HƯỚNG NGHIỆP SỚM CHO CON - BẮT ĐẦU KHI NÀO & NHƯ THẾ NÀO

1. Mở đầu

Gần đây, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi của phụ huynh về việc khi nào nên bắt đầu hướng nghiệp cho con. Trước kia, nhiều người nghĩ rằng hướng nghiệp chỉ dành cho học sinh cuối cấp, khi các em đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng hướng nghiệp là một quá trình liên tục ở mọi cấp học.

2. Lý thuyết phát triển nghề nghiệp của Tiến sĩ Donald Super

👉 Theo lý thuyết phát triển nghề nghiệp của Tiến sĩ Donald Super, quá trình phát triển nghề nghiệp song hành với quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Theo đó, quá trình này bắt đầu từ rất sớm, ngay từ những năm tháng đầu đời (0–14 tuổi).

3. Nghiên cứu về sự phát triển não bộ

  • Đến khoảng 3 tuổi, não bộ đã đạt khoảng 80–85% kích thước người lớn.

  • Đến khoảng 5 tuổi, não bộ đạt khoảng 90% kích thước người lớn.

  • Sự tăng trưởng nhanh chóng này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ về cấu trúc và chức năng bên trong, là giai đoạn hình thành các năng lực nền tảng như:

    • Ngôn ngữ

    • Tư duy logic sơ khai

    • Giải quyết vấn đề đơn giản

    • Kỹ năng vận động tinh và thô

4. “Vườn ươm bản chất con người” theo Giáo sư Edwin L. Herr

👉 Giáo sư Edwin L. Herr tại Đại học Bang Pennsylvania gọi 10 năm đầu đời là “vườn ươm bản chất con người”, nơi hình thành những nền tảng quan trọng cho:

  • Nhận thức bản thân

  • Động lực

  • Định hướng tương lai

Điều này có mối liên hệ quan trọng với việc “hướng nghiệp sớm”, mặc dù khái niệm này cần được hiểu đúng trong bối cảnh của trẻ nhỏ.

5. Lưu ý quan trọng về hướng nghiệp sớm

📌 Hướng nghiệp sớm không đồng nghĩa với việc áp đặt hay quyết định thay con một nghề cụ thể từ khi còn bé.

  • Đây là quá trình đồng hành, hỗ trợ con khám phá bản thân và thế giới xung quanh.

  • Việc hướng con theo một nghề cụ thể quá sớm có thể vô tình đóng khung sự lựa chọn của con.

6. Câu chuyện minh họa

Tôi có một người bạn sinh ra trong gia đình có mẹ làm nghề y. Từ nhỏ, mẹ anh đã hướng anh sau này làm bác sĩ. Cả họ hàng đều động viên anh theo nghề này vì “một người làm bác sĩ thì cả họ được nhờ”. Cứ thế, anh đi trên con đường được người thân vẽ cho – học y và trở thành bác sĩ. Thế nhưng cách đây một vài năm, anh tâm sự với tôi là anh không chắc anh có thực sự hợp với nghề bác sĩ bởi anh không tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc này. Anh tiếc rằng ngày trước anh không có lựa chọn nào khác.

7. Những gợi ý từ cuốn “The Early Years: Career Development for Young Children”

Cuốn sách của Mildred Cahill & Edith Furey nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc giúp con phát triển, chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp từ những năm đầu đời, bằng cách:

  1. Tạo môi trường hỗ trợ

    • Cha mẹ tạo ra một môi trường an toàn, yêu thương, khuyến khích, nơi trẻ có thể tự do khám phá, thử nghiệm, mắc lỗi và học hỏi.

    • Nuôi dưỡng trí tưởng tượng, sự tò mò, tình yêu học tập và niềm tin vào khả năng của bản thân (trang 49).

  2. Khuyến khích khám phá và mở rộng tầm nhìn

    • Giúp trẻ nhận biết và phát triển sở thích, thế mạnh thông qua nhiều hoạt động, trải nghiệm đa dạng và các hình mẫu vai trò khác nhau (công việc, cộng đồng).

    • Khuyến khích trẻ mơ ước và suy nghĩ tích cực về nhiều khả năng trong tương lai, thay vì giới hạn lựa chọn sớm (trang 48).

  3. Là hình mẫu và người hướng dẫn

    • Thông qua hành động và lời nói hàng ngày, cha mẹ làm gương về thái độ với công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp xã hội và cách đối mặt với thử thách.

    • Đó là những bài học giá trị cho cuộc sống và sự nghiệp sau này (trang 48–49).

8. Kết luận

Tóm lại, vai trò của cha mẹ không phải là “chọn nghề” cho trẻ từ sớm, mà là xây dựng nền tảng vững chắc về:

  • Nhận thức bản thân

  • Kỹ năng sống

  • Sự tò mò

  • Niềm tin vào bản thân

Giúp trẻ sẵn sàng khám phá thế giới nghề nghiệp khi lớn lên.

9. Mô hình “Cây nghề nghiệp” của cô Phoenix Hồ

Như mô hình “Cây nghề nghiệp” (hình ảnh minh họa), để có được “quả ngọt” (thành công, lương cao, công việc tốt…), chúng ta cần nuôi dưỡng “bộ rễ” vững chắc gồm:

  • Sở thích

  • Năng lực học tập

  • Cá tính

  • Khả năng

  • Giá trị nghề nghiệp

Hướng nghiệp sớm chính là tập trung vào việc giúp con vun trồng những yếu tố nền tảng này từ khi con còn nhỏ.

10. Nguồn tham khảo

  • Cahill, M., & Furey, E. (2017). The Early Years: Career Development for Young Children. A guide for parents/guardians. CERIC

  • Herr, E. L., Cramer, S. H., & Niles, S. G. (2004). Career guidance and counseling through the lifespan: Systematic approaches (6th ed.). Allyn & Bacon.

  • Dede Rahmat Hidayat, Wahyu Ningrum (2017). Career Guidance at Kindergarten, Is It Necessary? Universitas Negeri Jakarta, Indonesia.

Lê Hằng
Career Coach
#thamvannghenghiep #huongnghiep


Jul 23, 2025

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email