Kỳ Thi Chuẩn Hóa Đánh Giá Năng Lực Học Sinh

Như các bạn đã biết, ở Mỹ, và nhiều nước khác, kể cả VN, đều luôn luôn xem trọng 2 môn: Toán và Ngữ Văn. Đây là 2 môn buộc phải học liên tục suốt 12 năm.

Vì vậy, ở tất cả các trường phổ thông Mỹ, học sinh thường được yêu cầu tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực về hai môn chính này (Toán và Ngữ văn) từ 3 - 4 lần một năm học.

Hệ thống giáo dục ở Mỹ vốn phân quyền tự chủ cho các trường rất nhiều, nhà trường có quyền quyết định chọn SGK nào, thời lượng học tập bao nhiêu/ môn, và nội dung thi cử như thế nào. Và nhà trường cũng là nơi cấp Bằng Tốt Nghiệp (Diploma) cho HS.

Điều đó gây ra 1 vấn đề là chất lượng giáo dục Mỹ có sự chênh lệch rất lớn. Trường dạy giỏi thì đầu ra rất giỏi, và trường dạy tệ thì đầu ra tương đương. Nên, không phải cứ học và có tấm bằng diploma của Mỹ thì mặc nhiên là giỏi. Tấm bằng Diploma đó trị giá như thế nào, thì phụ thuộc vào uy tín và chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Với cách vận hành như thế, nên nước Mỹ lại sinh ra những kỳ thi, gọi là kỳ thi chuẩn hoá: Standardized Test. Vì chất lượng của các trường rất khác nhau, mà không phải ai cũng có đủ dữ liệu để đánh giá chính xác học sinh của trường đó thực sự giỏi không; nên nền giáo dục Mỹ rất cần 1 cuộc thi đánh giá năng lực.

SAT, chẳng hạn, là 1 kỳ thi chuẩn hoá uy tín của tổ chức College Board, nhằm đánh giá năng lực tư duy cho HS cuối cấp 3, dùng để xét tuyển vào các trường ĐH.

Tương tự, từ Grade K (Mẫu giáo) đến Grade 12 (lớp 12), cũng có các bài thi chuẩn hoá tương tự, nhằm đánh giá năng lực học tập của HS.

Bài kiểm tra đánh giá năng lực này xây dựng nhằm mục đích đánh giá từng CÁ NHÂN học sinh. Học sinh biết được năng lực của mình so với trung bình học sinh TRÊN TOÀN NƯỚC MỸ.

Thông qua đó giáo viên và phụ huynh nắm được năng lực của học sinh, sự tiến bộ của học sinh. Ngoài ra bài kiểm tra còn giúp giáo viên đưa ra thông tin giúp xây dựng lộ trình cá nhân hoá cho từng học sinh.

Tuy loại bài kiểm tra này có dạng như kiểm tra học kỳ ở Việt Nam, điểm khác biệt là bài kiểm tra này không đánh giá học sinh đỗ hay trượt (vì tính nhân văn trong giáo dục Mỹ), cũng không ảnh hưởng đến điểm số GPA của các con, mà chỉ để xác định năng lực môn Ngữ Văn và môn Toán của từng học sinh đang ở đâu dựa vào thang đo chuẩn của mỗi môn.

Vừa rồi, sau khi hoàn thành Lớp 8, K nhà mình đã chọn thi bài thi chuẩn hoá dành cho Grade 8 của Mỹ.

Kỳ thi chuẩn hoá mà nhà mình chọn có tên là Exact Path.

Kỳ thi chuẩn hoá Exact Path được xây dựng vào 2017 và ngay trong năm học đầu tiên có hơn 100.000 học sinh sử dụng & hiện tại được sử dụng tại 1.000 khu vực ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới (China, India...)

Theo Exact Path, bài thi này đánh giá năng lực theo các tiêu chuẩn:

- Đánh giá Năng lực TOÁN dựa trên 5 tiêu chuẩn nội dung của NCTM (Hội đồng Giáo viên Toán học Quốc gia, Hoa Kỳ) về Số học; Hình học; Đại số, biểu thức; Phân tích dữ liệu, xác suất thống kê; và Đo lường dựa trên thang Quantile.

- Đáng giá năng lực READING trên thang Lexile: Đọc hiểu nền tảng, Ngôn ngữ - Từ vựng - Đọc văn bản - Đọc văn bản thông tin

- Đánh giá năng lực văn học (language arts) : các kỹ năng ngôn ngữ

Mình đọc là vậy, nhưng khi K thi thì mình có nhận xét khác hơn xíu. Ngoài môn Toán là đúng như mô tả ở trên, thì môn Language Art tương đương như Grammar. Còn môn Reading thì cực kỳ khó, nó tương tự như môn Ngữ Văn của VN, với các nội dung học thuật như: phép ẩn dụ, so sánh, nhân cách hoá…

Có thể nói, đây là phần khó nhằn nhất của môn Ngữ Văn Anh (bản xứ), mà đa phần, mình thấy ít khi được triển khai dạy ở Việt Nam. Đa phần các trường lược bỏ phần này.

Exact Path được xây dựng và phát triển nhằm đưa ra các đánh giá chuẩn đoán THÍCH ỨNG: nghĩa là bài thi kết hợp trí tuệ nhân tạo, sẽ đưa ra câu hỏi có mức độ khó tuỳ thuộc vào năng lực của HS. HS càng giỏi, thì câu hỏi càng khó.

Lúc K nhà mình thi bài thi này, lúc đầu, mình có ngồi cạnh bên quan sát. Cho đến câu thứ 3 thì đã xuất hiện các câu hỏi rất khó rồi. Càng ngày càng khó hơn, khiến K bơ phờ luôn.

Có nghĩa là, dãy biến thiên của câu hỏi đi từ DỄ đến KHÓ rất rộng. Khi con có năng lực cao hơn, thì các câu hỏi khó nữa và nữa. Nếu HS nào làm không nổi, thì đến khoảng 45 - 50 câu là đã phải dừng.

K nhà mình làm trọn khoảng 70 câu, trong vòng khoảng 1 tiếng. Sau này, khi thi SAT, K cho rằng bài thi chuẩn hoá Exact Path có những phần khó hơn SAT nữa.

K test bài chuẩn hoá này xong thì mặt mũi bơ phờ. Còn đi thi SAT thì bước ra khỏi phòng thi mặt mày tươi vui rạng rỡ (vì đề thi SAT format mới dễ hơn những bài SAT format cũ, mà thời gian thi lại dài hơn kỳ thi Exact Path).

Tuy vậy, kết quả bài thi Exact Path không cho biết HS đạt mức độ cao hơn tương đương Grade mấy. Ví dụ K thi Grade 8, và phải làm nội dung bài thi khó hẳn đến như vậy, nhưng kết quả bài thi lại không cho biết K tương đương Grade 9, 10 hay 11, 12.

Ngược lại, bài thi cho biết, khi so sánh với tổng số HS Grade 8 cả nước Mỹ tham gia làm bài test này, con đạt được thứ hạng mấy, và con xếp hạng % bao nhiêu so với cả nước (và có thể có HS bên ngoài nước Mỹ tham gia).

Mình tạm FLEX kết quả của con kỳ thi này:

Mỗi bài thi có thang điểm tối đa là 1.500 điểm. Kết quả của con trên từng môn như sau:

- MATH: 1.426/ 1.500, vượt hơn 99%, và nằm ở top 1%

- READING: 1.453/ 1.500, vượt hơn 99%, và nằm ở top 1%

- LANGUAGE ART: 1.400/ 1.500, vượt hơn 99%, và nằm ở top 1%

Bên dưới các kết quả này, là sự giải thích chi tiết của kết quả định lượng từng nội dung học thuật mà con đạt được, của từng môn. Rất rõ ràng, chi tiết và định lượng.

Báo cáo đánh giá kết quả giải thích rằng:

Student's diagnostic score of 1.453 (Reading) ranks at the 99th national percentile, which mean student scored higher than 99 percent of students of the same grade across the nation who tested during the spring national norming period.

Tạm dịch:

Điểm đánh giá năng lực của học sinh là 1,453 (môn Đọc Hiểu), xếp ở hạng thứ 99 toàn quốc, có nghĩa là học sinh đạt điểm cao hơn 99% học sinh cùng lớp trên toàn quốc đã thi trong kỳ định chuẩn quốc gia mùa xuân.

Nói tóm lại, kết quả của K trong cả 3 môn đều đạt mức cao hơn 99% HS Mỹ trên toàn quốc (và gần đây có HS từ những quốc gia khác nữa) cùng thi trong kỳ thi của năm nay.

Nhưng, mình viết bài này, không phải chỉ để khoe con, mà mình còn có mấy ý khác quan trọng hơn:

1/ Với kết quả TOP 1% của con, mình khẳng định 1 lần nữa: Học sinh người Việt Nam mình, học TA ở tại VN, dù là học với lớp online, nhưng hoàn toàn có thể giỏi TA hơn người Mỹ bản xứ.

2/ Gần đây, nhiều PH đăng ký học các lớp bên mình. Khi mình hỏi “con có thi chứng chỉ gì chưa”, thì PH trả lời rất là nhẹ nhàng “em không cho con thi gì cả, vì em không xem trọng bằng cấp”.

Mình nghe mà chột dạ quá. Chả lẽ mình là người chạy theo bằng cấp sao ta? Rồi nếu cứ nói chung chung, con tốt như vầy, con giỏi như kia, thì làm sao mình biết sự đánh giá đó có CHÍNH XÁC không?

PH không chịu hiểu rằng, cho con tham gia các kỳ thi chuẩn hoá là để đánh giá CHÍNH XÁC rõ ràng và đánh giá chi tiết từng kỹ năng, từng loại kiến thức, bằng các thang điểm ĐỊNH LƯỢNG. Chớ không phải cứ hễ cho con đi thi 1 kỳ thi nào đó thì bị gọi là “ham mê bằng cấp”.

Sau nữa là, PH ít có sự phân biệt “bằng cấp” với “chứng chỉ”. Bằng cấp là bằng Tốt nghiệp PTTH, bằng Đại học, bằng Thạc sĩ… Còn chứng chỉ như chứng chỉ IELTS, TOEFL, hoặc các chứng chỉ tiếng Anh Cambridge như Starter, Mover, Flyer, KET, PET, FCE, CAE và CPE… chỉ là những chứng chỉ đo lường năng lực tiếng Anh mà thôi.

SAT chỉ là kỳ thi chuẩn hoá, kết quả của nó dùng để xét tuyển đầu vào ĐH. Đừng ai nghĩ SAT là một bằng cấp gì nha.

AP là 1 tín chỉ hệ ĐH. HS cấp 3 mà có AP thì có nghĩa năng lực học thuật cao, là 1 lợi thế để được nhận vào trường ĐH top. Và AP cũng hổng phải bằng cấp gì cả nhé.

3/ Rất nhiều PH hỏi xin LỘ TRÌNH học tập của K. Mình chia sẻ rất nhiều lần rồi. Và mình thấy có rất nhiều KOLs cũng chia sẻ lộ trình học tập rất xịn xò. Nhưng, bên cạnh việc xây dựng lộ trình học tập thông minh, thì việc đánh giá chính xác bằng những con số định lượng, đo lường kết quả của từng chặng đường trên lộ trình học tập đó như thế nào, thì PH không hề quan tâm.

Nếu mình không đánh giá chính xác, thì làm sao mình biết lộ trình đó có hiệu quả không? Có phù hợp với con mình không? Mình có đang đi sai đường không?

Mỗi 1 chặng đường trên lộ trình học tập dài hạn, bạn cần dừng lại, cho con tham gia các kỳ thi chuẩn hoá uy tín (hoặc là các chứng chỉ Cambridge, hoặc các kỳ thi chuẩn hoá Mỹ như trên) để mình biết con mình đang tiến bộ như thế nào chớ.

Vẽ ra 1 lộ trình thật hoành tráng và dài hạn, nhưng lại cứ đi mênh mông vô định trên con đường đó, mà không có các CỘT MỐC CÂY SỐ đo lường, thì coi chừng lạc đường, mất thời gian.

4/ Với kết quả đạt TOP 1% này, mình nghĩ, về năng lực, con mình có thể vào trường chuyên, hoặc nằm trong đội tuyển HSG ngay từ năm lớp 6. Nhưng không, mình không chọn con đường đó.

Vì MỤC TIÊU của mình là đi DU HỌC (ở Úc, hoặc Mỹ). Nên mình chọn học giỏi theo kiểu Mỹ, chớ mình không chọn học giỏi theo kiểu Vietnam.

Mình không đặt các tiêu chuẩn học giỏi ở VN ra làm mục tiêu cho con. Mình không quan tâm đến việc cho con vào trường chuyên. Mình chỉ TẬP TRUNG vào MỤC TIÊU của mình.

Có thể nói, K nhà mình không giỏi bằng 1 vài bạn đang học chuyên mà mình biết. Nhưng, mình biết ưu tiên những thứ quan trọng, giúp mình đạt MỤC TIÊU nhanh hơn, ít tốt nguồn lực hơn.

Đó là CHIẾN LƯỢC của mình. Đó là thứ mà mình gọi là CHIẾN LƯỢC HỌC TẬP.

5/ Trước giờ, chúng ta được khuyên là đừng bao giờ nên SO SÁNH con mình với ai. Con chỉ cần giỏi hơn con là được. Điều này đúng, nhưng chưa đủ.

Mình không nên so sánh con mình với “con nhà người ta” 1 cách trực diện, vì điều này sẽ làm giảm tự tin của con và làm ảnh hưởng đến tâm lý của con.

Nhưng, nếu bạn có hoài bão, và bạn muốn nuôi dạy 1 đứa con có hoài bão, bạn cần hướng con nhìn ra xa hơn, nhìn rộng ra hơn.

Con cần nhìn ra cả nước và nếu muốn bước ra thế giới thì càng phải nhìn ra thế giới. Trước mắt, so với HS ở thành phố, ở cả nước, thì con đang ở đâu. Mà nhìn qua Mỹ, thì con đang đứng đâu, con đang ở thứ hạng % nào. Để từ đó, con tự biết khiêm tốn, biết bản thân cần phải phấn đấu như thế nào để vươn ra khỏi cái ao làng, và vươn xa hơn nữa.

Vì vậy, các đơn vị tổ chức các kỳ thi chuẩn hoá thường đưa ra Report mà trong đó có sự phân tích dữ liệu lớn, và so sánh kết quả của từng HS trên tổng số HS trong và ngoài nước cùng tham gia kỳ thi.

Sự so sánh định lượng này là cần thiết và không hề làm tổn thương gì đứa trẻ. Con cần biết chính xác thực lực của bản thân ở đâu, rồi để từ đó, con xem lại MỤC TIÊU của mình, và điều chỉnh nhiều thứ.

- Có khi cần điều chỉnh MỤC TIÊU, giảm kỳ vọng đi, sao cho khả thi hơn (đừng quá tự ảo tưởng về bản thân mà đưa ra mục tiêu quá lớn)

- Có khi cần điều chỉnh tốc độ, học tăng tốc hơn

- Có khi cần điều chỉnh nội dung, cần học lại kiến thức môn con đang yếu, đang thiếu

- Có khi cần điều chỉnh thứ tự, cái gì học trước, cái gì học sau

Chỉ khi bạn có 1 báo cáo đánh giá năng lực học tập của con chính xác, cụ thể, chi tiết; bạn mới có thể lên kế hoạch/ lộ trình chính xác.

Làm kế hoạch mà không có dữ liệu, thì là kế hoạch cẩu thả.

Lên lộ trình học tập mà không có dữ liệu, là lộ trình mù mờ.

Bạn mong đợi một kết quả xuất sắc nào, từ kế hoạch cẩu thả và lộ trình mù mờ kiểu đó???

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 07, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL