đặc biệt là Hoa Kỳ.
 
Và chủ đạo trong những điều này chính là văn hóa của sự thiếu tôn trọng. 
 
 
Nguồn tham khảo:
Thầy Hiếu: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101393446599011&set=t.37007161


Jul 16, 2023

22 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL