Các loại hoạt động ngoại khóa giúp cứu vớt một hồ sơ điểm không tốt?

Nhiều khi thông tin mà báo đài đăng không quá chính xác, hoặc quá tập trung vào những điểm đặc biệt trên hồ sơ những hồ sơ độc đáo như Huyền Chíp nên các bạn truyền miệng với nhau rằng: Nếu điểm không quá tốt thì có thể lấy ngoại khóa bù vào. Điều này không phải là 100% không thể nhưng một phụ huynh đã nhận xét thế này khi đọc bài "Thành phần hồ sơ du học Mỹ" rằng:
Hệ thống nộp đơn chung (common app) của Mỹ chỉ có mấy dòng để học sinh tự ghi chú hoạt động ngoại khoá. Muốn viết gì thì viết, không có người kiểm tra nên mình đánh giá vai trò của nó không lớn như nhiều người vẫn tưởng.
Mình đồng ý 80% với câu nói này. Các loại điểm trong bài kiểm tra chuẩn và trung bình năm gần như là phần chính nhất để người ta xét ra tài năng tiềm tàng của một sinh viên. Có điều, nếu điểm không quá tốt, thì dưới đây mình liệt kê một số hoạt động ngoại khóa mà nếu làm được đúng tầm thì sẽ bù trừ cho những điểm yếu của hồ sơ đó.

THỂ THAO

Giải lớp, giải trường, giải thành phố, tỉnh và các khu vực vùng miền đều không tính. Lý do đơn giản là tại Mỹ, ngay từ cấp hai các bạn nhỏ đã bắt đầu tham gia thể thao rồi.
  • Giờ học của các bạn Mỹ thường kéo dài từ 8h sáng đến 3 rưỡi chiều.
  • Sau đó, nếu không lên xe buýt về nhà ngay thì thường là tham gia thể thao hoặc ngoại khóa đến khi ba mẹ đón vào tầm 5 rưỡi đến 6 rưỡi.
  • Cuối tuần nào các bạn cũng sẽ đi thi đấu với một đội hoặc sự kiện trong khu vực. Cứ như thế, gần như tuần nào các bạn cũng có một cái cúp tượng trưng hoặc huy chương. Cứ như thế, mấy cái huy chương hay giải ở trường, thành phố, khu vực ở Việt Nam sang đến Mỹ thì sẽ thành trang trí.
  • Cứ cuối mỗi học kì, nếu thành tích thi đấu trong khu vực tốt thì các bạn ấy mới đi được đến đấu loại bang. Và nếu năm nào cũng vào đấu loại bang thì mới được coi là thành tích tốt để xem xét cho đại học.
  • Mình cũng phải lưu ý là người Mỹ rất thích thể thao và nhiều bang ở đấy lớn hơn cả đất nước Việt Nam cộng lại. Chính vì thế, mấy giải cấp tỉnh của mình, họ cũng không quan tâm nhiều đến thế.
Người xem xét để tuyển dụng dựa trên các sự kiện thể thao của các trường Mỹ cũng không phải là người đọc hồ sơ Common App:
  • Họ sẽ là những huấn luyện, trợ lý huấn luyện trong những môn mà trường mạnh.
  • Cách họ xem xét hồ sơ với những bạn ở Mỹ thường bắt đầu do quên biết. Họ có thể quen với huấn luyện của những trường phổ thông, rồi những huấn luyện này gọi điện, gửi băng ghi hình thi đấu cho họ nếu có ứng viên tốt. Sau đó, họ sẽ lái xe hoặc bay đến xem một buổi thi đấu trực tiếp.
  • Với một số môn thể thao lớn như bóng bầu dục, bóng rổ, và bóng đá, học sinh ngoài thi đấu ở trường và gửi băng ghi hình thì còn phải tham gia các trại tuyển dụng trong năm lớp 11 và 12 với nhiều vòng kiểm tra thể lực và kĩ năng nghiêm ngặt. Sau đó các huấn luyện của từng trường sẽ trực tiếp mời và cho học bổng với họ.
  • Có một số sinh viên chơi thể thao tốt trong phổ thông nhưng không đạt tiêu chuẩn của đại học. Nếu họ vẫn muốn chơi cùng đội đó của đúng trường đó, thì họ được tính là "walk-on," và hoàn toàn không có học bổng.
  • Sinh viên ngoại quốc thì sợ rằng còn không có cơ hội để người ta xem trực tiếp. Thế nên, bằng chứng năng lực tốt nhất sẽ chính là Huy chương ở Seagames hoặc giấy tờ chứng minh bản thân đủ tư cách thi đấu Thế vận hội.
  • Kể cả đối với Cờ vua. Nếu các bạn không rơi vào tầm đại kiện tướng Top 2000 của thế giới thì thành tích cũng không tính là đáng kể.
Nếu không có những thành tích này thì làm thế nào? Vậy thì làm giống như những bạn Mỹ làm thôi. Quay video có chiến lược về những môn thể thao mình tham gia rồi gửi thẳng cho ban huấn luyện của trường đại học. Thế nhưng, không phải cứ đá bóng thì quay nguyên cả trận đấu rồi khoanh tròn bản thân lại mà phải làm cho thật sự chuyên nghiệp. Ví dụ:
  • Nếu môn thể thao của bạn là chạy: Thì nên có các loạt video về các động tác trong luyện tập trong nhiều ngày, nhiều buổi khác nhau. Như thế huấn luyện có thể quan sát bạn từ động tác khởi động, xuất phát có đúng không. Rất nhiều khi trong các bộ môn chạy, thắng thua ở xuất phát.
  • Sau đó là hàng loạt video bấm giờ về chạy các cự ly, so các cự ly đo với các kỉ lục của khu vực (Đông Nam Á), thế giới, vân vân mây mây.
  • Thế nhưng cũng không nên quay cùng một buổi, mà nên quay nhiều ngày. Cho thấy rằng đây là tích lũy nhiều năm chứ không phải hứng lên thì thi một cái hội khỏe Phù Đổng.
  • Tương tự như vậy với môn bóng đá: Hình ghi cũng phải chia làm hai bộ tập luyện đều đặn, và bộ trận đấu mà tập trung vào chỉ một người với nhiều đội khác nhau, trải qua nhiều ngày, nhiều năm. Chỉ có ghi hình bài bản và có chiến lược như vậy thì mới dùng được để đưa cho ban huấn luyện các trường.
  • Cờ vua cũng vậy: Quay từ luyện tập hàng ngày trong câu lạc bộ, cho đến việc mình thường xuyên (hàng ngày) đấu cờ ở công viên với những người lớn tuổi hơn hoặc xuất sắc hơn mình về cờ.
Ngoài ra, nếu đã xác định là hoạt động ngoại khóa thể thao thì nên tìm hiểu các trường Mỹ kĩ về mảng thể thao tốt hơn tí. Trường nào, họ tốt môn gì và thích tuyển người cho môn gì. Còn địa chỉ email của thầy huấn luyện các bộ môn thì tìm trên trang directory của trường không hề thiếu. Viết một cái thư lịch sự gửi họ nữa là ít nhất có thể tiếp cận được.

TỪ THIỆN VÀ MÔI TRƯỜNG

Thật ra mình luôn ủng hộ việc làm mọi thứ xuất phát từ cái tâm chứ không phải vì chuẩn bị một thứ hồ sơ học bổng mơ hồ. Thế nên, việc nói với các bạn nên chuẩn bị hồ sơ như thế nào cũng làm mình cảm thấy đối nghịch.
Ở Việt Nam hiện nay, thực sự có rất nhiều dự án phi chính phủ mà các bạn có thể đi làm tình nguyện, có chứng nhận rồi để vào hồ sơ. Nó không hoàn toàn không ý nghĩa nhưng giống như chị phụ huynh ở trên nói: Từ thiện trong Common App, cũng chỉ có một dòng.
Hơn nữa, Mỹ có rất nhiều quỹ từ thiện và môi trường:
  • Trẻ con bên này cũng được trường tổ chức cho đi các hoạt động về chăm sóc người già, dọn rác, tạo các sản phẩm nghệ thuật từ rác ngay khi còn rất nhỏ. Vì thế, những hoạt động này để vào hồ sơ, đa phần hội đồng tuyển sinh thấy giống như mấy chuyện thường ngày ở huyện.
  • Ngoài ra, hầu hết các trường Mỹ đến những năm lớp 11, 12 đều yêu cầu sinh viên phải có đủ một số giờ làm “dịch vụ cộng đồng” hay “community service” thì mới có thể tốt nghiệp. Rất nhiều bạn chỉ muốn cho xong nên làm theo yêu cầu bắt buộc. Nhưng những bạn muốn nộp đơn cho đại học tốt thì đầu tư về thời gian công sức hơn rất nhiều. Ví dụ, có những bạn dành cả mùa hè để sửa lại sân bóng rổ hoặc bể bơi (tự tay làm, tự tay mua vật liệu) hoặc tổ chức sơn lại phòng đọc sách cho nơi sinh hoạt chung của một khu nhà nghèo.
  • Tương tự như vậy, các hoạt động lớn như kiểu Hướng đạo sinh, để tốt nghiệp bậc cao nhất Eagle Boyscout (tạm dịch là “Hướng đạo sinh đại bàng”) thì bạn đó phải hoàn thành một dự án nhỏ nào đó cho cộng đồng. Ví dụ, xây một cái ghế ngồi hoặc làm một cái bàn gỗ cho công viên chung. Bởi thế các bạn có mác Eagle Boyscout tự dưng cũng có một điểm cộng trong hồ sơ mà chẳng cần giải thích các bạn ấy đã phải làm gì vì ai ở đây cũng khá quen thuộc với những hoạt động này.
  • Cơ mà ở Việt Nam, chúng ta khác hoàn toàn văn hóa cũng như hoạt động thường nhật. Vậy nên nhiều khi viết hoạt động ngoại khóa một dòng thì vẫn chỉ là một dòng vô thưởng vô phạt với bên tuyển sinh thôi.
  • Ngoài ra, người Mỹ có rất nhiều hoạt động tự phát. Ví dụ như bản thân mình ở Mỹ chưa lâu nhưng vì xuất thân là du học sinh nên cũng hiểu được những khó khăn của nhiều bạn lần đầu sang Mỹ. Mình không làm quá nhiều, nhưng hàng năm cứ đến mùa nhập học là mình tặng một cái đệm mới toanh cho một sinh viên bất kì để họ có chỗ nằm ngủ, có sức khỏe mà học. Tất nhiên đấy là không kể những quyên góp hay việc mình gom đồ dùng để đem đi cho các bạn mới đến hàng năm.
  • Một ví dụ khác thì mình quen một bạn có ba làm lính tại Afghanistan. Bố bạn ấy thường xuyên nói trẻ em ở đó không có đồ để mặc cho mùa đông. Bạn ấy biết đan và móc nên năm đầu tiên bạn ấy đan 10 bộ mũ và áo len để gửi ra trận cho ba bạn ấy phát cho một số gia đình. Ngay trong năm đó, bạn ấy thu hút thêm một số bạn và người lớn khác làm cùng nên số lượng gửi đi là 42 bộ. Thấy hoạt động lớn dần, bạn ấy nói với ba bạn ấy giúp tổng hợp nhu cầu từ đầu Afghanistan, rồi bạn ấy giúp quảng bá từ đầu Mỹ để mỗi nhà trong khu vực đan hoặc quyên góp một cái áo. Thế là chỉ 2 năm sau đó, số lượng gửi đi Afghanistan đã tăng đến hơn 2000 một mùa.
  • Bạn này về sau có thư giới thiệu từ một đại tá quân đội Mỹ về vấn đề từ thiện. Cũng như thư giới thiệu từ thị trưởng của “làng” và đỗ vào một trường top 10 Mỹ, dù điểm SAT có phần hơi đuối.
Vậy nên, một lần nữa, mình phải nhắc các bạn rằng, những hoạt động ngoại khóa có chứng chỉ hoành tráng ở Việt Nam, sang đến Mỹ cũng chưa chắc rằng cứu được điểm số. Còn cách làm hoạt động ngoại khóa liên quan đến từ thiện và môi trường để mà gây ấn tượng được với trường Mỹ thì nằm chính trong những ví dụ “từ thiện tự phát” theo đúng phong cách Mỹ mà mình đã kể ở trên:
  • Hoạt động phải có quá trình: Tham gia một hai, ba bốn, hay năm sáu sự kiện trong vòng mấy năm cấp ba. Mỗi sự kiện chỉ có một ngày thì không tính là quá trình. Quá trình có nghĩa là năm nào cũng làm. Tuần nào cũng có một khoảnh thời gian để giành cho việc chuẩn bị cho sự kiện đó. Gần sự kiện cũng phải có quá trình chuẩn bị cấp tập để nó thành công được nhiều nhất.
  • Hoạt động phải có sự phát triển: Nếu năm nhất làm 42 cái áo, thì năm hai làm 300, năm ba làm 1000
  • Hoạt động phải có sự hưởng ứng của người khác: Sức của một người không thể thay đổi thế giới nhưng nếu thực sự là hoạt động có ý nghĩa thì phải thu hút được một nhóm, một lớp, hoặc ít nhất một cộng đồng nhỏ để tăng dần tầm ảnh hưởng.
Rất nhiều bạn sẽ hỏi, nhưng em không có tiền và Việt Nam cũng không như Mỹ thì làm sao em có thể làm được một hoạt động như thế. Mình sẽ lấy một ví dụ ở Việt Nam để cho các bạn thấy là việc này hoàn toàn có thể
Các đây không lâu, có một bạn nhắn tin cho mình hỏi:
Chị ơi, em đang có một dự án từ thiện, chị có biết làm thế nào để các mạnh thường quân mở hầu bao không ạ?
Câu đầu tiên mình nói với bạn ấy là:
Muốn người ta mở hầu bao, em trước tiên phải đưa ra kế hoạch và tầm ảnh hưởng.
Sự kiện từ thiện đầu tiên mình làm liên quan đến một trại tình thương cho trẻ bại não.
  • Mình biết đến trại này chỉ qua một lần tình cờ lên Ba Vì chơi và ở ngay cạnh đó thôi.
  • Ban đầu mình cũng không có tiền nhưng các bạn phải nghĩ, làm từ thiện thì cái tâm là đầu tiên còn tiền???? …. Tiền thì phải lên kế hoạch.
  • Các bạn có thể nghĩ cách dễ nhất để làm từ thiện là quyên góp tiền. Nhưng rất nhiều khi chỉ đưa tiền không, người ở những nơi từ thiện phải lo thêm rất nhiều việc hậu cần, đi lại, mua đồ dùng, đồ ăn. Đến cuối ngày, tiền bạn từ thiện 10 thì chỉ có 7 8 phần (nếu không có tham nhũng) đến được tay người cần dùng nó.
  • Thế nên dù từ thiện hay môi trường thì bỏ công chứ không chỉ bỏ tiền.
  • Trong việc từ thiện của mình, mình hỏi Giám đốc trung tâm từ thiện xem các bạn khuyết tật não thường hay cần những vật dụng gì, đồ ăn đồ uống nào và cần bao nhiêu đợt một năm, có những bên nào quyên góp và góp được bao nhiêu để mình có thể ước lượng nhu cầu.
  • Giám đốc trung tâm nói với mình rằng họ cần nhất là chiếu mới và ga. Dù có rất nhiều bên quyên tiền nhưng mà tháng nào họ cũng thiếu khoảng 50 cái chiếu mới nên các bạn trong đó phải dùng tạm. Về đồ ăn cũng thế. Rất nhiều bạn khuyết tật não không thể tự ăn uống và nhai đồ cứng nên họ thường phải nấu nhuyễn cháo và bổ sung vitamin qua sữa tươi hoặc sữa công thức. Tuy nhiên đi mua rất tốn nên họ chỉ dám giữ những đồ này cho những trường hợp đặc biệt xấu. Trong khi thực tế là ai trong trung tâm cũng cần.
  • Mình nắm được nhu cầu là 50 cái chiếu mới một tháng và 40 thùng sữa tươi hoặc 40 hộp sữa công thức cỡ lớn. Việc nắm được nhu cầu thật thay vì cứ mua bánh trái và mang tiền tới thể hiện rất rõ cái tâm của người đang làm từ thiện.
  • Sau đó thì đi quyên tiền sao? Ồ không, nếu làm thế thì tốn nhiều tiền lắm. Haha.
