Học chung với bạn kém hơn – Có nên không?
Rất nhiều phụ huynh (PH) bày tỏ sự lo lắng và mong muốn con em mình được học chung với những bạn học giỏi hơn. Họ thường than phiền về sự chênh lệch trình độ trong lớp, về việc con mình bị ảnh hưởng bởi những bạn học chậm hoặc không tập trung.
Thấu hiểu tâm lý muốn con học trong môi trường tốt, có bạn bè giỏi để thúc đẩy tiến bộ, tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc học chung với những bạn giỏi mang lại nhiều lợi ích. Câu tục ngữ "Học thầy không tày học bạn" đã nói lên điều đó.
Tuy nhiên, ở lớp học của tôi, việc phân lớp theo trình độ là điều không thể. Lý do:
-
Số lượng học sinh ít: Lớp học của chúng tôi không tuyển sinh đại trà, chỉ có 1-2 lớp với giáo viên cố định. Lịch học của các con đã rất dày đặc, việc sắp xếp lớp học phù hợp cho 12 bé/lớp đã là một nỗ lực rất lớn. Việc phân lớp theo trình độ là điều không khả thi.
-
Quan điểm giáo dục: Tôi hướng đến việc tạo điều kiện cho những bạn học yếu, đến từ gia đình có điều kiện kinh tế trung bình. Các con có thể học yếu vì nhiều lý do: không được đầu tư từ nhỏ, không có điều kiện tài chính, cha mẹ bận rộn, kiến thức giáo dục của cha mẹ hạn chế. Tôi tin rằng những bạn này cần được hỗ trợ nhiều hơn và sẽ không bao giờ loại bỏ bất kỳ em bé nào khỏi lớp học vì lý do học yếu.
Hãy thử đặt bản thân vào vị trí của những em bé học yếu:
-
Cảm giác bị chê bai: Nếu con bạn là một em bé học yếu, rồi bị bạn bè trong lớp than phiền, chê bai, bạn có buồn không?
-
Áp lực từ PH: Nếu con bạn hơi tăng động, kém tập trung (có thể do tính cách, chưa quen học online, hoặc do hoàn cảnh gia đình), rồi bị PH đòi chuyển lớp, bạn có buồn không?
Trừ phi con bạn có những hành vi quá đáng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lớp học, mà giáo viên - bằng kỹ năng sư phạm - không thể xử lý được, thì mới cần xem xét.
Trong những trường hợp này, giáo viên sẽ trao đổi với tôi, và tôi sẽ nói chuyện riêng với PH. Chúng tôi sẽ cùng tìm hiểu về con và hoàn cảnh gia đình, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp:
-
Hướng dẫn PH cách khắc phục, cha mẹ theo đó kèm cặp con sát sao hơn.
-
Giáo viên chú ý đến con hơn và sử dụng kỹ thuật sư phạm phù hợp để kỷ luật và khích lệ con.
Cho đến nay, chưa có trường hợp nào chúng tôi phải cho nghỉ học chỉ vì con ồn, con kém tập trung hay con học yếu.
Dạy dỗ một em bé thông minh, giỏi giang là điều không khó. Dạy dỗ một em bé có vấn đề về ngôn ngữ, hành vi, thái độ lại là một thử thách lớn. Chúng ta cần thông cảm và hỗ trợ họ tối đa.
Lợi ích của việc học chung với bạn kém hơn
Bạn có thể phản đối: "Tôi chỉ quan tâm đến lợi ích của con tôi, tôi không quan tâm đến quan điểm của ai khác. Tôi chỉ lo cho con tôi, không có trách nhiệm phải chia sẻ khó khăn với những bé có vấn đề khác."
Tôi hiểu quan điểm của bạn. Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra một góc nhìn khác, từ khía cạnh LỢI ÍCH TỐI ĐA cho con bạn.
Học chung với bạn học yếu hơn, có lợi hay hại cho con bạn?
Hãy nhớ lại thời học sinh của tôi, khi tôi học lớp 11. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải lao động nhiều, học hành lơ mơ. Tôi bị điểm kém môn Lý kỳ thi HK1, sợ hãi nên tìm nơi học thêm với bạn bè. Các bạn đồng ý, nhưng sau đó một bạn nói: "Bạn HL không muốn cho bà học chung nhóm, vì bà học yếu, sợ ảnh hưởng tới cả nhóm".
Cảm giác tự ái khiến tôi quyết tâm học tốt hơn. Thi môn Lý HK2 tôi đạt 9.75 điểm, nhưng vẫn chưa hài lòng, tôi khiếu kiện thầy để được tròn 10 điểm.
Tuy nhiên, sự từ chối của bạn bè vẫn khiến tôi buồn, cho đến tận bây giờ.
Trải nghiệm đó cho tôi thấy rằng những bạn học yếu hơn, chưa chắc đã là người kém năng lực. Đừng vội vàng đánh giá dựa trên những biểu hiện bên ngoài.
Cô chủ nhiệm của K, con trai tôi, đã từng lo lắng khi thấy K chơi với nhóm bạn học kém: "Ở tuổi này, các con trong lớp đã phân ra thành từng nhóm bạn nhỏ. Mà K không chơi chung với nhóm bạn học giỏi, K toàn chơi với bạn học kém. Em rất lo".
Tôi trấn an cô: "Chị chỉ cần K chọn bạn tốt, chớ không cần K chọn bạn học giỏi, cũng không cần K chọn bạn nhà giàu. Bạn của K học giỏi hay dở không quan trọng. Quan trọng là bạn dễ thương, bạn tốt tính là được".
Thật vậy, từ nhỏ đến lớn, K toàn chơi chung với bạn học kém hơn. Điều đó không ảnh hưởng gì đến K, không làm con học kém theo. Dù K học gì, học với ai, K vẫn học tốt.
Cá nhân tôi nghĩ, việc học của con phần lớn do cha mẹ quyết định. Bạn bè học giỏi hay yếu hơn, không có liên quan gì.
Nếu bạn quan tâm con đủ tốt, xây dựng cho con lộ trình học tập cá thể hoá, phù hợp với năng lực, thì con sẽ luôn duy trì phong độ học hành - thậm chí thầy cô ở trường còn không thể làm ảnh hưởng gì nhiều đến con, huống gì là bạn bè.
Năng lực lãnh đạo và cơ hội phát triển
Học chung với bạn yếu hơn, con bạn sẽ thường xuyên bị xếp chung vào team làm việc nhóm với những bạn học kém hơn.
Lúc đó, con bạn sẽ phải "gánh team", giúp đỡ bạn. Đó là cơ hội để con thể hiện năng lực bản thân ở một khía cạnh khác: năng lực lãnh đạo.
"Gánh team" chính là một phần của năng lực lãnh đạo:
-
Con bạn sẽ đóng vai trò Leader khi đứng ra gánh vác công việc của team.
-
Con bạn sẽ đóng vai trò Supervisor khi kiểm tra và yêu cầu bạn sửa lỗi.
-
Con bạn sẽ đóng vai trò Trainer/ Coach/ Mentor khi giảng bài cho bạn để bạn làm lại cho tốt.
-
Con bạn sẽ rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian khi nhắc nhở bạn hoàn thành đúng deadline.
-
Con bạn sẽ phát triển kỹ năng tổng hợp và sắp xếp thông tin khi tổng hợp mọi thứ, tỉa tót cho hay hơn, rồi nộp bài dự án.
Học chung/ làm việc chung với những bạn yếu hơn, con bạn sẽ phải làm nhiều hơn. Làm nhiều hơn thì giỏi hơn thôi.
Ở đời, có rất nhiều người giỏi, và cũng có nhiều loại người giỏi.
-
Giỏi chuyên môn: Có những người cực giỏi, chỉ biết tự học, và chỉ giúp bản thân giỏi hơn.
-
Giỏi lãnh đạo: Có những người cũng giỏi, nhưng không quá giỏi chuyên sâu, lại biết chỉ dẫn người khác, để nhiều người trở nên giỏi giống mình.
Làm một người lãnh đạo, thì nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng được một đội ngũ giỏi. Càng đào tạo, hướng dẫn ra những người giỏi càng nhiều, thì công ty, tổ chức, đất nước đó sẽ thành công rực rỡ.
Năng lực lãnh đạo là một năng lực bậc cao, rất hiếm và quý mà bất cứ tổ chức nào cũng cần.
Thay vì lo lắng con bạn mất thời gian giúp đỡ bạn bè, hãy bình tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, và thậm chí có thể giúp con bằng những gợi ý về kỹ năng quản lý thời gian, phân bổ công việc… để con có thể làm tốt hơn ở những lần sau.
Hãy xem việc học chung với bạn bè kém hơn là một cơ hội để con bạn thể hiện vai trò dẫn dắt và giúp đỡ bạn bè, đồng đội. Vừa giúp cho tình cảm bạn bè tốt đẹp hơn, mà vừa giúp chính con trong việc hoàn thiện các kỹ năng quan trọng sau này.
Phạm Hương - Jun 12, 2024