Mất Định Hướng Trong Giáo Dục Đang Gây Lãng Phí Như Thế Nào.
Không biết các bạn thấy thế nào về chương trình học hiện nay, tôi thì thấy chúng ta hàng năm cải cách liên tục, sự học càng ngày càng vất vả mà không hiệu quả. Nếu được quyền lựa chọn và biên soạn chương trình học thì tôi sẽ làm như sau :
CẤP 1 : 5 năm
Trẻ bắt đầu đi học, giai đoạn này cho trẻ phát triển tự do, trẻ cần được có tuổi thơ, bạn bè, vui chơi, nuôi dưỡng tâm hồn, cảm nhận hạnh phúc khi đến trường, nên tập trung vào các nội dung :
- Sức khỏe, các kỹ năng sinh tồn, vận động
- Kiến thức cơ bản ở mức cộng trừ nhân chia, đọc thông viết thạo.
- Thói quen tự giác, kỷ luật, ý thức , đạo đức
- Phát hiện năng khiếu
- Thử nghiệm phát hiện phương pháp học hiệu quả với mỗi trẻ.
CẤP 2 : 4 năm
- Kiến thức phổ thông nền tảng Văn, Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa ... Theo quan điểm của tôi các kiến thức này không cần giỏi, nên đơn giản hoá, giảm tải ở mức cơ bản nhất để đa số học sinh cảm thấy dễ hiểu vả cảm thấy hứng thú khi học. Quan trọng là truyền tải cho học sinh hiểu bản chất, nhận thấy rõ ý nghĩa, ứng dụng của môn học vào những đâu, và biết khi cần học sâu thêm thì tài liệu học ở đâu, học như thế nào.
- Sách giáo khoa của cả 4 năm học nên gộp gọn lại mỗi môn học một quyển lý thuyết, một quyển bải tập là đủ, vừa dễ tổng hợp, dễ nhớ và đỡ tốn tiền mua sách, in sách hàng năm.
- Đào tạo năng khiếu : mỗi trường nên duy trì một số lớp năng khiếu hoặc đội tuyển để bỗi dưỡng các con có đam mê, năng khiếu đặc biệt một số môn nhưng không ưu ái hay đề cao, lấy đó để tung hô, quảng cáo sinh ra nhận thức lệch lạc cho phụ huynh, cho trẻ về giá trị của bản thân và giá trị kiến thức các môn học. Con nào giỏi con thích môn nào thì tạo điều kiện, tạo sân chơi cho con theo đuổi đam mê nhưng con phải hiểu là giỏi cái đấy để làm gì và giúp ích những gì cho nghề nghiệp sau này chứ không nên ngộ nhận và ảo tưởng.
- Nhận thức về con người, pháp luật, trách nhiệm công dân : nhận thức về pháp luật, trách nhiệm của cá nhân với bản thân, gia đình, xã hội của học sinh chúng ta hiện rất hạn chế, nên tăng cường nội dung này trong trường học.
- Ngoại ngữ : là công cụ để giao tiếp, để học tập, nên tiếp cận ngoại ngữ thông qua các sách tham khảo, các bài tập, giáo trình của các nước sử dụng ngoại ngữ chứ không nên chỉ học ngữ pháp, làm bài thi như hiện nay.
- Tin học : công nghệ thông tin hiện nay rất quan trọng, ứng dụng hầu như trong tất cả các ngành nghề, học sinh cần sử dụng thành thạo máy tính, các công cụ tra cứu thông tin, ứng dụng tin học văn phòng, lập trình VBA mức cơ bản.
- Kỹ năng và nhận thức xã hội : nghỉ hè thay vì học thêm thì nên tổ chức cho trẻ lao động, ra ngoài, đi chơi, du lịch, quan sát cuộc sống, quan sát các ngành nghề để tăng nhận thức xã hội và định vị giá trị bản thân, hiểu giá trị của từng kỹ năng, kiến thức, nghề nghiệp, thu nhập, cơ chế vận hành của doanh nghiệp, tổ chức, xã hội.
- Trường học chỉ nên học một buổi, học thêm buổi chiều gia đình cho con học thêm thì tập trung vào ngoại ngữ và năng khiếu. Việc học thêm, ôn luyện các môn Văn, Toán, Lý, Hoá theo cách học chỉ để phục vụ thi cử, ganh đua trường lớp như hiện nay mất quá nhiều thời gian, tiền bạc, sức khoẻ và rất lãng phí.
CẤP 3 : 3 năm
- 1.5 năm tập trung vào hướng nghiệp : tham quan, trải nghiệm lao động thực tế, lựa chọn một vài nghề nghiệp để thử trải nghiệm.
- 1.5 năm học thêm một số kiến thức cơ bản, kỹ năng nền tảng phục vụ nghề nghiệp đã lựa chọn.
CẤP ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, NGHỀ :
Tập trung vào 3 nội dung chính :
- 2 năm : kiến thức và kỹ năng chuyên ngành chyên sâu, chương trình học nên kết hợp với các doanh nghiệp để đưa các bài toán sát với thực tế ngành nghề, hướng dẫn sinh viên cách tự nghiên cứu, tự tìm kiếm kiến thức
- 1 năm : đi làm thực tế để tích luỹ kỹ năng nghề nghiệp
- Vạch ra lộ trình học tập và phát triển nghề nghiệp cho tương lai : Hiện nay sự nỗ lực học của sinh viên đa phần kết thúc sau khi rời ghế nhà trường mặc dù sinh viên ra trường hầu như rất lơ mơ về nghề nghiệp nhưng không được định hướng để tiếp tục tự học.
CẤP SAU ĐẠI HỌC :
Thạc sỹ, Tiến sỹ bản chất là công tác học tập, nghiên cứu chuyên sâu, sáng tạo về một lĩnh vực chuyên môn mà người học có đam mê, hoặc xã hội, công việc có nhu cầu. Việc học Thạc sỹ, Tiến sỹ chỉ nên thực hiện sau khi đi làm một thời gian, và không nên lấy tiêu chí này để so sánh hơn thua bằng cấp, năng lực, hay đề bạt vị trí quản lý, lãnh đạo, giảng dạy như một số cơ quan, nhà trường hiện nay đang làm vì nó không đúng bản chất của vấn đề, nó gây nên cuộc chạy đua bằng cấp rất lãng phí. Hãy tuyên truyền để xã hội nhận thức đúng về giá trị của từng loại bằng cấp, kiến thức, kỹ năng, nhận thức rõ về tiêu chí năng lực cho mỗi vị trí, ngành nghề trong xã hội.
Tóm lại sản phẩm của ngành giáo dục nên hướng đến hai nhóm :
- Nhóm đa số: khi 20 tuổi có sức khỏe, kỹ năng, có thực học, có nhận thức bản thân và xã hội tốt, định vị được năng lực bản thân, giỏi nghề nghiệp, có ý thức tự lập, có mục tiêu định hướng rõ ràng cho tương lai.
- Nhóm thiểu số : những người có năng khiếu đặc biệt về môn học, chuyên ngành nào đó, họ cần có môi trường nghiên cứu, phát huy năng lực sáng tạo của mình đóng góp cho xã hội, cho nhân loại. Những người này thường làm công tác nghiên cứu khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu phát triển trong các doanh nghiệp và được đãi ngộ phù hợp với mức độ đóng góp.
Một vấn đề mấu chốt dẫn đến ngành giáo dục rơi vào vòng luẩn quẩn của lãng phí và lạc hướng là do thu nhập của các thầy cô, cán bộ ngành giáo dục từ lương ngân sách những năm qua không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và sự phát triển của xã hội nhưng cứ bắt họ dạy cả ngày, rồi lại bắt học sinh học thêm quá nhiều những thứ không dùng cho tương lai. Với ngân sách hiện nay không thể tăng lương cho giáo viên, hãy giảm tải chương trình, tập trung vào những kiến thức thực dùng, thực sự cần thiết, để giáo viên làm nửa ngày, nửa ngày tự do thời gian làm việc khác kiếm thêm thu nhập là ok thôi.
Giáo dục muốn hiệu quả thì phải thắp lên được ngọn lửa đam mê, ham muốn và chỉ ra mục tiêu, vạch ra con đường cho người học chứ không phải nhồi nhét, ganh đua thi cử những kiến thức ít dùng.
Texvn thu thập từ nguồn Trần Đức Giang
Trần Đức Giang - Jul 13, 2024