  • Mình đi hỏi quanh ở hàng chiếu và hàng tạp hóa về giá cả của các loại hàng nếu mình mua lượng lớn. Họ nói cho mình giá bán “sỉ” chắc cũng chỉ giảm được 10% hay 20% gì đó. Thế nhưng thay vì mua ngay của họ thì mình đợi họ hỏi mình xem: “Mua nhiều thế làm gì?”
  • Thật ra con người ai cũng có tâm. Nên khi họ hỏi mà mình nói là đi làm từ thiện và muốn quyên khoảng 50 cái chiếu một tháng, hay 40 hộp sữa công thức, hay 40 thùng sữa, đa phần chính những người bán hàng cũng muốn tham gia từ thiện cùng.
  • Thế là đang từ giảm 20%, họ nói với mình: “Thế thôi, nếu em làm từ thiện thì em thay anh tặng họ 5 cái chiếu đi.” Tháng sau mình lại tới, họ lại giảm thêm 10%. Tháng sau nữa mình lại tới, họ đang làm ăn được nên sau khi nói chuyện với mấy cửa hàng bên cạnh, quyên nguyên đám chiếu cho tháng đó luôn.
  • Sau khi có người quyên chiếu, có giá cả, mình mới ước tính được số tiền cần. Tháng đầu mình bỏ ra 10%, rồi chỗ còn lại mình đi hỏi người quen, rồi gõ cửa từng công ty, nói rõ kế hoạch với chi tiết tài chính của mình.
  • Ừ thì, mấy cái trò gõ cửa nhà đi xin tiền quyên góp cũng hay bị nói là lừa đảo nhưng mà đa phần những người đi xin cũng đâu đưa ra được kế hoạch chi tiết về quyên cho chỗ nào, mua chiếu ở đâu đâu. Thế nên có kế hoạch thì 100 người cũng phải có 5 hay 3 người nghe và 2 người chi tiền chứ.
  • Thế rồi bạn làm được 1 2 tháng, có kế hoạch chi tiêu và tổ chức tốt, tự nó thành “vô tuyến truyền mồm” hoạt động cứ lớn dần, thậm chí mấy bác trong tổ dân phố và phường ở gần nhà cũng muốn tham gia à.
Thế nhưng, những hoạt động như thế phải bắt đầu sớm, và thường thì mấy năm đầu cũng khá khó khăn vì chưa làm bao giờ, cũng chưa có uy tín mà. Thế nhưng, chỉ cần bạn quyết tâm trường mặt gõ được khoảng 300 cái cửa và giữ đúng uy tín của mình, không dùng tiền vào việc riêng, có bằng chứng rõ ràng, thì những đoạn sau đó thậm chí lên cả ban tuyên giáo trung ương xin từ thiện cũng không có khó đâu.
Đến lúc bạn nộp hồ sơ du học, ngoài hai thư giới thiệu từ thầy cô, chỉ cần một thư giới thiệu từ bác tổ trưởng tổ dân phố, hay chủ tịch phường, hay thậm chí anh hàng chiếu tả chi tiết về cách bạn đã làm từ thiện trong thời gian dài này thì thực sự nó sẽ có sức nặng ngàn cân.
Và cũng chỉ khi làm được một công cuộc từ thiện/ môi trường như thế, nó mới có thể đè đi một vài trường hợp điểm không quá tốt.
Một số chủ đề về từ thiện và môi trường mà mình từng thấy có ảnh hưởng khá tốt trong phương diện tuyển sinh. (Ngoài một dòng trong hồ sơ Common App, những hoạt động này đều được nhắc tới khá kĩ trong ít nhất một thư giới thiệu của sinh viên)
  • Dự án chụp ảnh cưới cho những cặp vợ chồng thu nhập thấp ở thành phố Hồ Chí Minh. Thật ra người nghèo không chỉ có ở vùng sâu vùng xa và miền núi. Ngay trong những thành phố lớn, rất nhiều người phải đối mặt với vấn đề thiếu ăn hàng ngày. Chưa cần dự án gì to lớn, các nhà hàng ở Sài Gòn vẫn hay để “cơm treo” cho những người thu nhập thấp. Kể cả bạn làm một dự án “cơm treo” thì cũng rất hay nhưng cái mình thích ở dự án này chính là vì nó không đi theo lối mòn cứu đói, mà nó tập trung vào sức khỏe tinh thần của người thu nhập thấp và nó cũng thể hiện được đam mê nhiếp ảnh của bạn nộp hồ sơ học bổng.
  • Dự án quyên góp giống nông sản và đồ dùng Tết cho Biển Đảo Việt Nam. Trường Sa Hoàng Sa nói là vấn đề của Việt Nam nhưng thật ra nó là một phần trong Tranh chấp Quốc phòng của rất nhiều nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Mỹ cũng rất quan tâm đến vấn đề này vì nếu Trung Quốc chiếm được một số vị trí trọng yếu trong khu vực này thì sẽ bành trướng ảnh hưởng quân sự và chính trị lớn hơn. Vì thế, dù Biển Đảo khá nguy hiểm nhưng Việt Nam vẫn luôn vận động dân ra đó để canh tác giữ đất. Quyên góp quần áo hay hỗ trợ lương thực với biển đảo thật ra rất cũ. Bill Gates từng nói: “Đưa cho người ta cái cần câu và dạy người ta cách câu, chứ đừng đưa cho người ta con cá.” Thế nên, nếu có thể tìm hiểu những vấn đề thiết thực hơn và vận động cho biển đảo sẽ tạo ra một dự án có tầm ảnh hưởng.
  • Dự án cứu trợ lũ lụt hàng năm tại Việt Nam: Việt Nam năm nào cũng bão lũ, đặc biệt là miền Trung. Và cứ đến mùa lũ thì nhà nước vận động quyên góp. Nhưng mà điểm đặc biệt của từ thiện liên quan đến thiên tai chính là khi thiên tai đến, dù có tiền, có đồ đạc thì nước xa không cứu được lửa gần, làm sao để mì gói và chăn ấm đến được với những người trong bão lũ còn quan trọng hơn là có bao nhiêu hàng. Nếu quan sát ở Mỹ, mỗi năm trước khi bão lũ ở các miền ven biển xảy ra khoảng năm ngày, thì các đoàn xe về sửa chữa và cứu hộ đã đổ ngập các tuyến quốc lộ xuống các bang gần biển. Cứ như thế, chỉ cần thiên tai xảy ra tình trạng nghiêm trọng là họ vào đó cứu liền. Vì thế, ở Việt Nam, với tư cách cá nhân, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các bạn cũng có thể tổ chức quyên góp cho bão lũ miền trung ngay từ khi nó chưa xảy ra. Nếu có thể tìm hiểu thêm về các vùng lụt, tổ chức đặt một hoặc hai thuyền cứu trợ trước ở những điểm khó ngập trong trường hợp lụt xảy ra, thì ngay khi cần bạn sẽ hỗ trợ được nhiều hơn một vài người ảnh hưởng. Kinh nghiệm chuẩn bị này mà viết vào bài luận thì thật ra khá là ấn tượng.
  • Dự án về chống đánh cá quá mức ở Việt Nam: Cứ môi trường là nhặt rác với làm sạch nước nhưng thực ra Việt Nam có rất nhiều vấn đề khác mà các bạn cần nghiên cứu. Ở Mỹ, muốn câu cá hoặc đánh cá bằng lưới đều phải có giấy phép mà nhiều khi trong mùa sinh sản thì không được đánh bắt ở một số khu vực vì cá phải tái sinh thì năm sau mới đánh bắt tiếp được. Việt Nam hay tự nói là “rừng vàng biển bạc.” Rừng thì giờ hết vàng vì chặt phá. Còn biển thì nếu tiếp tục đánh cá quá mức thì không biết được bao lâu. Nếu có thể tìm hiểu về vấn đề này và làm gì ý nghĩa về nó thì sẽ rất đặc biệt.
  • Xây môi trường nuôi tự nhiên cho một số loại thú bảo tồn ở Việt Nam: Việt Nam có một số loài thú cần được bảo tồn nhưng toàn bị nuôi nhốt do diện tích đất. Chọn một loài thú thôi và lên kế hoạch gặp các bên về bảo tồn cho loài thú đó, dù thành công hay thất bại thì câu chuyện để kể sẽ rất dài dài.
  • Xử lý động thực vật xâm thực ở Việt Nam: Ngày xưa Hồ Gươm có rùa. Không hiểu sao có một đợt mọi người rộ lên thay vì thả cá thì thả rùa tai đỏ vào ngày Tết ra Hồ Gươm. Mà rùa tai đỏ là một loài xâm thực nên nó làm ảnh hưởng môi trường sống của loài rùa nguyên bản ở Hồ Gươm. Cuối cùng cụ rùa Hồ Gươm cũng vì nhiều nguyên do mà ra đi vĩnh viễn. Mình nói thế để các bạn thấy không phải cứ trồng cây gây rừng là tốt cho môi trường. Môi trường có rất nhiều khía cạnh, chỉ cần nghiên cứu một chút là sẽ ra rất nhiều ý tưởng.
Nhìn chung, với một nước đang phát triển như Việt Nam thì bạn sẽ có rất nhiều thứ để làm. Đừng chỉ chạy theo lối mòn để tham dự những dự án từ thiện. Quan sát cuộc sống một tí, nghiên cứu một tí, động não sáng tạo một tí, bạn sẽ ra những dự án mang màu sắc rất riêng của mình.

