4 NĂM CUỐI TRUNG HỌC
4 NĂM CUỐI TRUNG HỌC
Rất nhiều phụ huynh đồng ý rằng: muốn đầu tư vào chất lượng con người, văn hóa, hệ thống giá trị cá nhân, thì cần đầu tư vào toàn bộ chuỗi giáo dục phổ thông; còn nếu muốn đầu tư cho phát triển sự nghiệp, việc làm và tư duy thì giáo dục đại học là giai đoạn đột phá. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh vai trò của giáo dục phổ thông và giáo dục đại học với phần còn lại của cuộc đời một con người.
Để có cơ hội vào một đại học tốt, việc chuẩn bị thực ra bắt đầu ít nhất từ 3-4 năm trước đó, tức là khoảng 4 năm cuối trung học. 4 năm học này có ý nghĩa quan trọng ở tất cả các nền giáo dục, dù là Việt Nam, Anh hay Mỹ, vì đó là bước đệm cho sự chuyển tiếp vào đại học. Do vậy, trong khi cổ vũ cho tuổi tiểu học an nhàn và vui chơi, thì tôi tin rằng bắt đầu từ trung học, thành tích học tập của học sinh vô cùng quan trọng, vì nó có những hệ quả đối với việc vào đại học cũng như cơ hội sau này trong cuộc đời và sự nghiệp. Nếu bắt đầu sớm thì quá trình chuẩn bị từ năm đầu trung học (lớp 6), nếu trung bình thì từ lớp 9-10, trễ thì lớp 11-12.
Những năm cuối trung học có chút khác biệt giữa các nền giáo dục.
- Hệ thống Việt Nam, cũng giống như tại Pháp, Phần Lan… có cấp trung học cơ sở là lớp 6 tới lớp 9, và trung học phổ thông là lớp 10 đến 12. Quy chế mới nhất của Bộ giáo dục Việt Nam quy định xét tốt nghiệp phổ thông dựa trên 50% điểm học bạ các năm lớp 10-12 và 50% còn lại là điểm thi 4 môn (2 môn bắt buộc là Văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ…)
- Hệ thống Anh có lower secondary school từ lớp 6 (Year 7) đến lớp 8 (Year 9), upper secondary school là 2 năm GCSE/IGCSE sau đó đến university prep/college/6th form là 2 năm A level. Hệ thống Anh bắt buộc phải thi 5-10 môn I/GCSE kiến thức phổ thông và 3-4 môn A level dự bị đại học và cả 2 loại điểm này đều được dùng trong xét tuyển đại học.
- Hệ thống Mỹ/Canada có middle school/junior high school lớp 6-8, và senior high school lớp 9-12 (có thể thay đổi 1-2 năm tùy bang). Trường phổ thông ở Mỹ không thi tốt nghiệp, mà học đủ tín chỉ quy định thì được tự động tốt nghiệp.
- Hệ thống Úc có 2 năm cuối (lớp 11-12) lấy bằng tốt nghiệp phổ thông (Certificate of Education) của bang và điểm ATAR (xếp hạng percentile).
- Hệ thống Tú tài quốc tế (IB) có chương trình Middle Years (MYP) học trong 5 năm (lớp 6 - lớp 10) và chương trình Diploma (DP) học trong 2 năm (lớp 11-12). Dù học sinh được cấp cả chứng chỉ IBMYP lẫn IBDP nhưng thường chỉ có điểm IBDP được dùng trong xét tuyển đại học.
Với cấu trúc các chương trình phổ thông như trên thì học sinh cần làm gì?
1/ Thứ nhất là cần có định hướng.
Thông thường đến lớp 9-10 học sinh đã cần có khái niệm tương đối là mình có sở trường gì, có mối quan tâm về cái gì, muốn học ngành gì, thậm chí nghề gì, và cần theo học đại học nào, ở đâu. Càng trả lời được câu hỏi này sớm thì càng dễ chọn trường đại học. Hệ thống của Anh có định hướng nghề nghiệp sớm, cụ thể yêu cầu cuối lớp 8 học sinh đã phải chọn các môn học I/GCSE. Trong số hơn 50 môn I/GCSE, học sinh cần phải thu hẹp mối quan tâm của mình để bắt đầu chọn lựa lần thứ nhất. Tôi lấy ví dụ, khi cháu nhà tôi học IGCSE thì vẫn cứ nghĩ con sẽ học ngành phim ảnh/sản xuất phim sau này, nên đã chọn môn Biology trong tổ hợp khoa học. Sau này cháu chuyển hướng muốn học ngành Computer Science nên đã phải học bổ sung môn Physics with Lab. Hệ Anh lên đến A level chỉ còn chọn 3 môn, và các môn này gắn với chuyên ngành đại học. Chương trình đại học Anh thường học thẳng vào chuyên ngành vì trước đó đã học 2 năm dự bị đại học, khác hệ thống Mỹ sinh viên đại học thường học 2 năm giáo dục đại cương (General Education) trước khi học chuyên ngành 2 năm cuối. Hệ thống Mỹ thì không bắt buộc phải chọn lựa nghề nghiệp sớm như vậy, thậm chí phải sau năm 2 đại học mới thực sự học chuyên ngành (major). Hệ thống Việt Nam hiện nay vận hành tương đối giống với hệ Anh ở phổ thông, nhưng giống hệ Mỹ ở đại học.
Khi học sinh đã có những ý niệm ban đầu là muốn học ở trong nước hay ngoài nước, nếu du học thì đi theo hệ thống nào, thì việc chọn trường bắt đầu rõ ràng hơn. Nếu học các ngành như Y khoa, Quân sự, Công an, Sư phạm… để sau này làm việc ở trong nước thì học các đại học trong nước sẽ có lợi thế hơn, và trong một số trường hợp là điều kiện bắt buộc. Tôi lấy ví dụ, các bạn có thể học ngành giáo dục (Teaching/Education) ở đại học nước ngoài, và có chứng chỉ hành nghề (teaching license/qualified status) của nước ngoài nhưng muốn hành nghề giáo viên ở hệ thống giáo dục Việt Nam thì phải đi học lại bằng Cử nhân sư phạm hoặc Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nếu các em muốn học công nghệ, tài chính, kinh doanh, khởi nghiệp, tâm lý… thì có thể đến Mỹ. Muốn học tài chính, ngân hàng, logistics, thời trang, truyền thông… có thể đến Anh, Úc… tùy nhu cầu và sở thích. Hầu hết các chuyên ngành đại học đều được khai sinh ra từ châu Âu và Mỹ cho nên không sợ không có chuyên ngành mình muốn học. Mỹ cũng có tới gần 5.000 trường đại học nên thường là “ngành gì cũng có”.
2/ Thứ hai là chuẩn bị tiếng Anh.
Tôi có lời khen ngợi cho các phụ huynh Việt Nam vì tầm nhìn với môn học công cụ này. Trong khi nhiều nước châu Á còn khá bảo thủ với việc học tiếng Anh (vì tinh thần dân tộc hoặc sự tự tin thái quá) thì Việt Nam đón nhận tiếng Anh khá dễ dàng và tích cực, dù trong quá khứ chúng ta lặn lội đi cùng tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga một thời gian khá dài. Hiện nay điểm thi IELTS của rất nhiều học sinh định hướng du học rất cao, một phần là do cha mẹ có tinh thần hướng ngoại, hội nhập, sẵn sàng giao lưu học hỏi và cạnh tranh quốc tế, nên đầu tư cho các em học sớm, học nhiều, luyện tập kỹ càng.
Với 4 năm cuối trung học, học sinh cần đảm bảo tiếng Anh trình độ C1-C2 là đủ dùng cho việc học tập và làm việc sau này. Với điểm IELTS khoảng 7.0-7.5 trở lên thì đã chứng tỏ đủ năng lực tiếng Anh rồi, cha mẹ không nên thúc ép con cày ải để có điểm hoàn hảo như 8.5 hay 9.0. Việc đó không cần thiết, không chứng minh điều gì, cũng không tạo ra lợi thế gì đặc biệt. Thời gian đó để các em làm việc khác như luyện thi SAT/ACT, nâng điểm GPA, làm hồ sơ ngoại khóa.
3/ Thứ ba là điểm GPA trung học:
Điểm trung bình môn trung học rất quan trọng để xét vào đại học Mỹ. Trong khi điểm học bạ ở Việt Nam thường được xem là không đáng tin cậy để xét tuyển vào đại học Việt Nam, thì điểm này rất có ý nghĩa với đại học Mỹ. Ngay cả khi bạn chỉ học một trường phổ thông không tên tuổi ở Việt Nam, nhưng có GPA cao xấp xỉ 4.0, bạn vẫn có lợi thế lớn khi ứng tuyển vào đại học Mỹ. Ngược lại, một số trường phổ thông tốt ở Việt Nam nhưng không có kinh nghiệm hỗ trợ học sinh du học, thường cho điểm học sinh khắt khe, do vậy học sinh bất lợi khi dùng GPA ứng tuyển vào đại học Mỹ.
Nếu bằng cấp của bạn trục trặc hoặc không như ý, có thể thi chứng chỉ GED (bổ túc trung học) của Mỹ sau tuổi 16 để chứng minh năng lực của bạn và dùng nó thay thế cho bằng High School Diploma và GPA.
Hoặc bạn cũng có thể học một số chương trình top-up cho phép bạn quy đổi điểm học bạ Việt Nam sang chương trình Mỹ, rồi học thêm một số môn đặc thù của chương trình Mỹ như US Government, US History… để được cấp bằng American High School Diploma kèm GPA của Mỹ.
4/ Thứ tư là các kỳ thi chuẩn hóa:
Để học đại học ở Anh, bạn bắt buộc phải có điểm dự bị đại học A level. Con đường thay thế có thể là các khóa dự bị khác như Foundation Year, hoặc cao đẳng BTEC. A level có thể đăng ký thi tự do tại Hội đồng Anh, nhưng do cấu trúc bài thi có nhiều phần tự luận nên thường học sinh phải học theo chương trình chính khóa ở trường quốc tế, trường song ngữ thì điểm thi mới cao được.
Để học đại học Mỹ, thì điểm SAT/ACT là bắt buộc với cả sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế, như Việt Nam. Các kỳ thi này có thể tự luyện và đăng ký thi như thí sinh tự do. Nếu GPA phổ thông không cao thì có thể chứng minh năng lực qua điểm SAT/ACT để đảm bảo cơ hội khi xét tuyển đại học. Có thể thi vài lần cho đến khi điểm ưng ý.
5/ Thứ năm là tích lũy các tín chỉ đại học (credit):
Để được miễn giảm các tín chỉ đại học ở Mỹ, sinh viên thường học trước đó các môn học/kỳ thi như:
- Tín chỉ AP: Có thể tự học, tự đăng ký thi hoặc học ngay trong trường nếu trường Mỹ có các môn AP. Tín chỉ AP có thể giúp miễn học các môn đại cương ở năm 1-2 đại học như Calculus, Composition, Science, Foreign Language…
- Tín chỉ A level: Sinh viên hệ Anh có thể dùng điểm AS level và A level để xét miễn tín chỉ đại học tương tự như AP.
- Tín chỉ IB: Học sinh có điểm IB cao cũng có thể dùng để xét miễn tín chỉ như AP và A level.
- Tín chỉ college: Học sinh đã học community college có các tính chỉ đại cương và chuyên ngành
6/ Thứ 6 là hồ sơ ngoại khóa:
- Không có công thức chung cho phần này, tùy từng mục tiêu mà mỗi học sinh chọn cách kể chuyện riêng về cuộc đời mình, cũng như chọn cách đầu tư vào những gì mình quan tâm, mình có tài năng, mình có thể tạo lợi thế tốt nhất. Có lẽ lời khuyên chung chỉ là: hãy là chính mình, và làm những gì mang lại lợi ích lâu dài cho các em thay vì lợi ích ngắn hạn, trước mắt.
7/ Cuối cùng là ứng tuyển vào đại học:
Việc ứng tuyển vào đại học rất quan trọng và chỉ có một lần (với đa số mọi người). Điều này rất khác với ứng tuyển vào chương trình sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) vì với sau đại học, nếu rớt thì làm lại, có thể không ảnh hưởng quá lớn đến sự nghiệp nhưng “lỡ nhịp” ở bậc cử nhân sẽ là chuyện khác (trừ các bạn take gap years, nhưng cũng không thể quá 1-2 năm).
Do vậy, nếu bạn không rành tiếng Anh, không có kinh nghiệm, con cái không tháo vát lo được mọi thứ, bạn có thể dùng các dịch vụ hỗ trợ. Các dịch vụ tư vấn có rất nhiều, từ các trung tâm không thu phí như IDP, tới các trung tâm thu 1-2 ngàn USD như Capstone… tới những trung tâm chuyên trị các trường top như Summit, Crimson, Everest…
Trúng tuyển vào đại học Mỹ cũng “khác người”. Một thí sinh có thể nộp cho cả chục trường, và trúng tuyển vào cả chục trường là bình thường. Việc được cấp học bổng hay hỗ trợ tài chính với giá trị nhiều tỷ đồng cũng là bình thường. Nhưng các em cũng cần tìm hiểu và đọc một cách có critical thinking các thông tin truyền thông. Ví dụ, có những bài báo nói một học sinh đậu vào 6-7 trường top với tổng giá trị học bổng lên tới vài triệu USD/vài chục tỉ. Nhưng làm gì có sinh viên nào nhập học được cùng lúc 6-7 trường đó để mà tính là giá trị học bổng em ấy hưởng là chừng ấy tiền? Đó chỉ là “nghệ thuật marketing” mà chúng ta cần đọc có chọn lọc và phân tích. Ngoài ra cũng cần biết một số gói tư vấn du học đã kèm theo quyền lợi được đăng 1-2 bài “cổ vũ” trên các báo top về thành tích của học sinh, và chi phí đó đã tính cho phụ huynh cả rồi:)
Kết luận:
Tóm lại là 4 năm cuối trung học là thời gian học sinh cần sự tập trung, chăm chỉ và cần sự hỗ trợ, định hướng, cũng như chuẩn bị tài chính của cha mẹ. Các nước phát triển làm cái gì cũng thường có kế hoạch tính trước thường là một năm. Ngay cả muốn vào trường học mùa thu 2025 thì cũng phải khởi động việc nộp đơn từ năm 2024 rồi. Điều này không hề giống học đại học trong nước, khi quy chế tuyển sinh thường ban hành sau khi ăn Tết xong, học sinh thi tốt nghiệp vào khoảng tháng 6, rồi sau đó các trường cấp tập tuyển sinh.
Bài viết này dành cho các phụ huynh có con trong độ tuổi trung học, và muốn đồng hành cùng con trong bước chuyển quan trọng từ trung học vào đại học cũng như các em học sinh có định hướng du học.
Happy Holidays!
Texvn tham khảo nguồn Harry Nguyên Bùi
Harry Nguyên Bùi - Jan 15, 2025