Các chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ có còn hợp thời đại?!!

Các chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ có còn hợp thời đại?!!

Trước khi vào bài viết, mình nói luôn mình tốt nghiệp Cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, hệ Phiên dịch, tại Đại học Ngoại ngữ (ULIS) năm 1998.

Đầu những năm 1990, Việt Nam bắt đầu mở cửa. Những người trẻ giỏi tiếng Anh làm việc cho các công ty nước ngoài hay các tổ chức quốc tế với mức lương vài trăm đô là đáng ngưỡng mộ lắm. Nghe láng máng, bắt trend như vậy, nên nghỉ hè năm lớp 10, bụp một cái mình quyết định là mình phải học tiếng Anh từ bảng chữ cái, để thi đại học khối D, bỏ rơi môn tiếng Nga tới mức mình sợ là sẽ trượt tốt nghiệp cấp 3.

Cũng nói luôn mình vào học ngành Ngôn ngữ Anh vì bị trượt Đại học Ngoại thương, can tội không chịu viết đúng văn mẫu ca tụng Những vị La hán Chùa Tây Phương nên môn văn bị 4,5 điểm, khiến năm đó mình bị thiếu 1 điểm hay sao đó. Mình cũng đỗ top đầu khối D Đại học Tài chính, nhưng bố mẹ sợ tính mình đi mây về gió, không cho học. Mình đã làm hồ sơ thi vào ngành Báo chí, mà bố mẹ sợ con gái vất vả, bắt sửa hồ sơ luôn, nên phút cuối mình mới buộc phải quay xe học ngành thuần ngôn ngữ. Tốt nghiệp Cử nhân Ngôn ngữ Anh, nhưng cuối cùng mình lại đi làm báo 4 năm, sau đó bẻ lái làm tiếp thị 10 năm, và bây giờ làm nghiên cứu và giảng dạy về marketing, truyền thông hơn 10 năm rồi.

Nhưng mấy chục năm nay, mình luôn nghĩ việc dành tới 4 năm đại học để học Cử nhân Ngôn ngữ Anh là một sự lãng phí. Suốt 4 năm đại học, mình thích nhất môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam do thầy Trần Quốc Vượng và cô Trần Thúy Anh dạy. À, mà mình phải đi học lóm thầy Vượng dạy ở trường khác, chứ mình không được chính thức học thầy Vượng ở trường mình. Mình chỉ thấy các môn Thực hành Tiếng Việt, môn Phiên dịch Anh-Việt, Việt-Anh của cô Trà và thầy Tiến, và môn Discourse Analysis là hữu ích trong công việc. Còn các môn Linguistics khác mình chẳng thấy có ích lợi gì. Bây giờ nhìn vào bảng điểm mình còn chẳng nhớ những môn như Pragmatics và Contrastive Linguistics đã học cái gì luôn. Còn môn Phonetics & Phonology mà mình được học ở đại học thì không hữu ích bằng trẻ con thời nay học Phonics đơn giản, dễ hiểu. Môn Cross Cultural Studies cũng hay, nhưng chưa đủ sâu sắc, mà mới chỉ ở mức lướt ván, cực kỳ bề mặt. Môn này mình thích cũng vì thầy giao bài tập nhóm, yêu cầu đi phỏng vấn người nước ngoài để hiểu về khác biệt văn hóa, nên mình có được hội bạn thân đại học nhờ phi vụ làm bài tập này.

Giữa hai trường có cùng xuất phát điểm chuyên dạy ngoại ngữ từ nhiều chục năm trước, mình thấy Đại học Hà Nội (trước kia là Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân) đã mở ra đa ngành từ rất lâu rồi, có lẽ là từ thời anh Nguyễn Xuân Vang làm hiệu trưởng? Nhưng Đại học Ngoại ngữ Cầu Giấy (ULIS) đến giờ này vẫn trung thành đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Ả Rập.

Tên trường ULIS theo tiếng Anh là University of Languages and International Studies, tức là ngôn ngữ tích hợp với các ngành nghiên cứu quốc tế. Mình mới đọc lại chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh cập nhật năm 2022 thì thấy ngày nay trường đã đưa vào nhiều kiến thức rộng và sinh viên có nhiều môn tự chọn hay. Tuy nhiên, nếu bằng mà trường cấp vẫn là Cử nhân Ngôn ngữ Anh thì quả thực bất lợi cho sinh viên quá. Cử nhân Ngôn ngữ Anh cách đây 26 năm thì có lợi thế và các bạn tốt nghiệp cùng mình ra trường làm đủ ngành nghề và đều giỏi cả, từ báo chí, truyền thông, du lịch, kinh doanh, luật và quan hệ quốc tế. Nhưng ngày nay, mình mà tuyển dụng các vị trí truyền thông, marketing, báo chí, kinh doanh, thương mại, quan hệ quốc tế thì sẽ muốn tuyển các bạn được đào tạo các chuyên ngành này chuyên sâu và có kỹ năng ngôn ngữ tốt, chứ không muốn tuyển Cử nhân Ngôn ngữ.

Xin lỗi các thầy cô đã dạy dỗ em. Nếu được quay trở lại năm 17 tuổi, em sẽ không chọn ngành Ngôn ngữ Anh để học đâu ạ. Thực ra ngày nay nếu biết cách học tốt thì 17 tuổi em đã có thể có trình độ ngôn ngữ tốt hơn một người tốt nghiệp Cử nhân mà không biết năng động tự học hỏi từ trải nghiệm thực tế.

P.S. Bài này không liên quan đến bài tranh luận mình viết cùng ngày nha các bạn. Bài ủ trong lòng lâu rồi, hôm nay nó đã ngấu quá thì phải viết ra thôi.

 


Oct 15, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email