Quy trình nộp hồ sơ vào ĐH Cambridge
Bài viết chia sẻ về quy trình ứng tuyển vào Đại học Cambridge bậc Thạc sĩ và các học bổng liên quan, nhằm truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên Việt Nam đủ khả năng học tập tại đây. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng, sinh viên Việt Nam, kể cả những người học tại các trường đại học trong nước, cũng có thể đạt được ước mơ du học tại Cambridge. Bài viết cung cấp thông tin chi tiết về quy trình ứng tuyển, bao gồm: tìm khóa học, liên lạc với khoa giảng, nộp hồ sơ và các loại học bổng.
HÌnh ảnh được vẽ theo prompt 1
“Mày cứ viết mấy mẩu chuyện tình vui vui của mày với James ý, chứ viết mấy cái liên quan tới Cambridge làm gì, có phải đứa nào cũng giỏi đâu mà quan tâm”. Nhưng mà nhé, sáng, mình nhận được tin nhắn thông báo tin vui của bạn thứ 3 nhận được thư mời có điều kiện (conditional offer) nhập học bậc Thạc sĩ của Đại học Cambridge tháng 9 năm nay, chỉ chờ có kết quả học bổng nữa thôi là được đi học rùi. Hai trong số ba bạn chỉ học và tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam, giống như mình vậy.
Từ ngày mình sang Cambridge, được trải nghiệm cuộc sống và học tập ở đây, lúc nào mình cũng muốn có thêm nhiều sinh viên Việt Nam hơn nữa. Mỗi lần có ai nói “mày là sinh viên Việt Nam đầu tiên tao gặp đấy”, là mình lại thấy có cái gì đó sai sai. Ừ thì có tự hào, nhưng vui thì không hẳn. Vì mình không muốn là người duy nhất được hưởng cái môi trường giáo dục tốt đẹp này, cũng như mình biết ở Việt Nam có rất nhiều bạn sinh viên đủ tiêu chuẩn để theo học ở đây. Thế nên, mình không viết cho các bạn giỏi, mà cho các bạn chưa biết là bản thân mình giỏi hoặc chưa tự tin để thử làm cái gì đó to hơn bình thường. Không chỉ các bạn được đi du học từ cấp 3 hay từ đại học mới có cơ hội học cao học ở một trường Đại học bậc nhất như Cambridge, mà sinh viên năm mài đít ở trường học Việt Nam cũng có thể, thâm chí là được trao cả học bổng toàn phần. Điều đó cũng giúp phản ảnh chất lượng giáo dục nước nhà đang có dấu hiệu phát triển.
Bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, mình cảm thấy rất vui vì đã có chút ảnh hưởng tích cực với quyết định nộp hồ sơ vào Đại học Cambridge của bạn nào đã và đang quan tâm tới các chia sẻ của mình. Có thể năm nay là 3 bạn, nhưng năm sau là 6 bạn, và năm sau nữa là 10 bạn ahihi
Mình chia sẻ lại note mình viết trên trang cá nhân trước khi tạo My ở Cam về q𝐮𝐲 𝐭𝐫ì𝐧𝐡 ứ𝐧𝐠 𝐭𝐮𝐲ể𝐧 𝐯à𝐨 Đạ𝐢 𝐡ọ𝐜 𝐂𝐚𝐦𝐛𝐫𝐢𝐝𝐠𝐞 𝐛ậ𝐜 𝐓𝐡ạ𝐜 𝐬ĩ 𝐯à 𝐜á𝐜 𝐡ọ𝐜 𝐛ổ𝐧𝐠 𝐥𝐢ê𝐧 𝐪𝐮𝐚𝐧. Học bổng Tiến sĩ thì khác với nhiều bước hơn, nếu có nhiều bạn quan tâm thì mình sẽ sắp xếp thời gian viết bài sau nha ^^
𝐀. 𝐓𝐫ướ𝐜 𝐭𝐢ê𝐧 𝐭𝐡ì 𝐠𝐢ớ𝐢 𝐭𝐡𝐢ệ𝐮 𝐬ơ 𝐪𝐮𝐚 𝐯ề 𝐭𝐫ườ𝐧𝐠 𝐦ộ𝐭 𝐜𝐡ú𝐭:
Đại học Cambridge là học viện đại học lâu đời thứ 2 của Anh (sau Đại học Oxford), được thành lập vào năm 1209. Đại học Cambridge bao gồm 31 trường đại học thành viên (College), hơn 150 khoa giảng, trường trực thuộc và viện nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực văn hoá, khoa học, kinh tế, nghệ thuật. Xét về thứ bậc ở Anh, Đại học Cambridge và Đại học Oxford thường thay nhau vị trí nhất và nhì. Còn trên thế giới, Đại học Cambridge từng leo lên vị trí thứ 2, và thấp nhất trong lịch sử là thì là bậc 7. Vậy một ngôi trường với bề dày lịch sử và nhiều thành tựu trong nghiên cứu, học tập và giảng dạy như vậy sẽ có quy trình nộp hồ sơ và xin học như thế nào?
𝟏. 𝐓ì𝐦 𝐤𝐡𝐨á 𝐡ọ𝐜
Đầu tiên là các bạn tìm khoá học phù hợp với chuyên ngành và sở thích của bản thân tại đây https://www.graduate.study.cam.ac.uk/courses. Trường có hàng trăm khoá học Thạc sĩ khác nhau ví dụ như MSc, MRes, MBA hay MPhil. Mỗi một khoá học sẽ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan như Overview, Study, Requirements, Finance và How to apply. Các bạn lưu ý tới Deadlines của mỗi khoá học nhé.
𝟐. 𝐋𝐢ê𝐧 𝐥ạ𝐜 𝐯ớ𝐢 𝐊𝐡𝐨𝐚 𝐠𝐢ả𝐧𝐠
Việc này là vô cùng cần thiết đối với các bạn muốn học Thạc sĩ nghiên cứu. Trên thực tế, các khoa (Department & Faculties) mới là nơi mới là nơi xét duyệt hồ sơ của các bạn, xem các bạn có đáp ứng đủ tiêu chí về mặt học thuật để trao Thư mời học có điều kiện (conditional offer). Sau đó Hội đồng tuyển sinh của nhà trường sẽ rà soát và xử lí các điều kiện liên quan như chứng chỉ tiếng anh, hộ chiếu, chứng minh tài chính,…
Cụ thể, mình đang học MPhil ngành Genomics Science. MPhil (Master of Philosophy) là bậc cao nhất trong các khoá học Thạc sĩ, tương đương với chương trình năm nhất của PhD. Sinh viên đến từ một số nước, trong đó có Việt Nam, bắt buộc phải có một bằng Master trước rồi mới được học khoá này. Tuy nhiên, mình có gửi email trao đổi với Khoa (Department of Medicine và Sanger Institute) cũng như cung cấp thêm bằng chứng về khả năng học tập và nghiên cứu của mình. Sau khi Khoa duyệt hồ sơ của mình, họ đã gửi email cho hội đồng tuyển sinh của trường cấp đề nghị conditional offer.
Đối với các khoá Thạc sĩ học theo môn thì dễ thở hơn, chỉ cần có GPA tốt khi học đại học với các môn học liên quan tới ngành học, và bài luận thuyết phục (có lí do chính đáng nếu chuyển ngành) là được.
𝟑. 𝐍ộ𝐩 𝐡ồ 𝐬ơ
Sau khi đã chọn được khoá học phù hợp, bạn chọn mục How to apply để tạo một tài khoản online. Hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Cambridge cũng tương tự như các trường khác, bao gồm:
- Thông tin cá nhân (tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, địa chỉ, email…)
- Thông tin đăng kí khoá học: Academic History, Employment History, Research. Điều kiện tối thiểu là các bạn cần có kết quả học tập ở mức giỏi (7-8/10) hoặc tương đương với first class kiểu top 5-10% sinh viên này kia ấy thì càng tốt. Đã từng tham gia vào dự án hay đề tài nghiên cứu nữa cũng là một điểm cộng.
- Tiếng anh: ít nhất IELTS 7.0 với không kỹ năng nào nào dưới 7; hoặc TOEFL 100 với không kỹ năng nào dưới 25. Lưu ý là trường rất rất chặt chẽ khoản Tiếng Anh.
- Các trường thành viên: chọn 2 trong số 31 trường thành viên, chủ yếu là để tham gia các hoạt động và câu lạc bộ ngoại khoá. Các bạn có thể chọn theo sở thích, ví dụ như mình học Sinh học nên chọn Darwin College (được ở cùng một phần nhà hồi xưa với cha đẻ của thuyết tiến hoá Charles Darwin). Một số trường nổi tiếng như King’s, Trinity, St John thường hay hết chỗ sớm. Lúc đó trường sẽ tự xếp bạn vào các trường khác còn chỗ. Yên tâm là trường nào cũng vui hết á
- Học bổng: cái này hay ở chỗ, bạn chỉ cần hoàn thiện mục xin học bổng và nộp hồ sơ trước đợt I vào đầu tháng 12 hoặc đợt II vào đầu tháng 1 (tuỳ ngành học) thì sẽ được tự động cân nhắc xét học bổng. Các quỹ học bổng mặc định bao gồm Cambridge Trust, Research Councils (chỉ dành cho sinh viên UK và EU), Gates Cambridge (mỗi năm có tầm 30 suất cho sinh viên quốc tế) hoặc học bổng riêng của trường thành viên/ khoa giảng/ tổ chức khác.
Các bạn phải chọn một học bổng nếu cả ba quỹ trao học bổng toàn phần, nhưng được giữ tất cả tiền nếu mỗi quỹ học bổng chỉ cho các bạn một phần. Cụ thể mỗi quỹ sẽ được đề cập ở phần kế tiếp.
- Tài liệu hỗ trợ/ bổ sung khác: bảng điểm, CV, đề cương nghiên cứu (nếu nộp chương trình Thạc sĩ nghiên cứu).
- Người giới thiệu mảng học thuật: yêu cầu là 2 người (thầy cô giáo, sếp, người hướng dẫn). Các bạn điền thông tin liên lạc, sau đó trường sẽ chủ động gửi email cho họ để thu nhận thông tin đánh giá.
Bạn nào tò mò thì có thể vào Bạn nào tò mò thì có thể vào https://apply.graduate.study.cam.ac.uk/applicant/register?dswid=9949 tạo một tài khoản xem mặt mũi cái hồ sơ đăng kí nhập học cụ thể nó thế nào nhá
𝐁. Đậ𝐮 𝐯à𝐨 𝐭𝐫ườ𝐧𝐠 𝐦à 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐜ó 𝐭𝐢ề𝐧 đ𝐢 𝐡ọ𝐜 𝐭𝐡ì 𝐜ũ𝐧𝐠 𝐭𝐨𝐢
(học phí đắt lém, rơi vào £20,000- £30,000/năm). Ở bậc Thạc sĩ, có khoảng 20% các bạn sinh viên được trao học bổng, tuy nhiên hầu hết là một vài phần, khá hiếm toàn phần. Tuy nhiên, có một số nguồn học bổng toàn phần đáng chú ý là:
𝟏. 𝐇ọ𝐜 𝐛ổ𝐧𝐠 𝐜ủ𝐚 𝐭ậ𝐩 đ𝐨à𝐧 𝐕𝐢𝐧𝐆𝐫𝐨𝐮𝐩
Mình đưa thông tin của học bổng này lên đầu bới đây là một cơ hội siêu siêu tốt cho các bạn học ngành Khoa học công nghệ. Lộ trình là trong 11 năm, kể từ năm 2019, Vingroup sẽ trao tối đa 100 xuất học bổng toàn phần (giá trị tương đương với các học bổng chính phủ) cho các bạn sinh viên Việt Nam đi du học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ tại các trường mục tiêu. Ở Anh, có 4 trường mục tiêu đỉnh của chóp là ĐH Oxford, ĐH Cambridge, University College London (UCL) và Imprial College London.
Các bạn có hai lựa chọn: một là nộp học bổng khi đã có thư mời nhập học của trường mục tiêu; hai là nộp học bổng trước rồi mới xin thư nhập học.
Thông tin chi tiết: https://scholarships.vinuni.edu.vn/storage/2020/12/Thông-báo-nhận-hồ-sơ_H%E1%BB%8Dc-bổng-KHCN-Du-h%E1%BB%8Dc-của-Vingroup_2021-22-2022-23.pdf
𝟐. 𝐇ọ𝐜 𝐛ổ𝐧𝐠 𝐜𝐡í𝐧𝐡 𝐩𝐡ủ 𝐀𝐧𝐡- 𝐂𝐡𝐞𝐯𝐞𝐧𝐢𝐧𝐠:
Chắc mình không cần nói nhiều về Chevening nữa nhỉ. Học bổng chính phủ Anh cho bậc Thạc sĩ ở bất cứ trường nào tại UK.
Thông tin đầy đủ có ở: https://www.chevening.org
Một lần nữa, mình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu được các bạn muốn gì, đi đu học để làm gì và xây dựng được thương hiệu cá nhân. Các bạn có thể tham khảo thêm về kinh nghiệm viết 4 bài luận của mình ở bài viết trước nhé.
𝟑. 𝐇ọ𝐜 𝐛ổ𝐧𝐠 𝐭ừ 𝐭𝐫ườ𝐧𝐠 𝐭𝐡à𝐧𝐡 𝐯𝐢ê𝐧/ 𝐤𝐡𝐨𝐚 𝐠𝐢ả𝐧𝐠
Đây là học bổng mà mình xin. Lí do là vì sau khi nộp học bổng Chevening rồi (tầm cuối tháng 12) mình mới có ý định nộp hồ sơ vào Cambridge và khi đó đã hết hạn xét duyệt cho Cambridge Trust và Gates Cambridge. Vậy nên, mình tìm hiểu và xin học bổng từ Khoa giảng:
Đâu tiên mình nộp hồ sơ cho Graduate Office của Department, sau đó có một buổi phỏng vấn nhỏ chọn ra shortlist. Mình chọn khoá Thạc sĩ nghiên cứu, nên cần phải có thầy hướng dẫn trước rồi mới được vào vòng phỏng vấn cuối. Mình cũng gửi email liên lạc trao đổi với vài thầy rồi mới chốt được. Sau đó, khoa tài trợ cho mình hẳn một chuyến sang Cambridge phỏng vấn trực tiếp. Hội đồng gồm 7 giáo sư và thời gian trao đổi là 1 tiếng. Vài ngày sau thì có luôn kết quả đạt học bổng toàn phần. Giả sử trượt cái này thì mình cũng đã định xin đổi nguyện vọng trường của học bổng Chevening.
Link: https://www.graduate.study.cam.ac.uk/courses/departments
𝟒. 𝐂𝐚𝐦𝐛𝐫𝐢𝐝𝐠𝐞 𝐓𝐫𝐮𝐬𝐭
Quỹ được thành lập từ những năm 1980s, trao học bổng cho sinh viên Uni of Cambridge với mọi bậc học từ Cử nhân tới Tiến sĩ. Trong khoảng 30 năm, đã có hơn 19,000 sinh viên quốc tế nhận được hỗ trợ tài chính từ Cambridge Trust. Tiêu chí chính của học bổng là dựa vào kết quả học tập và tiềm năng phát triển cá nhân. Tuy nhiên cũng du di dựa vào vùng miền hay các yếu tố ưu tiên.
Link: https://www.cambridgetrust.org
𝟓. 𝐆𝐚𝐭𝐞𝐬 𝐂𝐚𝐦𝐛𝐫𝐢𝐝𝐠𝐞
Quỹ được thành lập vào năm 2000 với sự ủng hộ là 210 triệu USD từ Bill and Melinda Gates Foundation cho Uni of Cambridge. Học bổng dành cho sinh viên quốc tế (ngoài UK). Ưu tiên cho các bạn có: thành tích học tập và nghiên cứu tốt, định hướng tương lai rõ ràng, khả năng lãnh đạo và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Giông giống các học bổng chính phủ khác nhỉ. Mỗi năm, Gates Cambridge cho khoảng 80 xuất nhưng mà chỉ 1/3 trong số đó là cho bậc Thạc sĩ thui.
Đây là học bổng toàn phần, nên ngoài việc hoàn thiện mục Funding trong hồ sơ online, các bạn cần gửi thêm một cái Personal Statement (tầm 500 từ) và thêm một thư giới thiệu nữa. Các bạn qua vòng hồ sơ sẽ được liên lạc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua Skype.
Link: https://www.gatescambridge.org/apply-overview
Nguồn tham khảo: My ở Cam
Jun 25, 2024