Kinh nghiệm đi phỏng vấn

Hình ảnh được vẽ theo prompt 3

Chia sẻ nhiều về CV và bài luận rồi, nên hôm nay mình viết về chủ đề 𝐩𝐡𝐨̉𝐧𝐠 𝐯𝐚̂́𝐧 xem sao

Chuẩn bị tâm lý

"Phỏng vấn Chevening có căng không chị?"

"Phỏng vấn Cambridge người ta hỏi khó không chị?"

Ừm, nếu muốn nó không khó, không căng thì phải chuẩn bị thật kĩ càng thui 

Tuỳ vào quốc gia và loại học bổng mà các bạn đang nhắm tới, hình thức phỏng vấn có thể diễn ra online hoặc offline. Nếu có ai đó giúp bạn làm Mock interview thì tốt, không thì:

- Online: chọn cái góc đơn giản, gọn gàng một tí, bật camera lên rồi nhắm mình ngồi vào đâu trong khung hình đó. Đảm bảo hội đồng phỏng vấn nhìn được nửa thân trên của bạn, thuật lợi hơn cho việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể.

- Offline: tìm hiểu xem bạn sẽ tham gia vào cuộc phỏng vấn nhóm hay phỏng vấn đơn, rồi hội đồng tuyển chọn có bao nhiêu người. Bạn có thể làm quen bằng cách xếp các ghế trống mô phỏng hội đồng, rồi ngồi đối diện. Một là để có cảm giác, hai là rèn dáng ngồi sao cho tự tin và chuyên nghiệp (mình bị kiểu chỉ ngồi nghiêm túc được 10p đầu, lúc sau chỉ muốn cho chân lên ghế), ba là để tập giao tiếp ánh mắt.

Với hầu hết các buổi phỏng vấn mà mình tham gia, từ chương trình giao lưu văn hoá, học bổng ngắn/dài, học bổng chính phủ, hội đồng phỏng vấn sẽ dao động từ 2-4 người, thời gian từ 30-60 phút. Riêng Cambridge, học bổng Thạc sĩ thì mình phỏng vấn với 7 người lận; còn với học bổng Tiến sĩ thì mình có 3 cuộc phỏng vấn đơn (1-1) x 30 phút, và thêm 1 cuộc phỏng vấn với hội đồng. Do đó, việc tìm hiểu và làm quen trước với hình thức phỏng vấn sẽ giúp chúng ta bình tĩnh hơn rất nhiều.

Dự đoán câu hỏi

Thời buổi bây giờ, thật không khó để biết những gì diễn ra trong một buổi phỏng vấn. Thông tin chia sẻ có từ các hội nhóm, từ các tiền bối, hoặc thâm chí từ một người lạ ơi (như mình). Một số câu hỏi phổ biến mà các ứng viên cần trả lời khi tham gia phỏng vấn xin học bổng là:

 

- Tell me about yourself

- Why do you want to study in (country)/ at (university)?

- Tell me about a time you failed

- What is your biggest achievement?

- Where do you see yourself in 5-10 years?

- Do you have any questions?

Thậm chí, không ít học bổng còn đưa ra sẵn vài câu hỏi và gợi ý câu trả lời để các bạn có thể chuẩn bị trước (ví dụ như với Chevening https://www.chevening.org/.../5-questions-to-ponder.../).

Nhiều bạn thường chờ tới khi biết kết quả được vào vòng phỏng vấn rồi thì mới chuẩn bị, nhưng các bạn biết không, chúng mình có thể phần nào tự chọn được câu hỏi từ khi còn chắp bút viết hồ sơ/ bài luận cơ. Vậy nên, một điểm lưu ý khi chọn ý tưởng viết bài luận là ý tưởng đó có đất để phát triển thêm câu chuyện khi được hỏi trong lúc phỏng vấn, chứ không chỉ đơn thuần là tóm tắt lại những gì đã viết. Tương tự với CV, các bạn cố gắng chọn lọc thông tin để chủ động kiểm soát những câu hỏi liên quan nhá.

Tuy nhiên, đối với phỏng vấn học bổng liên quan tới công việc, ngành học thì cũng khó đoán lắm. Phụ thuộc nhiều vào kiến thức tích luỹ của bản thân. Ví dụ, lúc phỏng vấn với Cambridge, mình được hỏi úp mấy câu như “p-value là gì?”, “kể tên các giai đoạn trong chu kì tế bào”, “đây là công thức hoá học của cái gì? – rồi đưa ra mô hình của amino axit”, “tóm tắt bài báo khoa học gần nhất bạn đọc”. Cũng choáng váng.

Mọi người thường bảo “Xong rồi thì thôi”, nhưng với mình, phỏng vấn dù tốt hay dở, mình cũng đều nghĩ xem còn câu trả lời nào khác tốt hơn không. Nhiều hôm mình lên giường, sắp ngủ tới nơi thì chữ nghĩa ở đâu cứ tuôn ra, rồi tự nhủ “Đấy, lần sau nên nói như thế”.

Xử lý tình huống

Các câu hỏi tình huồng gần đây được đưa vào phỏng vấn khá nhiều để giúp hội đồng đánh giá được tính cách và kĩ năng của ứng viên, bên cạnh các câu hỏi có thể chuẩn bị sẵn. Vì là tình huống giả định và chỉ có 1-2 phút để chuẩn bị nên tính đúng/ sai trong câu trả lời cũng bớt nghiêm trọng.

Cố gắng nghe và nhớ tình huống, có thể hỏi lại để hiểu về ngữ cảnh. Thường thì chúng mình sẽ có dữ liệu về ai (who), cái gì/ vấn đề gì (what), và câu trả lời cần là là xử lí thế nào (how) và tại sao (why). Sau khi đưa ra cách giải quyết, các bạn cố gắng liên kết với bản thân, xem đã gặp trường hợp nào tương tự chưa, và nói thêm xem kết quả của nó là gì.

Ngoài ra, nếu học bổng chú trọng vào khả năng lãnh đạo chả hạn, thì các bạn có thể chuẩn bị trước bằng cách chọn ra một vài giá trị cốt lõi mà mình muốn có, thống nhất với ý tưởng và ví dụ trong bài luận, để lồng ghép vào câu trả lời, tạo ra thương hiệu cá nhân (là một nhà lãnh đạo mềm mỏng hay quyết đoán).

Phương pháp trả lời

Cái này quan trọng lớm, để tránh trường hợp nói lan man nhưng không đủ ý. Theo mình thấy thì thường có khoảng 2 phút mỗi câu trả lời. Việc áng chừng được thời gian khi nói là rất quan trọng để đảm bảo lượng thông tin đưa ra là đủ. Để luyện tập, mình đưa ra gợi ý là các bạn đọc một câu chuyện/ bài báo, xem một bộ phim, nghe một bài nhạc, rồi bấm giờ 2 phút, kể lại nội dung những gì mình nắm được. Dần dần, sẽ tự sàng lọc được chi tiết nào phải (must have)/ nên (should have)/ có thể (could have) đưa vào câu trả lời.

Sau khi mà áng áng được thời lượng của câu trả lời rồi thì chú trọng hơn việc phát triển nội dung, bằng hai phương pháp:

- STAR (Situation- Task- Action- Result): dành cho các câu hỏi hành vi, kể về sự việc sự vật cụ thể. Các bước bao gồm: đưa ra bối cảnh, mô tả nhiệm vụ, trình bày hành động, giải thích kết quả. Ngoài ra, các bạn có thể thêm cả “L (learn)” để chia sẻ về những gì mình học được sau đó.

- PEN (Passion- Experience- Next): dành cho các câu hỏi liên quan tới kế hoạch tương lai kiểu career goals hay yourself in 5 years. Bắt đầu bằng cái gì đó hứng thú nhất aka đam mê của chính mình, rồi tiếp đến là kinh nghiệm/ trải nghiệm, từ đó đưa ra kế hoạch/ ý tưởng rõ ràng cho tương lai. Nếu câu hỏi này được đặt ở cuổi buổi phỏng vấn, các bạn chỉ cần khẳng định lại đam mê và điểm qua qua lại các kinh nghiệm thôi nha.

Cuối cùng, phong cách đi phỏng vấn:

“Hãy là chính mình”, đúng nhưng chưa đủ. Chính mình ở đây là có chính kiến trong tư duy và quan điểm sống, là thành thật trong suy nghĩ và lời nói, là “authentic”trong ý tưởng và trải nghiệm. Nhưng, chúng ta cần thể hiện những điều đó ra dưới một hình mẫu ứng viên mà học bổng đang tìm kiếm, ví dụ như tự tin, nhiệt huyết, thân thiện và chuyên nghiệp... Cá nhân mình thấy, việc học tập (hay thậm chí bắt chước) phong cách trả lời phỏng vấn của người nào đó (thành công) mà bạn thích cũng không phải là xấu, đâu phải ai ăn nói cũng có duyên đâu. Bình thường mình ăn nói cũng nhỏ nhẹ, nhưng lúc đi phỏng vấn hay thuyết trình thì như một con người khác, giọng cứ to vống lên =)).

Suy cho cùng, vòng phỏng vấn sẽ có những đánh giá về mặt cảm tính. Vậy nên việc bạn nói năng từ tốn hơn, trang điểm nhạt đi hay cất tạm chiếc áo phông không có nghĩa là đánh mất đi màu sắc cá nhân.

Tạm thời mình viết tới đây thui. À, mình có thể sắp xếp làm mock interview với 2 bạn. Cho mình biết tên chương trình/học bổng + thời gian để mình ướm thử kinh nghiệm có phù hợp trước nha, chứ ứ dám nhận bừa hihi

Nguồn tham khảo: My ở Cam


Jun 26, 2024

5 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email