Đại Học Mỹ 3: Bài Luận - College Essay

Trong hồ sơ đại học Mỹ, bài luận cá nhân (college essay) là trái tim của bộ hồ sơ. Nó không chỉ là một cấu phần trung tâm quan trọng, mà nói như đồng nghiệp của tôi, trưởng khoa tuyển sinh Trường đại học Boston, K. Walter, “bài luận cá nhân đem lại sự sống và thổi hồn vào những con số dữ liệu khô cằn.” Nói cách khác, điểm số và thành tích của bạn cho ban tuyển sinh thấy bạn là một học sinh giỏi cỡ nào, còn bài luận của bạn sẽ cho họ thấy bạn là một con người như thế nào.

Bài luận trong hồ sơ đại học Mỹ có quan trọng không? Tất cả những trường dùng phương pháp tuyển sinh xét tuyển toàn diện sẽ khẳng định với bạn là bài luận rất quan trọng, nhưng sẽ không phải yếu tố duy nhất quyết định kết quả. Đối với những trường cạnh tranh bậc nhất, thì bài luận có thể là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định của ban tuyển sinh. Nhưng để bài luận của bạn có sức nặng đến thế, thì nó không thể là một bài viết có thể bắt gặp dễ dàng trong hàng ngàn hồ sơ.

Mỗi mùa hè đại diện tuyển sinh và cố vấn giáo dục đại học từ khoảng 2000 trường đại học và phổ thông tham dự hội thảo thường niên của Hiệp hội cố vấn tuyển sinh đại học quốc tế (International Association of College Admission Counseling - International ACAC). Gần như năm nào cũng có một hội thảo tiêu điểm về bài luận, cách các trường đánh giá bài luận, và những điều họ tìm kiếm ở bài luận của học sinh. Đối với các trường danh giá và cạnh tranh nhất, các bài luận bổ sung quan trọng không kém, và khó nhằn không kém (tham khảo UChi, Tufts, và Pomona).

Với các bạn hướng đến những trường đại học hàng đầu như Ivies và top 50, thông thường năng lực tiếng Anh của các bạn đã tốt sẵn. Chỉ cần tra vài từ khóa trên mạng, có thể tìm thấy hàng loạt nguồn miễn phí hướng dẫn chi tiết cách lên ý tưởng, tổ chức bài, cách sử dụng ngôn ngữ sao cho ấn tượng hiệu quả, v.v. Nhưng hầu hết các nguồn này tập trung vào phân tích bài viết mẫu cụ thể, từ đó đưa ra những mẹo chi tiết để các bạn áp dụng. Bạn nghĩ xem, hàng nghìn hoặc chục nghìn thí sinh khác không làm như bạn ư?

Nếu coi viết bài luận là một cuộc đua, thì những thí sinh vượt trội biết vận dụng luật chung của cuộc đua để tối ưu hóa thế mạnh của mình, họ không sử dụng bất cứ công thức của một người chơi nào khác để đua. Ở bài này, tôi sẽ thống kê một số luật chung cho rất nhiều trường đại học về bài luận – những điểm mà họ gần như đồng ý với nhau tuyệt đối trong những hội thảo phát triển nghiệp vụ hàng năm mà tôi thường xuyên tham gia. Những thí sinh thành công thường không quá sa đà vào những bài văn mẫu, vì nguy cơ đánh mất bản sắc cá nhân rất cao vì các bạn không nhận ra sự ảnh hưởng của những bài luận này đến câu chuyện và cách kể chuyện của mình, và rất dễ tạo ra một sản phẩm viết chắp vá.

Giá trị cốt lõi cá nhân (Core values)

Tổ kiến lửa. Lọ dưa muối của bà. Một con chim chết trong vườn. Những miếng dán sticker trên máy tính. Một chuyến du lịch. Một lần hiểu lầm. Bạn kể chuyện gì cũng được, không quan trọng. Nhưng trong suốt câu chuyện, người đọc phải thấy được những giá trị cốt lõi hay phẩm chất cá nhân mà bạn theo đuổi và xây dựng. Có rất nhiều phẩm chất cá nhân các trường đại học đánh giá cao, nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm liệt kê phẩm chất của mình (theo kiểu “I am good, I am strong, I am excellent” hay những biến thể của nó) thì họ sẽ tiễn hồ sơ của bạn vào thùng rác sau vài giây đọc bài. Xác định 2-3 giá trị mà bạn trân trọng và muốn theo đuổi và lồng ghép vào bài viết. Biến chúng thành một chất keo lỏng kết nối nội dung thay vì tuyên bố về các giá trị đó một cách trực diện hay hô hào.

Các trường đại học Mỹ cũng chẳng có một danh sách giá trị để đánh giá thí sinh. Về cơ bản, họ coi trọng tất cả những phẩm chất của học sinh. Nhưng một điều ít ai biết là từ góc nhìn của người đọc hồ sơ, tựu chung họ phân loại các phẩm chất cá nhân thành hai nhóm: vị thân và vị tha. Những phẩm chất vì lợi ích của bản thân học sinh, giúp học sinh thành công trong trong học tập như chăm chỉ, cần cù, quyết tâm hay kiên trì thường được các trường mặc định, đặc biệt đối với các trường cạnh tranh với lượng ứng viên xuất sắc đếm không hết. Đó là những điều kiện cần, vốn đã có thể thấy được trong những phần khác của hồ sơ như bề dày thành tích và điểm số, nên họ thường không tìm kiếm trong bài luận. Nhưng những phẩm chất cá nhân vì lợi ích của người khác, vì cộng đồng, vì những giá trị tinh thần, xã hội, văn hóa, v.v. sẽ để lại ấn tượng về một nhân cách đẹp, một thế giới quan sâu sắc đang bắt đầu phát triển. Một tình huống trong cuộc sống khiến bạn học được bài học về sự tử tế, lòng bao dung, hay sự chính trực, sự quả cảm, tinh thần dấn thân sẽ được đánh giá cao hơn rất nhiều.

Như bài văn về quả đu đủ của bạn trai Hà Nội đỗ đại học De Pauw với mức học bổng lớn đang được nói tới rất nhiều những ngày vừa qua. Ngoài việc người đọc có thể thấy tâm hồn đẹp của bạn trẻ đó, bạn còn thể hiện thế giới quan rất nhân văn và đầy sự trưởng thành khi dám đi ngược lại tâm lý đám đông để cư xử tử tế với người khác. Một cá nhân như thế sẽ còn đóng góp rất nhiều cho cộng đồng và xã hội trên con đường sự nghiệp và trong cuộc sống.

Tính cá nhân của bài luận cực kỳ quan trọng. Những bài luận ấn tượng thường bắt đầu bằng một điều gì đó bên ngoài hoặc không phải bản thân người viết. Nhưng dù có bắt đầu bằng một hình ảnh ẩn dụ, hay một người khác, bài luận phải là câu chuyện về cá nhân bạn, mà không ai khác trải qua. Đừng bắt đầu bài luận của bạn bằng việc kể về ảnh hưởng của ông nội đến nhân sinh quan của bạn rồi cứ thế tiếp tục viết về ông. Đừng để đến cuối bài, trường đại học muốn nhận ông bạn vào học chứ không phải bạn.

Sự không hoàn hảo và điểm yếu - Vulnerability

Đừng biến bản thân bạn thành anh hùng trong câu chuyện của mình. 16-17 tuổi là lúc để vấp ngã và học hỏi, và chính điều đó khiến bạn đáng quý hơn. Càng không nên tô vẽ bản thân dưới ánh sáng hoàn hảo hay mô tả mình như một kẻ theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ. Sự chưa hoàn hảo, một chút yếu đuối, một vài điểm yếu mà bạn tự nhận thức được sẽ mang vào bài viết của bạn tính nhân văn mà không một công cụ AI nào có thể cạnh tranh được. Nếu câu chuyện của bạn xoay quanh việc học cật lực mà không được A*, luyện tập cả năm mà không đạt huy chương giải thi đấu thành phố, hay không giành giải thưởng quốc tế, rồi tự dằn vặt mình, rồi đau khổ và dùng nỗi thất vọng làm vũ khí để tiếp tục chiến đấu trong cuộc đua đạt giải nhất và cuối cùng cũng thành công, yên tâm là sẽ có vài chục nghìn bài như thế. Những câu chuyện “anh hùng phục hận” kiểu này một là nghe rất hư cấu sáo rỗng, hai là thường khiến người đọc có cảm giác bạn như con cá lớn trong cái ao nhỏ, mà không có được cái nhìn khiêm tốn rằng, vào đại học thì bạn chỉ là một con cá nhỏ trong một đại dương không thấy đâu là bờ.

Những câu chuyện thật sự cá nhân và không hoàn hảo thường cho thấy tính nhân văn của nó mà cho đến giờ công cụ AI như Chat GPT vẫn không thể thắng thế. Ngay sau khi Chat GPT nổi lên như cơn bão càn quét Âu Mỹ và còn chưa đến được những nơi khác cuối năm 2022, ngay lập tức các trường đại học hàng đầu thế giới đã tìm giải pháp cho nhiều vấn đề xung quanh ChatGPT. Ngoài việc sử dụng ZeroGPT để phát hiện trong hồ sơ những bài viết do ChatGPT viết, các trường liên tục đào tạo cán bộ tuyển sinh phân biệt bài viết do người viết và do ChatGPT viết. Một thực tế thú vị là trong 3 buổi hội thảo trực tuyến tôi tham gia, những người làm tuyển sinh ở các trường hàng đầu có thể phân biệt chính xác 100% bài viết do học sinh thực sự viết và bài viết chủ yếu do ChatGPT viết. Họ cho biết với kinh nghiệm đọc hàng nghìn bài viết mỗi mùa tuyển sinh, họ phân biệt bằng vài câu hỏi đơn giản: “Ngôn ngữ của bài viết có tính phân tích, báo cáo hay tự sự và chiêm nghiệm?”, “Bài luận có điểm xuất phát từ một nơi sâu sắc trong phổ cảm xúc con người hay không?”, và đặc biệt là "Khi đọc bài luận, tôi có hình dung về con người thật của tác giả một cách hoàn toàn tự nhiên và cảm thấy gần gũi hơn với tác giả không?”

Sự hiểu biết hay khoảnh khắc “Vậy thì sao?” - Insights or “So what?” moment

Câu chuyện của bạn có thể cảm động và thể hiện tính cách của bạn rõ nét, nhưng nếu cả bài viết, nội dung của bạn luôn bắt đầu bằng chủ ngữ “tôi", tiếp nối bằng những mệnh đề khẳng định thế mạnh của bản thân, thì bài viết của bạn chỉ là lời tuyên ngôn của một kẻ ái kỷ. Bạn cần phải mở rộng câu chuyện của bạn để thấy mình là mảnh ghép nào của bức tranh xã hội muôn màu, bạn ở đâu trong thế giới này, và bạn sẽ đi tìm ý nghĩa sống của bạn với cách bạn tương tác với thế giới xung quanh như thế nào. Những nguyên tắc hành xử nào sẽ giúp bạn tìm được đúng vị trí của mình trong thế giới này? Liệu bạn có phải một người biết tư duy, sẵn sàng học hỏi, hiểu biết về quy luật vận hành của xã hội hay tự nhiên hay không? Bạn sử dụng kiến thức của mình như thế nào và vào những việc gì? Tự hỏi mình dù chỉ một câu hỏi về một thế giới lớn hơn bản thân bạn cũng sẽ giúp bạn có được khoảnh khắc “vậy thì sao" rất thú vị và tỏa sáng của bài viết. Những người đọc hồ sơ ở các trường đại học hàng đầu thường có cái nhìn cởi mở và luôn mong đợi giây phút khiến họ ngạc nhiên hoặc cảm phục trong các bài luận của học sinh.

Năm 2017 Casandra Hsiao đỗ tất cả các trường Ivies, tất nhiên với một hồ sơ ấn tượng, và với một bài viết về hành trình học tiếng Anh của hai mẹ con cô khi nhập cư sang Mỹ từ Malaysia. Một chủ đề không thể đơn giản hơn, và một bài viết không thể chân thành hơn về ngôn ngữ và lối kể chuyện nhưng ẩn chứa tầng lớp những trải nghiệm và cảm xúc đủ mọi cung bậc mà bất cứ một gia đình nhập cư nào cũng có thể đồng cảm. Câu chuyện của Casandra không chỉ có những giá trị cá nhân như sự đồng cảm sâu sắc của cô với những người cùng cảnh ngộ, tình yêu thương gia đình và cộng đồng, mà còn bộc lộ một chút yếu đuối tinh thần khi phải nghi hoặc bản thân trong quá trình hòa nhập, và đặc biệt ý thức về công bằng xã hội. Với một danh sách hoạt động xã hội dày đặc và ở quy mô có ảnh hưởng lớn, cô không chọn viết về bất cứ một sự kiện nào, mà chọn câu chuyện giản dị từ những bài học trong gia đình và thể hiện nhận thức vô cùng sâu sắc về vai trò của cô trong xã hội và đất nước mà gia đình cô lựa chọn. Câu chuyện của Casandra là câu chuyện nước Mỹ.

Trình độ viết - Craft

Chủ đề câu chuyện của bạn không cần phải to tát, hay phức tạp. Trên thực tế, càng bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản, bạn càng dễ dẫn dắt nó đến một ý nghĩa lớn hơn và có chiều sâu hơn. Giả sử bạn đã có nội dung chính của câu chuyện khiến bạn xúc động và dành nhiều suy nghĩ về nó, một điểm tối quan trọng là cách tiếp cận và cách kể chuyện của bạn.

Tôi sẽ không đi sâu vào kỹ năng hay bố cục bài viết, vì như tôi đề cập, bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm trang và các “essay coach" để giúp bạn. Nhưng có một điểm tôi đúc kết được từ hầu hết các bài viết của học sinh Việt Nam tôi từng đọc khi còn làm cho NYU. Một điểm phổ biến cần khắc phục, vì trong 12 năm học tiếng Anh và tiếng Việt trong nhà trường, hầu như các bạn không được học hay thực hành viết một thể loại phù hợp với cách viết bài luận đại học Mỹ: sáng tác truyện ngắn (flash fiction wiring). Có một lưu ý, đó là bạn phải sử dụng kết cấu và kỹ thuật truyện ngắn, nhưng bạn không được hư cấu nội dung. Bạn có thể là nhân vật chính của truyện, nhưng nội dung truyện phải là trải nghiệm của chính bạn, suy nghĩ và cảm xúc của chính bạn.

Những bạn gửi tôi bài viết bản đầu, phần lớn rơi vào hai trường hợp: 1) viết như bài luận của IELTS và 2) viết như văn kể chuyện lớp 6. Với trường hợp thứ nhất, các bạn nên khởi động lại hoàn toàn bộ nhớ của mình để rũ khỏi bài luận IELTS - thứ ngôn ngữ hàn lâm, từ vựng đao to búa lớn hoặc hoa lá cành sẽ chỉ khiến bạn càng giống với ChatGPT mà thôi. Với trường hợp thứ hai, cần hiểu văn kể chuyện các bạn học ở lớp 6 là thể loại tường thuật (kể lại sự kiện có thật xảy ra với bạn, thường kết thúc bằng cảm nghĩ trực tiếp, phù hợp với học sinh lớp 6). Bài luận của hồ sơ đại học Mỹ là thể loại viết sáng tạo dựa trên cấu trúc của một truyện ngắn – bạn phải biết vận dụng kết cấu truyện với các thành tố: trình bày - thắt nút - phát triển - cao trào/điểm đỉnh - kết và các kỹ thuật sử dụng phương tiện văn học như ẩn dụ, biểu tượng hay các biện pháp tu từ khác. Các bạn cấp 3 viết phân tích văn học hay nghị luận tốt, nhưng sáng tác tốt thì khá hiếm.

Bài viết đặc biệt sáng tạo của Tô Mỹ Ngọc giúp cô đỗ vào Harvard năm 2017 là một ví dụ điển hình của sự kết hợp cả 4 yếu tố trên, khi cô viết về những chiếc áo ngực và liên hệ chúng với vòng luân hồi của cuộc sống và sự xuất hiện hay tàn lụi của những ngôi sao trong vũ trụ. Cô là một người có tư duy sáng tạo và có kỹ thuật viết xuất sắc.

Nhưng không nhất thiết trường hợp thành công nào cũng chỉ đến từ tài năng viết bẩm sinh. Để có những bài viết như thế, người viết hoặc phải sống sâu sắc, hoặc phải miệt mài hoàn thiện câu chuyện của mình. Các bạn tham khảo câu chuyện của một học sinh người Ấn Độ, với hai phiên bản: bản nháp đầu, và bản cuối sau khi làm việc với tôi gần 3 tháng (với sự đồng ý của bạn ấy). Tôi chỉ đặt câu hỏi, bạn tự sửa bài hoàn toàn. Bài không quá đặc biệt, cũng không có một câu chuyện xúc động, nhưng là mảnh ghép vừa vặn vào hồ sơ vốn đã ấn tượng của bạn. Hiện bạn đang học năm thứ 3 trường Wharton của UPenn, một trong 8 trường Ivies trong chương trình Tài chính số 1 nước Mỹ.


Jul 21, 2023

35 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL