Trong Thế Giới Thay Đổi Không Ngừng Và Không Thể Đoán Trước, Con Cần Học Gì?
(Nội dung được trích từ cuốn sách “21 bài học cho thế kỷ 21” của giáo sư người Israel Yuval Noah Harari, người đã viết cuốn sách nổi tiếng “Sapiens: Lược sử loài ngoài” và “Homo Deus: Lược sử tương lai”)
(Chú thích: Bài viết dài và đã có 1 số thay đổi nhỏ về mặt câu từ để phần kết nối giữa các đoạn trích được tự nhiên hơn)
Chúng ta không có bất kỳ ý niệm gì về việc thị trường lao động sẽ ra sao vào năm 2050. Nhìn chung mọi người đồng thuận cho rằng công nghệ (trí tuệ nhân tạo (AI), robot, sinh học,…) sẽ thay đổi gần như mọi ngành nghề.
Tuy nhiên, có những quan điểm trái ngược nhau về bản chất của sự thay đổi này và thời điểm nó xảy ra. Một số tin rằng chỉ trong một hay hai thập kỷ, hàng tỷ người sẽ trở nên vô dụng về mặt kinh tế. Một số khác kiên định rằng thậm chí về lâu dài thì tự động hóa vẫn sẽ tiếp tục tạo ra những công ăn việc làm mới và sự thịnh vượng lớn hơn cho tất cả.
Việc mất đi nhiều công việc truyền thống trong mọi lĩnh vực, từ nghệ thuật đến y tế, sẽ phần nào được bổ khuyết bằng việc tạo ra các việc làm mới cho con người.
Các bác sĩ người sơ cấp với công việc chẩn đoán các bệnh đã biết và tiến hành các phương pháp điều trị quen thuộc có lẽ sẽ bị các bác sĩ AI thay thế. Nhưng chính vì thế, các bác sĩ và trợ lý phòng thí nghiệm sẽ được trả nhiều tiền hơn để thực hiện các nghiên cứu đột phá và phát triển các loại thuốc hay các thủ thuật phẫu thuật mới.
Máy bay không người lái loại bỏ một số công việc (như phi công) nhưng tạo ra nhiều cơ hội mới trong bảo trì, điều khiển từ xa, phân tích dữ liệu và an ninh mạng.
Thị trường lao động năm 2050 có thể sẽ được định hình bởi việc hợp tác giữa người-công nghệ. Nhờ các huấn luyện viên AI, các kiện tướng cờ vua trở nên giỏi hơn bao giờ hết. Tương tự, AI có thể giúp rèn giũa nên những thám tử, nhân viên ngân hàng và binh sĩ tốt nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, tất cả những công việc mới đó có lẽ sẽ yêu cầu TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN RẤT CAO, do đó sẽ nảy sinh vấn đề lao động không có chuyên môn bị thất nghiệp.
Từ xưa đến giờ, cuộc sống vốn đã được phân chia thành hai phần bổ sung cho nhau: một giai đoạn học tập, tiếp theo là một giai đoạn làm việc. Trong nửa đầu của cuộc đời, bạn tích lũy thông tin, phát triển kỹ năng, hình thành thế giới quan và xây dựng một bản sắc bền vững.
Trong thế kỷ trước, ngay cả nếu đến tuổi 15, bạn dành phần lớn thời gian làm lụng trên thửa ruộng gia đình, điều quan trọng nhất bạn đang làm là học: làm thế nào để trồng lúa, làm sao để thương lượng với những tay thương lái tham lam đến từ thành phố và làm thế nào giải quyết tranh chấp đất đai và nguồn nước với dân làng bên. Đến nửa sau của cuộc đời, bạn dựa vào các kỹ năng đã tích lũy được để định hướng trong thế giới, kiếm sống và đóng góp cho xã hội.
Đến giữa thế kỷ 21, các thay đổi ngày càng nhanh cộng với tuổi thọ ngày càng dài sẽ biến mô hình truyền thống này trở nên lỗi thời. Bạn phải liên tục học những kiến thức, kỹ năng mới để bắt kịp với thế giới. Điều này nhiều khả năng sẽ bao gồm các mức độ căng thẳng cực cao. Vì thay đổi gần như luôn gây căng thẳng và sau một độ tuổi nhất định, hầu hết mọi người đơn giản là không thích thay đổi.
Ngay ngày nay đã có rất ít người xác định làm một việc cả đời. Đến năm 2050, không chỉ ý tưởng về một việc làm trọn đời mà ý tưởng về một ngành nghề trọn đời cũng có vẻ cổ lỗ.
Làm sao ta có thể chuẩn bị cho bản thân và con cái trước một thế giới đầy những biến chuyển chưa từng có và các bất định đến tận gốc rễ như vậy? Một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay sẽ chừng ba mấy tuổi vào năm 2050. Nếu mọi thứ suôn sẻ, đứa trẻ đó sẽ vẫn còn ở đây vào năm 2100 và thậm chí có thể vẫn là một công dân tích cực của thế kỷ 22.
Ta nên dạy đứa trẻ đó điều gì để giúp nó tồn tại và phát triển trong thế giới năm 2050 hay thế kỷ 22? Nó sẽ cần loại kỹ năng gì để kiếm được việc làm, để hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh nó và tìm hướng đi trong mê cung cuộc đời?
Thật không may, chẳng ai biết thế giới sẽ ra làm sao vào năm 2050 chứ đừng nói đến năm 2100 nên chúng ta không có câu trả lời cho những câu hỏi trên. Dĩ nhiên, con người không bao giờ có thể dự đoán tương lai một cách chính xác. Nhưng ngày nay, việc ấy lại càng khó hơn.
Hiện tại, quá nhiều trường học vẫn tập trung vào việc nhồi nhét thông tin vào não trẻ. Trong quá khứ, điều này là hợp lý vì thông tin là hiếm hoi và ngay cả nguồn thông tin nhỏ giọt hiện hữu lúc đó cũng liên tục bị kiểm duyệt chặn lại.
Tuy nhiên, trong một thế giới như hiện nay, điều cuối cùng một người thầy cần đưa cho học sinh của mình là thêm thông tin. Chúng đã có quá nhiều thông tin rồi. Thay vào đó, người ta cần khả năng hiểu được thông tin, biết được sự khác biệt giữa cái quan trọng và cái không quan trọng; trên tất cả là khả năng tổng hợp nhiều mẩu thông tin thành một bức tranh lớn về thế giới.
Ngoài thông tin, hầu hết các trường học cũng tập trung quá nhiều vào việc cung cấp cho học sinh một bộ KỸ NĂNG ĐỊNH SẴN (hard skills - kỹ năng cứng) như giải các phương trình vi phân, viết code máy tính bằng ngôn ngữ C++, nhận dạng các chất hóa học trong ống nghiệm hay giao tiếp bằng tiếng Trung.
Thế nhưng chúng ta mù tịt về thế giới và thị trường lao động sẽ ra sao vào năm 2050 nên chúng ta không thật sự biết người ta sẽ cần những kỹ năng cụ thể nào. Chúng ta có thể đầu tư nhiều nỗ lực dạy trẻ con lập trình bằng ngôn ngữ C++ hay nói tiếng Trung, chỉ để phát hiện ra vào năm 2050, AI có thể viết code phần mềm tốt hơn con người rất nhiều và một ứng dụng Google Translate mới sẽ cho phép bạn thực hiện một cuộc hội thoại bằng tiếng Quảng Đông, tiếng phổ thông hay tiếng Khách gần như hoàn hảo, mặc dù bạn chỉ biết nói “Ni hao”.
Thế thì ta nên dạy gì? Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên chuyển sang việc dạy “bốn chữ C”, tức tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo (critical thinking, communication, collaboration, creativity). Nói rộng hơn, họ tin là trường học nên giảm bớt các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh vào các kỹ năng sống đa mục đích. Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ.
Để theo kịp thế giới năm 2050, bạn sẽ không chỉ cần sáng tạo các ý tưởng và sản phẩm mới mà trên hết, bạn sẽ cần tự đổi mới mình hết lần này đến lần khác. Bạn sẽ phải liên tục từ bỏ một số điều bạn biết rõ nhất và học làm quen với những điều chưa biết.
Hết!
Trang Phan - Tôi nói về chủ đề công nghệ và kỹ năng thế kỷ 21
Aug 01, 2023