Bài 5- Nuôi Con Triệu Đô

Với quan điểm độc lập, không chạy theo bất cứ trào lưu nào, mình vừa áp dụng phong cách giáo dục khoa học, vừa kết hợp các giá trị truyền thống của người Á Đông; mình vừa dân chủ và tôn trọng con cái, vừa yêu cầu con cái phải tuân thủ luật lệ gia đình; mình vừa làm bạn với con cái, vừa kiên quyết giữ lấy sự tôn nghiêm của bậc làm cha, làm mẹ.

Trong 20 năm qua, mình dạy con theo cách riêng của mình, bất chấp những chê bai, dè bĩu, so sánh từ chung quanh. Mình ít khi so sánh con nhà mình với ai, vì mình không thích cách so sánh độc hại.

Nhưng mình vẫn nhìn quanh, quan sát con nhà người ta; mình cần phóng chiếu tầm nhìn bao quát 1 lượt, để rồi lại tập trung vào con cái của mình.

Mình có biết một gia đình “nhà người ta”, có cô con gái thuộc loại “con nhà người ta”.

Nhà người ta có thể gọi là “đại gia”, tài chính thoải mái đến mức không bao giờ phải phân vân khi mua bất cứ thứ gì, kể cả nhà cửa, xe hơi.

Khi con trai mình học 12 năm ở trường công, thì con nhà người ta học trường quốc tế từ mẫu giáo.

Khi con trai mình đều đặn đạp xe đạp đi học thêm ở trung tâm các môn Toán, Lý, Hoá, Tiếng Anh, với yêu cầu của mẹ là điểm trung bình các môn phải tốt (để đỡ phải tốn kém học một năm dự bị đại học, hoặc để đủ điểm vào học trường tốt); thì con nhà người ta học múa, hát, vẽ vời và học theo tinh thần “không cần điểm số”.

Khi con trai mình phải bỏ học piano, vì mình không thể bỏ ra vài trăm triệu để mua cây đàn xịn cho con; thì con nhà người ta học đàn với cây piano trị giá không dưới 100 ngàn đô, cùng gia sư dạy kèm tận nhà với thù lao tính theo giờ cực đắt.

Khi con trai mình lên danh sách đi mua thức ăn ở siêu thị, ngày ngày tự lo cơm nước cho hai anh em; thì con nhà người ta lên kế hoạch đi thực địa ở rừng Nam Cát Tiên, thậm chí ở Châu Phi, châu Mỹ.

Khi con trai mình lần đầu đến Úc, phải ở nhà của bà con họ hàng, mình dạy con “Phải biết ăn ở sao cho chú thím thương nha con, vì mình đang nhờ cậy sự giúp đỡ của chú thím mà”. Con trai mình giúp thím đi chợ, nấu ăn, rửa dọn; ngoài ra còn giúp đón em (con của chú thím) đi học về, lo cho em tắm rửa, ăn uống. Lúc đó, con nhà người ta học ở các trường nội trú Mỹ, vốn là trường tư vô cùng đắt đỏ, với chi phí khoảng 70 – 85 ngàn usd/ năm; mọi dịch vụ được chăm sóc đầy đủ.

Khi con trai mình đòi học ngành Quản trị Kinh doanh, mình cấm tiệt, và khuyên con “Ít nhất con hãy học tài chính, để sau này biết cách giữ tiền; bởi kiếm tiền đã khó, giữ tiền còn khó hơn nhiều lần”; thì con nhà người ta chọn học ngành Lịch sử và Khoa học chính trị ở một trường giáo dục khai phóng (Liberal Art College) ở Mỹ, mà nguyên nhân chủ yếu là do không học được các môn Khoa học tự nhiên, và điểm số cũng không đủ tốt để được nhận vào học ở các trường Đại học quốc gia (National University).

Khi con trai mình ngoài giờ học phải đi làm phục vụ ở nhà hàng, thì con nhà người ta đi sinh hoạt ở đủ thể loại các câu lạc bộ, tham gia biểu tình về quyền bình đẳng của người da màu ở Mỹ, đấu tranh để giúp người Mexico nhập cư trái phép được vào nhập cư chính thức.

Mình nuôi con theo kiểu nhà nghèo, nên nhà người ta ngầm ý coi thường nhà mình, nhưng mình kệ.

Gia đình nhà người ta khá coi thường vì mình bắt con trai phải phụ giúp việc nhà cho họ hàng. Coi thường vì mình keo kiệt, không mua đàn piano để cho con thoả mãn sở thích. Coi thường vì nghĩ mình áp đặt con, không cho con học ngành con thích. Coi thường vì nghĩ mình bắt con đi làm phục vụ nhà hàng để kiếm chút tiền còm cõi, để giảm bớt gánh nặng chi phí học hành.

Ngược lại, mình không coi thường gì nhà người ta cả, những gì nhà người ta làm được cho con cái người ta, mình rất ngưỡng mộ (mình không làm được vì chẳng qua là mình không có điều kiện mà thôi):

- Con nhà người ta được học chương trình Fast Track Kid từ nhỏ xíu, với học phí cả ngàn USD một khoá, dạy đầy đủ các kỹ năng cao cấp cho các bé từ nhỏ.

- Con nhà người ta được học đầy đủ các bộ môn nghệ thuật piano, violon, vẽ… thuê gia sư 1 – 1 với học phí rất cao

- Con nhà người ta được học các phương pháp giáo dục sớm tại trường quốc tế ở Thảo Điền từ khi 2 – 3 tuổi

- Con nhà người ta được du học trường tư nội trú Mỹ dành cho dân nhà giàu thượng lưu từ năm lớp 9

- Con nhà người học ở trường giáo dục khai phóng của Mỹ, với chi phí 85 ngàn USD mỗi năm

Tuy vậy, những năm gần đây, mình có nghe loáng thoáng nhà người ta có nhiều trăn trở:

- Công việc ở VN khó khăn hơn trước, gia đình đã phải bán căn biệt thự mới đủ tiền hỗ trợ cho con. Số tiền ăn học của con đã hơn một triệu đô rồi.

- Con tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm, vì ngành con học gần như rất khó tìm việc, kể cả là người bản xứ, nên con không có cơ hội ở lại Mỹ sau khi học.

- Khi con về Việt Nam, gia đình cũng không thể tìm được cho con một công việc thú vị, cũng không bố trí được cho con một vị trí cao như kỳ vọng của con, nên con không làm.

- Đi xin việc ở công ty tư nhân, thì chuyên môn của con cũng không phù hợp, và con chê lương thấp.

- Nếu con quay lại sống ở Mỹ, chỉ có thể bỏ ra khoảng 5 triệu đô, để giúp con định cư ở Mỹ theo dạng đầu tư. Nhưng công việc của gia đình đang trong giai đoạn khó khăn, muốn có số tiền này thì phải bán tiếp vài căn biệt thự; mà tình hình bây giờ, muốn bán cũng không có người mua.

- Sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, con về Việt Nam, rất căng thẳng và gây áp lực cho bố mẹ, đòi hỏi bố mẹ phải tìm mọi cách để con quay lại Mỹ. Nếu không có tiền đầu tư, thì con muốn được đi học tiếp.

Nhà người ta lại tiếp tục đến các trung tâm tư vấn định cư Mỹ và Úc uy tín, hòng tìm ra hướng đi an toàn và ổn định hơn cho con của họ.

Gần đây, theo mình biết, trong lúc chờ đợi các thủ tục quay lại Mỹ (mà mình không rõ là học tiếp hay là đầu tư để định cư) nhà người ta đang ép con nhận tạm 1 vị trí hành chính trong cơ quan nhà nước, lương nhân theo hệ số của biên chế nhà nước - mà một tháng lương, không bằng 1 ngày tiêu xài của con.

Quay lại trường hợp con trai mình.

- Dù mình không có tiền cho con học đủ thứ kỹ năng, nhưng mình dạy con “Sống làm sao cho người dưng cũng phải thương mình”. Vậy mới bền vững được. Con mình chẳng những được thím nó thương, mà đứa cháu ruột của thím cũng thương con; và rồi sau này, anh ấy trở thành sếp trực tiếp của nó, giúp đỡ nó rất nhiều.

- Mình bắt con phải đi làm, vừa có kỹ năng sống, vừa có trách nhiệm gánh vác phần nào chi phí du học. Con không xin mình tiền để tiêu xài cá nhân, học phí con đóng 50%, chỉ xin mẹ 50%. Tổng số tiền mà mình cho con đi du học Úc, chỉ vỏn vẹn một tỉ đồng.

- Tốt nghiệp xong, con tự mua xe hơi đi làm, con chọn mua xe cũ, loại còn tốt. Mình chỉ cho con 2.000 đô để phụ con.

- Sau này, khi công việc và cuộc sống ổn định, con tự mua đàn piano và tự học đàn trở lại. Và hiện nay, con thoải mái chơi đàn piano để thư giãn khi thích.

- Con đi làm thêm từ khi là sinh viên năm nhất. Đến khi con tốt nghiệp, con được công ty nhận vào làm nhân viên chính thức. Hai năm sau con lên vị trí Giám Sát, bây giờ con là Trưởng bộ phận. Rồi con chuyển công ty và được thăng tiến ở vị trí cao hơn, lương cũng cao hơn 35%. Giờ con cũng đã trở thành thường trú nhân Úc.

- Sau khi tốt nghiệp rồi đi làm, con dành dụm tiền tự mua nhà, và mình chỉ tặng con đúng 1.000 đô như quà tân gia. Nhà con mua ở thành phố Melbourne đắt đỏ, mà bây giờ giá trị trường tăng lên cả triệu đô rồi. Con mình tính toán, tụi con sẽ trả dứt nợ vay mua nhà trong vòng năm năm nữa.

Mình không có triệu đô để nuôi con, nhưng mình dạy con tự kiếm tiền triệu đô cho nó.

Mình không dám đánh giá người giàu có, dùng triệu đô để nuôi dạy con họ; nhưng mình cũng không bao giờ tự ti về bản thân mình, dùng đồng tiền mồ hôi nước mắt để nuôi dạy con theo cách của mình.

- Học các kỹ năng là rất tốt, nhưng cần học cách sống làm sao cho người ta thương.

- Quan tâm đến cộng đồng là rất tốt, nhưng cần quan tâm đến cha mẹ, gia đình; người đã và đang dành dụm từng đồng cho con ăn học.

- Học hỏi về giáo dục khai phóng là rất tốt, nhưng cần học để sống tự lập, đừng làm phiền cha mẹ quá nhiều.

- Sống theo tự do và sở thích bản thân là rất tốt, nhưng hãy sống tự do đúng nghĩa, đừng chọn tự do nữa vời; đừng chọn sống tự do theo sở thích bản thân bằng đồng tiền của cha mẹ, hết lần này đến lần khác.

- Yêu thương và đấu tranh cho nhân loại là điều rất tốt, nhưng cần yêu thương cha mẹ nhiều hơn, những người đang già sọp đi vì áp lực tài chính cho con, mà chưa biết bao giờ mới được nghỉ ngơi, nhẹ gánh.

Không chỉ với con trai đầu, mà với con gái nhỏ, mình đều áp dụng quan điểm và tư tưởng đó.

- Dù giàu hay nghèo, mình cũng nuôi dạy con chọn lấy những điều thiết thực nhất.

- Sự tự do lớn nhất, chính là làm chủ được bản thân, làm chủ cuộc sống. Đừng chạy theo những thứ tự do nữa vời.

- Nhà giàu nuôi con theo kiểu nhà giàu; nhà nghèo nuôi con theo kiểu nhà nghèo. Mình không so bì với ai, nhưng cũng chẳng tự ti với ai.

- Bình tĩnh và kiên định trên con đường nuôi dạy con của chính mình; bất chấp những lời dèm pha, chê bai; bất chấp các loại lý thuyết sáo rỗng. Nhà mình càng khó khăn, mình càng nên chọn những thứ đơn giản nhất, thiết thực nhất để làm; và hãy làm tốt nhất có thể trong từng việc nhỏ và đơn giản đó.

 


Phạm Hương - Aug 09, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL