Du Học Châu Âu- Tìm Thông Tin Ở Đâu?

Có lẽ không có nhiều bạn tìm hiểu du học lại tìm thông tin toàn diện như bạn Nguyễn Ngọc Hiệu. Mình đăng lại bài để các học sinh, sinh viên không chỉ tiếp cận với thông tin mà học cách tìm kiếm, phân tích, tổng hợp thông tin như bạn Hiệu.

Xin chào, mình tên là Nguyễn Ngọc Hiệu. Đúng 1 năm trước mình có đăng bài lên group Scholarship Hunters hỏi về định hướng nghề nghiệp và được các thành viên trong nhóm trả lời rất nhiệt tình. Với tinh thần ‘pay it forward’, mình xin được phép chia sẻ với các thành viên trong nhóm về cách tìm trường và chương trình học tại châu Âu mà bản thân mình đã góp nhặt được ngay từ cuối cấp 2 tới hiện nay thông qua tài liệu này.

Lưu ý: ‘châu Âu’ trong bài viết này đang chỉ đến 33/49 nước trong khối European Higher Education Area (EHEA) có tham gia Erasmus. Những chia sẻ trong bài viết này nhắm đến đối tượng chính là các bạn học sinh phổ thông tại Việt Nam có nguyện vọng du học bậc cử nhân.

Tuy nhiên, các anh/chị có mong muốn du học thạc sĩ tại châu Âu vẫn có thể truy cập vào các đường link theo từng quốc gia để tìm chương trình học và trường phù hợp.

Bản thân mình khi tìm hiểu về du học châu Âu cũng đã mất khá nhiều thời gian vì có đến 33 quốc gia khác nhau cần phải tìm hiểu. Chia sẻ sau đây không thể nào liệt kê ra hết các trường để các bạn xem xét, mà sẽ đưa ra các trang web để tự nghiên cứu thêm về từng quốc gia và các trường trong một quốc gia, kèm theo đó là một vài thông tin đáng lưu ý với một số quốc gia nhất định.

Thông tin về du học Áo và Đức trong tài liệu này có sự giúp đỡ của anh “Dang Nguyen”, một thành viên của nhóm Scholarship Hunters. Chân thành cảm ơn anh rất nhiều.

1. Tìm hiểu về du học châu Âu nói chung

Có rất nhiều cách để tìm hiểu chung về du học châu Âu, bản thân mình đã tự tìm hiểu bằng cách coi Google Maps, tìm xem bản đồ châu Âu rồi tự lên Google gõ theo keyword "Study in" + [Tên quốc gia].

Nếu các bạn không muốn mất nhiều thời gian thì có thể lên website https://education.ec.europa.eu/study-in-europe/countries. Tại đây có liệt kê 33/49 quốc gia EHEA, có đường dẫn cụ thể tới từng quốc gia với thông tin đầy đủ về hệ thống giáo dục của từng nước, danh sách trường và chương trình học, học bổng, các khóa trao đổi và trường hè...

Thông tin cần lưu ý: Hầu hết các nước trong EHEA đều đã áp dụng công ước Bologna về giáo dục đại học. Điều này đồng nghĩa với việc bằng cấp từ các nước trong EHEA đều dùng chung hoặc có thể chuyển đổi hệ thống tín chỉ ECTS và (trong hầu hết trường hợp) đều có thể quy đổi sang bằng cấp tương đương của nước khác.

Thông tin theo từng quốc gia

2. Cộng hòa Áo

Giáo dục đại học tại Áo chia làm 2 hệ: Nghiên cứu (Universität) và Ứng dụng (Fachhochschule) Hệ nghiên cứu, đúng như tên gọi, bao gồm những đại học định hướng học sinh trở thành nghiên cứu sinh. Các trường này đặt nặng hơn về kiến thức lý thuyết và các hoạt động nghiên cứu trong phương pháp giảng dạy. Trên ranking quốc tế, chỉ có những đại học nghiên cứu mới được xếp hạng.

Hệ ứng dụng đào tạo sinh viên theo xu thế của thị trường lao động và theo hướng của các nhà tuyển dụng.

Tại Áo, bằng cử nhân của hệ ứng dụng tương đương với bằng cử nhân của hệ nghiên cứu trên bình diện pháp lý. Khoảng cách giữa các đại học hệ nghiên cứu và hệ ứng dụng đang ngày càng thu hẹp, một số đại học ứng dụng thậm chí còn có đào tạo bậc tiến sĩ. Tuy vậy, nếu sinh viên muốn học theo hướng nghiên cứu thì nên theo học tại các đại học nghiên cứu ở bậc thạc sĩ. Với bậc cử nhân, việc học tại đại học nghiên cứu hay ứng dụng không còn quá quan trọng, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt.

Học phí tại các đại học công lập tại Áo thuộc mức rẻ, sinh hoạt phí tương đương với Đức và không đắt đỏ bằng Hà Lan, Thụy Sĩ, hay Luxembourg.

Tương tự như ở Đức (sẽ bàn thêm ở dưới), sinh viên Việt Nam tốt nghiệp cấp 3 có mong muốn theo học đại học (bất kể bằng tiếng Anh hay Đức) đều phải học dự bị bằng tiếng Đức. Vì vậy, sinh viên bắt buộc phải biết tiếng Đức.

Ngoại lệ:
Sinh viên theo học cử nhân tại IMC Krems (ĐH tư thục), University of Applied Sciences St.Pölten, hoặc Deggendorf Institute of Technology có thể theo học chương trình dự bị bằng tiếng anh tại FH Upper Austria:

Danh sách các trường và chương trình học tại Áo: https://www.studienwahl.at/en

Danh sách các trường dự bị đại học:

3. Vương quốc Bỉ

Nước Bỉ được chia ra làm 3 vùng: Flanders (nói tiếng Hà Lan), Wallonie (nói tiếng Pháp), và Brussels (song ngữ Pháp - Hà Lan, nhưng trên thực tế tiếng Pháp được dùng nhiều hơn).

Cũng như Áo, hệ thống giáo dục tại Bỉ gồm 2 hệ: Nghiên cứu (Universiteit/Université) và Ứng dụng (Hogeschool/Haute École). Ngoài ra, vùng Wallonie và Brussels còn có các trường cao đẳng nghệ thuật (Écoles supérieures des Arts). Tuy nhiên, khác biệt giữa 2 hệ này ở Bỉ rõ ràng hơn nhiều.

Danh sách các trường và chương trình học tại vùng Flanders:

Danh sách các trường và chương trình học tại vùng Wallonie + Brussels:

Tại Bỉ, sinh viên còn có thể học theo diện dự bị tiếng Hà Lan 1 năm & học cử nhân 3 năm. Học cử nhân theo diện này, sinh viên đóng học phí thấp hơn cho 3 năm đại học.

Danh sách các chương trình dự bị tiếng:

4. Cộng hòa Liên bang Đức

Hệ thống giáo dục đại học tại Đức cũng gồm 2 hệ: Nghiên cứu (Universität) và Ứng dụng (Fachhochschule), tương tự như tại Áo. Chương trình học bất kể bậc học tại tất cả các đại học công lập tại Đức (trừ bang Bavaria và Baden-Württemberg) không lấy học phí, chỉ lấy phí ghi danh theo học kỳ.

Lưu ý:

  • Thông tin này có thể thay đổi trong thời gian gần vì bang Baden-Württemberg đang có ý định miễn học phí cho sinh viên ngoài khối EU sau nhiều năm tính học phí.
  • Tại bang Bavaria, chỉ có duy nhất TU München đang tính phí cho sinh viên quốc tế.

Nếu tốt nghiệp cấp 3 tại Việt Nam theo hệ công lập và mong muốn du học Đức hệ cử nhân, sinh viên phải theo học dự bị tại ‘Studienkolleg’. Vì vậy nên du học sinh hệ cử nhân bắt buộc phải học tiếng Đức, vì các ‘Studienkolleg’ đều giảng dạy bằng tiếng Đức.

Ngoại lệ:

Sinh viên không cần học trước tiếng Đức, không cần phải học Studienkolleg nếu theo học các khóa sau:

  • International Foundation Year (FH Aachen)
  • Bachelor plus MINT (University of Saarland)
  • Toàn bộ các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh tại Constructor University (ĐH tư)

Danh sách các trường đại học và chương trình học bằng tiếng Anh:

Danh sách các trường đại học và chương trình học bằng tiếng Đức:

Danh sách các trường dự bị (Studienkolleg)

5. Vương quốc Hà Lan

Cũng như Đức, hệ thống giáo dục tại Hà Lan gồm 2 hệ: Nghiên cứu (Universiteit) và Ứng dụng (Hogeschool). Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Hogeschool và Universitet tại Hà Lan rõ ràng hơn nhiều. Sinh viên tốt nghiệp từ Hogeschool thường phải học thêm tín chỉ hoặc học thêm 6 tháng - 1 năm chương trình Pre-master’s để theo học bậc thạc sĩ tại các Universiteit.

Hà Lan có nhiều chương trình cử nhân bằng tiếng Anh, tuy vậy, học phí tại Hà Lan thuộc mức rất cao (Kể cả học phí tại các đại học công – so sánh với các nước gần như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Luxembourg, tại Hà Lan đều đắt ở cả hệ nghiên cứu lẫn ứng dụng và tương đương với học phí ở các nước Bắc Âu).

Sinh hoạt phí tại Hà Lan tuy không cao bằng Na Uy hay Thụy Sĩ nhưng cũng không rẻ, đặc biệt là tiền nhà. Vì vậy, các bạn cần đặc biệt lưu ý về chi phí khi du học Hà Lan. Tuy vậy, Hà Lan lại là nước mạnh về các ngành Logistics, khoa học môi trường, quan hệ quốc tế, hay kinh doanh quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp cấp 3 tại Việt Nam sẽ được nhận thẳng vào các trường đại học theo hệ ứng dụng. Các trường đại học nghiên cứu có nhiều quy định tuyển sinh chặt chẽ hơn, thường sẽ xem xét theo từng trường hợp và sẽ ưu tiên học sinh trường chuyên hơn.

Danh sách các trường đại học và chương trình học bằng tiếng Anh:

Lưu ý:
- Một số chương trình học mới chưa được đưa vào cổng thông tin Study in NL. Vì vậy, tác giả khuyến khích việc tìm trường rồi từ đó đi tìm chương trình học phù hợp.
- Chứng minh tài chính tại Hà Lan từ năm học sau sẽ tăng rất cao (năm vừa rồi tăng gần 2500 euros so với 2023), số chỉ tiêu cho sinh viên ngoài khối EU và số chương trình học bằng tiếng Anh dự kiến sẽ giảm do chính phủ mới của Hà Lan muốn hạn chế sinh viên quốc tế.

6. Cộng hòa Phần Lan

Hệ thống giáo dục tại Phần Lan cũng gồm 2 hệ: Nghiên cứu (Universitet) và Ứng dụng (Ammattikorkeakoulu – viết tắt AMK). Hầu hết các trường đại học nghiên cứu tại Phần Lan yêu cầu sinh viên theo học bậc cử nhân phải thi SAT. Nếu sinh viên không muốn thi SAT thì có thể theo học Pathways studies từ năm lớp 11 để thỏa điều kiện đầu vào của đại học Aalto University và Tampere University:

Đặc biệt, chương trình cử nhân tại ĐH Aalto có học bổng 100% lấy điểm SAT là tiêu chí chính.

Các chương trình dạy bằng tiếng Phần Lan/Thụy Điển không lấy học phí. Danh sách các trường đại học và chương trình học

7. Vương quốc Đan Mạch

Hệ thống giáo dục tại Phần Lan cũng gồm 2 hệ như Phần Lan: Nghiên cứu (Universitet) và Ứng dụng (Professionshøjskoler – tên tiếng Anh University College).

Bằng tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam được nhận thẳng vào các đại học ứng dụng nhưng thường không được nhận vào các đại học nghiên cứu.

Danh sách các trường đại học và chương trình học bằng tiếng Anh:

8. Vương quốc Thụy Điển

Theo lý thuyết, hệ thống giáo dục tại Thụy Điển cũng gồm 2 hệ: Nghiên cứu (Universitet) và Ứng dụng (Högskolor). Cũng như tại Đức và Áo, sự khác biệt giữa 2 hệ này tại Thụy Điển đang
dần thu hẹp lại. Nhiều ‘Högskolor’ đang tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tương tự như các ‘Universitet’, thậm chí còn đào tạo cả bậc tiến sĩ. Tuy nhiên, nhìn chung, các ‘Högskolor’ có quy mô nhỏ hơn so với ‘Universitet’ và vì vậy ít khi tự ứng cử vào các bảng xếp hạng quốc tế.

Bằng tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam sẽ được các trường xem xét tùy theo trường hợp và tùy theo ngành để đưa ra quyết định tuyển sinh. Việc tuyển sinh hoàn toàn dựa vào điểm GPA
cấp 3.

Danh sách các trường đại học và chương trình học bằng tiếng Anh:

9. Vương quốc Na Uy

Lưu ý: Du học Na Uy không còn miễn phí nữa!

Tương tự như Thụy Điển, giáo dục Na Uy trên lý thuyết cũng bao gồm hệ Nghiên cứu (Universitet) và Ứng dụng (Høgskole/Høyskole). Tuy nhiên, khoảng cách giữa hệ 2 hệ này cũng đang thu hẹp lại và số lượng đại học ứng dụng cũng đang giảm dần.

Danh sách các trường đại học và chương trình học bằng tiếng Anh:
https://studyinnorway.no/study-opportunities

10. Liên bang Thụy Sĩ

Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ quốc gia: tiếng Pháp, tiếng Đức (phương ngữ Thụy Sĩ), tiếng Ý, và tiếng Romansh. Vì vậy, tại đây có đủ các chương trình học bằng tiếng Pháp, Đức, tiếng Ý, và tiếng Anh cho sinh viên quốc tế.

Tương tự như các quốc gia kể trên, tại Thụy Sĩ cũng có 2 hệ là Nghiên cứu (Universität/Université/Università) và Ứng dụng (Fachhochschule/Haute école spécialisée/Scuola universitaria professionale). Học phí ở Thụy Sĩ thuộc mức rẻ, nhưng sinh hoạt phí tại Thụy Sĩ đắt đỏ bậc nhất châu Âu.

Danh sách các trường đại học và chương trình học tại Thụy Sĩ:

11. Cộng hòa Pháp

Giáo dục đại học tại Pháp cũng được chia thành 2 hệ: Nghiên cứu (tương ứng với bằng Licence) và Ứng dụng (tương ứng với bằng Licence Professionnelle hoặc Bachelor Universitaire de Technologie – viết tắt BUT).

Cũng như tại các nước như Đức, Áo, Hà Lan, sinh viên tốt nghiệp bằng Licence Professionnelle/BUT thường học ít lý thuyết hơn và có nhiều kinh nghiệm làm việc/thực tập hơn. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là tại Pháp, một đại học có thể vừa cấp bằng Licence,
vừa có thể cấp bằng Licence Professionnelle/BUT.

Sinh viên theo học 2 năm theo hệ ứng dụng được cấp bằng Brevet de Technicien Supérieur (BTS) hoặc Diplôme Universitaire de Technologie (DUT).

Ngoài phân chia theo định hướng dạy học, giáo dục đại học ở Pháp còn phân chia các đại học công lập thành 2 dạng: Grandes Écoles và đại học công khác. Các trường Grandes Écoles được coi là danh giá và có giá trị bằng cấp cao hơn các trường đại học công lập còn lại.

Với các bạn theo học các ngành nghệ thuật, tại Pháp còn cấp bằng DNA (Diplome National d’Art Arts Degree) và DEEA (diplôme d’études en architecture architecture degree).

Học phí tại Pháp thuộc mức rẻ, nhiều sinh viên được trợ cấp nhà ở của chính phủ, sinh hoạt phí rẻ hơn Thụy Sĩ hay Luxembourg nhưng đắt hơn Đức một chút, số lượng chương trình học bằng tiếng Anh còn khá khiêm tốn.

Tại Việt Nam, Campus France Vietnam là cơ quan chuyên trách về du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Danh sách các đại học và chương trình học bằng tiếng Anh:

Danh sách các đại học và chương trình học bằng tiếng Pháp:

12. Cộng hòa Ý

Với các bạn học ngành Y, nước Ý có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh với mức học phí rẻ. Cả học phí lẫn sinh hoạt phí tại Ý rất rẻ so với các nước Tây Âu. Một số trường đại học lấy dưới 1000 euros/năm tiền học phí (chẳng hạn như đại học Camerino). Ngoài ra, ở Ý cũng có học bổng vùng để hỗ trợ sinh viên khoản sinh hoạt phí.

Tuy vậy, việc chứng minh tài chính khi đi du học Ý khá khó khăn vì khả năng tài chính chỉ có thể được chứng minh thông qua thu nhập của bố mẹ hoặc anh chị em gần.

Nếu bạn có mong muốn du học Ý, Uni-Italia Vietnam là cơ quan của đại sứ quán Ý nhằm hỗ trợ học sinh/sinh viên du học Ý.

Danh sách các đại học và chương trình học tại Ý: www.universitaly.it

13. Cộng hòa Ai-len (Ireland):

Tại Ireland, các cơ sở giáo dục đại học được chia làm 2 dạng là các đại học (Universities) và các Viện công nghệ (Institutes of Technology). Cũng như một số nước kể trên, IUT thiên về thực
hành và đào tạo nghề nhiều hơn trong khi các đại học thiên về lý thuyết hơn. Tuy khác nhau về phương pháp dạy nhưng cả 2 dạng cơ sở giáo dục đại học này đều cấp bằng Bachelor Honours degree (tương đương NFQ level .

Tại các viện công nghệ, sinh viên không cần phải hoàn thành hết 4 năm cử nhân như ở đại học mà có thể học 2 năm để lấy Higher Certificate (tương đương NFQ level 6) hoặc 3 năm để lấy Ordinary Bachelor’s degree (tương đương NFQ level 7) rồi tìm việc làm.

Ghi chú: NFQ là viết tắt của National Framework of Qualifications. Tại Ireland, giáo dục đại học bậc cử nhân trải dài từ NFQ level 6 (hết Năm 2) đến NFQ level 8 (hết Năm 4).

Tuy học phí và sinh hoạt phí ở mức cao so với các nước khác, nhưng Ireland dùng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, lại được coi là thung lũng Silicon của châu Âu nên có nhiều lợi thế cho du học sinh. Ngoài ra, tại Ireland cũng có một số học bổng của riêng các trường cho sinh viên quốc tế, thông tin thêm bạn có thể tự tìm kiếm trong group hoặc internet.

Danh sách đại học và các chương trình học:

14. Cộng hòa Séc

Danh sách các đại học và chương trình học tại Séc: https://portal.studyin.cz/en/
Ngoài ra, sinh viên có thể đi du học theo diện dự bị ngôn ngữ + dự bị đại học (1 năm) và thi tuyển tại Séc. Nếu đi theo diện này thì sẽ được miễn học phí.

Các chương trình foundation program:

15. Vương quốc Tây Ban Nha

Sinh viên du học theo diện cử nhân bắt buộc phải thi Selectividad bằng tiếng Tây Ban Nha, bất kể chương trình học bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Bạn có thể tìm chương trình dự bị ngôn ngữ + đại học bằng cách tìm từ khóa "University preparation course selectividad".

Học phí và chi phí sinh hoạt tại Tây Ban Nha đều thuộc loại rẻ so với Tây Âu/Nam Âu.

16. Cộng hòa Hung-ga-ri (Hungary)

Hungary có học bổng hiệp định cho sinh viên Việt Nam. Thông tin thêm mời các bạn tự tìm hiểu trên internet. Học bổng hiệp định là các học bổng do chính phủ nước ngoài cấp cho sinh viên Việt Nam
(hoặc do chính phủ Việt Nam cấp hoặc trong một số trường hợp là do cả 2 nước cấp) dựa trên các thỏa thuận hợp tác. Các học bổng dạng này thường chu cấp toàn bộ chi phí du học.

Danh sách các đại học và chương trình học:

17. Cộng hòa Ba Lan

Ba Lan có học bổng hiệp định dành cho sinh viên Việt Nam. Sinh hoạt phí tại Ba Lan được coi là phải chăng.

Danh sách các đại học và chương trình học:

Trong quá trình chọn trường, các bạn có thể tham khảo các xếp hạng THE Ranking, QS Ranking. Tại các nước nói tiếng Đức có CHE Ranking, tại Ireland thì các tạp chí lớn đều có university league. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng nhiều đại học lớn tại châu Âu (như ETH Zurich
hay Utrecht University) đang xin rút khỏi các bảng xếp hạng này vì nhiều lí do khác nhau.

Mặc dù em/mình đã cố gắng xác minh kĩ càng các nội dung được chia sẻ, tài liệu sẽ không tránh khỏi sai sót vì lượng thông tin thu nhặt được là khá nhiều. Em/mình rất mong sẽ nhận được sự góp ý của các thành viên trong nhóm.

Lời cuối, em/mình rất mong sẽ tạo ra được bầu không khí cùng chia sẻ và rất mong các bạn nhận được thông tin cũng sẽ có tinh thần tự tìm hiểu thêm. Xin cảm ơn mọi người đã cùng nhau tham gia đóng góp và đã đọc đến cuối.


Sep 10, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email