Sự khác biệt giữa IGCSE Business Studies và IGCSE Enterprise
Bài trước em đã so sánh 2 môn thuộc nhóm ngành kinh tế là IGCSE Business Studies và IGCSE Economics. Hôm nay em tiếp tục lên một bài nữa để phân biệt cũng 2 môn trong ngành kinh tế là IGCSE Business Studies và IGCSE Enterprise.
Điểm chung rất lớn của hai môn này là nội dung 2 môn học đều mang những kiến thức vô cùng thực tế về thế giới kinh doanh tới cho học sinh. Hai môn học đều tập trung dạy học sinh các kiến thức cơ bản, thực tế về các hoạt động kinh doanh trong các phần của nền kinh tế, cũng như giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng tính toán, nghiên cứu. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa Business Studies và Enterprise.
IGCSE BUSINESS STUDIES
Là môn học tập trung xây dựng và phát triển hiểu biết cho học sinh về các hoạt động kinh doanh trong các ngành công cộng và tư nhân. Môn học dạy học sinh về tầm quan trọng của việc không ngừng đổi mới và sáng tạo trong phát triển kinh doanh.
Với Business Studies, học sinh sẽ nắm được các loại hình tổ chức kinh doanh, cũng như các cách để tài trợ, điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh. Học sinh sẽ học các case studies về yếu tố ảnh hưởng đến quyết định trong kinh doanh, về hợp tác và độc lập phát triển.
Sau khi học IGCSE Business Studies, học sinh có những kiến thức nền móng và kỹ năng cơ bản để có thể học lên cao vào chuyên ngành kinh tế, có lựa chọn phát triển vào nhiều ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế.
IGCSE ENTERPRISE
Là cơ hội để học sinh trải nghiệm việc kinh doanh từ khi còn đang học. Môn học này dạy học sinh cách tư duy dưới góc nhìn của một doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp của riêng mình.
Với IGCSE Enterprise, học sinh phải suy nghĩ và hành động như một doanh nhân. Học sinh cần phát triển kiến thức và hiểu biết thực tế liên quan tới khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp, bắt đầu từ phát triển ý tưởng kinh doanh tới thiết lập và biến ý tưởng thành sự thật.
Học IGCSE Enterprise, học sinh có thể được gặp, giao lưu và trò chuyện với các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức kinh doanh địa phương,… tùy theo đề xuất của nhà trường. Những kỹ năng học sinh được học trong môn học đều là kỹ năng thiết yếu như kỹ năng lên kế hoạch, tổ chức công việc, giao tiếp và quản lý tài chính.
Tổng kết
Dù hai môn học đều mang tới những kiến thức thực tế và giá trị về hoạt động kinh doanh, có thể thấy IGCSE Business Studies mang lại giá trị về mặt kiến thức nền tảng, giúp học sinh hiểu biết hơn về thế giới kinh doanh, tạo điều kiện để học sinh có thể phát triển lên các định hướng kinh doanh sau này của mình.
Với IGCSE Enterprise, đây là môn được đánh giá là môn học khó, bởi môn học yêu cầu học sinh học cả kiến thức, cả cách tư duy và tiến hành thực tế vào việc kinh doanh (course work yêu cầu học sinh tiến hành dự án kinh doanh và báo cáo lại kết quả).
Nếu học sinh không có dự định khởi nghiệp kinh doanh mà muốn tập trung vào học các kỹ năng thực tế hỗ trợ cho chuyên ngành thì nên học IGCSE Business Studies.
Một ví dụ về trải nghiệm học IGCSE Enterprise ở trường quốc tế Thái Lan, học sinh được trải nghiệm kinh doanh cửa hàng bán đồ ăn vặt trong trường với sự hướng dẫn của giáo viên. Các bạn bắt đầu từ việc lên ý tưởng, vay vốn khởi nghiệp (trong trường hợp này giáo viên bộ môn cho các bạn vay một khoản đầu tư), sau đó bắt đầu kinh doanh.
Trong suốt quá trình học, song song với những lý thuyết được học là việc các bạn không ngừng cải thiện mô hình kinh doanh, cải thiện sản phẩm, vượt qua các khó khăn. Các bạn được trải nghiệm thực tế điều hành, quản lý, duy trì, đầu tư và phát triển việc kinh doanh của mình.
Lizzie Duong - May 02, 2024