Lộ trình SAT, AP, IELTS cho du học
Xin chào các bậc phụ huynh và các em học sinh. Đợt trước khi mình viết một chia sẻ về những tip thi SAT của con mình (các bạn thành công đạt 1570, 1580) thì mình rất bất ngờ và hạnh phúc vì nhận được tin nhắn của kha khá các bác phụ huynh hỏi mình về lộ trình học SAT, AP, và IELTS của con mình nên nhân dịp cuối tuần và vừa mới settle down ở Zurich thì mình viết thêm một bài chia sẻ về hành trình này. Mong là sẽ có gì đó hữu ích cho mọi người ạ.
1. SAT (hoặc ACT)
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu học SAT là lớp 10 vì vào lúc này các con cũng đã có một lượng kiến thức khá ổn định đủ để bắt đầu bắt đầu hành trình học SAT cũng như chưa quá bận rộn và gấp gáp để hoàn thành khối lượng công việc lớn chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học. Lớp 9 thì hơi sớm nhưng nếu bạn nào có năng lực thì bắt đầu luôn cũng tốt vì chứng chỉ hạn dài. Lớp 11 thì các con chỉ có 1 năm trước khi ứng tuyển đại học và sẽ có nhiều công việc cũng như bận rộn hơn và việc bắt đầu học và thi SAT có thể khiến các con áp lực nhưng nếu lớp 11 mới có ý tưởng thì cũng có thể bắt đầu ngay và tập trung ôn thì vẫn thi xong tốt. Lớp 12 thì thật sự gấp cho các con vì đúng lúc ứng tuyển rồi nhưng bạn nào chưa hoàn thành thì vẫn nên cố gắng tiếp tục nếu có khả năng vì SAT không phải là đầu mục quan trọng nhất nhưng nó là yếu tố cần và là điểm cộng.
Mình vẫn luôn khuyến khích mọi người là SAT nếu có ý tưởng du học thì nên chuẩn bị càng sớm càng tốt vì đây là thứ mình đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc thì không bao giờ phí và lỗ. Không chỉ các đại học Mỹ giờ trở lại yêu cầu phải có SAT thì các đại học và học bổng ở các nước châu Âu hay Úc, Singapore và thậm chí là đại học Việt Nam cũng yêu cầu SAT hoặc cho SAT là điểm cộng nên nếu có ý tưởng du học hoặc muốn mở rộng con đường đại học của con thì nên học SAT ngay khi có ý tưởng vì không ai chắc chắn mình cần tốn bao nhiêu thời gian để đạt được ngưỡng điểm mong muốn.
[Phần có nhiều phụ huynh hỏi con mình học SAT ở đâu sau bài trước nhưng ngoài lề nên mình cho vào ngoặc vuông để nếu không có nhu cầu mọi người lướt qua: Con mình học thầy Brian Stewart, tác giả sách Barron's SAT và ACT, giá ngang trung tâm lớn ở Việt Nam và cam kết được 1500, có trợ giảng hỗ trợ 1-1 ngoài 2 buổi học trực tiếp qua zoom với thầy mỗi tuần]
2. AP
Giờ đại học Mỹ ngày càng cạnh tranh và suất cho học sinh quốc tế thì rất ít nên các bạn chọn thi AP để tăng độ cạnh tranh. Cái này mình nghĩ cũng khá hay vì các con có cơ hội học thêm các môn đại loại như dự bị đại học và lấy credits sau tiết kiệm tiền ở đại học (cái credits này tùy trường mới chấp nhận).
Vậy bao giờ thi nên học AP? Theo mình thì là khi các bạn nghĩ AP hỗ trợ cho hồ sơ của bạn lớn. Nhà mình thì cả hai bé đều học và thi AP từ lớp 10 vì mình muốn con có thể sử dụng làm hành trang tham gia các cuộc thi hay chuẩn bị tốt cho thay đổi từ cấp 3 lên đại học. Cái này thì tùy từng nhà và tùy từng quan điểm của từng phụ huynh.
Đây là một số gợi ý về việc lớp mấy thì chọn môn AP nào là phù hợp cho khả năng của từng lớp (vẫn là ý kiến qua tìm hiểu của cá nhân mình và tư vấn từ cố vấn du học của con từng làm tuyển sinh Harvard) và đặc biệt nhấn mạnh là không phải ghi lớp mấy là học môn nào, mọi người tự chọn môn mình quan tâm thôi đừng thi hết và đây là danh sách mình nghĩ là phù hợp với trình độ thời điểm đó có thể theo:
Lớp 9: Human Geography, AP Seminar (môn khá dễ thở trong số các môn AP và có thể đạt điểm tốt sớm)
Lớp 10: AP Microeconomics, AP Macroeconomics, AP Language English and Composition
Lớp 11: AP Calculus AB (ai có năng lực hơn nên chọn BC hơn hoặc đợi 12 thi BC hoặc thi BC luôn), AP Computer Science Principles (có khả năng hơn thì chọn lên A thi A luôn hoặc đợi năm sau thi A), AP Psychology, APUSH, AP Biology, AP Physics 1
Lớp 12: AP Statistics, AP Calculus BC, AP Physics C, AP Chemistry, AP Research
Mình cũng chưa liệt kê hết các môn đâu đây chỉ là các môn mình nhớ thôi ạ. Ngoài ra, các học sinh có năng lực hơn thì cứ chọn môn khó từ lớp nhỏ cũng được ạ. Tùy sở thích và năng lực thôi nhé.
3. IELTS hoặc TOEFL
Cái này thì bạn nào có nền tiếng Anh rồi thì học SAT trước rồi mới học. Thứ nhất là SAT tốn nhiều thời gian hơn nên là nếu tiếng Anh ok rồi thì học SAT trước, thứ hai là bạn nào vững tiếng Anh rồi thì có thể tự học trước khi thi (trên mạng resources rất nhiều để ôn) hoặc đi học tùy mọi người. Ôn thì đừng phân học từng kỹ năng một mà hãy chia và phân bổ thời gian học/ôn cả 4 kỹ năng. Chứng chỉ IELTS không dài như SAT nên đừng thi sớm quá.
TOEFL thì bên Mỹ sẽ được prefer hơn nhưng bạn nào hợp IELTS thì chọn IELTS cũng được vì họ cần là mình hơn ngưỡng điểm tiếng Anh cần có để đảm bảo học được bằng tiếng Anh.
Cảm ơn mọi người đã đọc. Mong mọi người có thể bổ sung hoặc đóng góp ý kiến cho mọi người tham khảo thêm. Bài viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân và mong có hữu ích với cộng đồng.
(Ảnh mẹ cháu chụp năm ngoái để đây cho năm nay có tinh thần đón tuyết Switzerland tiếp)
4. Đơn giản hóa bài thi chuẩn hóa SAT
Chào các bác phụ huynh và các cháu học sinh. Nhân thời gian này có khoảng rảnh rỗi nên mình lại chia sẻ về bài thi SAT, một bài thi mà con gái lớn mình từng rất đau đầu thi đâu đó 3 lần mới ưng ý và con trai sau thì dựa trên kinh nghiệm chị gái vừa vào cấp 3 thi 1 lần là đã đạt 1580. Kinh nghiệm này thì vẫn là mình mua gói luyện "nghìn đô" và giờ share kinh nghiệm sương sương (chắc chắn không thể bằng trung tâm luyênh được) "không đồng" với mọi người.
- SAT là bài thi chuẩn hóa tức là dựa trên cách cho điểm GPA của từng trường, chươbg trình học từng quốc gia có sự khác biệt nên mới cần "chuẩn hóa" học lực học sinh. Nhiều bạn học sinh như con gái mình ban đầu cũng rất sợ và lo lắng nhưng về cơ bản đã là "chuẩn hóa" thì ngoại trừ tiếng Anh không phải trường nào cũng học thì toán hay cách hiểu vấn đề văn bản nhìn chung không có sự chênh lệch.
- Sau 2 lần thi đầu tiên, con mình đạt chỉ trên 1300 và cháu đã rất stress và sợ rằng mình không đủ tiêu chuẩn dù AP cháu 8 môn full 5. Lúc đó thì mình cho con mình học hẳn thầy tác giả sách Barron's SAT và ACT (quá nổi tiếng và uy tín với các bạn ôn SAT hay AP rồi nên công khai luôn vì người ta cũng chẳng cần phụ huynh như mình quảng cáo cũng đông) thì chung quy lại đã tìm ra vấn đề của cháu là phức tạp hóa bài đọc hiểu. Con gái mình thì học cấp 3 trường chuyên tại Hà Nội và từ cấp 1 thì cháu đều học chương trình giáo dục của Bộ nên không quen với bài reading của SAT (phần kéo điểm con mình xuống). Bài đọc của SAT là cứ dữ liệu trong bài ghi gì thì chọn đáp án đó (giờ DSAT phần đọc mỗi câu ngắn và vào hẳn trọng tâm chứ không cần tìm hay nhớ dữ liệu như SAT Paper thì càng thuận lợi) nhưng con mình mắc vấn đề là phức tạp hóa và suy nghĩ nhiều về việc câu đó ẩn ý gì như thói quen lúc phân tích nghị luận văn học ở trường là một ý có nhiều ý hiểu ẩn dụ theo các cô phân tích gây mất thời gian và làm sai. Tóm lại, bài đọc thì đề ghi gì, chọn đúng cái đó, đừng suy nhiều.
- Ngữ pháp hay dấu câu thì cần nhớ và vững. Từ vựng ôn theo list cũng được nhưng có lợi cho tương lai xa hơn hay đối phó được khi gặp toàn từ lạ thì chỉ có 2 cách: Một đọc sách tiếng Anh nhiều tăng phản xạ và vốn từ cũng như suy luận và cảm giác; hai là thường xuyên học từ mới qua cách dùng từ điển Cambridge hoặc bất cứ từ điển bằng tiếng Anh nào để hiểu nghĩa và vận dụng đúng hoàn cảnh, tránh nhầm với từ đồng nghĩa và vận dụng nó trong thực tế.
- Về phần toán thì có lẽ là giáo trình cấp 3 của mình cũng sẽ có sự khác biệt với Mỹ một chút. Một số người lại bảo toán chương trình của Bộ khó hơn nhiều. Mình không bàn luận về vấn đề này sâu nhưng chung quy lại là khi thi toán sẽ chẳng sai nếu mình hiểu bản chất dù là toán chương trình Bộ, SAT, AP hay lên đại học các con học Calculus sâu hơn đi chăng nữa. Việc học dạng, học đề đã gây ảnh hưởng đến việc đề bài chỉ cần phức tạp hay phải kết hợp với kiến thức khác đã học rồi thì các con không học được. Thế nên khi con mình kêu dạng bài này khó quá và lý do con chưa học bao giờ thì mình hay thầy nó đều bảo là về học lại bản chất và những lý thuyết. Toán là logic nên việc hiểu bản chất và biết vận dụng rất quan trọng. Đùa vui thôi nhưng nhiều người hỏi sao Việt Nam mình học toán nhiều bài khó hơn Mỹ rất nhiều mà họ lại có nhiều giải thưởng toán lớn hay phát triển hơn thì cũng một phần là họ quan trọng logic còn mình thì quan trọng phải làm bài thật khó mới được.
Đây là trải nghiệm cá nhân và ý kiến của mình thôi nên các bác nào có trải nghiệm khác hoặc ý kiến mới thì cùng share cho mọi người nhé ạ. Tip thì vậy thôi chứ practice vẫn có ạ. Con gái em lên từ 1300 thành 1570 thì cũng phải luyện đề thầy personalize cho vì lỗi sai và thói quen cũng cần tập để sửa ạ.
Oct 25, 2024