KINH DOANH CÁ NHÂN/ THI KINH DOANH

Với điều kiện kinh tế và công nghệ phát triển thì mình thấy rất nhiều bạn ngay từ phổ thông đã có thể làm trang bán hàng life stream và thu nhập khá tốt. Có bạn từng nói là 50 hay 70 triệu một tháng hoặc 20,000 người xem. Những thành tích này nhìn ngoài có vẻ rất tốt nhưng nếu so với Mỹ thì có thể vẫn hơi nhiều nhược điểm:
  • Mức thu nhập ở Mỹ cao hơn: Thế nên doanh thu nhìn ở Việt Nam cao nhưng chuyển đổi sang đến Mỹ thì tuyển sinh là người Mỹ nhìn lại không cao đến thế.
  • Ở Mỹ, kể cả dưới 18 tuổi, hay thậm chí 10 tuổi, họ cũng có thể đăng kí doanh nghiệp để kinh doanh: Rất nhiều bạn nhỏ ở Mỹ thậm chí có bản quyền sáng chế một thứ đồ dùng rất nhỏ như giày hay bình đựng nước, rồi kinh doanh, đưa nó vào bán ở những đối tác lớn như Walmart.
Chính vì thế, nếu chỉ viết kinh doanh một dòng trong hồ sơ Common App thì rất nhiều người trong ban tuyển sinh sẽ nghĩ rằng kinh nghiệm kinh doanh của bạn này cũng chỉ giống như trẻ con Mỹ 5, 6 tuổi đã dựng rạp bán nước chanh hoặc hướng đạo sinh nữ cứ đến mùa là làm bánh và đứng trước siêu thị bán.
Các cuộc thi ý tưởng kinh doanh thực ra cũng vô cùng tương tự. Bạn có thể thắng một giải lớn nhưng không cho người ta biết cụ thể ý tưởng là gì thì người ta cũng nhún vai một cái rồi đánh giấu: “À lại một bạn có ý tưởng nhỏ mà.” Cũng là điểm cộng, nhưng hồ sơ bên cạnh cũng có một hai dấu cộng, nên cuối cùng thành ra hòa nhau hết.
Vậy cái làm cho một ý tưởng kinh doanh nổi bật là gì? Ở Mỹ thì nếu có bằng sáng chế sẽ là tốt nên Việt Nam cũng vậy. Thế nhưng nếu không thể có bằng sáng chế thì nên tập trung rất kĩ vào sản phẩm mà bạn đang bán:
  • Rất nhiều bạn bán hàng thời trang nhập từ Trung Quốc. Về quan điểm kinh doanh nói chung thì mình thấy không có gì sai. Thế nhưng khi được hỏi bạn yêu thích sản phẩm của mình vì điểm gì thì bạn nào cũng trả lời là hợp thị hiếu. Khi được hỏi chiến lược kinh doanh của bạn là gì, thì bạn nào cũng trả lời là tuần livestream hai lần.
  • Kì thực vì ai cũng trả lời như thế nên thực sự hoạt động kinh doanh của rất nhiều bạn trở nên không nổi bật.
Thế nên, cái quan trọng nhất để việc kinh doanh của bạn hơn người chính là trả lời được hai câu hỏi mình nêu trong cái gạch đầu dòng ở trên một cách bài bản nhất. Để cho dễ hiểu thì mình sẽ lấy ví dụ về công việc kinh doanh giày trượt patin của mình trước đây:
  • Tại sao thích sản phẩm patin: Mình thích patin từ bé. Hồi bé học bán trú còn rủ bạn trốn ngủ trưa để ra công viên thủ lệ trượt patin cơ. Lớn lên rồi thì mình béo. Thế nên, mình trượt patin để giảm béo, ngày nào cũng chạy 50 vòng quanh quảng trường gần nhà. Chạy riết 1 tháng giảm 10 cân nên về sau thành yêu thích giày trượt.
  • Tại sao bán patin: Mình trượt lâu thấy có mấy bé khoảng 5 đến 10 tuổi tập trượt nhưng mỗi lần ngã đều không có an toàn dễ bị chấn thương cổ tay cổ chân, thế nên mình mới bắt đầu dạy các bé trượt. Lâu dần phụ huynh xung quanh hỏi mình chở các bé đi mua giày. Lâu hơn nữa phụ huynh hỏi: “Sao em/ cháu không bán giày luôn vậy?”
  • Mình tìm nguồn hàng ở đâu: Mình lên Lạng Sơn, qua biên giới tìm. Lần đầu xách về đúng 8 đôi giày chỉ cùng một loại và nhiều kích cỡ khác nhau. Om hàng từ sau Tết đến 30/4 thì bắt đầu bán ít nhất 10 đôi một tuần. Về sau bán nhiều thì bắt đầu có nguồn ổn định hơn, và nhà cung cấp bắt đầu cho mua chịu.
  • Mình thích cái sản phẩm mình bán tới mức nào: Khách vào cửa hàng, mình có thể ngồi xuống thử hàng chục đôi giày cho họ. Bé nào chân đi patin không quá vững hoặc phụ huynh không mang bé tới thì mình hay nói: “Mua về mà bé sợ thế này thì hai hôm không đi nữa sẽ rất tiếc. Thôi đừng mua nữa anh ạ.” Mình biết từng con ốc trên từng loại giày, có thể độ bánh, độ khung. Ngay cả khi phụ huynh mua giày tiêu chuẩn, mình cũng có thể ngồi đó nửa giờ để hướng dẫn phụ huynh làm thế nào để thắt dây giày để các bé có thể đi an toàn nhất. Kể cả có ngã thì cũng không bị chấn thương đến mức lật cổ chân, cần phẫu thuật.
  • Cách quảng bá của mình (thường đi kèm với việc sản phẩm của mình giải quyết vấn đề gì cho xã hội): Đi patin thì không xem được điện thoại với máy tính bảng. Đây cũng là cách vui nhất đối với trẻ con để cai nghiện máy tính.
  • Cách quảng bá thứ hai của mình (đi kèm với cách xử lý và quảng bá thương hiệu cá nhân): Ngoài bán giày mình có các lớp dạy. Giảng viên toàn những bạn đang học đại học, chỉ dạy 4 em nhỏ một buổi thay vì 20 hay 30 em. Như thế phụ huynh có thể yên tâm giao các em bé ở lại với câu lạc bộ chứ không trông theo cả buổi. Phụ huynh có thể để con đó đi chơi với nhau, 2h sau quay lại đón con là vừa. Nên chi phí của câu lạc bộ ngày đó là cao nhất thành phố (và mình giao lại cho giảng viên hết) nhưng khách thì luôn nhiều nườm nượp.
Mình có rất nhiều cái có thể nói về patin vì về sau phần kinh doanh này của mình còn phát triển lên nhiều nữa. Thế nhưng cái đoạn mình đang dừng là đoạn rất nhiều bạn có thể làm nếu yêu thích và kinh doanh một sản phẩm nhất định. Ở mức độ này, các bạn hoàn toàn có thể viết nó thành một bài luận trong hồ sơ Common App, hoặc xin thư giới thiệu từ một nhà cung cấp, hoặc khách hàng để hồ sơ của bản thân thêm phần đặc sắc.

CÁC CUỘC THI TRANH BIỆN (DEBATE)

Tại Mỹ, các cuộc thi tranh biện (debate) thường bàn về rất nhiều vấn đề xã hội mà có thể liên quan trực tiếp đến chính sách, chính trị, tôn giáo, thể thao Mỹ. Ví dụ:
  • Có nên sử dụng các đạo luật như Affirmative Action để giúp các nhóm thiểu số có ưu thế dưới tình trạng phân biệt chủng tộc?
  • Có nên cấm nạo phá thai? Nếu cấm thì những trường hợp đặc biệt như phụ nữ bị cưỡng bức sẽ phải xử lý thế nào? Có chính sách hỗ trợ gì?
  • Có nên xóa tiền án trên hồ sơ cho những bạn phạm tội dưới 14 tuổi để cho các bạn ấy cơ hội làm lại cuộc đời? Rất nhiều bạn dưới 14 tuổi vì bị bạo hành trong gia đình nên phạm tội hành hung, hoặc thậm chí giết người để tự vệ nhưng sau khi cải tạo, họ hoàn toàn có thể làm một công dân tốt. Thế nhưng có những người khác, phạm tội khi còn trẻ vì vấn đề tâm lý tâm thần, khi được xóa tiền án, thì xung quanh họ lại xảy ra những vụ án khác nhưng không ai truy suất được. Vậy việc xóa tiền án này là nên hay không nên?
  • Có nên trả tiền cho các vận động viên chơi thể thao trong đại học? Mặc dù họ đã có học bổng nhưng các trường đại học cũng kiếm hàng trăm triệu đô một năm từ bản quyền phát sóng và quảng cáo từ những vận động viên này?
  • Nên củng cố và giới hạn AI đến mức nào trong tuyển sinh và tuyển dụng?
Vì thể chế của Việt Nam, nên những vấn đề trong tranh biện tại Việt Nam sẽ ít được liên quan đến chính trị hơn. Kể cả nó có liên quan đến một số chính sách hay vấn đề xã hội thì những chủ đề tranh biện cũng chưa thực sự thiết thực nên tranh biện xong thì cũng chỉ để đó chứ chưa gây được những tiếng vang. Ví dụ:
  • Các bạn du học sinh du học về thường đòi hỏi quá nhiều từ công ty trong khi không thực sự thích ứng với môi trường làm việc tại Việt Nam. Thế nên, học trong nước cũng có thể xuất sắc như học ở nước ngoài.
  • Có chứng chỉ công việc làm thêm để có thể tốt nghiệp (Trường Teen 2019)?
  • Theo tổ chức y tế thế giới, nghiện game là một bệnh tâm lý. Liệu điều này có cơ sở hay không?
Đây là những chủ đề rất liên quan đến xã hội Việt Nam. Vậy nhưng mình nói nó chưa thiết thực chính là ở chỗ, nó chỉ nêu vấn đề chứ không nêu giải pháp. Nếu các bạn để ý thì nhưng câu hỏi tranh biện ở Mỹ đều bắt đầu bằng “có nên, có phải” và có giải thích chủ đề khởi điểm rất rõ ràng. Còn những câu hỏi ở Việt Nam tạm thời chỉ đang là bất cứ thứ gì “nóng hổi” ngay trên mạng chứ chưa có luận điểm khởi nguồn. Thế nên, tranh biện rất dễ biến thành tranh cãi. Và cho dù một bên có được giám khảo quyết định thắng thì tranh biện xong vẫn không đưa thêm được giải pháp gì cho vấn đề vừa được bàn tới. Tranh biện thế thì giống hệt “hai người đàn và một con vịt thành cái chợ.”
Tất nhiên, về phần này mình sẽ không đổ lỗi tại các bạn nhỏ. Đơn giản là mình thấy cách tổ chức ở Việt Nam mới mô phỏng được bề ngoài chứ chưa đi sâu vào bản chất của việc tranh biện:
  • Mục đích của tranh biện dù gay gắt đến đâu cũng không phải là thắng thua mà là đưa ra được một giải pháp chung cho một vấn đề cụ thể. Thế nên nếu cả hai bên tiếp tục cãi nhau mà không bên nào có thể đưa ra một giải pháp khiến bên kia ít nhất có thể “ngậm ngùi đồng ý” thì thực tế cả hai bên đều thua.
  • Tranh biện ở Mỹ thường được tổ chức dưới nhiều điều kiện khác nhau. Phổ biến nhất là giữa các trường phổ thông và giải của các trường đại học.
  • Nếu trường có đội tranh biện. Thì huấn luyện sẽ rèn với các bạn ấy cả kì sau giờ học về nhiều chủ đề khác nhau.
  • Mỗi tuần, cách tuần hoặc tháng, các bạn ấy sẽ đi thi đấu tranh biện với một trường khác.
  • Việc thắng của tranh biện thường được quyết định bởi giảm khảo chọn ra từ cộng đồng (giống như đại diện bồi thẩm đoàn trong các vụ án). Tất nhiên giám khảo thường là những người có ảnh hưởng trong một cộng đồng và họ liên quan trực tiếp tới vấn đề được bàn. Họ có thể đưa ra câu hỏi mở rộng để hai bên tiếp tục tranh biện chứ không chỉ cãi qua cãi lại.
  • Nếu một trường thắng thì họ lên báo địa phương và cuộc tranh biện cũng được cộng đồng tiếp tục bàn luận về những vấn đề và giải pháp có thể trong cuộc tranh biện đó.
  • Nếu họ thắng nhiều và thuyết phục, họ có thể được mời đến tranh biện ở các giải và các đội đại họccó ảnh hưởng lớn.
  • Những cuộc tranh biện này thường có chủ đề trước. Và các đội sẽ bị nhốt riêng trong những phòng toàn sách trong hai hoặc ba ngày mà không có huấn luyện để tự chuẩn bị chủ đề (dù mỗi lượt lên cãi có 2 hay 3 phút gì đó).
  • Tranh biện có thể mỗi buổi chỉ 1 hoặc 2 giờ nhưng sẽ giàn trải ra 2 đến 3 ngày để các đội có thời gian tổng hợp lại và tìm luận điểm phản chứng cho ngày tiếp theo.
Các cuộc thi tranh biện tại Việt Nam gần như không nghiêm túc đến độ này, cũng không có huấn luyện theo các bạn từng ngày từng tháng trong học kì. Lấy ví dụ như chương trình Trường Teen Việt Nam. Mình dù rất khâm phục các bạn lên đó để tranh luận ở một độ tuổi rất trẻ nhưng với mình nó vẫn chỉ là một chương trình truyền hình giải trí, chứ chưa có giá trị cao về thể hiện tiềm năng của các bạn:
  • Bản gốc của Trường Teen là chương trình The Debaters tại Canada. Và nếu các bạn đọc kĩ thì chương trình này là một chương trình “hài.” Tuy họ tranh luận về nhiều vấn đề nhưng người thắng cuộc là người giành được nhiều tiếng cười hơn của khán giả.
  • Như thế, khi bạn ghi một dòng vào Common App rằng bạn thắng một mùa The Debaters tại Việt Nam, rất nhiều người trong ban tuyển sinh sẽ tưởng rằng bạn là một cây hài chứ không phải là người giỏi tranh biện.
  • Giám khảo của The Debaters thường là nhà báo, huấn luyện viên tranh biện, hoặc nhà giáo dục. Họ đều là những người có tầm ảnh hưởng cả nhưng nếu tranh biện về vấn đề chơi Game tại sao không mời Game thủ và những người bài xích game thủ nhất tại Việt Nam?(Trường Teen 2019, tập 4). Họ mới là những người sát sườn nhất với vấn đề này. Họ mới là những người có thể đưa ra câu hỏi để hai đội tranh biện tốt nhất. Họ mới là những người mà hai bên đều phải thuyết phục để cùng đồng ý với một giải pháp nào đó. Còn không thì cả hai đội đều thua.
  • Vậy nên bản thân Chương trình gốc và cách tổ chức hiện tại của Trường Teen đều không được gọi là quá mạnh cho việc làm đẹp Hồ sơ cho đại học.
Tất nhiên, cái mình nói mới là lỗi chương trình. Còn về phía các bạn, mình xem tranh biện cũng có thêm một vài ý kiến:
  • Đa phần khi tranh biện các bạn không hề công nhận những điểm mà đối phương nói đúng, mà chỉ cung cấp bằng chứng phản đòn ngay lập tức.
  • Cái mạnh nhất trong tranh biện chính là xây được luận điểm của mình trên chính điểm mà đối phương nói ra. Cách này giúp mở cửa để đối phương tự động đồng ý với bạn mà không cần phủ nhận họ. Việc không đồng ý với đối phương khiến cả hai bên đều ở thế phòng thủ và không thể đồng ý với nhau. Không ai có thể tâm phục khẩu phục khi thua một cuộc thi tranh biện.
  • Các bạn trích dẫn số liệu và lịch sử khá nhiều nhưng lại không nêu ra được câu chuyện cũng như vụ án trực tiếp mà các bạn trích dẫn. Ví dụ, có một bạn trong tranh biện về game nói rằng “năm 19xx, đồng tính luyến ái bị cho là một bệnh” để nói rằng game chỉ không phù hợp với giá trị hiện tại chứ tương lai còn thay đổi. Vậy nhưng bạn lại không kể nốt đến đoạn “đến khi nào thì đồng tính không còn bị quy là bệnh, ai đã làm điều đó, và cuộc đấu tranh chính thức ở đâu.”
  • Cái này nếu đội đối phương “cao tay” sẽ tìm về chính luận điểm đó, và trích dẫn rằng một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra đồng tính không phải bệnh. Mà chính vì quan hệ bị che giấu nên những đối tượng đồng tính mới bị đẩy đến con đường mại dâm và mắc bệnh. Trong khi đó, số lượng nghiên cứu khoa học về games vẫn cho thấy một dấu hiệu khác… Có một số người tử vong do chơi game 24 giờ liên tiếp… (Đây đương nhiên không phải luận điểm của mình. Mình chỉ đang lấy ví dụ thôi).
Nhìn chung, các chương trình và cuộc thi tranh biện ở Việt Nam có thể chưa được bài bản, nhưng nếu các bạn muốn biến tranh biện thành một phần mạnh trong hồ sơ của mình thì vẫn hoàn toàn có thể:
  • Bất kể là cuộc thi lớn, thi nhỏ hay tự mình phát động tổ chức trong trường cũng được.
  • Mời giám khảo liên quan đến các chủ đề đến.
  • Tự mình rèn luyện việc đồng ý với đối phương, đưa ra giải pháp thiết thực để quá trình tranh biện thực sự đi vào bản chất.
  • Hỏi một trong những giám khảo có liên quan mà không quen bạn để họ viết một thư giới thiệu về việc phần tranh biện của bạn đã để lại ấn tượng, cảm xúc, và thay đổi suy nghĩ của họ như thế nào. Nếu giám khảo này ban đầu không ủng hộ ý kiến của bạn mà sau đó họ thay đổi thì đó chính là bằng chứng thuyết phục nhất cho khả năng của bạn.
Để các bạn hiểu rõ hơn về góc nhìn của bên tuyển sinh thì tại Mỹ, ngoài những cuộc thi tranh biện được tổ chức bởi trường học, các bạn trẻ Mỹ hoàn toàn có thể tranh biện và hùng biện tự do trong những vấn đề ở các nhà thờ, các sự kiện vận động tranh cử tại thành phố và địa phương. Có thể họ không phải là người trực tiếp tranh cử vì tuổi còn nhỏ, nhưng họ được ba mẹ hoặc người quen mang tới để thể hiện những quan điểm cá nhân từ khi còn rất sớm. Thế nên, khi ghi một dòng vào trong hồ sơ Common App, họ chỉ cần ghi “Irishman political rally in Omaha” là giám khảo tuyển sinh đã hiểu ra một đống chuyện rồi.
Tuy nhiên, chúng ta không ở Mỹ. Vậy nên một dòng của chúng ta phải được hỗ trợ bằng những bằng chứng và thư giới thiệu thiết thực hơn.

DỰ ÁN NGHỆ THUẬT/ ÂM NHẠC

Giống thể thao, nếu các bạn muốn vào các trường về nghệ thuật hay âm nhạc thì bạn cần xây dựng portfolio nghệ thuật, thể hiện một quá trình dài hạn trong đam mê và công sức của mình:
  • Một mớ tranh vẽ theo phong cách Manga không liên quan đến nhau sẽ không có giá trị.
  • Một vài video chơi nhạc, nhảy, múa toàn những bài mình thích cũng không có giá trị.
Nếu bạn muốn một portfolio có giá trị và thể hiện nhiều hơn về cá tính của bản thân mình thì bạn phải làm nó rất có chủ đề. Ví dụ:
  • Mình biết một bạn thích vẽ theo phong cách Manga nên bạn ấy làm portfolio theo kiểu tranh hai bốn khung và có nhân vật riêng của bạn ấy. Tuần nào bạn ấy cũng vẽ một hai bức để tả về cuộc sống của riêng mình (với nhân vật rất riêng). Sau hai năm thì bạn ấy tổng hợp lại thành portfolio để gửi hơn một trăm bức tới viện nghệ thuật.
  • Chơi nhạc cũng vậy. Nếu là cổ điển, bạn có thể quay lại cách bạn chơi một bản nhạc và tiến bộ theo từng tháng, từng năm như thế nào. Song song với đó, bạn có thể ghi lại cách bạn viết nhạc theo từng năm và cải tiến cùng bản nhạc đó như thế nào. Nó sẽ tạo ra một portfolio độc đáo hơn nhiều việc “em thắng giải piano thành phố.”
  • Còn nếu bạn “rap” giỏi và hát nhạc hiện đại giỏi thì đi vào giới giải trí Việt Nam sẽ nhanh hơn nhiều du học đó.
  • Tương tự, với làm phim. Có bạn nói thích học phim ảnh ở Hollywood. Cũng được thôi, mình không có quyền đánh thuế giấc mơ ai. Nhưng nếu bạn muốn portfolio có giá trị thì tự mua máy quay, tự làm một series phim ngắn thử xem. Nên là một series chứ đừng làm một lần vì nó cho thấy độ dài và sự quyết tâm với đam mê của bạn.
  • Hơn nữa, nếu làm phim, vẽ tranh, hoặc luyện tập chơi nhạc qua từng tháng từng năm, thành phẩm của bạn sẽ tiến bộ theo từng ngày và bên tuyển sinh qua portfolio cũng sẽ nhìn được sự phát triển và đầu tư vào đam mê của bạn theo đúng dòng lịch sử của portfolio.
Cuối cùng thì mình biết có rất nhiều bạn nói rằng bản thân có đam mê nghệ thuật. Mình chỉ muốn hỏi các bạn rằng các bạn đã bao giờ đi nghe hòa nhạc chỉ để thưởng thức sự sâu lắng trong đó chưa? Các bạn đã bao giờ đi đến bảo tàng để ngắm tranh phố Phái hay xem phong cách sơn mài của Việt Nam đã thay đổi từ thời pháp thuộc đến thời giải phóng thế nào chưa? Đam mê không phải chỉ là thích, mà còn là đào sâu tìm hiểu và tìm ra phong cách của riêng mình.
Thế nên, nếu bạn thích làm phim, thì bạn có thể thử trước với việc quay phim 5 phút về cuộc sống gia đình và những mẩu truyện học trò ngay trong lớp các bạn. Từ đó bạn có thể rút kinh nghiệm về câu chuyện nào hấp dẫn, góc quay nào phủ hợp. Như thế bạn không chỉ tự học thêm về làm phim mà còn lưu giữ những kỉ niệm không chỉ cho chính mình mà còn cho gia đình và những bạn đồng trang lứa nữa.
Mình xin phép kết lại phần này bằng một câu chuyện của riêng mình. Năm lớp 7 thời của mình vẫn còn môn mỹ thuật. Cả lớp bị cô giao một bài vẽ về lễ hội Việt Nam nhưng tranh của mình mọi khi toàn 10 thì hôm nay cô cho 7 điểm. Lý do là, một bên lễ hội múa lân thì mình vẽ theo phong cách trạng tí, mà bên kia nhảy dây thì mình lại vẽ kiểu thủy thủ mặt trăng. Như các bạn thấy đó, một cô giáo dạy mỹ thuật ở Việt Nam cũng sẽ khó tính với việc phong cách mình lộn xộn không ra sao thì khi làm portfolio nghệ thuật cho một trường nước ngoài, các bạn càng cần phải có chủ đề, chủ điểm, quá trình và phong cách cá nhân rõ ràng.

CÂU LẠC BỘ Ở TRƯỜNG

Mỹ cũng nhiều câu lạc bộ lắm, từ nhạc kịch đến báo chí rồi khoa học và hùng biện luôn. Thế nhưng để những hoạt động này thực sự có độ nặng thì nó cần tạo ra giá trị gì đó cho trường.
  • Ví dụ, các bạn có thể xem bộ phim Bad Education và thấy rằng một bạn nhỏ làm báo trong câu lạc bộ trường vì giữ gìn việc điều tra đến cuối cùng một sự thật trong nghề làm báo mà phát hiện ra tham nhũng ở ngay trong hệ thống trường của mình.
  • Hoặc một ví dụ khác trong bộ phim October Sky và Spare Parts, các bạn nhỏ rất nghèo nhưng có thể quyên góp trong cộng đồng để làm ra tên lửa và robot để đi thi ở những giải đấu lớn.
Mình không nói các bạn phải làm đến tầm đó nhưng ít nhất khi tham gia hoặc khởi nguồn một câu lạc bộ thì nên đề ra mục tiêu cho câu lạc bộ đó:
  • Mang lại giá trị gì? Cho bao nhiêu người? Trong vòng bao lâu?
  • Nếu các bạn không thể đưa ra con số, mục tiêu và kế hoạch phát triển cụ thể thì việc tham gia vào câu lạc bộ sẽ không mang giá trị nhiều cho hồ sơ du học.
  • Ngược lại, nếu các bạn có thể đặt mục tiêu, và quyết tâm đạt được mục tiêu đó bằng mọi giáthì cũng giống như những hoạt động từ thiện và môi trường đâu đó sẽ có một người viết cho bạn một cái thư giới thiệu vô cùng giá trị.
Hoạt động ngoại khóa dù ở trường hay đâu cũng được, phải có mục tiêu, quá trình, hành động, và những người xung quanh chứng kiến cách bạn làm.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong số những môn bắt buộc tại các trường cấp ba Mỹ thường sẽ có một môn được gọi là Capstone. Trong môn học này, các bạn được dạy viết về một luận điểm và sử dụng trích dẫn từ các nguồn trong sách, trên mạng, và nghiên cứu mở. Bởi thế, đa phần các bạn cấp ba đều có một bài viết nhỏ nhỏ của riêng mình, viết theo phong cách nghiên cứu.
  • Những bạn được đánh giá là thực sự xuất sắc thì thay vì chỉ viết một bài nhỏ sẽ cùng giáo viên học riêng để viết ra một bài dài, có phương pháp và quy củ bài bản hơn. Nó sẽ được nộp làm “mẫu bài viết” trong hồ sơ học bổng.
  • Ở Việt Nam, giáo viên cấp hai cấp ba thường cũng không biết quá nhiều về quy trình nghiên cứu nên có thể các bạn sẽ phải gửi thư tiếp cận với các giảng viên đại học hoặc mentor để giúp những điều này.
  • Tuy nhiên, trước khi gửi thư thì các bạn nên đọc và tự nghĩ đến một chủ đề nghiên cứu trước. Có như thế thì thư gửi đi mới cụ thể và người muốn giúp mới dễ trả lời. Chứ đừng gửi thư theo kiểu “chị ơi em muốn làm một cái nghiên cứu khoa học, chủ đề gì cũng được.”
  • Chủ đề nên là các bạn tự nghĩ vì nó thể hiện điều các bạn quan tâm và cá tính của các bạn. Còn người ta có giúp hay không, giúp được đến đâu, phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên trì và cố gắng cá nhân của từng bạn.
Nếu có thể xong sớm trước tháng năm của năm lớp 11, thì các bạn có thể nộp những nghiên cứu này vào “Journal of Student Research” của Mỹ.
  • Họ chỉ yêu cầu nếu bạn là học sinh cấp 3 thì phải có tên giáo viên hướng dẫn để nộp cùng.
  • Sau đó bạn có thể in bài đã được Journal of Student Research đăng để thành “mẫu bài viết” nộp cho các trường đại học.
Với những bạn nộp IVY league thì không nên nộp quá nhiều vào “Journal of Student Research” vì nó gần như đăng tất cả các bài, không kiểm chứng về chất lượng. Việc không có “peer review” này giúp kích thích nghiên cứu trong học sinh nhỏ tuổi nhưng nếu muốn giỏi hơn thì nên nộp báo lớn hoặc hội thảo khoa học chính tắc để đi thuyết trình luôn. Chỉ cần hội thảo đăng bài của mình thì có thể in ra để nộp làm “mẫu bài viết” trong hồ sơ học bổng trường lớn rồi.
Tất cả những việc này đương nhiên cần hướng dẫn cá nhân trực tiếp từ những nhà nghiên cứu lớn tuổi hơn nhưng công sức để tự liên hệ với những người này và làm nghiên cứu vẫn phải là của bạn.

THI LẬP TRÌNH VÀ Các TRANG WEB DẠY CODE

Rất nhiều bạn vì muốn theo ngành khoa học máy tính ở Mỹ nên từ rất nhỏ đã tham gia vào các trại hè về lập trình và biết nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Thế nên tính tới thời điểm này việc biết “code” trong một hồ sơ đã thực sự không còn gì độc đáo. Thậm chí, nhiều bạn thấy mình lập trình tốt nên mở trang mạng dạy code cũng không còn có gì mới mẻ. Thắng giải lập trình cũng không hẳn đã hay.
Nếu các bạn muốn làm gì đó độc đáo thì hãy thử tự tạo ra một app để các bạn và thầy cô cùng dùng xem sao. Dưới đây là mình ví dụ, nhưng bạn cũng rất có thể lôi ra làm thật:
  • Bạn có thể tạo ra một app chuyên về bài tập về nhà cho cá nhân trước. Giờ có rất nhiều phần mềm giúp các bạn tự vẽ app, ngay cả khi không quá biết lập trình. Hàng ngày bạn tự nhập bài tập của từng môn vào rồi đến lúc chuẩn bị bài và hoàn thành xong, bạn chỉ cần nhấn một nút trên app là nó sẽ chuyển sang màu xanh, bạn đã làm bài tập. Bạn có thể tạo thêm chức năng, một ngày trước khi bài tập được giao, app sẽ báo đỏ để nhắc bạn làm bài tập.
  • Sau khi dùng thử mấy tuần, bạn có thể cho mấy đứa bạn thân trong lớp dùng thử. Bạn sẽ nhập hết dữ liệu nhưng app sẽ nhắc vấn đề làm bài tập cho tất cả những bạn đang dùng thử. Dần dần, từ nhận xét của những bạn đó, bạn sửa các nút bấm và tính năng trên cái app của mình và lan rộng ra hơn trong lớp.
  • Sau khi có được một số lượng học sinh trong lớp dùng, bạn bắt đầu nghĩ đến tính năng để các giáo viên trong lớp tự nhập bài tập và hạn nộp thay vì bạn nhập tay. Bạn để cô giáo chủ nhiệm dùng trước và nhận xét. Sau đó bạn lại hỏi thêm những cô giáo thân với mình.
  • Sau khi tất cả các thầy cô giáo trong lớp đều dùng, bạn có thể lên phòng hiệu trưởng và xin phép thử cho cả khối của mình rồi đấy.
Mình không biết một đề án như thế thì các bạn có thể làm thành công đến đâu nhưng trong trường hợp này thành công không quá quan trọng. Với lứa tuổi phổ thông, làm một đề án như thế này sẽ khiến bạn học được rất nhiều và quen thân hơn với rất nhiều người để có bài luận về cách thất bại rồi bước tiếp cũng như thư giới thiệu về khả năng cũng như quyết tâm của bạn.
Hơn nữa, dù chỉ là ví dụ, nhưng cách thực hiện một cái app như vậy đi ra từ quan điểm của Design School của Stanford. Nếu bạn làm ra một sản phẩm công nghệ, dù nó có ngu ngốc đến đâu, bạn cũng có thể đem nó ra cho người khác thử. Từ nhận xét của người khác mà sửa dần, bạn sẽ có thể đưa ra một giải pháp thiết thực hơn với xã hội. Bởi thế, thành công hay không trong đề án như vậy không quan trọngnếu bạn có thể viết một bài luận thể hiện quá trình thử rồi sai, sửa rồi thử tiếp thì nó có giá trị hơn nhiều so với một trang web hay mấy giải lập trình nho nhỏ.

TRẠI HÈ CÁC LOẠI VÀ DU LỊCH KIỂU HUYỀN CHÍP…

Cuối cùng thì mình muốn chốt lại rằng, đa phần các trại hè vui vẻ không có mấy giá trị gì trong hồ sơ đại học. Còn du lịch bụi kiểu của Chíp thì cũng chẳng mấy ai có thể làm.
Bạn muốn hồ sơ hoạt động có thể đè chết việc mình chưa đủ điểm với một số trường thì chọn một hoạt động ở trên thôi và làm cho thật tốt. Có câu nói: “Một nghề cho chính còn hơn chín nghề.” Thế nên đừng bao giờ nhầm tưởng chỉ cần bản thân liệt kê một đống hoạt động là có hồ sơ tốt. Làm không đủ sâu, không có đủ cái tâm thì bên tuyển sinh họ cũng nhìn ra đó.
Quay lại với câu nói của vị phụ huynh đầu bài:
  • Hoạt động ngoại khóa đúng là chỉ một cái gạch đầu dòng thật.
  • Nhưng với học sinh Mỹ, vì cùng trong một văn hóa nên một cái gạch đầu dòng có thể mang theo rất nhiều ý nghĩa.
  • Với học sinh Việt Nam, một cái gạch đầu dòng muốn có tác dụng tốt thì phải được phải được giải thích rõ ràng hơn trong luận, thư giới thiệu, và các bằng chứng khác về thành tích của mình.
Thế nên, ngoại khóa trong hồ sơ của một học sinh được đặt phần nặng đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào cách làm vào tổng hợp hồ sơ để thể hiện điểm mạnh của nó. Thực sự mà nói, dùng ngoại khóa để bù cho điểm là một việc thực sự rất khó làm. Nó cũng giống như việc điểm tốt cần phấn đấu, thì ngoại khóa tốt cũng cần tâm sức, thời gian và quá trình. Nếu đến tận năm cuối cùng mới chuẩn bị thì không kịp. Tất cả những thứ này muốn làm thì nên nghĩ sớm từ những năm lớp 9.
Chúc cả nhà ai cũng sẽ chuẩn bị được một hồ sơ mang phong cách của riêng mình.
 
NGUỒN THAM KHẢO: https://www.facebook.com/groups/scholarshiphunter/permalink/3778915605699136/


Jun 04, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email