Top Những Môn IGCSE Kinh Tế Khó Nhất Chương Trình Cambridge

Xin chào các phụ huynh, tiếp tục chuỗi bài viết về các môn học Cambridge IGCSE khó nhất mà phụ huynh rất quan tâm, hôm nay, em sẽ giới thiệu về tổ hợp 3 môn liên quan đến Kinh tế được coi là khó nhất chương trình Cambridge IGCSE dựa trên bảng thống kê điểm của Cambridge cập nhật vào tháng 3, 2024.

Hi vọng bài viết này giúp phụ huynh và các con có sự chuẩn bị tốt hơn cho hành trình học tập nếu các con có dự định đi theo ngành Kinh tế.

Trước khi đi vào bài phân tích, em giải thích lại một chút về barem điểm của IGCSE Cambridge, phổ điểm của Cambridge sẽ từ A* (cao nhất) đến G (thấp nhất) (ảnh em để dưới comment ạ)

Phụ huynh click từng ảnh để đọc phân tích chi tiết từng môn ạ!

1. Accounting

Mở màn với bộ môn Accounting (Kế toán) với tỷ lệ học sinh đạt điểm F, G khá lớn, cứ 100 học sinh làm bài thi thì có tới 7 học sinh đạt điểm F, G. Bên cạnh đó, chỉ 37,2% học sinh đạt mức điểm cao nhất, A và A* trong kỳ thi môn Accounting.

Khó khăn lớn nhất mà học sinh gặp phải với môn học này là do khối lượng kiến thức lớn, rất nhiều thuật ngữ và các quy tắc kế toán phức tạp. Hơn thế nữa, các bài học môn Accounting có sự liên kết chặt chẽ với nhau, nếu học sinh chưa nắm chắc kiến thức của bài trước thì sẽ cảm thấy khó khăn khi học và hiểu được nội dung của bài sau. Để học tốt môn học thiên về số này, học sinh cần có tinh thần tự học cao, dành thời gian ôn tập và làm bài mỗi ngày.

2. Economics

Tiếp đến là bộ môn Economics (Kinh tế) với 4,3% học sinh đạt điểm F,G và chỉ 40,5% học sinh đạt điểm xuất sắc A, A*.

Tương tự với Business Studies, môn Economics cũng có rất nhiều thuật ngữ mới. Hơn nữa, Economics cung cấp bức tranh toàn cảnh về cách hoạt động của nền kinh tế lớn, bao gồm nhiều mô hình kinh tế phức tạp và trừu tượng. So với Business Studies, Economics có phần khó hơn vì học sinh phải có góc nhìn bao quát về nền kinh tế lớn chứ không chỉ thu hẹp trong phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty như môn Business Studies.

Để đạt được điểm cao trong môn học này, học sinh nên ôn lại kiến thức và làm đề thường xuyên, học cách phân tích dữ liệu và dự đoán những viễn cảnh kinh tế có thể xảy ra dựa trên những data đó.

3. Business Studies

Cuối cùng là bộ môn Kinh doanh, với chỉ 38,1% học sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi. Sở dĩ bộ môn này khó để đạt được điểm cao là vì bộ môn này yêu cầu học sinh phải hiểu những thuật ngữ kinh doanh và các mảng hoạt động trong kinh doanh để giải Case Study thực tế trong Paper 2. Để làm tốt phần giải case này, học sinh cần chăm chỉ luyện đề, nâng cao tư duy phản biện và hiểu cách áp dụng những quy luật kinh doanh vào các tình huống thực tế của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN:

Tuy 3 bộ môn này được nhận định là khó nhưng vẫn có hơn 1/3 học sinh đạt điểm A, vì vậy, học sinh chỉ cần ôn tập thật kỹ là hoàn toàn có thể đạt được mức điểm mong muốn. Ngoài ra, các môn này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh có góc nhìn rộng hơn và chi tiết hơn về cách hoạt động của nền kinh tế nói chung và cách doanh nghiệp kinh doanh nói riêng.

Không những vậy, việc học tốt cả 3 bộ môn này sẽ là nền móng vững chắc cho các con khi các con bắt đầu học các tổ hợp môn Kinh tế ở bậc A Level sau này.

 


Aug 04, 2024

10 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL