Học Ngành Y Tế Mỹ- Muôn Hình Vạn Trạng

Xin chào mọi người. Dạo gần đây có nhiều thắc mắc về các ngành liên quan đến y tế tại Mỹ. Vì vậy, Triết làm bài viết này để tổng hợp lại vài thông tin cần thiết về các ngành nghề để mọi người có thể tham khảo thêm:

Doctor of Medicine/ Doctor of Osteopathic Medicine (MD/ DO) - Physicians:

Đây là ngành mà người người, nhà nhà hướng đến: bác sĩ đa khoa. Bác sĩ đa khoa là người trực tiếp đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Là người có trách nhiệm và quyền lực lâm sàng cao nhất trong đội ngũ y tế. Quá trình đào tạo thường bao gồm:
- 4 năm cử nhân: ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite (theo yêu cầu)
- 4 năm cao học: medical school - trường Y
- 3 - 7 năm nội trú: bắt buộc, còn độ dài tùy chuyên ngành
- Và 3 - 4 năm hậu nội trú: không bắt buộc, chỉ cho những chuyên ngành đặc biệt
- Thời gian đào tạo tối thiểu là 11 năm và tối đa là cả tuổi thanh xuân

Doctor of Pharmacy (PharmD) - Pharmacist:

Đây là ngành dược sĩ. Ngành dược ở Mỹ khá phát triển so với các nước khác. Khi nhắc tới có thể mọi người sẽ liên tưởng ngay đến những công việc làm ở nhà thuốc nhưng đó chỉ là 1 mảng của ngành. Ngoài những công việc đó ra, dược sĩ cũng có thể làm trong bệnh viện hoặc phòng khám.
Công việc của dược sĩ là bảo đảm đúng bệnh, đúng thuốc cho bệnh nhân bằng cách:
- Kiểm tra và liên lạc với người ghi toa để điều chỉnh (nếu có sai sót)
- Tham gia hỗ trợ bác sĩ phát triển phác đồ điều trị cho bệnh nhân, thậm chí còn có thể điều chỉnh liều và kê toa trong nhiều trường hợp.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân: ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite (yêu theo cầu)
- 4 năm cao học: pharmacy school - trường Dược
- 1 - 2 năm nội trú và 1 - 2 năm hậu nội trú: không bắt buộc

Doctor of Dental Surgery (DDS) - Dentist:

Đây là ngành nha sĩ. Ngành chuyên chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nha sĩ sẽ làm ở phòng nha hoặc làm ở bệnh viện, có thể nhổ răng, chỉnh hàm, phẫu thuật răng miệng, chữa các bệnh liên quan đến nha chu.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân: ngành tùy thích chỉ cần học đủ những lớp prerequisite
- 4 năm cao học: dental school - trường Nha
- 1 - 6 năm nội trú: tùy bang sẽ là bắt buộc hoặc không bắt buộc 1 năm nội trú; năm 2 - 6 là cho những ai muốn chuyên sâu

Science in Nursing (BSN) - Nurse:

Đây là ngành điều dưỡng, một trong những ngành hot nhất hiện giờ. Điều dưỡng sẽ có trách nhiệm chăm sóc và theo dõi bệnh nhân trực tiếp, thông báo với bác sĩ/ dược sĩ về tình trạng của bệnh nhân, bảo đảm bệnh nhân được tiêm và uống thuốc đầy đủ, đúng giờ.
Điều dưỡng sẽ là người tương tác với bệnh nhân nhiều nhất trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe. Một điều dưỡng tốt sẽ cực kì quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Quá trình đào tạo BSN (Cử nhân) thường là 4 năm. Đáng chú ý là có bằng trung cấp điều dưỡng 2 năm (Associate of Science in Nursing - ASN) thường sẽ không được ưu tiên bằng và một số bệnh viện lớn sẽ không nhận ASN.
Ngành Nurse hiện đang thiếu trầm trọng nên rất nhiều Bệnh viện sẵn sàng sponsor thẻ xanh EB3 diện có tay nghề cho DHS.

Doctor of Nursing Practice (DNP)- Nurse Practitioner:

Một ngành tương đối mới và khá hot, có thể dịch nôm na là điều dưỡng cao cấp. Đây là cấp độ cao hơn của cử nhân điều dưỡng (BSN). DNP có thể chẩn đoán và điều trị dựa trên 1 bản hợp đồng được ký kết với các bác sĩ (cho phép chữa trị bệnh nào và kê thuốc nào). Nói như vậy có nghĩa là DNP sẽ khám và chữa những bệnh “đơn giản” hơn so với bác sĩ.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân y tá (bắt buộc phải là BSN)
- 3 năm cao học (một số trường sẽ đòi hỏi 1 - 2 năm kinh nghiệm làm việc tùy theo chuyên ngành muốn theo học).

Master of Science in Physician Assistant Studies (MPAS) - Physician Assistant (PA):

Đây là ngành dịch nôm na là trợ lý bác sĩ - cũng là một ngành khá hot. Nói là trợ lý thôi nhưng vẫn có thể chẩn đoán và điều trị bệnh nhân (nhưng phải trong sự cho phép của bác sĩ). Nếu mọi người nghĩ rằng ‘ủa sao mà nghe giống DNP quá vậy’ thì thật sự hiện tại đang khá là khó phân biệt chức năng của 2 ngành này; đó cũng là lý do mà 2 ngành này đang có một cuộc chiến tranh “lãnh thổ” khá căng thẳng.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân: ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite (theo yêu cầu)
- Và 2 năm thạc sĩ (PA school)

Doctor of Physical Therapy/ Occupational Therapy (DPT/DOT)-Physical Therapist/ Occupational Therapist (PT/OT):

Đây là 2 ngành khác nhau nhưng hay được gắn liền với nhau nên sẽ được liệt kê chung để đơn giản hóa danh sách. 2 ngành này nôm na có thể dịch là chuyên gia Vật lí trị liệu.
PT giúp bệnh nhân hồi phục sự cử động, và OT thì giúp chức năng khác của cơ thể như ăn uống, vệ sinh cá nhân, tiểu tiện, đại tiện. 2 ngành này khá quan trọng trong việc đánh giá thể trạng của bệnh nhân.
PT/ OT thường bị nhầm là bác sĩ nhưng 2 ngành này không có chức năng kê toa thuốc hay phẫu thuật; 2 chức năng này (kê toa + phẫu thuật) là của bác sĩ (physician) chuyên khoa cơ xương khớp (Orthopedic).
Quá trình đào tạo ngành này thường là:
- 4 năm cử nhân: ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite
- 3 năm cao học (PT/OT school- trường vật lí trị liệu)
- 1-2 năm nội trú (không bắt buộc, chỉ cho những ai muốn chuyên sâu)

Doctor of Optometry (OD) - Optometrist:

Đây là ngành dịch nôm na là chuyên gia Khúc xạ Nhãn khoa (tránh nhầm lẫn với ngành bác sĩ (MD/DO) chuyên khoa mắt - Opthomologist). Optometrist có quyền được đo mắt, kê toa kính thuốc, chữa trị một số bệnh thường gặp như cườm nước, đau mắt đỏ, nhiễm trùng nhẹ, giúp bệnh nhân khôi phục thị giác.
Tuy nhiên, phạm vi lâm sàng của Optometrist hẹp hơn rất nhiều so với Opthomologist. Mọi phẫu thuật liên quan đến mắt như mổ đục thủy tinh thể, LASIK, và các bệnh nặng về mắt đều phải do opthomologist chịu trách nhiệm. Optometrist có thể giúp opthomologist theo dõi bệnh nhân tiền phẫu và hậu phẫu.
Quá trình đào tạo Chuyên gia Khúc xạ Nhãn khoa thường là:
- 4 năm cử nhân (ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite)
- 4 năm cao học (Optometry school)
- 1-2 năm nội trú (không bắt buộc)

Doctor of Audiology (AuD)- Audiologist:

Đây là ngành dịch nôm na là chuyên gia thính giác (tránh nhầm lẫn với bác sĩ (MD/DO) chuyên khoa Tai – Mũi - Họng - Otolaryngologist/ ENT.
Audiologist có quyền đánh giá thính giác của bệnh nhân, giúp bệnh nhân chọn dụng cụ trợ thính, theo dõi và chữa trị chứng ù tai,rối loạn tiền đình, giúp bệnh nhân khôi phục thính giác.
Tuy nhiên , phạm vi lâm sàng của Audiologist hẹp hơn rất nhiều so với Otolaryngologist. Các phẫu thuật như vá màng nhĩ, cấy ghép ốc tai và các bệnh nặng về tai đều phải do Otolaryngologist chịu trách nhiệm.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân (ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite)
- 4 năm cao học
- 1 năm nội trú (không bắt buộc)

Doctor of Psychology (PsychD) - Psychologist:

Đây là ngành Chuyên gia Tâm lý (tránh nhầm lẫn với ngành Bác sĩ (MD/DO) Tâm lý - Psychiatrist. Psychologist có khả năng chữa trị bệnh nhân bằng các phương pháp trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, Psychologist thường không có khả năng kê toa, chỉ có Psychiatrist mới có khả năng kê toa.
Quá trình đào tạo Chuyên gia Tâm lý thường là:
- 4 năm cử nhân (ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite)
- 4 năm cao học
- 1 - 2 năm nội trú (không bắt buộc)

Doctor of Podiatric Medicine (DPM) - Podiatrist:

Ngành này khá ngộ nghĩnh, đó là bác sĩ chân. Bác sĩ này chỉ có trách nhiệm từ cổ chân trở xuống. Bác sĩ có thể giúp theo dõi tình hình chân của bệnh nhân tiểu đường, thậm chí cắt móng chân cho bệnh nhân tiểu đường, trị đau chân, và có thể phẫu thuật mắt cá/ bàn chân. Tới giờ vẫn không rõ là tại sao lại có riêng 1 ngành cho bàn chân. Đầu vào ngành này tương đối thấp so với medical school.
Quá trình đào tạo:
- 4 năm cử nhân
- 4 năm cao học (Podiatry school)
- 3 năm nội trú (bắt buộc)

Doctor of Veterinary Medicine (DVM)- Veterinarian:

Đây là ngành bác sĩ thú y, không liên quan đến con người nhưng thêm vào cho đủ. Ngành này chữa trị bệnh cho thú vật và có nhiều chuyên khoa riêng cho các chủng loài khác nhau.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân
- 4 năm cao học (Vet school)
- 2 - 4 năm nội trú (không bắt buộc)

Doctor of Chiropractic (DC) - Chiropractor:

Đây là chuyên gia nắn xương khớp. Nếu ai đã xem Youtube mấy bác bẻ xương răng rắc thì chính là ngành này. Chiropractic tin vào việc điều chỉnh cột sống để cải thiện sức khỏe. Vì đụng tới cột sống nên ngành này cũng cần được đào tạo rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ngành này cũng gây ra khá nhiều tranh cãi trong giới y tế.
Quá trình đào tạo thường là:
- 4 năm cử nhân (ngành tùy thích, chỉ cần học đủ những lớp prerequisite)
- 4 năm cao học (Chiropractic school)
LƯU Ý:
Đây chỉ là một số ngành liên quan đến y tế tại Mỹ. Ngoài ra còn rất nhiều ngành khác mà Triết không thể liệt kê ra hết: kĩ thuật viên (KTV) vệ sinh răng, KTV nhãn khoa, KTV siêu âm, KTV xét nghiệm, dược tá.... Ngoài ra, đây là cái nhìn siêu bao quát về từng ngành nên không thể liệt kê chi tiết tất cả những chức năng của từng ngành.
Bác sĩ đa khoa thực thụ chỉ có MD (Doctor of Medicine) và DO (Doctor of Osteopathic Medicine). Tất cả những ngành còn lại đều là vai trò hỗ trợ cho MD và DO.
Tất cả những ngành này (trừ BSN - Cử Nhân Điều Dưỡng) đều bắt đầu khi vào cao học; cho nên ai học Cử nhân (ở Mỹ) mà bảo là đang học Y, học Dược, học Nha thì không đúng lắm (Admin bổ sung: Tuy vậy, vẫn có 1 số trường dạy chương trình Fast-track 6 năm cho ngành Dược: học ngay từ Cử Nhân).
Thời gian đào tạo được nêu trên chỉ là dòng thời gian phổ biến nhất của hệ thống giáo dục mỹ. Có những chương trình sẽ dài hoặc ngắn hơn khoảng thời gian nêu trên.
Bài này khá dài nên nếu ai đọc tới dòng này thì xin cảm ơn rất nhiều ạ.
Nguồn: Lê Công Triết
P/S: Bổ sung thêm phần chia sẻ ở Comment:

Còn ngành master of Public Health thì như thế nào?

Dạ vâng bằng này ra thật sự có khá nhiều hướng đi. Trang web của đại học USC có liệt kê ra 7 ngành nghề liên quan đến bằng này với lương trung bình của các ngành nghề từ $69.000 đến $200.000+ cùng với số công việt liên quan đến ngành sức khỏe sẽ tăng khoảng 28% từ năm 2021 đến 2031.
Các ngành này cũng khá đa dạng nên có thể làm từ bệnh viện đến các tổ chức sức khỏe đến các công ty lớn ạ. Đây thật sự có thể là do thế hệ "baby boomers" của Mỹ đã cao tuổi và cần rất nhiều sự chăm sóc sức khỏe.

Ngành kỹ sư Y Sinh tại Mỹ thì như thế nào?

Theo trang web của bộ lao động Mỹ thì ngành này có tỉ lệ tăng trưởng từ 2021 đến 2031 là 10% (nhanh hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của tất cả các ngành nghề).
Lương trung bình khoảng $96.000. Ngành này chắc chắn thuộc STEM nên sẽ có cơ hội gia hạn STEM OPT.


Phạm Hương - Jun 13, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL