Chuyện phiếm về Chevening

Mình vô tình đọc được chia sẻ của bạn trên facebook bài viết của một anh alumni đưa ra suy đoán và phản biện về cách xét duyệt hồ sơ xin học bổng Chính phủ Chevening. Vì cũng đã từng nộp hồ sơ và được lựa chọn trao học bổng này, nên mình cũng tò mò vào đọc bài viết của anh ý.

Anh có nói, bài viết dựa vào suy nghĩ và thông tin trong phạm vi anh biết. Mình thấy bạn mình bảo anh ý rất nổi tiếng trong cộng đồng Chevening với bốn bài luận xuất sắc (khi nào có thời gian mình sẽ tìm đọc xem như nào). Mình đánh giá bài viết của anh đưa nhiều ví dụ, mang đến cái nhìn thực tế, song có phần tiêu cực hoá, có thể gây ảnh hưởng tới tâm lí những bạn đã, đang và sẽ apply học bổng này. Vì vậy, mình cũng có vài kinh nghiệm và quan điểm cá nhân về các phản biện trong bài viết của anh. Tiện thì cũng chia sẻ luôn, mình được trao Học bổng chính phủ Chevening năm 2018, nhưng bản thân mình đã sẵn có định hướng lâu dài, sợ không thực hiện được cam kết quay về Việt Nam nên đã chủ động đi theo học bổng trường (cho bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Cambridge). Và mình cũng không làm trong khối nhà nước nhé, đảm bảo tính khách quan không bênh vực ai.

Mục đích chính cũng chỉ để mọi người có thêm nhiều góc nhìn về học bổng Chevening nói riêng và học bổng chính phủ nói chung.

Học bổng Chính phủ, đúng như tên gọi, là những học bổng được tài trợ bởi ngân sách của Chính phủ các nứơc phát triển, nhằm hỗ trợ các bạn học sinh/ sinh viên đáp ứng được điều kiện và mục đích (chính chị, văn hoá, giáo dục, tôn giáo…) đi nước ngoài du học. Các học bổng Chính phủ thường được coi là “dánh giá” do giá trị học bổng lớn, tính cạnh tranh cao, và phần nào những bạn được trao học bổng có quyền tự hào mình là đại diện tiêu biểu cho một nước. Hầu hết các học bổng Chính phủ có ràng buộc là học giả cần quay trở về đóng góp cho nước nhà ít nhất 2 năm. Nói chung là đôi bên cùng có lợi.

Trong đó, Học bổng Chevening được tài trợ bởi Bộ Ngoại Giao Anh, Khối thịnh vượng chung và các tổ chức đối tác khác. Học bổng hỗ trợ cho việc học tập cho các bạn sinh viên- chủ yếu là chương trình 1 năm lấy bằng Thạc sĩ- tại các trường Đại học tại Anh. Các ứng viên có năng lực từ nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, kinh doanh, giáo dục, truyền thông, khoa học, xã hội ..v..v. Có 4 tiêu chí được dựa theo là:

  1. Khả năng/ tố chất lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng
  2. Khả năng thiết lập các mối quan hệ
  3. Hiểu biết về các ngành học, trường học định đăng kí
  4. Có kế hoạch tương lai phù hợp với sự phát triển của đất nước, thế giới (hơi to tát) và mục tiêu phát triển chung của chính phủ hai nước

Link bài viết của anh ở đây (nhưng sau bài post của mình thì anh đã đặt password): https://longduchoang.wordpress.com/…/chevening-thuoc-dang…/…

https://longduchoang.wordpress.com/

Mình sẽ đưa ra các ý kiến dựa theo bài viết của anh cho mọi người dễ theo dõi nha:

Về việc chia nhóm profile:

- Anh đưa ra giả thiết chia nhóm theo nơi làm việc, nhưng đến cuối vẫn là theo ngành nghề/ lĩnh vực để xét hồ sơ. Cá nhân mình không thấy việc chia nhóm này có gì đáng ngạc nhiên hay bất thường cả. Trái lại, còn hiệu quả trong quá trình sàng lọc. Nếu muốn so sánh ai tốt hơn ai thì phải so sánh những người có cùng background chứ. Cứ gộp chung cả lại, hồ sơ người học kinh tế với hồ sơ người học giáo dục biết ai hơn ai. Giống kiểu đánh giá con cá bằng khả năng leo cây?

- Anh có ví dụ về việc chia lịch phỏng vấn thành các nhóm riêng, “Ví dụ, những ứng viên cùng thuộc nhóm “entrepreneurship” sẽ chỉ được chọn hẹn phỏng vấn trong các khung giờ của 3 ngày cuối tháng 3; những ứng viên cùng thuộc nhóm ngành “Luật” sẽ chỉ được chọn trong các khung giờ của 3 ngày đầu tháng 4”. Không biết là cỡ mẫu những người anh biết là bao nhiêu chứ mình có trải nghiệm khác hẳn. Mình, thuộc nhóm “Khoa học công nghệ” đi chẳng hẳn, nhận được email báo vào vòng shortlist lúc 11h đêm ngày 14/2/2018. Mình mở lịch phỏng vấn ra có các slots trải đều từ tháng 3 tới tháng 4. Mình biết là first come first serve nhưng vì muốn suy nghĩ kĩ trước khi đăng kí nên mình để dành tới ngaỳ hôm sau, mở ra còn đúng 2 slots =)). Anh trai mình, học Luật Quốc tế, thuộc nhóm “Luật”, cũng được vào shortlist năm 2019. Gửi cho mình xem lịch phỏng vấn để mình chọn giờ đẹp cho, cũng là một loạt các lựa chọn dàn trải cho cả tháng 3 và đầu tháng 4. Vậy có gì đó sai sai không? Mà kể cả có chia nhóm đi chăng nữa, phỏng vấn các bạn ứng viên cùng một nhóm sẽ đưa ra kết quả so sánh, theo mình, khách quan và chính xác hơn.

Về việc chia quota và xét profile:

- Vì là loai học bổng hướng tới sự phát triển của ít nhất một trong hai nước (Anh- Việt Nam), mà phần nhiều là Việt Nam, nên số lượng học bổng dành cho các ngành cũng thay đổi theo cách vận hành và nhu cầu của quốc gia. Một lần nữa, mình nhấn mạnh yếu tố PHÙ HỢP. Ví dụ, dịch Covid-19 hoành hành, nhận thức về tầm quan trọng của Khoa học Kỹ thuật tăng lên, thì quota dành cho ngành đó tăng lên cũng là điều dễ hiểu. Theo như mình nhớ thì năm 2017, Học bổng Chevening trao hầu hết cho các bạn học Kinh tế và Marketing, chỉ có duy nhất chị bạn mình học Dịch tễ, thuộc nhóm Khoa học công nghệ, theo như anh ấy chia. Năm 2018 thì mình không rõ vì mình từ chối học bổng nên không biết ai với ai. Nhưng tới năm 2019 thì số lượng cũng phải dăm bảy bạn theo hướng Khoa học kĩ thuật được trao học bổng. Việc chia quota đúng là không công bằng cho từng năm, nhưng là hợp lí cho từng giai đoạn. Nhìn rộng ra thì cũng không khác thị trường việc làm là mấy, ví dụ các ngành như Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo cần nguồn nhân lực nên cơ hội việc làm nhiều hơn, phải tức thời thôi chứ biết làm sao?

- Rồi tới chuyện 1/3 tới từ khối nhà nước (chưa có con số thực tế). Có những bạn học những ngành cần thiết như Chính sách Công, Y học dự phòng, chỉ có thể làm việc ở những cơ quan nhà nước thì làm thế nào khác được đâu. Chả phải khối tư nhân, NGOs phải cạnh tranh nhiều hơn do lĩnh vực ngành nghề rộng, thì cũng vẫn còn 2/3 cơ hội là gì. Chưa tính đến những bạn từ khối nhà nước kia, khả năng trở về nước đóng góp theo cam kết cao hơn (do có nhiều ràng buộc), thì có khi những gì các bạn ấy viết trong bài luận, tuy không đao to búa lớn, nhưng lại được thực hiện ý nhở? Trong khi đó có nhiều bạn đạt Học bổng chính phủ, khi học xong thì tìm cơ hội ở lại hoặc sang một nước khác chứ không về. Vẫn biết là mỗi người sẽ đóng góp cho xã hội theo cách này hay cách khác, nhưng các bạn làm khối tư nhân có khi lại có nhiều lựa chọn về sau hơn.

- Ngay cả trong cùng một nhóm làm nghiên cứu khoa học chẳng hạn, người có 10 bài báo về một vấn đề cũ, chưa chắc đã được tạo được ấn tượng tốt bằng người có 2 bài nghiên cứu về một vấn đề nổi cộm ở thời điểm hiện tại. Như ví dụ anh đưa ra, mình chưa có nhiều thông tin về hai bạn, nhưng mạo muội đặt câu hỏi: Bạn A profile tốt theo như anh nhận xét, nhưng so với các bạn khác cùng lĩnh vực apply năm đó, vị trí của bạn ở đâu? Bạn B theo như anh đánh giá là tệ (tại thời điểm apply), nhưng đặt trong nhu cầu ngành nghề, biết đâu lại có tiềm năng phát triển? Ngay cả vòng phỏng vấn cũng thế, bạn giỏi mà chẳng may mất bình tĩnh cũng rớt như thường. Giá như được ở trong hội đồng xét duyệt thì tốt.

- Rồi còn việc viết hồ sơ, việc dành 3 ngày hay 3 tháng viết bài luận không đánh giá hết được độ “tốt” (nhưng đánh giá được độ cận thận). Vì nội dung mới là cái quan trọng. Có người dành ra 3-5 năm đi làm, tích luỹ, kinh nghiệm đủ đầy thì viết vài ngày cũng cho ra bài luận hay.

- Anh đề cập tới khả năng lãnh đạo và có so sánh giữa khối nhà nước và tư nhân. Bỏ qua những người thụ động, dựa vào tiền, vào quyền như anh nói, thì những bạn làm khối nhà nước chủ động đăng kí học bổng chính phủ, mà ở đây là học bổng Chevening cũng phải nghía qua cái tiêu chí và phần nào tự thấy bản thân có khả năng (ít nhất là tố chất) lãnh đạo rồi. Như thế lại càng phải hoan nghênh, các bạn về còn lãnh đạo mấy bác thụ động kia chứ. Đấy là chưa kể anh trai mình (làm trong Bộ Ngoại Giao, đang theo học bổng Chính phủ Nhật Bản) bảo xin đi học cũng còn khó ấy chứ, cấp trên đánh giá, duyệt lên duyệt xuống mới được apply.

Về lời khuyên:

- Mentor sẽ rất tốt trong việc định hướng và đưa ra lời khuyên (cũng tuỳ cái nên nghe theo hay không hihi) chứ không quyết định được bạn sẽ đỗ hay trượt học bổng. Việc mentor của các bạn được học bổng A, không có nghĩa là các bạn cũng được. Cho dù mentor có giỏi đến mấy đi nữa thì khó bê nguyên được kinh nghiệm của mình cho mentee . Các bạn trẻ bây giờ càng ngày càng giỏi, lại đầu tư kĩ càng nên cứ hoàn thiện bản thân mình trước đã, đâu sẽ có đó.

- Mình cứ hay bảo học bổng Chính phủ hay học bổng của các tổ chức thường được chia làm NEED-BASED (kiểu như Chevening, SISS tìm người có tố chất lãnh đạo hoặc các mục đích khác) và MERIT-BASED (kiểu như RTP, NZAid như anh nhắc tới, tìm người học giỏi, làm chuyên môn). Mình không đồng ý với lời khuyên của anh là không nên apply Chevening mà nên chuyển sang NZAid hay IDEAS. Các bạn hãy xem mình phù hợp với loại nào thì triển. Ví dụ, mình kiểu học ít tham gia hoạt động nhiều, bảng điểm vừa phải nên chọn apply Need-based, vậy thôi.

- Mình thấy việc đi du học hay đạt học bổng cũng chỉ là mục tiêu ngắn hạn. Quan trọng nhất vẫn là bản thân bạn cần gì, muốn làm gì, đóng góp cho xã hội ra sao. Tìm hiểu, soi chiếu hồ sơ của bản thân với những tiêu chí xét duyệt học bổng. Tự tin nộp nếu khớp, tầm 7-8/10, rồi để các yếu tố khác như may mắn quyết định. Ngoài ra cũng mở rộng mối quan hệ học hỏi lẫn nhau. Năm nay bạn trượt, có thể là các bạn ứng viên khác quá giỏi, hoặc ngành bạn theo đuổi không được ưu tiên. Năm sau bạn thử lại, hoặc thử học bổng khác, miễn là các bạn tin vào những gì mình đang làm và đang có.

- Các bạn nộp Thạc sĩ thì học bổng Chính phủ là một lựa chọn tốt vì học bổng trường thường ít cả về số lượng lẫn giá trị. Các bạn nộp Tiến sĩ thì có nhiều lựa chọn hơn (học bổng trường, học bổng khoa, học bổng giáo sư, học bổng công ty…).

Trang website tìm học bổng:

  • https://www.iefa.org/scholarships
  • https://euraxess.ec.europa.eu/funding/search
  • https://www.findamasters.com/…/postgradua…/scholarships.aspx
  • https://www.findaphd.com/funding/
  • https://www.postgraduatesearch.com/funding
  • https://scholarship-positions.com
  • https://www.thescholarshiphub.org.uk

Mình cũng muốn biết ý kiến của mọi người xem thế nào, hoặc nêú anh có đọc được bài post này thì mình cũng muốn trao đổi thêm với anh


Jun 27, 2024

12 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email