Giáo dục sáng tạo trong kỷ nguyên AI

1. Sáng tạo là tạo ra các giá trị mới. Vygotsky chia hoạt động tinh thần của con người thành tái tạo và sáng tạo. Tái tạo chủ yếu liên quan tới trí nhớ, thực hiện lại những quá trình đã biết, tái tạo ra các kết quả đã biết. Cá nhân tôi cho rằng trong ứng dụng thực tiễn, ở một mức độ nào đó hoạt động tái tạo ở một mức độ nào đó phải đi kèm với chút ít sáng tạo. Trong thời đại ngày nay mức độ đó đã tăng đáng kể và sẽ đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên của AI và Tỉnh thức đang tới.

2. Đa số chúng ta, thậm chí các nhà tâm lý học truyền thống, cho rằng sáng tạo là năng khiếu đặc biệt của một số người như Einstein, Goethe, Mozart…. Vygotsky cho rằng nói như vậy về tài năng cũng như nói về điện mà chúng ta phân biệt sự phóng điện trong sấm sẻ với chập điện của một chiếc pin bỏ túi. Đã đành để tạo ra những kiệt tác đòi hỏi tài năng đặc biệt, nhưng sáng tạo là một hoạt động có mặt khắp nơi chứ không phải là thiên ân hay đặc quyền.

3. Tuyệt đại đa số sáng tạo của loài người là vô danh, vì vậy khó nói về sáng tạo như một ngoại lệ. Ngược lại, nếu sáng tạo là phổ quát, chúng ta có thể bàn về giáo dục tính sáng tạo, để thay thế một quá trình chờ đợi năng khiếu hình thành ngẫu nhiên mà chúng ta hay gọi là trời phú. Tôi đã làm việc với những trẻ không được coi là xuất sắc, thậm chí bị coi là kém cỏi, và thấy rằng nếu được khai mở đúng, chúng sẽ chẳng thua kém những trẻ xuất sắc và sáng tạo.

4. Nói như vậy không có nghĩa ai cũng có thể trở thành Einstein, Goethe, Mozart,… Các cá thể sinh vật sinh ra đã không đồng đều, có hơn kém do di truyền, lại được thụ hưởng điều kiện giáo dục khác nhau. Tuy vậy, chắc chắn rất nhiều tài năng đã bị thui chột do cuộc sống, hoặc bị nền giáo dục lạc hậu đè bẹp.

5. Lịch sử sáng tạo cho thấy rằng các tài năng thường ra đời từng nhóm đông tập trung vào một khoảng thời gian và vị trí địa lý. Điều đó có nghĩa là môi trường giáo dục của họ, dù không được thiết kế có chủ đích, đã phù hợp với sự sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa là có rất nhiều tài năng của nhân loại đã bị bỏ phí. Không nói đến các trường hợp do điều kiện sống, cải cách có ý thức dựa trên hiểu biết mới về sáng tạo có thể nâng cao mức độ sáng tạo của con người kể cả việc giữ được các nhân tài bị bỏ phí.

6. Lịch sử Việt Nam đã có những giai đoạn rất nhiều nhân tài như thế kỷ 18. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể nhen nhóm lại một môi trường giáo dục sáng tạo thay vì chờ đợi ở sự may rủi của số phận. Có thể thấy trong hoàn cảnh hiện nay, một thế hệ Tân Tinh Việt sáng tạo sẽ là điều kiện để chúng ta có thể hưng thịnh. Tận dụng cơ hội, lên tiếng với thói hư tật xấu, một vài thành công trưng bày tủ kính đều cần thiết, nhưng đều sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có một thế hệ VIENOVA.

7. Cần phải thành thực mà nói chúng ta chưa biết hết về bí mật của quá trình sáng tạo. Tuy nhiên chúng ta cũng đã biết nhiều điều mà nền giáo dục ngày nay vẫn chưa chịu để ý tới. Điều đó nằm ngoài ranh giới của sự hiểu biết, bởi như Einstein nói: chiến đấu với sự dốt nát và vô cảm thì Thượng Đế cũng luôn nỗ lực và hoài công. Tuy vậy, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải và có thể làm những gì có thể để lan toả điều hiểu biết ra xung quanh. Nếu hiểu biết đó có giá trị và hợp quy luật, nó sẽ tự sinh sôi.

8. Sự phát triển của AI sẽ biến những hoạt động tái tạo thành sự hoạt động máy móc. Những sáng tạo thực sự sẽ tách khỏi các hoạt động tái tạo với hàm lượng sáng tạo thấp. Những người bình thường nhất trong tương lai cũng tạo ra được những giá trị như đa số những người được coi là sáng tạo hiện nay. Nói như thế không có nghĩa là sáng tạo sẽ hoàn toàn do AI đảm nhận. Những tài năng luôn hiếm hoi và sẽ luôn như vậy. Nhưng tài năng của mỗi thời đại luôn có những đỉnh cao cần chinh phục. Điều đáng nói là tính sáng tạo phổ quát sẽ là bắt buộc và ngày càng đòi hỏi cao hơn. Đây là cơ hội cho những ai nắm bắt được và cũng là thách thức, thậm chí thảm hoạ với người chậm chạp.

9. Sáng tạo như Vygotsky nói dựa trên tưởng tượng. Phải nói là giáo dục của chúng ta ngày nay là một cỗ máy giết chết trí tưởng tượng của trẻ khá hiệu quả. Trẻ 11-12 tuổi đã không có thời gian đọc sách hư cấu, để nuôi dưỡng trí tưởng tượng là chuyện khá phổ biến. Tôi thấy nhiều trẻ xuất sắc, là ngôi sao trong mọi môi trường, nhưng không được khuyến khích tưởng tượng. Có thể một trẻ biết rất tốt các thông tin về môi trường, kinh tế, xã hội, làm toán thành thạo, tiếng Anh trôi chảy, sẽ thành công trước mắt. Nhưng tôi không hoàn toàn yên tâm với tương lai đòi hỏi tính sáng tạo ngày một cao của những đứa trẻ không có trí tưởng tượng.

10. Trí tưởng tượng mới chỉ là tiền đề của sáng tạo hoàn toàn chưa đảm bảo các giá trị mới ra đời. Người sáng tạo cần kiểm soát được tưởng tượng và lựa chọn so sánh bằng lý trí và tỉnh thức. Đôi khi họ cần cảm xúc để thăng hoa, thì điều khiển cảm xúc là yếu tố quyết định, bởi vì trong một môi trường sống với tốc độ cao, nhiều thông tin, cảm xúc không thể điều khiển sẽ tạo thành các tình huống mắc kẹt ý thức “lang bạt kỳ hồ”. Nhân tài và bệnh thần kinh chỉ cách nhau một chân tơ kẽ tóc.


Jun 05, 2024

9 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email