Ở bậc đại học thì xếp hạng trường có quá quan trọng không?- Nguyễn Yến Khanh

Mình nhiều khi xót ruột thay cho các gia đình không quá khá giả mà phải bán nhà bán cửa để chạy đua cho con học trường có thứ hạng cao, kiểu top 10, 20 hay 30 thế giới gì đấy.

Nếu mọi người hiểu tiêu chí xếp hạng các trường đại học thì sẽ thấy ồ hóa ra xếp hạng này không có nhiều ý nghĩa và giá trị trực tiếp cho sinh viên bậc đại học. Nếu bạn nhìn vào bảng tiêu chí xếp hạng của Times Higher Education (THE), chỉ có 30% trọng số xếp hạng dành cho giảng dạy thôi. Mà trong 30% đó, cũng chỉ có 15% trọng số là dành cho uy tín giảng dạy. Phần còn lại dành cho tỷ lệ nhân viên và sinh viên, tỷ lệ giữa sinh viên bậc tiến sỹ so với bậc đại học, tỷ lệ tiến sỹ trên số giảng viên và thu nhập của trường. Điều đó có nghĩa là nếu trường tập trung vào đào tạo tiến sỹ, họ sẽ giành điểm cao trong bảng xếp hạng, mà con bạn học bậc đại học thì đâu có hưởng lợi.

Thực ra những giáo sư giỏi nhất, nghiên cứu năng suất nhất lại cũng chẳng thiết tha dạy bậc đại học đâu, họ thích hướng dẫn nghiên cứu sinh hơn, vì các nghiên cứu sinh cũng giúp họ tăng năng suất nghiên cứu và xuất bản. Nghiên cứu và xuất bản mới là thứ giúp cá nhân các giáo sư tăng thứ hạng, chứ không phải là việc giảng dạy. Một giáo sư ở trường top tại Mỹ chỉ phải dạy 2-4 lớp trong suốt cả năm học. Mà họ cũng chỉ dạy lecture, tức là họ lên lớp giảng lý thuyết 1-2h, còn tutorial/seminar hay thực hành là do các bạn nghiên cứu sinh hay các thạc sỹ dạy.

Giáo sư nghiên cứu thì họ sẽ giỏi lý thuyết, có cái nhìn rộng và sâu về ngành, nhưng chưa chắc họ đã dạy cho con bạn những kỹ năng hands on, thiết thực cho việc bươn chải trong đời. Những ngành thực hành như marketing truyền thông thì có khi những thạc sỹ có kinh nghiệm thương trường thực chiến sẽ dạy những kiến thức, kỹ năng thực tế tốt hơn các giáo sư cả đời nghiên cứu những thứ cao siêu trong tháp ngà.
Bảng xếp hạng dành 7.5% trọng số cho mức độ hợp tác quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế và nhân viên đa quốc tịch của trường, 2.5% dành cho thu nhập từ việc chuyển giao tri thức từ trường đại học ra các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài.

Thứ hạng của trường chỉ có lợi trực tiếp cho sinh viên đại học ở chỗ nó giúp trường tuyển được những người xuất sắc nhất, bạn sẽ được học chung với toàn những nhân tài của nhân loại. Học từ bạn bè cũng là một thành tố quan trọng trong giáo dục đại học. Nhưng điều này có một mặt trái là khi vào những trường top, bạn sẽ thấy lòng tự tôn của mình rơi tõm xuống vực sâu, vì ở Việt Nam bạn có xuất sắc cỡ nào, thì môi trường xã hội và gia đình ở Việt Nam cũng không thể cho bạn được mức độ quan hệ, hiểu biết, sắc sảo, thạo đời như bọn con nhà tỷ phú, quý tộc lâu đời ở các nước giàu. Chính sinh viên Mỹ học tại các trường top ở Mỹ cũng nói họ gặp khó khăn cảm xúc, hay thậm chí trầm cảm khi quăng mình vào môi trường toàn bọn siêu nhân, dị nhân, quái nhân, toàn những ngôi sao cố cạnh tranh khốc liệt để tỏa sáng.

Nếu bạn nào học thạc sỹ nghiên cứu hay làm nghiên cứu sinh thì bạn mới thực sự được hưởng lợi từ trường top nọ, top kia. Giáo sư hướng dẫn giỏi thì bạn cũng được mở mang và sau này nếu họ đứng tên đồng tác giả trong bài báo xuất bản hay viết thư giới thiệu cho bạn khi đi xin việc ở các vị trí học thuật thì bạn có lợi thế hơn.
Bảng xếp hạng của THE dành tận 60% trọng số cho nghiên cứu. Trong đó họ dành 30% trọng số cho số lượng bài báo khoa học trường công bố trên các tạp chí, số tiền tài trợ cho nghiên cứu mà trường giành được từ các nguồn quỹ bên ngoài. Họ dành tới 30% trọng số cho số lượng trích dẫn các bài xuất bản của trường. Một số nhà khoa học danh tiếng, được trích dẫn nhiều nhất ở các trường danh tiếng cũng dính scandal giả số liệu nghiên cứu, gian lận, bơm thổi chỉ số trích dẫn, đủ cả ấy. Một số trường ở Việt Nam đã học đòi đẩy chỉ số xếp hạng bằng cách mua bài nghiên cứu, nên trong giới “học giả” bây giờ còn có các “đầu nậu” bán bài nghiên cứu sản xuất hàng loạt luôn.

Mình từng học trường top 120 thế giới, từng dạy tại trường top 300 thế giới, và hiện đang dạy ở trường top 80 thế giới theo bảng xếp hạng THE, nên mình nói dựa trên phân tích và trải nghiệm thực tế. Bạn nào đã và đang học ở trường top 10, 20 hay 30 thế giới chia sẻ suy nghĩ hay phản biện về những phân tích trên của mình nhé.

Cha mẹ ở Việt Nam hay chê giáo dục Việt Nam chạy theo thành tích, chứ Ivy League hay top nào của thế giới cũng chạy theo thành tích hết, mà họ đầu tư nhiều triệu đô và đạt tới trình độ siêu chạy theo thành tích, siêu đánh bóng tên tuổi, và siêu làm giá ấy chứ các trường ở Việt Nam tuổi gì.
Vậy nên, mình vẫn nói, ở bậc đại học thì học trường top 100-200 cũng đủ tốt rồi. Lên tới đại học thì bạn trông chờ ở trường 50% thôi, 50% còn lại hãy trông chờ ở khả năng tự học của chính bản thân mình ấy. Nếu bạn đủ tiền mua Ford thì hãy mua Ford hay thương hiệu nào cùng phân khúc là được rồi, sao phải cố Bentley hay Rolls Royce mà làm cái gì? Nếu bạn quay về Việt Nam làm việc thì học trường top cũng giống như tậu Ferrari hay Lamboghini để chạy ở Hà Nội hay Sài Gòn ấy, đường tắc cứng thì Fe hay Lam cũng nhích được 10km/giờ chứ mấy. Kiến thức, kỹ năng ở đại học cũng mang tính phổ cập, nền tảng thôi, làm gì mà phải căng.

Ý kiến thêm:

Có câu thành ngữ: "Học thầy không tày học bạn". Nên vào trường có thang xếp hạng cao chủ yếu là để có môi trường tốt, học cùng các bạn giỏi giang, xây dựng networking tốt cho công việc tương lai em ạ. Tất nhiên, không phải 100% học sinh vào đó sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt, nhưng trên 70% có khả năng kiếm được việc làm tốt là nhờ networking. Ngoài ra, danh tiếng của một trường đại học cũng có thể là một ưu thế khi xin việc. Vd, khi nộp đơn ứng tuyển thì thực tập sinh luật của Harvard có % cao được để mắt đến hơn là một thực tập sinh luật của một trường ít tên tuổi. Nói chung, vào được trường có ranking cao là bước khởi đầu tốt, nhưng không nên trèo cao quá, quan trọng là tuỳ năng lực tài chính và năng lực bản thân người học.

"Thứ hạng của trường chỉ có lợi trực tiếp cho sinh viên đại học ở chỗ nó giúp trường tuyển được những người xuất sắc nhất, bạn sẽ được học chung với toàn những nhân tài của nhân loại. Học từ bạn bè cũng là một thành tố quan trọng trong giáo dục đại học. Nhưng điều này có một mặt trái là khi vào những trường top, bạn sẽ thấy lòng tự tôn của mình rơi tõm xuống vực sâu, vì ở Việt Nam bạn có xuất sắc cỡ nào, thì môi trường xã hội và gia đình ở Việt Nam cũng không thể cho bạn được mức độ quan hệ, hiểu biết, sắc sảo, thạo đời như bọn con nhà tỷ phú, quý tộc lâu đời ở các nước giàu. Chính sinh viên Mỹ học tại các trường top ở Mỹ cũng nói họ gặp khó khăn cảm xúc, hay thậm chí trầm cảm khi quăng mình vào môi trường toàn bọn siêu nhân, dị nhân, quái nhân, toàn những ngôi sao cố cạnh tranh khốc liệt để tỏa sáng."

Đôi khi chị nghĩ thà rằng "thằng chột làm vua xứ mù" còn hơn vào những nơi quá xuất sắc.


Jul 20, 2023

9 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL