Hệ Chuyên sinh ra để làm gì?

HỆ CHUYÊN SINH RA ĐỂ LÀM GÌ ?
 
 
Con bạn có đang học chuyên, bạn có định cho con thi chuyên, học chuyên được gì, mất gì, cần lưu ý gì?
 
Nhà mình hai thế hệ học chuyên. Bố mẹ vợ học chuyên Toán Tổng hợp khoá đầu. Bố mình và bố mẹ vợ đều được nhà nước cử đi học đại học ở nước ngoài, ra trường về nước làm công giảng dạy đại học rồi làm Tiến sỹ. Thế hệ các cụ như vậy là thành đạt.
 
Hai vợ chồng mình cũng học chuyên cấp 3 những năm đầu 1990, thời đó thi đại học rất khó vì các trường tuyển sinh ít. Nhưng đã học chuyên thì rất ít khi trượt đại học. Những bạn có nguy cơ trượt là bị loại khỏi lớp sớm để không ảnh hưởng đến thành tích và uy tín của trường.
 
Về mục đích chính lớp chuyên sinh ra là để bồi dưỡng năng khiếu cho các học sinh có năng khiếu môn học nào đó. Nhưng thực tế tất cả các tỉnh, các lớp chuyên chỉ chọn ra một số bạn có năng khiếu vào đội tuyển để bỗi dưỡng, ôn luyện đi thi HSG. Các bạn còn lại thì tập trung đẩy nhanh chương trình và ôn thi mấy môn thi đại học sớm. Thời đó thủ khoa đầu vào các trường đại học chủ yếu là dân học chuyên các tỉnh, sở dĩ có hiện tượng đó là vì lớp chuyên tuyển đầu vào là những học sinh có năng khiếu những môn thi ĐH và các lớp chuyên đều học đẩy nhanh chương trình, hết năm lớp 11 là xong chương trình trong sgk, sau đó chỉ tập trung ôn luyện, giải đề thi nên rất khó trượt, bạn tôi thời đó có những đứa thuộc bộ đề thi đại học đến mức nhớ hết những bài khó, chỉ cần viết đề bài ra là đã biết đề số bao nhiêu, bài số mấy. Chính vì sự lợi thế của lớp chuyên về tỷ lệ đỗ đại học , thủ khoa, học bổng du học cao nên các phụ huynh rất thích cho con thi chuyên. Vậy học chuyên được gì, mất gì, phù hợp với những ai, cần lưu ý gì khi cho con theo học chuyên ? theo kinh nghiệm và quan sát của bản thân tôi đúc kết để các bạn tham khảo như sau :
 
Cái được :
 
- Con được học trong môi trường nhiều bạn học giỏi, thầy cô giỏi, được nhà trường ưu ái, cưng chiều, đặc biệt các bạn trong đội tuyển sẽ đc miễn thi, miễn học các môn học khác, các con có toàn thời gian tập trung vào môn năng khiếu yêu thích.
 
- Khả năng đỗ đại học cao nếu ko muốn nói là ko thể trượt
 
- Tỷ lệ hư hỏng ít do sức ép học tập, ít thời gian rảnh, bạn bè thuần hơn, đa phần chăm học hoặc gia đình ốp sát việc học.
 
Cái mất:
 
- Thời gian ôn luyện để thi chuyên. Thời tôi và các cụ nhà tôi thì lớp chuyên đúng là tuyển học sinh năng khiếu. Thường những bạn có năng khiếu thực sự các thầy cô cấp 2 mới khuyến khích, gợi ý thi chuyên cấp 3. Thời đó học thêm không có mở tràn lan như giờ nên những bạn trúng tuyển vào chuyên đa phần là do có năng khiếu được phát hiện khi học cấp 2, cạnh tranh vào chuyên cũng không quá khốc liệt. Nhưng bây giờ có lẽ phụ huynh ganh đua nhau cho con thi chuyên nên các lò luyện gà được mở ra nhiều. Những bạn thi đỗ chưa hẳn là có năng khiếu và đam mê môn học đó. Các con học để thi chuyên rất vất vả ngày đêm, có khi học thêm triền miên mấy năm liền --> trẻ mất tuổi thơ, chột các năng khiếu khác và chưa chắc các trường đã tuyển được những bạn thực sự là có năng khiếu và đam mê học môn đó. Ngoài ra, vì học thêm, nhồi nhét, luyện dạng nhiều nên não sẽ bị "thể chế hóa", chắc chắn sẽ giảm bớt sức sáng tạo.
 
Một số ngộ nhận và lưu ý :
 
- Học chuyên dễ thành công trong tương lai : đây là ngộ nhận sai lầm nhất. Học chuyên sẽ dễ thành công nếu môn chuyên là đam mê và những bạn học chuyên đi sâu vào nghề nghiệp giảng dạy, nghiên cứu chính môn chuyên được học. Còn lại nếu chỉ thi đỗ đại học và học theo các ngành khác thì cũng không có lợi thế nhiều, thậm chí vì chuyên học lệch. Các bạn học chuyên tự nhiên thì kiến thức về lịch sử, văn học, địa lý, văn hoá xã hội, con người sẽ bị hạn chế. Những kiến thức này cũng rất quan trọng cho cho việc nhận thức cuộc sống, lựa chọn và thái độ khi đi làm sau này.
 
- Nhiều bạn học chuyên mắc bệnh ngôi sao, nghĩ là mình giỏi hơn người khác. Cái này lỗi chính do nhà trường, phụ huynh tung hô thái quá tạo ra tâm lý này, các con học chuyên, đặc biệt là học đội tuyển thường được ưu ái hơn các bạn lớp thường nên sinh ra tính mạn và ngộ nhận mình giỏi. Nhiều ông trung niên vẫn chưa tỉnh ra, rất thiệt thòi. Thật ra nhìn lại toàn bộ quá trình thì những bạn học chuyên chắc chắn giỏi hơn trong các kỹ năng thi cử, giỏi hơn ở môn chuyên nhưng những cái giỏi đó chưa chắc ứng dụng vào công việc và là yếu tố ít ảnh hưởng đến câu chuyện thành công hay giàu có trong tương lai. Các con nên được hiểu đúng lại là mình có năng khiếu hoặc được (bị) nhồi học nhiều hơn ở môn học đó và vì thế mình giỏi môn học đó thôi chứ thực ra rất nhiều cái quan trọng cho cuộc sống thì chưa chắc đã giỏi.
 
- Một số trường chuyên bây giờ tạo "phong trào" đi du học cho học sinh, tạo danh tiếng cho trường. Cái này là lợi thế nếu gia đình có điều kiện kinh tế, có định hướng cho con đi du học từ cấp 3 hoặc du học khi vào đại học nhưng những bạn thực sự giỏi được cấp học bổng toàn phần không nhiều, đa phần vẫn du học bằng tiền phụ huynh (học bổng 1 phần). Du học bằng tiền phụ huynh thì quá dễ, vấn đề chính là ... tiền
 
KẾT LUẬN :
 
- Chuyên sẽ là môi trường rất tốt cho các bạn thực sự có năng khiếu đam mê môn học nào đó, có mục tiêu đi theo nghiên cứu khoa học chuyên sâu để phát triển về môn đó hoặc những môn liên quan. Nếu con thực sự thích và đam mê, hãy khuyến khích và giúp con vào được chuyên, còn nếu đó là ý muốn của bố mẹ thì chưa chắc đã tốt.
 
- Nếu mục tiêu chỉ là thi đỗ đại học điểm cao thì bây giờ không nhất thiết phải học chuyên vì hoàn toàn có thể tự học đẩy nhanh chương trình và học thêm các lớp bên ngoài khi cần.
 
- Nếu con bạn đang học chuyên, cần phổ biến cho các con hiểu mục tiêu của việc vào lớp chuyên để làm gì, được gì, mất gì, để tránh ngộ nhận, ảo tưởng và giúp con cân bằng các kiến thức, trải nghiệm xã hội, các kỹ năng khác rất cần thiết cho tương lai.
 
Thời lớp 12 lớp mình có cô giáo dạy văn rất hay. Mình vẫn nhớ có lần trong giờ học cô bảo cả lớp : "tôi thấy thương cho các anh, các anh như những con gà, có bao nhiêu lông cánh thì mang vặt trụi hết để chạy thật nhanh vào cánh cổng trường đại học"
 
Texvn thu thập nguồn từ Giang Đức Trần


Giang Tran Duc - Jun 07, 2024

1 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL