Bốn năm- Dăm học bổng- Một điểm dừng
Bài Viết này không liên quan tới tình yêu....
Hôm trước mình có nói chuyện với một bé đang nộp hồ sơ xin học bổng. Cuối buổi trò chuyện, mình chúc bé cố lên, cứ làm hết sức rồi đâu cũng có đó. “Giỏi sẵn như chị thích nhỉ, chứ nửa mùa như em thì cứ lo nơm nớp”. Ơ đâu có nhỉ?
Một tháng trước ngày tốt nghiệp đại học:
Incheon đã vào tháng 6, không khí mùa hè dần len lỏi trong từng con phố. Vài cây đào nở muộn lác đắc vài bông hoa, gió lay làm những cánh mỏng manh bay lác đác. Chuyến đi thực tập tới thời điểm này có thể nói là khá suôn sẻ. Thầy đưa mình đi tham quan trường Đại học Seoul, Đại học Yonsei và Đại học Nữ sinh Ewha. Mình được học thêm nhiều cái mới, gặp ở nhiều người và trải nghiệm một nền văn hoá mà từ trước mình vẫn thấy trên tivi. Mặc dù thi thoảng vẫn thèm bát cơm chan canh nước rau muống luộc chua chua, nhưng kim chi hay cơm cuộn từ các cửa hàng của ông chú bà thím cũng dần trở nên quen thuộc. Cuộc sống du học hơi buồn một chút nhưng tự do tự tại. Thật là thích. Mình sẽ đi nữa, đi tiếp.
Một tháng sau ngày tốt nghiệp đại học:
Tháng 8 Hà Nội vẫn vào mùa oi ả. Dịch sởi năm đó vừa lắng xuống. Mình xin được vào thực tập tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OURCU) tại Việt Nam. Môi trường bệnh viện toàn bệnh truyền nhiễm ban đầu cũng khiến mình e dè. Nhưng những đề tài nghiên cứu ở đây thật sự lôi cuốn. Những con virus, vi khuẩn nhỏ bé lại dễ dàng đánh gục bất cứ ai, không cần biết tới già trẻ, gái trai, giàu nghèo.
Mấy đứa bạn trường sắp rục rịch đi du học rồi. Đứa đi Pháp, đứa đi Mỹ, đứa đi Đài. Trong lòng cũng có chút nao nao.
Một năm sau ngày tốt nghiệp đại học:
Mình đã làm việc ở OUCRU được một năm, ống máu, ống đờm, lọ nước tiểu, hay thậm chí lọ phân không còn làm mình nổi da gà. Làm thí nghiệm có những lúc sai lên sai xuống nhưng được cái rèn luyện cho mình cái tính kiên trì và kĩ năng xử lí tình huống. Có ích ra phết. Sếp và các anh chị đồng nghiệp vẫn luôn giúp đỡ mình nhiệt tình, bé nhất trong cơ quan nên có nhiều ưu tiên lắm.
Mình lại nghĩ về chuyện đi học, cụ thể là quay lại Hàn Quốc học Thạc sĩ. Mình từng đi thực tập ở đó, chắc cơ hội xin học bổng sẽ dễ dàng hơn, rồi muốn bay nhảy đâu tiếp thì tính sau. Thế là mình chuẩn bị và nộp hồ sơ xin học bổng của Nhóm các trường công lập và viện nghiên cứu Hàn Quốc- University of Science and Technology (UST). Mình ngồi tìm hiểu về các Giáo sư làm về lĩnh vực bênh truyền nhiễm bao gồm đơn vị công tác, hướng nghiên cứu, các bài bào đã xuất bản. Tất tần tật ghi hết vào một file excel, thế mà cũng lên tới mấy chục vị. Vài người mình thấy thích nhất thì mình xem cả thông tin của họ trên Linkedin và Research Gate. Cuối cùng chốt hạ, mình gửi email cho 5 thầy và được 3 thầy phản hồi đồng ý để mình ghi tên họ làm Supervisor (Người hướng dẫn) khi điền hồ sơ. Mình chọn một thầy từ Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Mình chia sẻ nguyện vọng xin học bổng cho bậc Thạc sĩ và thầy cũng đồng ý.
Vài tuần sau, mình nhận kết quả đã được chọn vào vòng phỏng vấn. Mình gửi email cập nhật cho thầy. Bác ấy chúc mừng nhưng cũng nói thêm rằng đã thay đổi ý kiến, chỉ muốn nhận sinh viên học Tiến sĩ, hoặc học gộp cả Thạc sĩ và Tiến sĩ. Mình viết một cái thư dài trình bày ý kiến nhưng chẳng có hồi âm. Phần nào có dự cảm không lành.
Buổi phỏng vấn diễn ra qua điện thoại, chứ không qua skype, với duy nhất một vị Giáo sư. Mình phải trình bày một bài thuyết trình ngắn và trả lời một số câu hỏi từ thầy. Hai tuần sau có kết quả chính thức và mình đã không được lựa chọn.
Hụt hẫng và thất vọng, nhưng đúng là mình đã thiếu sự cẩn trọng, không có kế hoạch dự phòng. Tại thời điểm đó, mình cũng chưa biết tới nhóm Thông tin học bổng Giáo sư Hàn Quốc trên Facebook để hỏi han thêm kinh nghiệm. Nhưng thật lòng mà nói, cũng không công bằng cho Hàn Quốc khi mình chỉ coi nó là bước đệm trước khi khám phá những vùng đất mới.
Hai năm sau ngày tốt nghiệp đại học
Mĩnh vẫn đang được làm công việc mà mình yêu thích, được ăn cơm mẹ nấu, được cafe cuối tuần với bạn bè. Cuộc sống cũng có thêm những trải nghiệm. Mình bắt đầu biết tới các học bổng chính phủ. Năm đó, mình quyết định chơi lớn, nộp hồ sơ cho học bổng Erasmus Mundus (chương trình Infectious Diseases One Health- IDOH) và học bổng Chính phủ Thuỵ Điển SISS. Trong lòng mơ mộng về một ngày không xa được tung tăng giữa bầy chim trên những quảng trường cổ kính ở trời Âu.
Thức đêm thức hôm chuẩn bị thư từ, bài luận. Đợt đó mình còn không biết là GPA của mình đổi từ thang điểm 20 sang thang 4.0 là được 3.67, cứ tự nhân chia cộng trừ ra kết quả là 3.1 rồi khi vào hồ sơ. Ấy thế mà vẫn vào được vòng loại của cả hai học bổng.
Vòng phỏng vấn cho chương trình IDOH diễn ra qua skype với bốn người trong hội đồng tuyển chọn. Mình trả lời các câu hỏi khá thoải mái, mặc dù cũng có những chỗ nói hơi “ngu ngơ” và có vẻ là mình hơi bị vui quá, cứ cười suốt. Cuối tháng 3 có kết quả, mình chỉ được ở trong Danh sách chờ (thật sự đã khóc một tí). Sau hai ngày bình tĩnh, mình quyết định gửi mail cảm ơn Hội đồng tuyển chọn. Họ gửi email lại nói rằng mình đang đứng đầu Danh sách chờ, nên vẫn còn hi vọng và họ sẽ thông báo sớm nhất có thể. Ôi mừng lắm, biết đâu được đấy. Nhưng có lẽ may mắn vẫn chưa mỉm cười, không ai trong Danh sách chính thức từ chối học bổng cả. Tuy nhiên, sự nhiệt tình mình nhận được từ Hội đồng tuyển chọn thật sự đáng quý. Họ đồng ý cho mình theo học chương trình nếu mình có khả năng chi trả chi phí; gợi ý cho mình một số nguồn hỗ trợ tài chính để mình thử xin và thậm chí động viện mình nộp hồ sơ lần nữa vào năm sau.
Gần như cùng lúc biết tin trượt Erasmus Mundus là tin đỗ mình đã qua vòng 1 của học bổng SISS. Trong vòng tiếp theo, mình sẽ cần xin Thư nhập học của ít nhất một trong ba trường mà mình lựa chọn. Toàn bộ hồ sơ, thư giới thiệu, bằng cấp cho các trường được nộp thông qua trang web chung universityadmissions. Và một chuyện không ngờ tới xảy ra. Bằng Đại học 3 năm của mình không đủ tiêu chuẩn để nhập học. Sinh viên Việt Nam cần hoàn thành chương trình Cử nhân 4 năm. Mình gửi email khiếu nại và nhận được phản hồi là ở thời điểm đó, họ không thể xác minh được trình độ và chất lượng chương trình học của mình, và vì thế, không thể duyệt hồ sơ. Mình không tìm hiểu kĩ, lỗi là ở mình đã quá tự tin. Buồn thật nhiều.
Ba năm sau ngày tốt nghiệp đại học
Nhiệt huyết xin học bổng đi du học cũng có vài phần nguội bớt. Mình tính tới chuyện chuyển vài trong Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, đi theo tiếng gọi con tym. Việc xin nghỉ cũng đã được trao đổi qua với Sếp. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không thể đoán trước, chuyển tình cảm không thành, và mình muốn, cần và phải đi một nơi nào đó xa xa.
Chỉ còn hơn một tháng là tới hạn nộp Học bổng chính phủ Chevening. Mình gói gém từng câu chuyện, từng trải nghiệm và hoài bão đưa vào trong bốn bài luận. Mỗi câu mỗi chữ đều cố gắng viết cho có giá trị. Cũng là cái cảm giác tự tin như một năm về trước, nhưng giờ có thêm vài phần quyết tâm và vài phần trưởng thành. Hơn bao giờ hết, mình hiểu rõ mình là ai, mình có gì và mình muốn gì. Thế nên, lần lượt vòng hồ sơ, vòng phỏng vấn đều cân gọn.
Cambridge đến với mình như một món quà, thỉnh thoảng mình hay nói đùa kiểu “Đen tình đỏ học” nhưng thực ra là một lần đánh liều. Đọc thông tin về học bổng, trong đầu mình hiện ra câu nói :”You miss 100% of the shots you dont take – Wayne Gretzky”. Vòng 1 rồi vòng 2, toán loạn tìm thầy hướng dẫn tới vòng phỏng vấn. Cũng có lúc tưởng không còn cơ hội, lại dặn lòng đã cố thì cố cho chót.
Bốn năm sau ngày tốt nghiệp địa học:
Kết quả nhận về chính là Học bổng Chính phủ Chevening và Học bổng toàn phần Thạc sĩ tại Đại học Cambridge. Vui sướng, tự hào không bút nào tả xiết.
Bây giờ thì mình đã học xong và chuẩn bị bước vào một chặng đường mới mang tên Tiến sĩ trong vài ngày tới. Mình viết những dòng này, không chỉ muốn tiếp thêm một phần động lực cho các bạn đang mong muốn đi du học và xin học bổng, mà cũng muốn tự nhìn lại quãng đường mình đã đi qua. Mình đã từng thấy ngại khi phải nói về những thất bại vì e dè những lời đánh giá, nhưng có lẽ mình sợ làm một người “giỏi sẵn” hay “hoàn hảo” hơn. Tương lai còn dài, mình quyết định sẽ cởi mở đón nhận mọi tình huống có thể xảy đến. Một lần sai là một lần sửa.
Và thất bại không có nghĩa là phải dứng lại
My ở Cam
p/s: Sắp tới mình định viết về:
- Nghệ thuật kể chuyện trong bài luận
- 10 sự thật hay ho ở Cambridge
- Vài công thức bánh trái cho các cô nàng lười biếng
- Nhà mới và những mẩu chuyện cỏn con
- Chuyện cái tên
Jun 27, 2024