Bài 1: Phong Cách Và Quan Điểm Nuôi Dạy Con

Từ góc độ là một phụ huynh, mình thấy vô cùng đồng cảm cho các bậc cha mẹ, khi bị xoay vần bởi hệ thống giáo dục và các chuyên gia. Cách thức thi cử, tuyển sinh đại học thay đổi xoành xoạch, sách giáo khoa thì cải tiến liên tục, và những lời khuyên của chuyên gia thì luôn là “cho trẻ em chơi nhiều hơn”, rồi “không nên học thêm, không cần học sớm, học nhiều làm gì”.

Phụ huynh như bị rối trong một ma trận, lôi theo đứa nhỏ xoay mòng mòng với đủ loại lý thuyết, từ phong trào giáo dục tiến bộ, giáo dục thuận tự nhiên, đến triết lý giáo dục hạnh phúc và giáo dục khai phóng. Nhưng cuối cùng, chất lượng giáo dục vẫn không hề thay đổi ở chiều hướng tích cực, mà chỉ thấy gia tăng không ngừng về chi phí.

Là bởi, chỉ nói suông về lý thuyết, mà không có sự phân tích đúng đắn về bối cảnh, tình hình kinh tế, xã hội của người Việt Nam, không có sự phân tích thấu đáo về trình độ dân trí và mức độ thu nhập trung bình của hộ gia đình Việt Nam, và càng không xem xét đến thực tế của hệ thống giáo dục công, thì mọi triết lý giáo dục lý tưởng vay mượn đó chỉ là một viễn cảnh mơ mộng mà thôi. Các phụ huynh cần tỉnh táo để chọn lọc những gì thiết thực.

Cho nên, xuyên suốt trong các bài viết của mình, mình sẽ viết thẳng thắn đến nỗi các bạn sẽ cảm thấy sốc, thấy choáng; vì mình viết ra những sự thật mà ai cũng cảm thấy, nhưng không ai dám nói, dám viết. Mình phải tự công nhận là mình can đảm, mình dám nói ngược lại đám đông. Bởi vì mình thấy trên báo mạng và mạng xã hội, giờ đây, tràn ngập những triết lý dỏm, những tuyên bố chỉ mang tính lý thuyết đầy nhàm chán, những quảng cáo nói quá sự thật, những trào lưu giáo dục mới mẻ nhưng đầy rủi ro, những quan điểm tưởng chừng là hiện đại nhưng thật ra chính là sự vô trách nhiệm của người lớn với con cái.

Chúng ta chỉ đơn thuần là các bậc cha mẹ bình thường. Không phải ai cũng giàu có, đủ điều kiện cho con học trường tư, trường quốc tế; để mà “được chơi đùa thoải mái, không cần học thêm, không cần học nhiều”; để “học không cần điểm số, không cần thành tích”.

Không phải ai cũng có đứa con thông minh xuất chúng (để không học hành nhiều mà vẫn giỏi giang thành công khi vào đời). Không phải đứa trẻ nào cũng có thể nỗ lực tối đa để “vượt lên chính mình” mỗi khi cha mẹ yêu cầu (để con có được 1 chổ ngồi trên giảng đường đại học uy tín, hoặc 1 chổ đứng ở xã hội).

Chúng ta vẫn thường thấy báo chí đăng về những tấm gương con nhà nghèo học giỏi, đứa trẻ tự lực vươn lên mà không có sự đầu tư đầy đủ của cha mẹ. Nhưng các tấm gương đó thật sự quá hiếm hoi, mà chúng ta có thể gọi các bạn ấy là nhân tố đặc biệt. Các bạn này vốn đã có năng lực tự thân xuất sắc, bản lĩnh hơn người.

Phần đông chúng ta, kể cả mình, đều không may mắn có được những đứa con ưu tú như vậy.

Tuy nhiên, dù con có xuất sắc từ bẩm sinh hay không, thì vai trò của bậc làm cha làm mẹ vẫn luôn luôn có giá trị lớn lao với cuộc đời của con trẻ. Chúng ta sử dụng vai trò đó như thế nào, để giúp con trưởng thành tốt nhất, chúng ta nên nuôi dạy con thế nào để con trở thành một phiên bản tốt nhất của chính con? Đó chính là điều mấu chốt mà chúng ta cần phải bỏ thời gian và công sức tìm hiểu.

CÓ NÊN NUÔI DẠY CON THUẦN TỰ NHIÊN?

Con cái có nên được nuôi dạy, định hướng, có mục tiêu, theo lộ trình; hay chỉ để con lớn lên như cây cỏ, như chim trời cá biển, như vạn vật trong tự nhiên – mà gần đây, có rất nhiều người cổ vũ cho triết lý này?

Triết lý giáo dục “thuần tự nhiên” này được ca tụng nhiều ở một số nhà giàu, tri thức cấp tiến. Tuy nhiên, ở những trường hợp người thật việc thật mà mình biết, kết cục đều là hậu quả.

Một cặp vợ chồng người quen của gia đình mình, chị là bác sĩ, chồng là kỹ sư; anh chị có hai cô con gái. Với con gái đầu tiên, chị dạy con theo kiểu “thuận tự nhiên”.

Con gái thích ăn gì cũng được, ăn bao nhiêu cũng được; vì chị nghĩ “cơ thể thiếu chất, thích ăn, thì cứ ăn”. Hậu quả là con chị béo phì – dù chị là bác sĩ.

Con gái thích học thì học, không thích học thì thôi, không ép; vì chị nghĩ “con không phù hợp với việc học thuật, không ép học”. Hậu quả là con chị không tốt nghiệp nổi lớp 12, phải học bổ túc – dù chị sẵn tiền cho con du học, nhưng con không thể.

Con gái thích kinh doanh gì thì cha mẹ mở cửa hàng đó; vì chị nghĩ “con có đam mê gì thì phải ủng hộ con”. Hậu quả là phải dẹp tiệm, đồng thời cha mẹ phải gánh một số nợ lớn giùm con – dù chị đủ tiền gánh nợ, nhưng con không thể kinh doanh hiệu quả để đủ nuôi thân con.

Con gái quen ai, yêu ai, quan hệ với ai; lúc này cha mẹ không thể can thiệp được nữa, vì can thiệp nó cũng không nghe, nên chị nghĩ “thôi đất không chịu trời, thì trời đành chịu đất vậy”. Hậu quả là con gái không chồng mà có ba đứa con với ba người cha sinh học khác nhau. Không nhà, không công việc ổn định, không tiền, sống bám víu vào cha mẹ; xin xỏ và vay mượn bất cứ ai có thể.

Chị bác sĩ giờ đã về hưu, tuy vẫn còn tiền dành dụm để phụ giúp con gái lo cho ba đứa cháu, nhưng việc học hành của chúng là một gánh nặng mà chị gánh gồng không nổi.

Không phải giáo dục thuần tự nhiên thì kết cục nào cũng là thất bại. Cũng có những người sinh ra trong gia đình khó khăn, nên việc giáo dục bị đặt sau ưu tiên của cơm áo gạo tiền. Hơn nữa, các bậc cha mẹ thế hệ trước, vốn không được tiếp cận với kiến thức giáo dục – nên chỉ nuôi dạy con cái lớn lên theo kiểu “như cành cây, ngọn cỏ”.

Trong những trường hợp “giáo dục bị làm ngơ” đó, có người vẫn thành tài, trở thành bác sĩ, kỹ sư, thậm chí làm ăn kinh doanh giàu có; nhưng cũng có người hư hỏng, nghiện rượu, cờ bạc; và có khá nhiều người thất nghiệp, tìm kiếm công việc phù hợp khó khăn, và thu nhập rất thấp.

Có thể nói, nuôi dạy con theo kiểu “thuần tự nhiên”, là tuỳ theo số phận, tuỳ theo tác động ngẫu nhiên của môi trường bên ngoài, mà vô tình tạo ra một lớp người sống và hành động theo bản năng.

Bản năng là phản xạ tự nhiên của con người. Nhưng thói quen tốt và lối sống tích cực thì được hình thành thông qua giáo dục và rèn luyện.

Theo bản năng tự nhiên, đói thì ăn. Nhưng ăn uống lành mạnh là một thói quen cần phải có ý thức luyện tập.

Theo bản năng, khát thì uống. Nhưng uống đủ nước ngày 2 lít là một kiến thức có được nhờ giáo dục.

Theo bản năng, buồn ngủ thì ngủ, ngủ chán thì thức. Nhưng ngủ đầy đủ, điều độ, đúng giấc là một lối sống khoa học, có được nhờ giáo dục và rèn luyện.

Sống theo bản năng tự nhiên thì đơn giản.

Nhưng rèn luyện một thói quen tốt thì khó hơn nhiều.

----------------------------------------------------------------

Bản năng con người, vốn có cả thiện và ác, có tốt và xấu; hoặc có thể phân ra 2 loại: bản năng bậc cao và bản năng bậc thấp. Giả sử xã hội loài người cứ tự do, ai sinh ra bản năng thế nào, thì cứ thuần theo bản năng tự nhiên mà hành động thế ấy.

Lúc đó, xã hội sẽ ra sao? Chắc chắn rằng, đó sẽ là một xã hội hỗn loạn.

Ở xã hội văn minh, nhân loại phát triển, thông qua giáo dục, con người được khuyến khích phát huy bản năng bậc cao và những ý thức, thói quen, lối sống tích cực; đồng thời kềm chế, ngăn chặn những bản năng bậc thấp, thói quen và lối sống tiêu cực.

Vậy, triết lý giáo dục đúng đắn là phải nương theo bản năng tự nhiên của con mà uốn nắn, sao cho con phát huy phần bản năng bậc cao, con phát huy tối đa điểm mạnh của con; đồng thời giúp con hạn chế, khắc phục tối đa điểm yếu bẩm sinh của con. Giúp con trở thành một phiên bản tốt nhất của chính con. Chớ không phải là để mặc cho con làm theo điều con thích. Chớ không phải cứ để mặc con làm bất cứ điều gì theo bản năng tự nhiên của con sai khiến.

Để con sống thuần theo tự nhiên, chỉ tuân theo cảm xúc bản năng, mà không có sự uốn nắn, dạy dỗ, định hướng từ cha mẹ, thì làm sao giúp con vượt qua những bản năng tiêu cực?

- Sống theo bản năng tiêu cực là sống theo sở thích, thích thì làm, chán thì bỏ; sống không có kỷ luật, không có tinh thần vượt khó.

- Sống theo bản năng tiêu cực là chiều chuộng bản thân, sống mà không quan tâm gì đến người khác, kể cả cha mẹ, gia đình.

- Sống theo bản năng tiêu cực là chỉ biết sống ích kỷ, sống mà không có trách nhiệm gì với gia đình, cộng đồng, xã hội.

- Sống theo bản năng tiêu cực là chỉ biết sống ngày qua ngày, sống mà không nghĩ đến tương lai, không nhìn về phía trước.

- Không có mục miêu nào để phấn đấu, không có tương lai nào để hướng về, không có kế hoạch nào để thực hiện.

Nuôi dạy con theo kiểu “thuần tự nhiên” như vầy, thì con nên người hay hư hỏng, con thành công hay thất bại, nói cho cùng, chỉ là dựa vào may rủi.

Chúng ta đừng bao giờ mang tương lai của con ra để phó thác vào số phận. Đừng bao giờ đặt cược tương lai và cuộc đời con vào may rủi.

----------------------------------------------------------------

Mình xin trích lời của một người mà mình xem là bậc đàn anh, là Giám Đốc Huấn luyện cấp cao của ngành ngân hàng, anh nói rằng “Mục tiêu và Kế hoạch là hai điều mà bất cứ người nào muốn trưởng thành đều phải có, hoặc phải làm được. Sự bạc nhược, lười nhác và vô trách nhiệm khiến con người ta lánh xa những từ ngữ này; và tìm những câu nói hay ho để nguỵ biện”.

Thật vậy, thường những người có năng lực thấp thì rất sợ và rất ghét hai từ “mục tiêu” và “kế hoạch”.

Nhưng, làm việc mà không có mục tiêu, thì cả đời không có thành tựu. Việc học cũng vậy.

Làm việc mà không có kế hoạch, thì có nghĩa là đang chuẩn bị cho thất bại. Việc học cũng vậy.

Nếu mình không chủ động hoạch định cuộc đời của con mình, thì xác suất rất lớn là cuộc đời con sẽ phải tuân theo người khác, hoặc con sẽ bị động rơi vào kế hoạch mà người khác sắp đặt. Bạn muốn giúp con làm chủ cuộc đời của con, hay bạn muốn con sống bị động theo sự dẫn dắt của người khác?

Nếu mình không giúp con chủ động tìm kiếm định hướng cuộc đời con, thì con sẽ mãi mãi là kẻ follower, kẻ chỉ biết đi theo đuôi người khác, làm việc theo sự sắp xếp của người khác, vâng lời và phục tùng người khác – những người chủ động thiết lập mục tiêu, lên kế hoạch và thực hiện thành công mục tiêu cuộc đời họ.

Nói tóm lại, bạn có muốn con mình là người chủ động lên kế hoạch cho bản thân, và lên kế hoạch để dẫn dắt người khác?

Là mình, mình không bao giờ muốn con mình là 1 con cờ trong bàn cờ mà người khác bày binh bố trận, chỉ biết ngồi đó chờ người ta phân vai, xếp việc cho mình.

----------------------------------------------------------------

Là một đứa trẻ, làm sao con có thể nhìn xa đến vậy, làm sao con hiểu thấu điều này?

Làm cha mẹ, mình cần dạy con nghĩ lớn, nghĩ xa; mình cần dạy con làm người nên sống có hoài bão, có mục tiêu, có kế hoạch. Làm cha mẹ, mình cần giúp con đạt được mục tiêu con muốn, giúp con đi đến nơi con muốn.

Đừng bao giờ để cuộc sống trôi qua vô nghĩa như một dòng chảy tự nhiên bất định. Con người chớ đâu phải con vật, hay là cây cỏ vô tri, mà cứ để “thuận theo dòng chảy tự nhiên, muốn đến đâu thì đến”.

Con nhà mình là 1 em bé bình thường, không phải học giỏi giang hay có tố chất gì đặc biệt. Từ nhỏ, con bị chứng rối loạn ngôn ngữ bẩm sinh nên bị nói khó và chậm nói, mãi gần 2 tuổi mà con vẫn chưa gọi được một từ nào, dù chỉ là gọi ba gọi mẹ.

Những năm tháng khi con gái mình còn nhỏ xíu, con bị chậm ngôn ngữ - là khuyết khiểm “chết người” mà mình phải lao tâm lao lực, lao đầu vào biển kiến thức mênh mông để tìm cách giúp con. Ở thời điểm buồn bã và khó khăn nhất trong đời khi ấy, mình chưa từng nghĩ đến việc con có thể nói và viết Tiếng Anh tốt như bây giờ; cũng không dám mơ về các thành tựu học tập như đã con đã và đang đạt được; cùng với nó, là sự phát triển sự tự tin về bản thân ở con - vốn là điều không có ở những trẻ bị khó khăn về ngôn ngữ.

Ngược lại, nếu tụi mình giống như những bố mẹ “thoải mái” khác, cứ kệ con, cứ để con phát triển tự nhiên, hoặc tự an ủi “con cá không thể leo cây” nên chấp nhận khuyết điểm của con; hoặc an phận hơn, nghĩ rằng “con mình bẩm sinh đã có khiếm khuyết, được vậy là tốt rồi, chỉ cần con hạnh phúc”… thì giờ đây, con gái mình sẽ 1 đứa trẻ như thế nào? Rồi con sẽ trưởng thành và bước vào tương lai như thế nào?

Mình không thể hình dung ra một phiên bản khác của con sẽ như thế nào, nếu tụi mình áp dụng theo phương pháp giáo dục “thuận theo tự nhiên”.

-------------------------------------------------------------

Đời thay đổi khi chính mình thay đổi. Tương tự, đời con mình sẽ thay đổi tốt hơn, khi chính bản thân bố mẹ thay đổi. Dù bạn ở trong một hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt như thế nào chăng nữa; nhưng mỗi ngày, bạn cố gắng thay đổi tư duy và nhận thức, cố gắng trở thành một bậc cha mẹ tốt hơn, thì chắc chắn bạn sẽ có thể giúp con trở thành một phiên bản tốt hơn của chính con.

Hành trình giúp con trở thành một phiên bản tốt hơn là một hành trình dài, mà mỗi ngày, mỗi hành động của bạn sẽ từ từ bồi đắp mà thành.

Nếu bạn có đủ tình yêu thương và tận tâm đối với con cái, bạn sẽ thấy hành trình này rất vui và ý nghĩa; mỗi ngày của bạn trải qua với con là một diễm phúc mà ông Trời đã ban tặng. Ngược lại, nếu bạn chỉ thấy toàn vất vả, cực khổ, mất nhiều công sức quá… và bạn để mặc con “muốn làm gì thì làm”, thì dĩ nhiên, hành trình của con sẽ đơn độc.

Đứa trẻ lớn lên và trưởng thành “thuần theo tự nhiên” một cách ngẫu hứng, thì con sẽ có khuynh hướng tuân theo các quy luật bản năng tự nhiên.

Đó là lý do tại sao, có rất nhiều người lớn, đã trưởng thành, nhưng vẫn sống và hành động theo bản năng – điều chúng ta vẫn thường thấy và lắc đầu ngao ngán.

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 06, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL