Học để có việc làm có phải là mục tiêu chính đáng?

HỌC ĐỂ CÓ VIỆC LÀM có phải là mục tiêu chính đáng?
 
Xét ở góc độ gia đình, khi con cái đến tuổi trưởng thành thì cũng là lúc cha mẹ ngấp nghé tới tuổi về hưu. Điều này có nghĩa là cha mẹ - những người lao động chính trong gia đình, những người vẫn đảm bảo nguồn thu nhập, nguồn sống của gia đình lúc đó sẽ chuẩn bị rời khỏi công việc đang làm và nguồn thu nhập của gia đình sẽ bị giảm sút hoặc không còn nếu không có người thay thế.
 
Cha mẹ có thể tiếp tục sống với đồng lương hưu ít ỏi của mình, nhưng việc tiếp tục chu cấp cho con cái đến lúc này sẽ vô cùng khó khăn vì nguồn lực không còn dư giả. Vì thế, thời điểm này là lúc các con phải tiếp quản vai trò người lao động tạo ra thu nhập để ít nhất là có thể lo cho cuộc sống của bản thân, và có thể là cho gia đình riêng nếu lấy vợ, lấy chồng, sinh con.
 
Nếu con cái không tìm được việc làm hoặc vì một lý do nào đó mà từ chối lao động, gia đình đó sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh sa sút, nghèo túng, thậm chí khánh kiệt. Và cha mẹ tới khi nhắm mắt xuôi tay sẽ vẫn còn day dứt vì không biết con mình sẽ tiếp tục duy trì cuộc sống trong tương lai như thế nào. Vì thế, con cái có việc làm và chịu khó lao động để tạo ra thu nhập là yếu tố tối cần thiết để đảm bảo duy trì cuộc sống của thế hệ tiếp theo của mỗi gia đình.
 
Xét ở bình diện xã hội, mục tiêu học để có việc làm, để lao động tạo ra thu nhập của mỗi cá nhân cũng không hề mâu thuẫn với mục tiêu và lợi ích chung của toàn xã hội.
 
Một điều rất rõ ràng, đó là xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển khi các thành viên trong xã hội có việc làm và tích cực lao động để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của mình và của các thành viên khác trong xã hội. Một xã hội có nhiều, thật nhiều các công dân lao động tốt, sản xuất ra nhiều sản phẩm và dịch vụ là một xã hội sung túc và phồn vinh. Một xã hội có nhiều công dân ngại lao động hoặc thiếu động lực để lao động sản xuất, người lao động thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng tay nghề yếu kém là một xã hội nghèo túng, mang công mắc nợ. Thậm chí xã hội đó có thể suy sụp, phá sản về kinh tế và lâm vào tình trạng hỗn loạn về chính trị, xã hội. Venezuela là một ví dụ rất cụ thể trong thời hiện đại về một xã hội như vậy.
 
MỤC TIÊU LỚN BỊ BỎ QUÊN VÀ HẬU QUẢ NẶNG NỀ
 
Học để có việc làm, để có thể lao động tốt tạo ra thu nhập rõ ràng là một mục tiêu vô cùng quan trọng đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
 
Tuy nhiên, trong rất nhiều năm, mục tiêu này đã bị bỏ quên hay xem nhẹ trong công tác giáo dục.
 
Ở cấp độ xã hội, đó là sự coi thường hoạt động hướng nghiệp trong giáo dục nhà trường, học sinh học ngày học đêm để phục vụ các cuộc kiểm tra và thi cử liên miên dưới sự thúc ép của thầy cô giáo và cha mẹ trong khi luôn băn khoăn với câu hỏi “không biết mình học để làm gì”. Các môn học mang nặng tính lý thuyết và xa rời thực tế nghề nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp chỉ mang tính hình thức, vài chục tiết học nghề sơ sài chỉ mang tính đối phó, gọi là có cho đủ hoạt động, khiến học sinh khó hình dung và định hướng được nghề nghiệp và công việc tương lai.
 
Ở cấp độ gia đình, trong nhiều năm con em chúng ta đến trường đi học, mục tiêu học để có việc làm bị che khuất đi bởi những nỗi lo lắng hàng ngày, như sơ con đi học muộn bị ghi tên vào sổ, sợ con không làm bài tập bị cô giáo mắng (và đánh … hu hu), sợ con thi điểm thấp bị thua kém bạn bè, sợ con không học ngoại ngữ sớm thì không nói tiếng Anh được như người bản xứ, sợ con không luyện toán nâng cao thì không thi vào được lớp chuyên v.v và v.v. Và chúng ta cứ mải miết chạy theo đối phó với các mối lo lắng vụn vặt hàng ngày đó, miệt mài đưa con tới lớp học Toán nâng cao, tới lớp học Anh Văn với người bản ngữ, thậm chí cho con học thêm tới 2-3 thầy cô cho cùng một môn để hy vọng con có thể đạt điểm cao trong kỳ thi để sau này lấy học bổng du học.
 
Thế rồi … đến một ngày. Con chúng ta phải quyết định chọn một khối thi, hay một trường đại học để thi vào. Đến lúc này, những người làm cha làm mẹ mới giật mình nhận ra cái mục tiêu rất cụ thể, rất thiết thực và sát sườn với mỗi cá nhân và mỗi gia đình, và xét cho cùng, đó là mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất khi chúng ta cho con tới trường đi học – học để có việc làm.
 
NHƯNG CON CHÚNG TA SẼ HỌC VÀ LÀM NGHỀ GÌ?
 
Đến lúc này, rất nhiều người trong chúng ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng cả bố mẹ và con đều không biết con thích gì, năng lực của con sẽ phù hợp với nghề gì và công việc cụ thể nào trong tương lai.
 
Một điều đáng buồn là đến thời điểm đó chúng ta mới nhận ra thì đã muộn. Thời gian không còn nhiều để con có thể cân nhắc, tìm hiểu các năng lực và sở thích của mình. Con và cha mẹ cùng lúng túng, và rồi cha mẹ dựa trên kinh nghiệm và kiến thức nghề nghiệp của mình đành chọn lấy một nghề mà mình “cảm thấy” có vẻ hợp với con nhất hay “cảm thấy” dễ kiếm việc nhất, hoặc nghề cha mẹ “cảm thấy” dễ hỗ trợ con nhất. Con chúng ta, không biết mình muốn gì, thích gì, cuối cùng đành nhắm mắt, tặc lưỡi tuân theo quyết định của cha mẹ.
 
PGS. TS. Nguyen Hoang Anh, giảng viên của Đại học Ngoại thương, có lần chia sẻ với tôi: nếu hỏi 10 sinh viên của chị tại sao chọn trường Ngoại thương và ngành các em đang theo học thì chỉ có khoảng 1-2 em trả lời vì mình thích ngành đó, 2-3 em trả lời vì ngành này sau ra trường dễ kiếm việc và có thu nhập cao, số còn lại 5-6 em thì em học trường này, ngành này thì …vì cha mẹ em bảo thế.
 
Chưa nói đến việc sau này đi làm sẽ như thế nào, với các em học vì cha mẹ bảo thế, chắc chắn là tinh thần, thái độ đối với việc học của các em sẽ rất có vấn đề, vì động lực học tập tự thân của các em là gần như không có. Như chị Nguyễn Hoàng Ánh đã từng nhận xét “các bạn ấy đang phí cả tuổi xuân của mình để thực hiện ước mơ của người khác. Định hướng không rõ, không biết bản thân muốn cái gì, đòi hỏi những thứ không nằm trong khả năng của mình nên sau này vỡ mộng là đương nhiên”.
 
Theo số liệu mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố năm 2017 “Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học và trên đại học đang có xu hướng tăng. Cụ thể số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên theo thống kê năm 2017 là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017”.
 
Bài báo đã trích ở trên cũng đưa ra các nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh “Những số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho thấy lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cao là câu trả lời cho việc học mà không có định hướng, không tìm hiểu nhu cầu xã hội. Nhiều người đã phải bỏ tấm bằng cử nhân, thạc sĩ đi để lựa chọn những công việc phổ thông, điều đó cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian.”
 
CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ BỚT ĐI LO LẮNG?
 
Nỗi lo lắng của cha mẹ về việc làm trong tương lai của con cái là nỗi lo chính đáng. Sau bao nhiêu năm học hành, cha mẹ đầu tư bao nhiêu thời gian, sức lực và tiền bạc của gia đình mà con cái thất nghiệp, không có việc làm là nỗi buồn lớn của cha mẹ, và tiềm ẩn thật nhiều rủi ro về tài chính và sinh kế cho mỗi gia đình.
 
Là cha mẹ, chúng ta có thể làm được điều gì để bớt đi nỗi lo lắng ấy, giúp con học và chọn được nghề nghiệp phù hợp cũng như công việc tốt trong tương lai, qua đó con cái chúng ta có thu nhập để duy trì cuộc sống và đảm bảo tương lai cho những thế hệ kế tiếp của gia đình?
 
Câu trả lời nằm ở GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP


Aug 01, 2023

5 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL