Tụi Nhỏ Bây Giờ Có Cô Đơn?

- Thầy ơi, con nhờ thầy nói chuyện với bố/ mẹ con được không ạ.
- Con bị cô giáo phạt oan, và cô không chịu nghe con giải thích.
- Con thích bạn này nhưng mẹ con không muốn thảo luận với con.
- Con không muốn học theo kiểu mấy lớp mẹ con bắt học nữa, nhưng cả tuần nay, con chẳng gặp được mẹ.
- Trên lớp, con chẳng thấy mình muốn kết nối, tâm sự với bạn nào thật lòng cả.
- Con không muốn về nhà nữa, mà cho con ngủ ở trung tâm 1–2 ngày luôn được không thầy.

Đó có lẽ là vài trong rất nhiều lời tâm sự trực tiếp hoặc qua tin nhắn mà học trò cấp 2–3 chia sẻ. Đó chỉ là những chia sẻ “sướng sướng”, còn những cái “nặng đô” hơn thì cũng không phải là ít. Mỗi lần như vậy, sao tự nhiên lòng cứ chùn xuống, miên man tự nhĩ: Sao có vẻ như tụi nhỏ giờ cô đơn quá vậy, tìm vài người tâm sự thật lòng cũng khó thế ư?

Theo nghiên cứu của Mỹ, 79% của Gen Z công nhận rằng chúng cô đơn. Dẫu rằng Gen Z “nối mạng” khá nhiều, nhiều hơn những thế hệ trước, nhưng cảm giác cô đơn vẫn túc trực trong giới trẻ. Và theo sau đó là những hệ lụy như căng thẳng, trầm cảm và nhiều vấn đề về hành vy, tâm lý phức tạp khác.

Giáo sư Tâm lý học Jean Twenge của Đại học San Diego cho rằng thế hệ thanh thiếu niên ngày nay là thế hệ cô đơn nhất từ trước đến nay.

Vì sao vậy? Và liệu những đứa trẻ chúng ta đến hết mực yêu thương, không ngừng thúc đẩy phát triển có đã, đang – và sẽ – cô đơn dẫu ngày nào chúng cũng đến trường, xài mạng; đi học, xài mạng; về nhà, xài mạng; ăn uống, xài mạng; và đi ngủ, cũng xài mạng nốt?

Căng Thẳng Leo Thang Nhập Tràn

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy nhóm 15-21 tuổi là nhóm căng thẳng nhất. Giới trẻ dường như đang nối tiếp nhau, bước vào tuổi trưởng thành với nhiều gánh nặng cảm xúc nghiêm trọng nhất, ngày càng gia tăng.

Bước vào trường lớp là một núi bài tập, thi cử. Bước về đến nhà là một tá áp lực, mong đợi. Bước ra xã hội là một nùi các mối quan hệ phức tạp, đa dạng thành phần. Bước lên mạng là một rừng so sánh, dòm ngó, đâm thọt và một núi thông tin tiêu cực không ngớt đập vào mặt.

Dường như đi đến nơi nào, dù vô thức hay có ý thức, tụi nhỏ cũng phải bị khoác lên một chút mong đợi, một chút áp lực, một chút so sánh. Ai cũng nghĩ rằng mình đang làm điều tốt nhất cho lũ trẻ. Thế nhưng, mỗi nơi góp một chút, mỗi người đổ vào một chút, mà chẳng mấy người suy nghĩ những cái một chút đó đang góp gì và tác động thế nào đến cả đống “một chút” mà tụi trẻ đang gánh gánh gồng gồng.

Vài người lớn nói thì giỏi lắm, nhưng thử hỏi ngày xưa học luyện thi đại học mới có 3 năm mà hầu như ai trong chúng ta cũng ngán ngẩm, kêu than. Giờ bảo mọi người học luyện thi từ năm cấp Một thì có kham nổi không? Thế thì đừng trách tụi trẻ. Chúng thật ra cũng chẳng khác nào cái cân, ngày qua ngày cứ cân nhiều gáng nặng quá thì cũng có lúc kim gãy và... cân đơ.

Thời Đại Số, Nhiều Nhưng Ít

Một nghiên cứu của tạp chí Khoa học Tâm lý cho thấy thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trên các thiết bị thông minh có nhiều xác suất bị “dính chưởng” những vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn so với những người sử dụng ít thời gian trên mạng và nhiều thời gian để hoạt động thể thao, làm bài tập về nhà, đọc sách báo, tương tác với người thực xung quanh.

Một điều hơi ngộ là dù giới trẻ tương tác với rất nhiều người trên mạng, nhưng dường như ít có tương tác nào lại theo chiều sâu, chạm đến những ngóc ngách, suy nghĩ về những điều quan trọng trong cuộc sống và của bản thân.

Phần lớn tương tác thường mang tính chất vài giây, rồi thêm với cùng lúc phải tương tác với cả núi người, thả like cái này, share bài cái kia, comment cái nọ, thêm mấy cái chat box liên tụi nảy lên, không chỉ một nền tảng mà là Facebook, Insta, Twitter,… mỗi cái chắc cũng vài chục trang.

Gần như ở tương tác nào, con người cũng chỉ đưa lên online một phiên bản “rút gọn” của bản thân, và vì vậy, rất khó để có những kết nối đích thực, sâu sắc nếu nó không được củng cố bởi những lần gặp mặt, nắm tay, khóc cười,… đích thật. Nghiên cứu cho thấy những người dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội thường lại có xu hướng cô đơn hơn, vì họ có ít thời gian để củng cố những tác thật với người thật trong những ngữ cảnh thật.

Rất dễ để ấn nút like, comment, share hoặc gõ nhanh vài ý kiến “mỳ ăn liền” trên mạng xã hội, nhưng rốt cuộc thì một trong những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể làm với người thân quen chính là gõ cửa nhà họ, chào họ, trò chuyện với họ, tương tác với họ và cùng nhau cười đùa bên một tách café, hoặc một bữa ăn.

Con người thật có dùng mạng xã hội, nhưng họ không tồn tại trong cái màn hình 100%. Họ tồn tại ở ngoài màn hình, đôi khi thù lù ngay cạnh chúng ta mà thôi.

Và cô đơn tác động đến sức khỏe cũng tương đương với hút 15 điếu thuốc một ngày. Cô đơn không chỉ làm tệ hơn những vấn đề sức khỏe có sẵn, như lo âu và trầm cảm, mà còn tăng xác suất các bệnh về tim mạch và đột quỵ. Năm 2015, một nghiên cứu đã chỉ ra cô đơn và sự cô lập xã hội tăng tỷ lệ tử vong sớm lên đến 50%.

Đó có lẽ là lý do vì sao mà nhiều nước phát triển đã tuyên bố Cô Đơn là một đại dịch mới.

Nền tảng gia đình lỏng lẻo

Với bối cảnh kinh tế và đời sống xã hội, chuyện cả bố lẫn mẹ đều đi làm kiếm tiền là chuyện bình thường. Có lẽ, về bản chất, điều này không sai và công sức của bố mẹ rất đáng trân trọng.

Cái đáng tiếc là trong thời gian hiếm hoi khi bố và/ hoặc mẹ có ở nhà – như buổi tối và cuối tuần – thì hoặc con cái lại đi học kín mít, hoặc sử dụng mạng, còn không thì cùng ở chung nhà mà ai làm việc nấy. Thời gian để bố mẹ và con cái thật sự kết nối đang bị teo dần, và đó cũng chính là mầm móng của nền tảng gia đình bắt đầu lung lay.

Không chỉ thế, với điều kiện sống ngày càng tốt, các gia đình thường ở riêng, ít có dịp tương tác với gia đình cô dì, chú bác, anh chị em họ, ông bà nội ngoại … Vậy nên, những giá trị tư tưởng, truyền thống, triết lý gia đình chưa chắc đã được truyền đạt và tiếp nối.

Cộng vào đó là sức ép tràn lan của tư tưởng văn hóa phương Tây, tung hô cho sự độc lập, tự do, cá nhân, tư bản (trong chừng mực và có cân nhắc sâu sắc, cân bằng thì không sao, nhưng đôi khi lại vượt quá chừng mực, chuyển thành hyperindividualism – chủ nghĩa cá nhân thái quá/ cực đoan).

Lớn lên trong tư tưởng đó một cách vô thức, giới trẻ cũng dễ chạy theo những mục tiêu, giá trị cho cá nhân nhiều hơn là mục tiêu, giá trị cho cộng đồng. Mà bản chất điều này lại càng làm cho chúng khó kết nối chân thành, sâu sắc với người khác.

Một mặt, cuộc chạy đua “danh vọng, sự nghiệp, tiền tài” càng căng, đẩy giới trẻ ra đường nhiều hơn. Một mặt, gắn kết gia đinh lại càng lỏng lẻo, nên khi ngoài đường chẳng mấy ai thật lòng, về đến nhà thì cũng chưa chắc tâm sự được với ai. Hóa ra là gặp mặt Cô Đơn cả trong lẫn ngoài.

Thước đo xã hội lộn xộn

Giờ đây, truyền thông đại chúng bùng nổ, tiếp thêm nhiên liệu bởi mạng xã hội. Bước lên mạng và ra ngoài xã hội là một rừng tư tưởng, suy nghĩ, câu chuyện,… cái tốt cũng nhiều mà cái xấu thì không hề ít. Thế nên, đôi khi cũng phải nói là do hên xui, một đứa trẻ có thể “phơi nhiễm” với nhiều tư tưởng, câu chuyện, suy nghĩ không tích cực, có phần thiển cận và hời hợt qua loa.

Một cách vô thức, khi nền tảng triết lý văn hóa tư tưởng của lũ trẻ còn chưa được chắn chắn như nền xi măng ướt, thì chúng càng dễ bị tác động bởi những tư tưởng “rác” trên mạng xã hội và văn hóa đại chúng. Từ đó, có thể những suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng bị lái theo một hướng… choáng váng, vơ những điều hào nhoáng, bóng bẩy, vội vàng.

Một người trưởng thành với nền tảng triết lý, tư tưởng chắc chắn còn chưa chắc trụ vững trước dòng xoáy đó, huống hồ chi là một đứa trẻ còn chưa đủ trải đời.

Một khi bố mẹ và người lớn trong gia đình quá bận rộn, “lơi tay” với chuyện giáo dục tư tưởng, triết lý cho con trẻ và lại ngày càng đẩy đứa trẻ “ra đường, lên mạng” nhiều hơn là “ở nhà, chân chạm đất”, thì điều đó cũng có nghĩa là bố mẹ đã “trao quyền” giáo dục tư tưởng con trẻ cho bạn bè chúng nó, những người không quen biết ngoài xã hội và cho cả một cái mạng xã hội bản chất vốn là đã tạp nham.

Còn Gì Nữa?

Nhiều bạn bè hơn trên mạng xã hội chưa chắc đã làm giảm cô đơn. Gặp gỡ một hai bạn bè, người quen bên một tách café hoặc tản bộ sẽ có xác suất trị liệu được cô đơn hơn.

Để giúp cho lũ trẻ bớt cô đơn cũng không phải là khó, và cũng chẳng cần tiên dược gì quý giá đắt tiền, ngoài việc cho chúng có được sự cân bằng giữa ngủ nghỉ, hoạt động thể chất, tương tác xã hội, thời gian với gia đình và thời gian cho bản thân chúng trong những hoạt động, thói quen, sở thích, đam mê: viết lách, đọc sách, làm mô hình, đàn ca, hội họa, múa may, lập trình,…

Tất nhiên cái gì cũng có ngoại lệ.

Vẫn có những bạn trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhưng vẫn kết nối chân thành, tâm sự với người khác sâu sắc ở trên đó, và khi tắt mạng thì dành thời gian để theo đuổi những sở thích, thói quen, hoạt động “offline” khác, hoặc gắn kết với người xung quanh.

Vẫn có những bạn trẻ theo đuổi sự nghiệp, thành công, danh vọng nhưng vẫn tạo dựng được những mối quan hệ chân thành, sâu sắc với đồng nghiệp, bạn bè và khi về nhà thì vẫn gắn keo với gia đình, tâm sự sẻ chia.

Nhưng nhìn trên mặt bằng chung, chúng ta cũng không thể phủi tay, chối bỏ được thực tế là tụi trẻ giờ đây có thể đang cô đơn và cần lắm những kết nối chân thành, sâu sắc. Những kết nối này có thể chúng khó kiếm được ở trên mạng, ở trường, nhưng tuyệt đối đừng làm biến mất ở nhà.

Hãy dành thời gian thường xuyên, trò chuyện, làm việc nhà, đi chơi, tâm sự, cởi lòng, buồn vui khóc cười, ôm ấp,… cùng lũ trẻ. Để mai kia, dẫu chúng có lớn, đi đâu làm gì, thì chúng cũng có thể:

“Hạnh phúc, đi về nhà
Cô đơn, đi về nhà
Thành công, đi về nhà
Thất bại, đi về nhà
Mệt quá, đi về nhà
Mông lung, đi về nhà
Chênh vênh, đi về nhà”
(Đi về nhà - Đen, JustaTee)

Và đi về nhà là sẽ… bớt cô đơn.


Jul 17, 2023

19 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL