Kể Chuyện Gì Trong Bài Luận?

Hình ảnh được vẽ theo prompt 1 

Thế là mình chính thức trở thành một Nghiên cứu sinh Tiến sĩ rồi các bạn ạ. Mới bắt đầu được một tuần thôi, nên cũng vừa háo hức, vừa lo lắng. À nhưng mà kể lể với các bạn sau.

Trở lại với bài viết tuần này, theo ý kiến của kha khá bạn đọc, mình có vài chia sẻ về “𝐍𝐠𝐡𝐞̣̂ 𝐭𝐡𝐮𝐚̣̂𝐭 𝐤𝐞̂̉ 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐛𝐚̀𝐢 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐧” *whoop whoop* (mà cũng có thể áp dụng cho kể bất cứ cái gì he he).

Mình không phải dân chuyên Văn (thi tốt nghiệp cả cấp 2 và cấp 3 chỉ được có 6.5 điểm). Mình cũng không phải dân chuyên Anh, chỉ nghĩ tới chuyện học tiếng Anh khi lên đại học, nên chưa thể mạnh dạn nói là biết dùng từ ngữ văn hoa bướm lượn. Nhưng chắc là có cái logic của một đứa học khoa học nên thôi, mình bắt đầu bằng mục đích viết sao cho hiệu quả.

Một bài luận tốt sẽ phát huy được hết những chức năng sau đây:

  1. Giúp ứng viên thể hiện được niềm yêu thích, hứng thú của mình với ngành học/trường học/học bổng mà ứng viên đó đang nộp hồ sơ
  2. Giúp ứng viên thể hiện được tố chất, kiến thức và kĩ năng, hay tóm lại chứng minh mình là một học sinh/sinh viên tiềm năng cho khoá học/học bổng
  3. Giúp ứng viên đưa ra được một vài chi tiết hay, chi tiết mở cho vòng phỏng vấn

“ ☕️ 𝒀𝒐𝒖 𝒄𝒂𝒏’𝒕 𝒑𝒐𝒖𝒓 𝒇𝒓𝒐𝒎 𝒂𝒏 𝒆𝒎𝒑𝒕𝒚 𝒄𝒖𝒑.”

Câu nói này thường được dùng khi có ai đó dành hết thời gian và năng lượng của mình cho người khác, mà quên đi mất việc chăm sóc cho bản thân mình. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh bài viết hôm nay, mình lái ý nghĩ của nó đi một tí, như kiểu “Bạn sẽ không có gì để viết nếu như bản thân thiếu trải nghiệm, thiếu vốn sống”. Vậy nên, trước khi nghĩ tới việc dùng từ sao cho ấn tượng, văn phong sao cho mượt mà, thì cần có một nội dung tốt cái đã.

Một bài luận hiện giờ thường giới hạn trong 500-1000 từ, nên chúng mình nên đọc kĩ yêu cầu để chọn lọc ý tưởng. Thay vì liệt kê tràng giang đại hải kiểu tôi thích cái A, tôi yêu cái B, tôi cũng có hứng thú với cái C, thì chúng mình nên chọn một tới hai, cùng lắm là ba mẩu chuyện để tập trung khai thác. Trong đó, các bạn có thể bắt đầu bằng việc muốn làm X, nên đã tìm hiểu thêm về Y, sau đó biết thêm về Z và nhận thấy Z có nhiều điểm cộng hơn X. Do đó, bạn thay đổi và đã thành công. Điều này thể hiện bạn là một người có khả năng học tập độc lập, có tuy duy phân tích phản biện và tinh thần học hỏi cái mới.

Sau khi đã hòm hòm ý tưởng, dàn bài rồi thì bắt tay vào nhào nặn câu chuyện. Dưới đây là một số yêu tố mình hay sử dụng:

𝐓𝐫𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐡𝐞̂́𝐭 𝐜𝐚̂̀𝐧 𝐜𝐨́ 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐜𝐚́𝐢 𝐦𝐨̛̉ 𝐛𝐚̀𝐢 𝐚̂́𝐧 𝐭𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠:

Ấn tượng ở đây, ý mình là khơi gợi được sự tò mò từ người đọc, muốn biết thêm về bạn, về câu chuyện của bạn một cách tự nhiên nhất có thể. Nó có thể là tóm tắt về thành tựu của bản thân, là phương châm sống hay một vài lời nhện xét của người khác về bạn.

Mình lấy ví dụ:

VD1: “Kĩ năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của tôi được minh chứng trong suốt ba năm làm việc. Mặc dù trượt đại học nhưng tôi đã rất chăm chỉ học hỏi, tiến hành khở nghiệp và tạo ra giá trị cho nhiều người”.

VD2: “Khoảnh khắc nhận được tin báo trượt đại học, tôi đã lo sợ rằng cuộc sống của mình sẽ thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, không thể ngờ, sự kiện năm 18 tuổi đó đã cho tôi động lực học tập và làm việc chăm chỉ, để rồi có thể giúp cuộc sống của rất nhiều người khác trở nên tốt đẹp hơn”

Có thể thấy trong VD1, người đọc phần nào đoán ra được bạn sẽ kể về quá trình mình tạo dựng công ty, có thể có những khó khăn và thành công. Mặc dù, những chi tiết đưa ra trong thân bài có thể gay cấn nhưng việc đoán trước được nội dung đã phần nào làm giảm hứng thú trong trải nghiệm của người đọc.

Với VD2, người đọc sẽ muốn biết thêm về câu chuyện: bạn đã làm thế nào, trải qua những chuyện gì và bạn đã giúp được những ai.

Một vài cụm mở bài mà mình thấy hơi nhàm chán là:

  • “From a young age…”
  • “For as long as I can remember…”
  • “I am applying for this course because…”
  • “I have always been interested in…”
  • “Throughout my life I have always enjoyed…”
  • “My interest in this subject was captured by…”

Nếu khó quá, các bạn có thể để dành mở bài viết sau cùng với kết bài.

𝐓𝐡𝐢𝐞̂́𝐭 𝐥𝐚̣̂𝐩 𝐧𝐠𝐮̛̃ 𝐜𝐚̉𝐧𝐡:

Chẳng cần kể dài dòng con tằm nó nhả ra tơ, nhưng việc cung cấp ngữ cảnh (ai, ở đâu, thời gian nào) sẽ giúp người đọc một bước đặt chân vào câu chuyện.

Tiếp nối mở bài phía trên, ngữ cảnh đưa ra có thể là: Ở Việt Nam, thi đại học được coi là kì thi cuộc đời, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp và cuộc sống của một người trẻ. Bạn có ước mơ đỗ vào trường A, để trở thành một … trong tương lai. Tuy nhiên, bạn trượt, và điểm số của bạn chỉ có thể học tại trường B.

Đ𝐞̂̀ 𝐜𝐚̣̂𝐩 𝐭𝐨̛́𝐢 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐤𝐡𝐨́ 𝐤𝐡𝐚̆𝐧, 𝐭𝐡𝐮̛̉ 𝐭𝐡𝐚́𝐜𝐡:

Hội đồng xét duyệt sẽ muốn biết thêm là bạn đã gặp những trở ngại gì. Nó có thể đến từ ngoại cảnh, theo như ví dụ này thì có thể bạn là sinh viên tỉnh lẻ với khả năng kinh tế hạn chế; ngành học của bạn có ít cơ hội nghề nghiệp; trường của bạn không phải là trường top. Nó có thể bắt nguồn từ chính bản thân bạn khi bạn phải học ngành mà mình chưa có nhiều hứng thú, quan tâm; hay việc trượt đại học khiến bạn mất đi sự tự tin.

𝐏𝐡𝐚́𝐜 𝐡𝐨𝐚̣ 𝐜𝐡𝐚̂𝐧 𝐝𝐮𝐧𝐠 𝐜𝐮̉𝐚 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐯𝐚̣̂𝐭 𝐜𝐡𝐢́𝐧𝐡 (𝐛𝐚̉𝐧 𝐭𝐡𝐚̂𝐧 𝐛𝐚̣𝐧):

Lúc này, chúng ta sẽ đặt bản thân làm trung tâm của câu chuyện. Từ những khó khăn phía trên, bạn chấp nhận đối diện hay buông xuôi.

Tiếp tục với ví dụ, bạn có thể là một sinh viên tỉnh lẻ, nhưng đầy hoài bão và nỗ lực. Cụ thể, sau giờ học, bạn đi làm thêm, rồi về thư viện học tiếp tới sáng. Hoặc bạn có thể là một người sáng taọ, có nhiều ý tưởng về vấn đề X mà bạn quan tâm, nên bên cạnh việc học, bạn tìm tòi và quyết định khởi nghiệp.

𝐓𝐡𝐞̂𝐦 𝐭𝐡𝐚̆́𝐭 𝐭𝐢̀𝐧𝐡 𝐭𝐢𝐞̂́𝐭 𝐛𝐚̂́𝐭 𝐧𝐠𝐨̛̀, 𝐧𝐮́𝐭 𝐭𝐡𝐚̆́𝐭:

Đây là những chi tiết để người đọc tiếp tục đặt câu hỏi: Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Các bạn có thể viết ra một, hai, thậm chí là ba sự kiện làm thay đổi mạch của câu chuyện. Thường thì nó sẽ là những lần vấp ngã, thất bại do kinh nghiệm và kiến thức non nớt của bạn.

Ở đây, các bạn có thể dùng vài từ thể hiện cảm xúc để tạo sự đồng cảm cho người đọc (nhưng không nên lạm dụng nha).

Ví dụ: Dự án start-up của bạn không có kết quả tốt, những thành viên trong nhóm lần lượt rời đi.

Thêm vào đó, do quá tập trung vào dự án start-up, bạn lơ là việc học và nhận được thư cảnh cáo về việc bạn sẽ bị đúp một năm học.

Bạn cảm thấy thật sự bế tắc.

Đ𝐚̂̉𝐲 𝐜𝐚̂𝐮 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐥𝐞̂𝐧 𝐜𝐚𝐨 𝐭𝐫𝐚̀𝐨:

Ở đây, các bạn hãy kể rõ từng bước mình đã làm gì, làm như thế nào để tháo ngỡ nút thắt phía trên. Đây là lúc các bạn chứng minh mình là người có khả năng lên kế hoạch và xử lí tình huống. Đừng quên thêm thắt các chi tiết về sự tương tác của bạn với những người xung quanh để câu chuyện sống động hơn, và bởi lẽ xây dựng và mở rộng mối quan hệ cũng là kĩ năng thiết yếu trong cuộc sống.

Ví dụ: Bạn tham gia một buổi hội thảo có Diễn giả là người bạn rất hâm mộ. Bạn nán lại trò chuyện với ông ấy và nhận được lời khuyên có giá trị. Hoặc đơn giản chỉ là bạn xem được một video trên TedEx.

Bạn ngồi vẽ lại kế hoạch của cuộc đời mình. Tập trung lại vào việc học để có chắc kiến thức, bạn học thêm tiếng anh, đọc thêm sách.

Bạn thuyết phục những thành viên cũ trong nhóm start-up quay trở lại ra sao, lãnh đạp nhóm thế nào, có những thay đổi gì trong chiến lược thực hiên. Rồi thì dưới sự giúp đỡ của thầy cô trong trường, nhóm của bạn quyết định đi thi cuộc thi về khởi nghiệp và giành được giải (nhất, nhì, ba, bét). Nhưng hơn hết là dự án đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên khác trong trường.

𝐊𝐞̂́𝐭 𝐪𝐮𝐚̉ 𝐯𝐚̀ 𝐛𝐚̀𝐢 𝐡𝐨̣𝐜 𝐭𝐡𝐮 đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜:

Có thể là thành công, có thể là thất bại, nhưng quan trọng nhất vẫn là bài học bạn rút ra được là gì, bạn đã trưởng thành trong suy nghĩ và hành động ra sao, và bạn đánh giá ngành học/ học bổng này là cơ hội như thế nào với bản thân.

Lại với mạch ví dụ trên: Bạn và nhóm khởi nghiệp của mình đã nhận được khoản đầu tư là $1000 và sự giúp đỡ của nhà đầu tư A. Bạn đã học hỏi được tầm nhìn và tư duy quản lí ra sao? Dự án hiện tại đạt được những thành công bước đầu thế nào (như dự án giáo dục giới tính đã tới chia sẻ kiến thức cho xx trường cấp 2 tại Hà Nội, dự án việc làm đã kết nối xx nhà tuyển dụng cho hàng ngàn sinh viên, dự án đọc sách đã xây dựng thư viện cho xx trường…)? Trong tương lại, bạn đang có kế hoạch phát triển nó đến đâu?

Ngành học/ học bổng này hỗ trợ bạn những gì? Bạn mong chờ được nhận nhũng gì từ ngành học/ học bổng này (các môn học chuyên ngành phù hợp, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất chất lượng, mạng lưới sinh viên/cựu sinh viên ưu tú…)

𝐊𝐞̂́𝐭 𝐛𝐚̀𝐢 𝐜𝐨̂ đ𝐨̣𝐧𝐠, 𝐱𝐮́𝐜 𝐭𝐢́𝐜𝐡:

Sẽ hoàn chỉnh hơn nếu bạn có thể liên hệ kết bài với mở bài, thêm vào vài nhận thức cốt lõi và cái nhìn về tương lai.

Ví dụ, mình có thể viết là :

“Tôi tin rằng Đại học không phải là cánh cổng duy nhất dẫn tới thành công, nhưng chắc chắn tri thức chính là chiếc chìa khoá vạn năng mở ra vô vàn cơ hội tốt đẹp. Sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để mang dự án A tới nhiều người hơn nữa, và ngành học/ học bổng XXX sẽ cho tôi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng để thực hiện ước mơ của mình”.

Cuối cùng, cho dù viết hay hay dở thì trước hết vẫn cần viết đúng. Các bạn nhớ kiểm tra kĩ các lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp trong bài nhé. Câu chuyện trong các ví dụ phía trên là mình bịa ra để các bạn dễ hình dung thôi. Hy vọng bài blog tuần này phần nào giúp ích được các bạn trong việc lên ý tưởng và viết bài luận 😃.

Bạn nào có những bí quyết hay khác về viết bài luận thì để lại bình luận để mình và các bạn khác tham khảo và học hỏi thêm với nha.

Nguồn tham khảo: My ở Cam


Jun 23, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL