4 Đặc Điểm Chính Để Trở Thành Một Trường Phổ Thông Quốc Tế Trọn Vẹn

4 Đặc Điểm Chính Để Trở Thành Một Trường Phổ Thông Quốc Tế Trọn Vẹn

Do bối cảnh hội nhập và giao lưu, liên kết trong hệ thống giáo dục của các quốc gia, với tác động của toàn cầu hóa, giáo dục hiện tại như một hàng hóa quốc tế và tiếng Anh như là ngôn ngữ chính của quốc tế.
Điều này nhìn chung đã khiến cho nhiều gia đình với trải nghiệm quốc tế và định hướng tương lai xa có thêm nhu cầu cho con em học trường quốc tế tiếng Anh, xem như một phương tiện để đạt “lợi thế cạnh tranh”, chẳng hạn như tiếp cập với giáo dục đại học Mĩ, Anh, Úc, Canada,... từ sớm.
Với số lượng ngày càng tăng của các trường quốc tế tại Việt Nam, hệ thống giáo dục quốc gia cũng như tâm lý giáo dục của các gia đình cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều gia đình khi tìm hiểu các mô hình trường và chương trình cho con đã bị bối rối trước ma trận các chương trình giáo dục quốc tế hiện tại.
Trong bài viết này, em xin tổng hợp và phân loại một số mô hình trường quốc tế trên thế giới đã và đang có mặt tại Việt Nam, cũng như chia sẻ về đặc trưng các chương trình của những trường này.
Bài viết tham khảo bài nghiên cứu về giáo dục quốc tế của cô Nguyễn Thị Hồng Vân tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Nhìn chung, một trường coi là trường quốc tế thường có bốn đặc điểm cơ bản sau:

  1. Học sinh và giáo viên đa quốc gia, sử dụng đa ngôn ngữ, tỉ lệ học sinh là người nước ngoài cao hơn so với trường bình thường;
  2. Giảng dạy chương trình giáo dục quốc tế, hoặc chương trình một số quốc gia có nền giáo dục chất lượng cao mang tính quốc tế như: Mĩ, Anh, Pháp, Úc, Canada..., đồng thời với một số chương trình giáo dục quốc gia;
  3. Mục tiêu giáo dục là để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho học sinh có thể tiếp tục học lên bậc giáo dục đại học ở nước ngoài;
  4. Văn hóa trường học mang tính ‘thúc đẩy giáo dục quốc tế’ không chỉ tạo ra môi trường quốc tế, mà còn quan tâm đến các giá trị, hành động và thái độ mang tính toàn cầu, đào tạo ra những công dân toàn cầu.

Mô Hình Trường Quốc Tế

Nhìn chung, một trường quốc tế tốt và hiệu quả sẽ phải tập trung vào bốn yếu tố chính, đó là:
  1. Nền tảng của chương trình giáo dục tổng thể: Niềm tin và triết lí, sứ mệnh nhà trường và chương trình giáo dục, các chuẩn nội dung và năng lực;
  2. Hệ thống phân phối nguồn lực thực hiện chương trình giáo dục: Phát triển và hướng dẫn thực hiện chương trình theo cấp học, môn học, lập kế hoạch cá nhân học sinh, các dịch vụ giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, và hệ thống hỗ trợ;
  3. Hệ thống quản lí: Các thỏa thuận quản lí đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả hệ thống phân phối nguồn lực để đáp ứng nhu cầu học sinh, sử dụng dữ liệu, thông tin để đảm bảo mỗi học sinh đều nhận được những lợi ích của chương trình, kế hoạch hành động, sử dụng thời gian và thời khóa biểu;
  4. Hệ thống giải trình: Báo cáo kết quả đầu ra, đánh giá việc thực hiện theo các tiêu chuẩn, tham gia kiểm định chương trình, kiểm định chất lượng giáo dục nhà trường từ các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

Phân Loại Trường Quốc Tế(Hoặc Có Yếu Tố Quốc Tế) Ở Việt Nam

Trường phổ thông quốc tế đa quốc gia như: Nisai, UNIS, HIS,...
Mô hình này đáp ứng các đặc điểm cơ bản sau của trường quốc tế:
  1. Học sinh và giáo viên đa quốc gia, sử dụng đa ngôn ngữ, tỉ lệ người người nước ngoài cao hơn so với trường bình thường;
  2. Thực hiện chương trình giáo dục quốc tế, hoặc chương trình một số quốc gia có nền giáo dục mang tính quốc tế như Mĩ, Anh, Pháp, Úc, Canada...;
  3. Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho học sinh có thể tiếp tục học lên giáo dục đại học ở nước ngoài;
  4. Có nền văn hóa trường học ‘thúc đẩy giáo dục quốc tế’ - không chỉ tạo ra môi trường quốc tế (chương trình quốc tế và học sinh đa quốc gia), mà còn là về các giá trị, hành động và thái độ mang tính toàn cầu.
Trường phổ thông quốc tế của một quốc gia đặt tại Việt Nam: trường quốc tế Việt - Hàn, trường quốc tế Việt - Phần,...
Mô hình này đáp ứng các đặc điểm cơ bản sau của trường quốc tế:
  1. Học sinh và giáo viên chủ yếu đến từ 1 quốc gia, sử dụng đa ngôn ngữ (từ 2 ngôn ngữ trở lên: Tiếng Việt và ngôn ngữ của quốc gia đó);
  2. Thực hiện chương trình của quốc gia đó;
  3. Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho học sinh có thể tiếp tục học lên giáo dục đại học ở nước ngoài;
  4. Có nền văn hóa trường học ‘thúc đẩy giáo dục quốc tế’ - không chỉ tạo ra môi trường quốc tế (chương trình quốc tế và học sinh đa quốc gia), mà còn là về các giá trị, hành động và thái độ mang tính toàn cầu.
Trường phổ thông quốc tế dành cho học sinh Việt Nam: BVIS, Vinschool, TH School,... (cho học sinh quốc tế và học sinh bản ngữ)
Mô hình này đáp ứng các đặc điểm cơ bản sau của trường quốc tế:
  1. Học sinh (đa số là học sinh Việt Nam, có học sinh quốc tế) và giáo viên đa quốc gia (tỉ lệ giáo viên nước ngoài cao hơn so với giáo viên Việt Nam và đạt tiêu chuẩn giáo viên quốc tế), sử dụng đa ngôn ngữ (từ 2 ngôn ngữ trở lên: Tiếng Việt và ngôn ngữ quốc tế khác: Anh, Pháp,...);
  2. Thực hiện chương trình giáo dục quốc tế, hoặc chương trình một số quốc gia có nền giáo dục mang tính quốc tế như Mĩ, Anh, Pháp, Úc, Canada..., thích ứng với chương trình giáo dục quốc gia của Việt Nam;
  3. Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho học sinh có thể tiếp tục học lên bậc đại học ở nước ngoài;
Trường phổ thông quốc tế song ngữ: Olympia, Academy,...
Mô hình này đáp ứng các đặc điểm cơ bản sau của trường quốc tế:
  1. Học sinh (chủ yếu là học sinh Việt Nam) và giáo viên đa quốc gia (giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam), sử dụng từ 2 ngôn ngữ trở lên (Tiếng Việt và ngôn ngữ quốc tế khác: Anh, Pháp,...);
  2. Thực hiện song song chương trình giáo dục quốc tế, hoặc chương trình một số quốc gia có nền giáo dục mang tính quốc tế như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada..., và chương trình giáo dục quốc gia của Việt Nam (dạy 2 buổi/ ngày; 1 buổi dạy chương trình quốc tế và một buổi dạy chương trình Việt Nam);
  3. Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho học sinh có thể tiếp tục học lên bậc đại học ở nước ngoài.

So sánh các chương trình quốc tế dành cho hệ THPT hiện nay

Tại Việt Nam hiện tại có rất nhiều chương trình trung học phổ thông quốc tế cho các phụ huynh học sinh lựa chọn theo học.
Về tích cực, mức độ đa dạng các chương trình giáo dục cho phép phụ huynh học sinh có thể tùy ý lựa chọn chương trình phù hợp nhất với khả năng và định hướng phát triển của con.
Về tiêu cực, việc quá nhiều chương trình đổ bộ tứ phía như chương trình quốc tế, song ngữ, tích hợp,... có thể khiến các gia đình choáng váng, nhầm lẫn hoặc hiểu sai về các chương trình, do đó khó xác định được nội dung cần thiết cho con.
Ưu điểm rõ rệt nhất của trường quốc tế chính là cơ sở vật chất hiện đại do sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài, giáo trình được xây dựng và thiết kế dựa trên tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới hoặc các chương trình có tiếng như IB, CIE… Bằng cấp có giá trị quốc tế, được công nhận toàn cầu.
Nhược điểm của chương trình quốc tế chính là học phí cực “khủng”, bằng học phí du học tại nước ngoài, tiêu chí tuyển sinh tương đối khắt khe và không phải bất kỳ ai cũng có thể dự tuyển.
 
 

Các ưu và nhược điểm của chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam

Các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và học sinh vì nhiều ưu điểm cũng như cơ hội hấp dẫn mà các chương trình mang lại. Song bên cạnh đó, việc theo học những chương trình quốc tế cũng kèm theo vài khuyết điểm.
Bài hôm nay em xin chia sẻ góc nhìn của em về ưu và nhược của việc cho con theo học chương trình quốc tế tại Việt Nam

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO QUỐC TẾ LÀ CÁNH CỬA DẪN TỚI TRI THỨC QUỐC TẾ TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP

Hiện nay, hầu hết các trường học tại Việt Nam đều có xu hướng tiếp cận các tri thức học tập tiên tiến, hiện đại của các quốc gia phát triển. Việc đẩy mạnh học tập ngoại ngữ cũng như xuất hiện nhiều chương trình quốc tế, trao đổi quốc tế đã thể hiện rõ sự phát triển cũng như định hướng tiến bộ trong thời kì hội nhập. Việc du nhập các nền giáo dục quốc tế, mang tính toàn cầu trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho các học sinh tại Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế từ sớm. Tại Việt Nam các chương trình đào tạo quốc tế đang ngày một phát triển, nhiều trường học quốc tế đủ mọi cấp bậc từ tiểu học tới THCS, THPT và cả bậc đại học đã và đang xuất hiện.
Với những bạn học sinh theo học chương trình quốc tế, sau khi tốt nghiệp các bạn sẽ được nhận bằng chứng nhận tốt nghiệp phổ thông chương trình quốc tế. Những chiếc bằng này có giá trị mang tính quốc tế và được công nhận tại phần lớn các trường Đại học danh tiếng hàng đầu thế giới.

Một số ưu điểm của chương trình đào tạo quốc tế

NỘI DUNG KIẾN THỨC GIẢNG DẠY ĐẠT CHUẨN QUỐC TẾ

Chương trình đào tạo quốc tế hiện nay tại Việt Nam hầu hết được phát triển theo hình thức chuyển giao, chương trình được giáo viên bản địa giảng dạy với chất lượng được kiểm duyệt nghiêm ngặt, hoặc theo hình thức nhập khẩu hoàn toàn, tức là việc giảng dạy được cung cấp bởi các giáo viên quốc tế.
Bằng hình thức này, học sinh có thể được học nội dung kiến thức, chương trình đạt chuẩn quốc tế ngay tại nhà của mình, nhận bằng cấp có giá trị như đi du học nước ngoài.

NÂNG CAO KỸ NĂNG NGOẠI NGỮ

Hiện nay các trường Đại học đang triển khai yêu cầu đầu vào và đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên vô cùng nghiêm ngặt. Cũng có rất nhiều công ty, tập đoàn yêu cầu nhân viên cần phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định.
Với những học sinh theo học chương trình quốc tế, ví dụ như chương trình Cambridge, IB,... tiếng Anh là ngôn ngữ chính và bắt buộc sử dụng trong quá trình học. Học sinh được rèn luyện thành thạo cả 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết và sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn trong suốt quá trình học tập và phát triển. Điều này giúp học sinh có lợi thế hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn trong tương lai, không chỉ khi ứng tuyển thi đại học mà còn sau này khi vào thị trường việc làm.

MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP NĂNG ĐỘNG

Các chương trình đào tạo quốc tế không chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức chuyên môn cho người học mà còn chú trọng nhiều đến việc rèn luyện và đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng cộng đồng thông qua các hoạt động ngoại khoá. Các môn học kỹ năng mềm được đưa vào danh sách những môn học trong chương trình để học sinh có thể tự do lựa chọn cho phù hợp với định hướng phát triển bản thân thay vì học chung cùng một khung kiến thức.
Ví dụ, nếu học sinh theo học chương trình Cambridge, học sinh có thể học môn Thinking Skills ở bậc A Levels, môn học giúp học sinh bổ trợ kỹ năng tư duy trong quá trình học và phát triển.
Với chương trình quốc tế, học sinh được khuyến khích nói lên ý kiến, thể hiện khả năng bản thân, được rèn luyện và khuyến khích phát triển khả năng quyết định, tự lập và được trang bị đầy đủ các kỹ năng để trở thành những công dân toàn cầu có khả năng giao tiếp, tôn trọng nền văn hóa các quốc gia, làm việc vì lợi ích chung và sống có trách nhiệm với cộng đồng.

ĐIỀU KIỆN HỌC TẬP

Quy mô lớp học của các chương trình đào tạo quốc tế thường nhỏ hơn các lớp học thông thường, tối đa chỉ khoảng 15 học sinh mỗi lớp, như vậy giáo viên có thể theo dõi và đánh giá sát sao, chi tiết cũng như hỗ trợ các bạn học sinh kịp thời. Các trường quốc tế cũng được trang bị nguồn tài liệu học tập đa dạng, nguồn kiến thức tham khảo phong phú để các bạn học sinh có thể tự do tìm hiểu và phát triển. Tương tác giữa học sinh và giáo viên là hai chiều thay vì một chiều như lớp học truyền thống. Tất cả những điều này giúp học sinh tự tin, năng động và sáng tạo.

Một số nhược điểm của chương trình quốc tế

HỌC PHÍ CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ

Học phí của các chương trình quốc tế trong nước cao hơn hẳn so với chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục Việt Nam, một phần do chương trình của BGD có ngân sách cấp bù học phí và hỗ trợ học phí cho học sinh, một phần do chênh lệch chi phí giáo dục và đào tạo giữa chương trình trong nước và ngoài nước. Tuy vậy, thời lượng học mỗi tiết của các chương trình quốc tế lại ngắn hơn chương trình của BGD, và tổng khối lượng kiến thức của chương trình quốc tế thì nhẹ hơn do sự phân hoá chuyên ngành về sau. Với mức chi phí khác biệt như vậy, PHHS cần cân nhắc lựa chọn chương trình học và môn học cho học sinh thật kỹ.

KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ

Thường các chương trình học quốc tế sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn của các tổ chức giáo dục uy tín quốc tế, ví dụ như chương trình Cambridge, chương trình IB, chương trình AP, chương trình học Pearson,… Mỗi lớp học của các chương trình này kéo dài từ 40-45 phút, tuy nhiên tại mức phổ thông thì lượng kiến thức của các chương trình này khá nặng, kiến thức đào sâu và đi vào chi tiết, yêu cầu học sinh có khả năng khai thác và tìm hiểu kiến thức cao, cũng như tự giác tìm hiểu và ôn tập bài học.
Việc học các chương trình quốc tế cũng xây dựng cho học sinh một góc nhìn quốc tế về các giá trị, quan điểm văn hoá, lịch sử, chính trị,… thay vì góc nhìn theo từng quốc gia theo chương trình phổ thông địa phương.
Ví dụ như chương trình Lịch sử tại Việt Nam sẽ cho học sinh góc nhìn về lịch sử Việt Nam và cả thế giới và phân tích thêm ảnh hưởng của những sự kiện lịch sử thế giới đối với Việt Nam, trong khi môn học Lịch sử IGCSE sẽ tập trung vào các sự kiện lịch sử quốc tế như Chiến tranh thế giới I & II, cũng như phân tích ảnh hưởng của sự kiện, nhân vật lịch sử thế giới tới các khu vực, các quốc gia nói chung; còn chương trình AP lại chia Lịch sử thành 2 môn: Lịch sử Hoa Kỳ và Lịch sử Thế giới Hiện đại để học sinh lựa chọn.
Tương tự với những môn văn hoá, ví dụ như môn Ngữ văn Việt Nam sẽ dạy học sinh những tác phẩm văn học đại diện cho từng thời kì văn học tại Việt Nam cũng như nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật kinh điển quốc tế. Còn với chương trình quốc tế, học sinh có thể lựa chọn học Văn học Anh hoặc Văn học Quốc tế (IGCSE), hay Văn học Anh và Văn học một số nước tuỳ chọn (AP).
Do đó, tuỳ theo nhu cầu kiến thức và học tập của học sinh mà PH có thể chọn chương trình và môn học cho phù hợp.

GIÁ TRỊ BẰNG CẤP CỦA CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ

Thông thường, PH cho con theo học chương trình quốc tế là để con có thể phát triển tri thức theo một góc nhìn khác, được tiếp cận với nền tri thức quốc tế, hoặc đơn giản là tạo tiền đề cho con đi du học sau này.
Hiện tại ở Việt Nam, các trường Đại học đang dần cởi mở hơn và tiếp nhận các chứng chỉ phổ thông quốc tế. Tuy vậy, vẫn có nhiều trường chỉ chấp nhận một số bằng nhất định, chỉ khi nộp hồ sơ vào một số ngành nhất định thì học sinh mới có thể được xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế.
Ví dụ như phương án tuyển sinh năm học 2022 của trường Đại học Kinh tế Quốc Dân cho phép học sinh nộp bằng quốc tế với điều kiện có điểm SAT/ACT phải đạt tiêu chuẩn trường đề ra, hay như phương án tuyển sinh của trường Đại học Ngoại thương năm 2022 cho phép học sinh nộp hồ sơ gồm kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level).
Tương tự trên quốc tế, các trường đại học thuộc lãnh thổ, quốc gia nhất định sẽ ưu tiên một số bằng cấp quốc tế nhất định. Ví dụ như tại Anh hay các quốc gia thuộc khối thịnh vượng chung, bằng IGCSE/GCSE sẽ được chấp nhận là một trong những phương án xét tuyển. Tại Mỹ, sẽ thuận tiện hơn cho học sinh nếu học sinh ứng tuyển vào các trường Đại học bằng kết quả các môn AP, hay các chứng chỉ SAT, ACT.
Do đó, trước khi quyết định đầu tư cho con theo học chương trình quốc tế, PH nên cân nhắc kỹ con đường học tập cũng như dự định phát triển tương lai cho con mình để có thể đưa ra quyết định tốt nhất.

Nguồn: 

https://www.facebook.com/groups/4564924543574991/permalink/7356457411088343/

https://www.facebook.com/groups/4564924543574991/permalink/5924400914294007/

https://www.facebook.com/groups/4564924543574991/permalink/5834576403276459/

 


May 05, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL