Độc lập trong nghiên cứu và học tâp

Đúng là chưa thể hiểu hết khi chưa từng trải.

Mình không có bài viết mới nào gần hai tháng vì vừa có khoảng thời gian khá trật vật với đề tài ngắn hạn trong chương trình học Tiến sĩ của mình. Từ trước tới giờ, mình đi học hay đi làm đều may mắn có thầy cô hướng dẫn và sếp thật sự đã dành nhiều thời gian tận tình chỉ bảo. Người nghe mình tâm sự về định hướng nghề nghiệp rồi cả chuyện thất tình dẩm dít, người cùng mình từng bước xây dựng tư duy trong nghiên cứu khoa học. Vậy nên, mình có đôi chút hụt hẫng với thầy mới.

Trong năm nhất, chương trình học của mình ở Cambridge cho phép mình thực hiện ba dự án nghiên cứu khác nhau trước khi lựa chọn đề tài chính cho các năm còn lại. Đây là cơ hội tốt để mình trải nghiệm nhiều lĩnh vực Y Sinh khác nhau, từ điều trị ung thư, sàng lọc bệnh bẩm sinh, tới thiết lập bản đồ tế bào người hay đa dạng sinh học. Vì có nền tảng là một người học và làm việc về các vi sinh vật gây bệnh (vi-rút, vi khuẩn), mình quyết định thử sức ở chủ đề khác đi nhiều chút, về quá trình trao đổi và tiến hoá của của các loài động, thực vật. Mình gặp và biết thầy trong một buổi hội thảo và cảm thấy rất hứng thú với đề án nghiên cứu siêu to không lồ mà lab thầy đang làm, nên đã chủ động liên lạc và được thầy đồng ý thu nạp. Sau đó thì …

Thầy rất bận, à không, phải nói là siêu siêu siêu bận. Từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc 3 tháng đề tài (mình vừa nộp báo cáo hôm qua), mình chưa có cơ hội được thảo luận 1-1 với thầy một lần nào. Khi mới bắt tay thực hiện, tất cả những gì mình có, là bản đề xuất nghiên cứu (research proposal) vỏn vẹn một trang giấy. Mình không biết phải bắt đầu từ đâu, đọc cái gì trước, cái gì sau. Cảm xúc từ háo hức được học một cái mới, thành chới với không biết sự lựa chọn của mình là đúng hay là sai.

Sau gần một tuần vật vã, những gì mình đã làm là:

Sử dụng nhiều hình thức liên lạc:

Nếu như bình thường, mình sẽ chạy sang gõ cửa phòng thầy hỏi han các thứ. Nhưng bây giờ ai ai cũng đều làm việc tại nhà, mọi thứ đều diễn ra online. Mình email xin thầy vài gợi ý về tài liêụ cần đọc và hẹn thầy một buổi trao đổi. Một lần, hai lần. Không có hồi âm. Mình chuyển sang nhắn tin riêng cho thầy qua Slack của nhóm nghiên cứu. Một tin nhắn, hai tin nhắn. Cũng không có động tĩnh gì.

Mình hỏi loanh quanh thì được biết rằng lịch trình của thầy kín đặc. Muốn nói chuyện với thầy chỉ có thể tranh thủ ở lab meeting (họp nhóm). Thế là ngay trong buổi họp đầu tiên, mình chủ động đặt vấn đề với thầy. Thầy nói sẽ xem xét và gửi email cho mình, buồn một cái là vẫn không thấy đâu.

Tạo áp lực gián tiếp

Chờ hai tuần, mình vẫn chưa được thêm vào danh sách email của nhóm nghiên cứu, chưa được cho phép tiếp cận và sử dụng nguồn dữ liệu lớn vì chưa nhận được phản hồi đồng ý của thầy. Mình gửi thêm email nhắc lại (Reminder email) và cc thêm cô điều phối chương trình Cao học của Khoa. Thế là ngay ngày hôm sau, thầy đã gửi email xin lỗi và phê duyệt cho các yêu cầu của mình.

Tự lên kế hoạch và tiếp nạp thêm kiến thức

Mỗi ngày trôi qua là thêm phần áp lực. Mình vẽ ra lộ trình cho từng tuần cố gắng làm cái gì, mục tiêu đạt được cái gì để cố tránh bản thân không bị chệch hướng.

Do là lĩnh vực nghiên cứu khá khác so với kiến thức và kinh nghiệm của mình, nên mình phải đọc rất nhiều. Mình dựa vào đề xuất nghiên cứu thầy gửi, lọc ra các từ khoá rồi tìm tài liệu, sách báo liên quan. Trước mắt là nắm được một lượng kiến thức nền cơ bản, một bức tranh tổng quát xem đầu voi đuôi chuột nó ra sao. Nhiều khi cũng chán nản và trì hoãn vì mọi thứ mông lung, nhưng mỗi ngày đọc một ít nên cũng ngấm từ từ.

Chủ động đặt câu hỏi và tìm kiếm sự trợ giúp

Vì chỉ được trao đổi với thầy trong buổi họp chung của cả nhóm một tuần một tuần, nên mình tranh thủ hết sức có thể. Tận dụng vốn kiến thức ít ỏi để đưa ra các câu hỏi mở rộng . Các anh chị đồng nghiệp cũng tạo điều kiện cho mình chiếm thời gian nhiều hơn một chút, nhưng cũng chỉ được tầm 10-15 phút.

Bên cạnh đó, mình cũng cố gắng để ý và ghi chú lại đề tài nghiên cứu, thế mạnh của từng người trong nhóm. Mục đích là biết đúng người hỏi đúng chỗ. Nhờ vậy mà mình học thêm từ các anh chị rất nhiều.

Cân bằng các cảm xúc tiêu cực

Trong khi các bạn cùng khoá có kết quả A kết quả B, thì mình mò mò mẫm mẫm. Cảm giác thất bại và lo lắng là không thể tránh khỏi. Nhất là khi lúc nào mình cũng có dăm ba việc một lúc. Mình tạm không dùng mạng xã hội, nhưng vẫn cố gắng dành thời gian với James, gặp gỡ bạn bè và nấu vài bữa ăn ngon ngon. Có thể không nói hết ra được những áp lực, ít nhất là được gác lại những con số, những câu hỏi vắt não một chút. Hôm 15/11 còn là sinh nhật của mình nữa đấy, thế mà chả lên đây buôn chuyện để nhận lời chúc của các bạn được 

Cuối cùng thì mọi thứ đã xong xuôi, hơn cả kiến thức, mình học được cách quản lí thời gian và cảm xúc tốt hơn. Sắp tới đây, mình sẽ bắt đầu một đề tài mới, áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 (nghiên cứu đạt giải Nobel Hoá học 2020), với thầy hướng dẫn mới. Biết đâu lại có nhiều chuyện hay ho hơn để kể nhỉ.

Bây giờ, mình hoàn toàn có thể nói “Ừ, mình/chị hiểu mà” và chia sẻ nhiều hơn với các bạn/các em đang có cảm xúc lo lắng hay phân vân với thầy cô hướng dẫn. Cơ mà suy cho cùng, học tới cái bậc này rồi, vẫn phải tự thân vận động là chính.

Mai mình lại viết tiếp nha,

Nguồn tham khảo: My Ở Cam


Jun 25, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email