Hướng nghiệp cho học sinh

HƯỚNG NGHIỆP 1: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TẾ

       Hướng nghiệp là lĩnh vực rất rộng. Và đối tượng của công tác hướng nghiệp cũng bao gồm nhiều nhóm người ở các độ tuổi khác nhau. Hướng nghiệp cho người trưởng thành, đã tốt nghiệp đại học hoặc đã từng có công việc và muốn chuyển hướng công tác, hay hướng nghiệp cho người đã nghỉ hưu nhưng muốn có một công việc bán thời gian đều có đặc thù rất riêng. Nhưng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông rất quan trọng, vừa thách thức vừa đòi hỏi chuyên môn cao. Một phần vì các em ở tuổi này chưa thể chắc chắn mình muốn phát triển nghề nghiệp như thế nào trong tương lai xa, một phần nhu cầu định hướng của các em tập trung vào ngành học ở bậc tiếp theo, nên chưa thể định hướng hẹp như người đã đi làm.

       Ở Việt Nam giáo dục hướng nghiệp phổ thông đã được chú trọng hơn và hoạt động hướng nghiệp định hướng phân luồng sớm và trải nghiệm ngành nghề kỹ thuật đang được thực hiện tương đối tốt. Nhưng đối với nhóm học sinh có nhu cầu học đại học, đặc biệt là đại học quốc tế và du học thì công tác này chưa đáp ứng được nhu cầu cá nhân của học sinh. Hướng nghiệp đối với nhóm này phải kết hợp với định hướng ngành học ở bậc đại học, và có thể hướng đến thị trường lao động quốc tế. Học đại học quốc tế hay du học là một khoản đầu tư lớn của gia đình, nên những sự kiện hướng nghiệp như ngày hội hướng nghiệp hay các bài học hướng nghiệp trong chương trình phổ thông chưa thể giúp các em chọn được ngành học phù hợp với khả năng và nhu cầu của bản thân. Hiện có khá nhiều đơn vị hướng nghiệp độc lập ở Việt Nam với mô hình khá giống nhau, cùng dựa trên những lý thuyết cơ bản trong hướng nghiệp. Và từ lý thuyết đến thực tế và khả năng đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng học sinh là một khoảng cách không hoàn toàn dễ bắc cầu.

      Trong khuôn khổ bài này, tôi sẽ tập trung vào hướng nghiệp định hướng ngành học và nghề nghiệp cho nhóm học sinh muốn du học. Các đơn vị hướng nghiệp khá đồng nhất trong việc sử dụng các công cụ và các bước hướng nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào hiệu quả với từng học sinh không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết hay giảng giải lý thuyết cho các em.

Hiểu bản thân

      Đây là bước đầu tiên trong hướng nghiệp. Các đơn vị hướng nghiệp đều sử dụng các bài trắc nghiệm tính cách như 16 Personalities (theo lý thuyết của Briggs-Mayer) và trắc nghiệm sở thích như Interest Profiler (theo lý thuyết Holland), hoặc các phiên bản tương tự. Các bài trắc nghiệm này có nhiều phiên bản miễn phí, ai cũng có thể tìm để làm. Bản miễn phí thường ngắn gọn hơn, nhưng công thức vẫn thế. Các bài miễn phí thường chỉ cho kết quả ngắn gọn và một phần giải thích các khái niệm, thuật ngữ được dùng. Kết quả có thể gắn luôn với một số mảng nghề nghiệp phù hợp hay một danh mục nghề nghiệp. Bài có phí thường dài hơn, nhiều câu hỏi tình huống hơn, và kết quả có phân tích kỹ hơn. Tuy nhiên phần kết quả vẫn mang tính khái quát theo nhóm tính cách và nhóm sở thích, và để hiểu sâu được vì sao kết quả trắc nghiệm của mỗi người lại gắn với danh mục nghề nghiệp đó thì không phải ai cũng làm được, và nhiều khi cần đến cố vấn hướng nghiệp có chuyên môn giúp các em. Các em làm xong bài trắc nghiệm nhiều khi cũng chỉ có được câu “biết vậy” hay “rồi giờ sao?”

      Nhưng hiểu bản thân là một quá trình. Làm bài trắc nghiệm vẫn mang tính đại trà. Cùng ra một kết quả na ná nhau, nhưng mỗi học sinh là một cá thể, có năng lực cụ thể khác nhau, có một hoàn cảnh gia đình khác, và có những cơ hội học tập khác. Hướng nghiệp hiệu quả không thể chỉ dùng các bước đại trà, mà bắt buộc phải có các bước cá nhân hóa. Tức là cố vấn hướng nghiệp phải ngồi lại với từng học sinh, từng gia đình tối thiểu vài lần trong một khoảng thời gian tương đối để cùng tìm hiểu nhu cầu cá nhân của học sinh và lên sơ đồ hướng nghiệp dành riêng cho bạn đó. Hai bạn cùng có chỉ số sáng tạo nghệ thuật cao, nhưng một bạn sáng tạo về tư duy không gian và một bạn sáng tạo về tư duy ngôn ngữ sẽ phát huy thế mạnh của mình ở những lĩnh vực rất khác nhau. Cùng thích tham gia nhạc kịch, nhưng bạn thích diễn vai chính, bạn chỉ thích tổ chức hậu trường sân khấu. Cùng học giỏi Toán, nhưng có bạn giỏi Toán học thuần túy (giải tích, đại số, hình học, phương trình, chuỗi v.v.) nhưng có bạn rất giỏi Toán ứng dụng (xác suất, thống kê, phân tích dữ liệu, lập mô hình, v.v.). Chưa kể nhiều bạn có những khả năng và sở thích kết hợp. Ví dụ, nếu bạn học giỏi khoa học, nhưng lại có khả năng ngôn ngữ cao, thích làm việc trong môi trường năng động, thì phải định hướng đến những mảng công việc có thể giúp bạn phát huy được tất cả các năng lực đó mới tối ưu. Ngược lại, ở tuổi này tính cách của các bạn chưa hoàn toàn định hình, nhiều bạn có những sở thích khá mạnh nhưng nhất thời chủ yếu do ảnh hưởng của phong trào, của mạng xã hội, nay thích idol này, mai thích oppa khác, nhiều khi quyết định đi học trường nọ kia chỉ vì bạn trai/bạn gái đi học ở đó. Khi năng lực thực sự của bạn không khớp với sở thích, thì người tư vấn phải nhận ra những yếu tố bẩm sinh (nature) và những yếu tố xã hội (nurture) để tư vấn phù hợp.

Hiểu thị trường lao động

      Trong bước thứ hai, học sinh nên xác định liệu khi học xong, mình có muốn có kinh nghiệm việc làm tại nơi học hay không, muốn về nước làm, hay ở lại xin việc. Thị trường lao động mỗi nước mỗi khác, nhưng không phải không có điểm chung. Ai là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Việt Nam, ở lĩnh vực kinh tế nào? Khu vực nào đang thiếu nhân lực bậc cao nhiều nhất? Thiếu nhân lực với bộ kỹ năng như thế nào và có bằng cấp ở ngành đào tạo nào? Mức lương trung bình của các nghề nghiệp khác nhau như thế nào? Một số trang web hữu ích cho việc nghiên cứu trả lời các câu hỏi này như Linkedin, Navigos, Alphabe, v.v. có thể dùng như những công cụ ban đầu. Với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, v.v. thì thường có rất nhiều nguồn dữ liệu thống kê từ các tổ chức độc lập hay từ chính phủ. Nhưng các câu hỏi định hướng để giúp các em tìm hiểu thị trường lao động mình muốn hướng đến thì không thay đổi.

    Tất nhiên, việc tự tìm hiểu thị trường lao động với các em và ngay cả khi có sự giúp đỡ của cha mẹ, cũng rất khó và mất nhiều thời gian. Trừ khi các bạn học về và tiếp quản công ty của gia đình hoặc một số ít học sinh phổ thông có năng lực vượt trội về 1 lĩnh vực và xác định rất sớm mong muốn nghề nghiệp của mình, đa phần phải có sự kiên trì và nghiêm túc trong việc tìm hiểu thị trường lao động. Cha mẹ có thể giúp các con hiểu về nghề nghiệp trong lĩnh vực làm việc của mình, nhưng sẽ làm thế nào nếu con không muốn theo đuổi nghề giống mình? Hoặc giả sử con muốn làm nghề trong cùng lĩnh vực nhưng ở một nước khác, thì tìm kiếm thông tin thế nào? Chưa kể thông tin về thị trường lao động vừa khó hình dung với các em vừa nhàm chán. Tôi luôn phải thiết kế các bài học nhỏ, ngắn, thú vị về các ngành nghề khác nhau, đôi khi kèm video về môi trường làm việc, hoặc những thông tin hiếm khi các nguồn chính thống cung cấp, như “khi bác sỹ không trực ca, họ làm gì?”, hay “khi kỹ sư viết báo cáo", hay “vì sao nhà báo cần giỏi cả Toán", hay “những khúc cua sự nghiệp" v.v. Để các em hiểu rằng, tên hay chức danh một nghề nghiệp không thể nói hết bản chất công việc hay môi trường làm việc của công việc đó. Từ đó các em có cái nhìn sâu sắc và mở rộng hơn về công việc và thị trường lao động và tính chất thay đổi nhanh chóng của việc làm ở thời đại công nghệ này.

Hiểu ngành học và các cơ hội học tập và làm việc

      Sau khi hướng đến một số lĩnh vực kinh tế hay một số khu vực việc làm tương đối phù hợp và hấp dẫn với các em, bước thứ 3 sẽ mất thời gian nhất nhưng cũng gắn liền với quá trình chuẩn bị hồ sơ/thi vào đại học của các em. Các bạn sẽ phải tìm hiểu lĩnh vực kinh tế bạn muốn tham gia đó đòi hỏi nhân lực có chuyên môn và kỹ năng như thế nào? Chuyên môn đó được đào tạo theo ngành nào, ở những đại học nào? Chương trình đào tạo chi tiết gồm những gì? Trong quá trình học có cơ hội thực tập ra sao? Trường đại học hỗ trợ trong công tác hướng nghiệp như thế nào? Trường có cơ sở ở thành phố nào, liên kết với những công ty tuyển dụng nào? Bao nhiêu % sinh viên theo học ngành đó đi thực tập và tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trong vòng sáu tháng? Nếu là đại học nước ngoài, vấn đề visa cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khó khăn gì không? Chính sách thu hút lao động bậc cao của nước sở tại như thế nào trong vòng 5-10 năm tới? Tất cả các câu hỏi này đều rất quan trọng khi các bạn bắt đầu tìm hiểu ngành học và trường đại học. Học sinh tôi thường phải làm một số bài tập được thiết kế chi tiết để các bạn có thể tự tìm câu trả lời cho mình.

      Có một quan niệm phổ biến là nếu học một ngành và ra trường không làm việc trực tiếp liên quan đến ngành đó là phí phạm vì học trái ngành. Nhưng thế nào là trái? Và nếu trái thì có phải hoàn toàn lãng phí? Có thể tránh tuyệt đối việc học trái ngành không khi mà có khi từ khi bạn vào trường đến lúc ra trường mọi thứ đã thay đổi chóng mặt? Cố vấn có chuyên môn và kinh nghiệm trong hướng nghiệp luôn hiểu rằng, mối quan hệ giữa ngành học và cơ hội việc làm là tương đối và hữu cơ. Đối với những nghề đòi hỏi chuyên môn sâu và hẹp thì chỉ có những người được đào tạo về ngành đó mới thực hiện được công việc của ngành. Ví dụ muốn trở thành bác sỹ, bạn bắt buộc phải học y khoa, muốn làm kế toán, phải được đào tạo về nghiệp vụ kế toán. Nhưng chiều ngược lại không phải lúc nào cũng đúng. Bạn học xong ngành y không nhất thiết phải theo đuổi nghề y hết đời hay bạn học xong ngành kỹ sư, không nhất thiết phải đi làm kỹ sư. Mặc dù không theo đuổi ngành nghe có vẻ lãng phí thời gian đào tạo, nhưng sự phát triển của nhu cầu tuyển dụng có thể nảy sinh những nghề yêu cầu cả kiến thức chuyên môn của bạn kết hợp với một nghiệp vụ khác và bạn có thể thay đổi sự nghiệp mà vẫn sử dụng được chuyên môn. Ví dụ những cố vấn chính sách y tế đều phải từng là bác sỹ, nhưng khi trở thành cố vấn, họ không còn nhất thiết phải làm việc ở bệnh viện. Hoặc kỹ sư thiết bị âm thanh có thể làm việc cho một xưởng phim trong bộ phận hậu kỳ. Vì thế việc học sâu chuyên môn về một nghề cần phải kết hợp với đạo những kỹ năng mềm phổ quát (stransferrable skills) để khi ra trường bạn có thể làm được một số công việc khác nhau ở một vài lĩnh vực khác nhau.

HƯỚNG NGHIỆP 2: CÁC BÊN THAM GIA

      Mỗi ca hướng nghiệp học đường không khác nhiều một thương vụ cần có sự tham gia của các bên một cách tích cực và cầu thị. Bên nào buông tay thì thương vụ cũng đổ bể.

Học sinh

      Học sinh phổ thông là đối tượng có nhu cầu thông tin hướng nghiệp mở và hướng đến ngành học hoặc ngành đào tạo nghề ở bậc tiếp theo. Với việc học nghề, việc đào tạo thường theo chuyên môn hẹp, ví dụ kỹ thuật điện, cơ khí, lắp ráp, v.v. nên các em thường dễ hình dung ngành học hơn. Nhưng với các em mong muốn học lên đại học và đặc biệt các em muốn du học, thì nhu cầu thông tin của các em rộng hơn rất nhiều.

      Để hướng nghiệp hiệu quả, học sinh cần học một số kiến thức cơ bản về hướng nghiệp. Các bạn cần tham gia những bài học hướng nghiệp bài bản, có trọng tâm vào những ngành nghề có xu hướng phát triển trong tương lai. Những bài học như thế này sẽ giúp các em hiểu được những khái niệm cơ bản trong hướng nghiệp. Thế nào là nghề? Nghề khác với vị trí công tác hay chức danh chức vụ như thế nào? Phạm vi công việc khác với tên gọi nghề nghiệp như thế nào? Thị trường lao động bao gồm những yếu tố gì? Xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai ra sao? Những bài học như thế này sẽ giúp các em có cái nhìn bao quát hơn khi lựa chọn ngành học đáp ứng được cả nguyện vọng của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động.

     Tiếp đó, khi tìm hiểu về các trường đại học có cung cấp chuyên ngành phù hợp với năng lực và mong muốn của mình, cần bỏ qua thứ hạng của trường mà tập trung vào thế mạnh khoa và chương trình để đánh giá chất lượng đào tạo. Ngoài việc đọc kỹ về thông tin chương trình đào tạo trên trang web của trường, các bạn nên tận dụng tối đa các kênh mạng xã hội của trường. Hiện nay hầu như các trường đaị học đều có kênh Youtube giới thiệu cơ sở vật chất hoặc giới thiệu một bài học điển hình trong khuôn khổ một chương trình nào đó, hoặc các tin bài về cuộc sống sinh viên, các hoạt động thực tập, liên kết đào tạo với các công ty hoặc đơn vị khác. Qua những kênh này các bạn biết thêm rất nhiều về trường để lựa chọn cho phù hợp. Ví dụ, cùng đào tạo khoa học máy tính, có trường kết hợp với tự động hóa, có trường lại kết hợp với an ninh mạng. Những chi tiết này có thể quyết định đến hướng đi nghề nghiệp trong tương lai.

     Cuối cùng, các em cần phải hình thành một thói quen tư duy độc lập cho bản thân, không nên lựa chọn bất cứ ngành học nào một cách hời hợt mà không có lý do chính đáng cho lựa chọn của mình. Rất nhiều em thích một ngành nào đó theo cảm tính mà không tìm hiểu kỹ về ngành học ngoài việc biết cái tên chuyên ngành. Càng không nên chọn ngành học theo phong trào hay theo mốt. Các em cần tìm câu trả lời cho những câu hỏi thiết thực như: sau khóa học mình sẽ đạt được kiến thức và kỹ năng gì? Trong khi học, mình có được thực tập không, ở đâu? Trường có điạ điểm ở thành phố nào và ở đó sẽ có cơ hội công việc như thế nào? Trường có phòng hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm để giúp mình chuẩn bị hành trang sau khi tốt nghiệp hay không? V.v.

Phụ huynh

     Trong quá trình hướng nghiệp phụ huynh đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các con. Có hai thế mạnh của cha mẹ tác động đến hiệu quả hướng nghiệp.

     Thứ nhất, kinh nghiệm công việc của cha mẹ là nguồn học liệu quý giá cho con cái trong quá trình hướng nghiệp. Với những bạn con nhà nòi và muốn kế nghiệp bố mẹ từ sớm, thì việc hướng nghiệp là một đường thẳng, các bạn không những có được đào tạo trực tiếp từ bố mẹ, mà còn có được kế hoạch phát triển sự nghiệp từng bước rõ ràng. Nhưng với những bạn lựa chọn ngành học khác với nghề nghiệp của cha mẹ, thì những trải nghiệm của cha mẹ trong công việc sẽ giúp họ có kiến thức thực tế về môi trường và các mối quan hệ việc làm. Quan sát các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề rồi đưa ra những lời khuyên thiết thực về kỹ năng và cách ứng xử giúp thành công trong công việc. Ví dụ, nhiều phụ huynh có vị trí quản lý phàn nàn với tôi về thế hệ gen Z kém giao tiếp, kém kỹ năng con người trong công việc. Thay vào đó, cha mẹ có thể nói với con, rằng trong một lứa non trẻ chưa có kỹ năng giao tiếp, mà con chuẩn bị trước cho mình những kỹ năng đó, sẽ tự nhiên nổi bật và dễ dàng thăng tiến trong công việc hơn.

    Thứ hai, mạng lưới nghề nghiệp của cha mẹ có thể giúp đem lại nhiều thông tin hữu ích khi tìm hiểu về ngành nghề và thị trường. Có thể nhờ đồng nghiệp người quen làm việc trong nhiều lĩnh vực khác giúp con tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng, các kỹ năng cần có trong từng lĩnh vực. Rất nhiều phụ huynh tôi từng làm việc còn có mạng lưới cộng tác viên hoặc đối tác ở nước ngoài và nhờ họ trao đổi thông tin về môi trường học tập và làm việc ở nước đó. Những thông tin này sẽ giúp học sinh hình dung về hướng đi của mình tốt hơn.

     Khi con cái ở tuổi cần hướng nghiệp thì thường cha mẹ cũng đã bước vào giai đoạn giữa sự nghiệp, nên những gì xảy ra trên hành trình nghề nghiệp của cha mẹ có thể không còn giống với tình hình lao động và tuyển dụng vào thời điểm con cái chọn ngành học và nghề nghiệp, nhất là vào thời điểm hiện tại khi bức tranh về công việc trên toàn thế giới thay đổi nhanh chóng, với rất nhiều việc chưa từng có xuất hiện và nhiều việc đang tồn tại sẽ biến mất. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ các con trực tiếp, cần có sự phối hợp với chuyên gia hướng nghiệp để có thông tin cập nhật và chính xác.

Chuyên gia hướng nghiệp

     Hướng nghiệp là hành trình dài và đòi hỏi một chuyên gia hướng nghiệp có chuyên môn sâu và rộng. Ngoài việc học sinh bắt đầu sớm và đi theo lộ trình rõ ràng, kiến thức và năng lực của người hướng nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Hướng nghiệp không phải chỉ là những câu chuyện kể “khơi nguồn cảm hứng” và “chạm vào đam mê" mang tính chung chung mà chẳng cho các bạn học sinh được bất cứ công cụ hay thông tin thực sự hữu ích nào. Điều này không có nghĩa là những câu chuyện nghề nghiệp trong đời thật không có giá trị định hướng, mà khi hướng nghiệp cụ thể, không thể chỉ dừng lại ở những câu chuyện thú vị vui vẻ. Với những cách tiếp cận kiểu nêu gương những người nối tiếng hoặc cực kỳ thành công như “Hãy nhìn Bill Gates hay Mark Zuckerberg – họ bỏ ngang đại học và vẫn trở thành tỉ phú tự thân mà thế giới phải nể phục”, thì tôi luôn khuyên học sinh của mình: “Các em có thể học họ nhiều điều từ họ, chỉ cần ghi nhớ, các em không phải là Bill hay Mark.”

     Dùng khái niệm "đam mê" để dẫn dắt định hướng nghề nghiệp cũng không hiệu quả với đa số các em học sinh tuổi này mặc dù xu hướng này khá phổ biến. Ai cũng có sở thích, và sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhưng không phải ai cũng có đam mê. Đại đa số cả đời không tìm thấy đam mê đúng nghĩa (đừng nói với tôi “em đam mê quay tiktok hay em đam mê uống trà sữa"), không có nghĩa họ không có được công việc tốt hay không tìm được niềm vui và ý nghĩa sống trong công việc. Những người có đam mê thực sự thường có năng lực đặc biệt tập trung mũi nhọn như năng khiếu thể thao hay nghệ thuật. Nhưng những người thực sự theo đuổi được đam mê để biến nó thành sự nghiệp càng ít hơn – sự đầu tư thời gian và tiền bạc không hề nhỏ và khổ luyện mới là chất liệu để thành công, chưa kể rất nhiều đánh đổi và hi sinh khác. Đa phần chúng ta rơi vào phổ trung bình, cần có định hướng tìm công việc phù hợp với năng lực và giá trị sống cơ bản của mỗi người. Với học sinh mười mấy tuổi nay thích Black Pink mai thích Đen Vâu, nay thích làm MC mai lại thích làm bình luận viên thể thao, nói chuyện đam mê với sứ mệnh sẽ trôi tuột khỏi đầu các em. Cố vấn mà cứ giảng giải các khái niệm cao siêu như ikigai hay tháp Mashlow với các em tuổi này là rất xa vời và chỉ làm các em mông lung thêm.

     Chuyên gia hướng nghiệp, trước hết phải được đào tạo bài bản đầy đủ và bài bản về cả chuyên môn và nghiệp vụ của công tác hướng nghiệp. Ngoài khả năng sử dụng được các công cụ và nguồn thông tin chính thống về hướng nghiệp, kinh nghiệm thực tế và khả năng quan sát, thực địa của người hướng nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Thứ hai họ phải có kinh nghiệm làm việc với học sinh lứa tuổi phổ thông, và hiểu về giai đoạn phát triển thể chất, trí tuệ và tâm lý của lứa tuổi này. Nói cách khác họ phải có khả năng “đọc" các em. Nhiều em ở tuổi này không biết mình muốn gì, và làm bài trắc nghiệm không ra kết quả rõ nét, thậm chí còn làm bài kiểu bất hợp tác hoặc chống đối làm cho xong vì không hào hứng. Vì thế chuyên gia hướng nghiệp không thể ỷ lại vào bài trắc nghiệm, mà phải giao nhiệm vụ khác, rồi quan sát tính cách và cách làm việc của các em để đưa ra gợi ý và định hướng phù hợp với các em. Hơn nữa, họ không chỉ phải tiếp xúc và tìm hiểu nhiều ngành nghề, mà phải trực tiếp đến thăm các công ty, doanh nghiệp, tổ chức để thấy được nhu cầu thực tế và sự vận động của thị trường lao động. Họ cũng phải thường xuyên làm việc với các đơn vị đào tạo (các trường đại học hay trường nghề) để tìm hiểu về những ngành đào tạo mới và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động của từng ngành đào tạo. Nhiều khi một chi tiết nhỏ như trường nào có chương trình phối hợp (double major, combined program) hay trường nào có các bài học về kỹ năng làm việc và tìm hiểu về quan hệ việc làm cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội thành công của các bạn. Nếu chỉ ngồi bàn giấy và đọc tư liệu thì khó có thể có khả năng tư vấn bắt kịp với thực tế và dễ rơi vào giáo điều. Tất nhiên không ai có thể nắm bắt hết các khu vực ngành nghề khác nhau, nhưng chuyên gia hướng nghiệp phải cập nhật thường xuyên các xu hướng nghề nghiệp nổi trội để giúp các em thấy hướng đi tương đối dài chứ không chỉ tập trung vào hồ sơ đại học trước mắt.


Ảnh: Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM. (Quý II, 2023)

 


Oct 02, 2023

5 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL