Nên Học Single Science Hay Coordinated Science Ở Bậc IGCSE?

 
Tiếp tục series các môn học tương tự mà vẫn khác biệt ở bậc IGCSE, hôm nay em lên bài về IGCSE Coordinated Science (Khoa học tích hợp) và 3 môn IGCSE Physics, Chemistry và Biology.
Nhìn chung sự khác biệt rõ rệt nhất có thể thấy đó chính là môn Coordinated Science sẽ dạy kiến thức cả 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, và 3 môn còn lại mỗi môn sẽ chỉ dạy kiến thức của môn đó. Tuy vậy, vẫn có những học sinh chọn học riêng từng môn thay vì học tổng thể, và trong bài viết này em sẽ phân tích lý do tại sao các bạn lại chọn như vậy.
Trước tiên, để có cái nhìn rõ hơn, em sẽ so sánh một số điểm cơ bản giữa các môn:

Cấu trúc môn học:

IGCSE Coordinated Science: Đây là một môn tổng hợp, bao gồm nội dung cơ bản từ ba môn khoa học: vật lý, hóa học, và sinh học. Môn học này được thiết kế để cung cấp kiến thức nền tảng vững chắc về các môn khoa học, lượng kiến thức cụ thể và phong phú hơn kiến thức được dạy trong môn IGCSE Combined Science, phù hợp cho các bạn học sinh có định hướng theo ngành khoa học tự nhiên nhưng chưa chọn được định hướng chuyên sâu vào một môn khoa học cụ thể.
  • Khối lượng kiến thức: Mặc dù môn học này bao gồm cả ba môn khoa học, nội dung được tổng hợp và đơn giản hóa so với khi học ba môn riêng biệt. Điều này làm cho kiến thức trong môn học mang tính bao quát hơn thay vì đào sâu.
  • Đánh giá: Học sinh thường phải làm 2 bài thi, một bài kiểm tra viết về kiến thức 3 môn khoa học, và 1 bài thực hành.
  • Chứng chỉ: Sau khi hoàn thành môn này, học sinh nhận được hai IGCSEs, được gọi là "Dual Award".
IGCSE Physics, Chemistry, Biology: Mỗi môn học chỉ tập trung dạy kiến thức một môn khoa học, tạo điều kiện cho học sinh có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và học sâu hơn. Kiến thức được dạy trong các môn này thường khó hơn và yêu cầu nhiều thời gian học tập cũng như hiểu biết sâu hơn.
  • Khối lượng kiến thức: Mỗi môn học tập trung vào một môn khoa học cụ thể và đi sâu vào chi tiết hơn nhiều so với trong Coordinated Science. Mỗi môn sẽ dạy các khái niệm phức tạp và nâng cao hơn, cũng như có thêm các bài thí nghiệm và bài tập thực hành chi tiết hơn.
  • Đánh giá: Mỗi môn sẽ yêu cầu học sinh làm bài thi viết và thực hành để đánh giá sâu hơn về kiến thức và kỹ năng của học sinh.
  • Chứng chỉ: Học sinh nhận được một chứng chỉ IGCSE cho mỗi môn học.

Mục tiêu học tập và định hướng tương lai:

IGCSE Coordinated Science:
  • Phù hợp với: Học sinh muốn có nền tảng cơ bản về khoa học để theo ngành khoa học tự nhiên, tuy nhiên chưa có định hướng cụ thể về ngành sau này. Ví dụ, học sinh có thể chọn học IGCSE Coordinated Science khi chưa biết mình thích môn khoa học nào, sau đó học lên A Levels mới chọn môn. Đây cũng là lựa chọn tốt cho các học sinh muốn giảm bớt khối lượng học tập nặng nề do học ba môn khoa học riêng biệt.
  • Lợi ích: Cung cấp kiến thức đủ rộng để hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực khoa học khác nhau, giúp học sinh linh hoạt trong việc chọn lựa các ngành nghề khác nhau sau này.
IGCSE Physics, Chemistry, Biology:
  • Phù hợp với: Học sinh có kế hoạch theo đuổi sự nghiệp hoặc giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học cụ thể hoặc kỹ thuật từ sớm. Việc học IGCSE Physics, Chemistry, Biology sẽ giúp các học sinh có lượng kiến thức vững chắc, giúp giảm áp lực và dễ dàng tiếp nhận kiến thức mới khi học lên cao hơn. Đây cũng là lựa chọn tốt cho những ai cần chứng chỉ riêng biệt cho mỗi môn học để đáp ứng yêu cầu nhập học của các chương trình đặc biệt/yêu cầu đầu vào của các trường Đại học.
  • Lợi ích: Cung cấp kiến thức chuyên sâu, chi tiết, và kỹ năng thực hành trong từng lĩnh vực, đặt nền móng vững chắc cho việc theo đuổi các chuyên ngành khoa học nâng cao hoặc kỹ thuật.

Kết luận

Việc chọn môn IGCSE Coordinated Science và các môn học đơn lẻ phụ thuộc vào mục tiêu cá nhân và sự chuẩn bị cho tương lai học tập của học sinh.
  • Nếu học sinh định hướng tới một sự nghiệp chuyên sâu về khoa học hoặc kỹ thuật, các môn học riêng biệt sẽ giúp học sinh có lượng kiến thức đào sâu và vững chắc.
  • Trong trường hợp học sinh định hướng khoa học tự nhiên còn đang phân vân giữa các môn học và không muốn phải gánh khối lượng học tập quá nặng, IGCSE Coordinated Science sẽ là sự lựa chọn thích hợp.
  • Ngược lại, nếu học sinh chỉ muốn học kiến thức các môn khoa học tự nhiên cơ bản mà không có định hướng học sâu hơn, học sinh có thể chọn môn IGCSE Combined Science.

Nội dung kiến thức 3 môn single science:

Nội dung môn IGCSE Physics
• Chuyển động, Lực và Năng lượng: Định luật Newton, động lực học, chuyển động trong một chiều, lực và chuyển động tròn, Các dạng năng lượng, nguyên lý bảo toàn năng lượng, công và công suất.
• Nhiệt động lực học: Các thể của vật chất, Mô hình phân tử, Các tính chất của nhiệt và nhiệt độ, Độ dẫn nhiệt, Đối lưu và Bức xạ.
• Sóng và Âm: Đặc điểm của sóng, sóng âm, hiện tượng giao thoa và phản xạ sóng.
• Ánh sáng và Quang học: Khúc xạ và phản xạ ánh sáng, thấu kính, mắt và các dụng cụ quang học.
• Điện và Từ: Định luật Ohm, mạch điện, từ trường và lực điện từ.
• Vật lý Nguyên tử: Cấu trúc nguyên tử, phóng xạ, và ứng dụng của phóng xạ.
• Vật lý Không gian: Trái Đất và Hệ Mặt Trời, Vũ trụ.
Nội dung môn IGCSE Chemistry
• Các trạng thái của vật chất: Thể rắn, lỏng, khí, sự khuếch tán.
• Nguyên tử, Nguyên tố, Hợp chất và Bảng tuần hoàn: Cấu trúc nguyên tử, sắp xếp và tính chất các nguyên tố.
• Cân bằng Hóa học, Điện hóa học, Năng lượng Hóa học, Phản ứng Hóa học: Cân bằng phương trình hóa học, phản ứng oxy hóa-khử, tốc độ phản ứng
• Liên kết Hóa học: Các loại liên kết (ionic, cộng hóa trị), hình thành và tính chất của các hợp chất.
• Axit, Bazơ và Muối, Kim loại: Tính chất của Axit, Bazơ và Muối, Tính chất Kim loại, Hợp kim và Ứng dụng.
• Hóa Học Hữu cơ: Hydrocarbon, phản ứng của các hợp chất hữu cơ, các loại polymer và sự tổng hợp hóa học.
Nội dung môn IGCSE Biology
• Bản chất và sự đa dạng của các sinh vật sống: Định nghĩa và đặc điểm của các sinh vật sống bao gồm thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn, sinh vật nguyên sinh, vi-rút, mầm bệnh, cấu trúc tế bào.
• Cấu trúc và chức năng trong cơ thể sống: Cấu trúc tế bào và các phần tử sinh học, sự di chuyển của các chất trong tế bào, dinh dưỡng, hô hấp, trao đổi khí, di chuyển, bài tiết, phối hợp và phản ứng.
• Sinh sản và di truyền: Qúa trình thụ tinh và sinh sản của thực vật và con người, mô tả các kiểu di truyền bằng sơ đồ di truyền, giải thích ý nghĩa các thuật ngữ như trội, lặn, đồng hợp tử, dị hợp tử, kiểu gen, nhiễm sắc thể, đột biến gen, cấu trúc DNA...
• Hệ sinh thái và môi trường: Định nghĩa hệ sinh thái và môi trường, các sinh vật trong môi trường, các mối quan hệ, chu kỳ trong hệ sinh thái, ảnh hưởng của con người đến môi trường và hệ sinh thái.
• Sử dụng tài nguyên sinh học: Sản xuất thức ăn, chọn giống cho cây trồng, biến đổi gen, nhân bản.
 
Nguồn: https://www.facebook.com/groups/4564924543574991/permalink/7566447303422685/


May 03, 2024

17 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL