Bài 7: Bạn Có Hoài Bão Đủ Lớn Để Nuôi Dưỡng 1 Đứa Con Có Hoài Bão Lớn?

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình có những ước mơ, hoài bão lớn lao của riêng con. Nhưng có một điều hiển nhiên mà cha mẹ ít khi để ý đến: hoài bão của đứa con được bắt nguồn từ cha mẹ. Chỉ có những bậc cha mẹ có hoài bão lớn thì mới nuôi dưỡng được những đứa con có ước mơ to lớn.

Trước hết, mình cần hiểu khái niệm “hoài bão” là gì, như thế nào là người “có hoài bão”?

Nói 1 cách đơn giản, những người có hoài bão là những người có ước mơ, có khát vọng. Họ dám nghĩ lớn, họ dám mơ những ước mơ táo bạo, họ dám đặt ra những mục tiêu cao xa hơn hiện thực của họ rất nhiều.

Nhớ ngày xưa, lúc mình còn khá trẻ, nhà vẫn còn ở trọ, mặc toàn quần áo si-đa, phải làm một lúc nhiều job mới có thể đủ tiền trang trải cho cuộc sống của 2 mẹ con và trả lương cho chị vú nuôi giữ con trai của mình.

Trong hoàn cảnh sống vô cùng chật vật đó, mình vẫn đinh ninh 1 điều, nhất định con mình sau này lớn lên sẽ đi du học. Và mình luôn tin mình sẽ làm được.

Lý do mà mình thích cuốn Nhà giả kim, và mình đã khuyến khích K đọc cho bằng được, là vì, xuyên suốt trong quyển sách đó, nổi bật lên 1 ý niệm “Hãy cứ theo đuổi hoài bão/ mơ ước của bạn. Cả vũ trụ sẽ hợp sức lại để giúp bạn”.

Ngẫm lại trong đời mình, mình thấy điều này quá đúng. Như các bạn đã từng biết, mình xuất thân từ nhỏ rất cơ cực, nhưng mình luôn nuôi dưỡng hoài bão; mình luôn tâm niệm trong đầu những ước mơ cao xa, những khát vọng lớn - vượt xa những mớ rối reng của cuộc sống hiện thực mà mình quay cuồng trong đó: công việc căng thẳng, khách hàng chảnh choẹ, chủ nhà trọ khó khăn, con nhỏ nay ốm mai đau, người giúp việc thì làm mình làm mẩy, gia đình bất hoà, hôn nhân tan vỡ…

Trăm thứ muộn phiền của cuộc sống cay nghiệt đó, không bao giờ và chưa bao giờ làm mình nguôi đi ước vọng. Đôi khi, trong cảnh khốn cùng, nó lại làm cho mình mạnh mẽ và vượt qua nhiều thứ.

Dù cuộc sống thực tế có khắc nghiệt đến đâu, mình vẫn có quyền nghĩ lớn và có những giấc mơ khác biệt.

Mình cũng không bao giờ cam tâm chấp nhận số phận. Nếu Trời sinh mình ra trong 1 gia đình có cha mẹ trọng nam khinh nữ, thì mình sẽ tự chứng minh bản thân mình để sau này không ai dám coi thương mình nữa, kể cả cha mẹ.

Nếu cha mẹ đối xử bất công với mình; thì mình sẽ tự thân phấn đấu, gặt hái những thành quả và nhận lấy sự tưởng thưởng xứng đáng từ cuộc đời, mà không cần phải than phiền số phận hay oán trách cha mẹ.

Nếu người phối ngẫu không trân trọng mình, mình sẽ tìm đến những nơi chào đón mình, đến với những người biết nhận ra giá trị thực của mình và trân trọng mình.

Mình không bao giờ chấp nhận đầu hàng cuộc sống. Mình luôn có một hoài bão lớn và ước mốn sống một cuộc đời đáng sống.

Quay lại với việc nuôi dạy con cái, dù gia cảnh nhà mình có khó khăn đến đâu, bạn vẫn có thể có khát vọng và hoài bão, cho chính bạn và cho con cái của bạn.

Là cha mẹ, bạn không dám nghĩ lớn, không dám mơ lớn, không có hoài bão gì, không có khát vọng gì; thì làm sao bạn nuôi dưỡng được 1 đứa con có hoài bão?

Mình còn nhớ, một bài viết của một Giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội: "Suốt mười năm, tôi cố gắng để không dạy con bất cứ điều gì to tát ngoài những thứ nhỏ bé bình thường".

Bài viết này nhận được hàng trăm ngàn lượt share, comment khen ngợi. Mình xin trích vài đoạn:

“Tôi không kì vọng con có nhiều thành tích, thi đỗ trường nọ trường kia, cũng không đặt mục tiêu sau này con sẽ đi du học nước nào, được học bổng bao nhiêu. Chính bản thân tôi cũng chẳng dám chắc là liệu mình có làm được điều gì to tát hay không, nên chẳng dám chất lên lưng con những thứ to tát ấy. Cuộc sống rộng lớn, nhiều ngã rẽ, nhiều lựa chọn, tôi không đủ khả năng để biết trước đi đường nào thì sẽ tốt hơn cho con, tôi cũng không dám tự tin là mình đủ sáng suốt để định hướng.

Gần nhà tôi có một bà bán dưa. Bà ấy muối dưa rất ngon, khách đến mua dưa đông nghìn nghịt, tôi thường phải đợi rất lâu mới đến lượt mình.

Tôi nhờ một bác đến lau nhà. Bác lau sạch tới nỗi tôi rất thán phục. Tôi học được rất nhiều từ cách bác. Sự tận tụy đó khiến cho tôi thực sự quý trọng và biết ơn.

Tôi kết giao với một anh phô tô. Bao nhiêu công việc cần phô tô in ấn, tôi đều tin cậy nhờ anh mà chưa một lần nào không hài lòng.

Sau này khi lớn lên, tôi cũng mong con tôi trở thành một con người bình thường như vậy”

Ai cũng có quan điểm riêng, nên mình không chê bai hay phán xét. Trong khuôn khổ bài viết này, mình chỉ lấy ví dụ trên để chứng minh:

- Nếu cha mẹ chỉ có suy nghĩ muốn con trở thành 1 người bình thường, thì dĩ nhiên, họ không thể nuôi dạy 1 đứa con có hoài bão

- Nếu cha mẹ không chắc mình có làm được điều gì to tát hay không, thì dĩ nhiên họ không dám nghĩ điều gì lớn lao cho đứa con

- Nếu cha mẹ không đủ tự tin, thì không thể nuôi dạy 1 đứa con tự tin

- Nếu cha mẹ chỉ lấy những tấm gương của bác muối dưa, bác giúp việc, anh photo làm gương cho con, thì cuộc đời con cũng chỉ đặt tầm nhìn đến đó

Tác giả là giảng viên dạy môn văn, trò chơi câu chữ gieo vần nghe chừng hay ho lắm, nhưng kỳ thực, logic của nó khá bất ổn.

- Trong hàng triệu triệu phụ nữ VN ít học, nhọc nhằn buôn gánh bán bưng, người nấu xôi, người muối mắm; có bao nhiêu người có tay nghề tuyệt đỉnh công phu để khách hàng đến mua đông nghìn nghịt? Bao nhiêu người đang buôn bán hẩm hiu, ế ẩm và sống cuộc đời vô cùng khốn khó?

- Và liệu, khi lấy hình ảnh bà bán dưa làm tấm gương cho con, tác giả có nghĩ rằng, con mình, có đủ tài năng bẩm sinh để tạo ra 1 món ăn dân dã, bình dân, nhưng lại nổi danh thiên hạ để người người kéo đến xếp hàng, chầu chực để mua hay không? Sao không nghĩ đến viễn cảnh: con mình sẽ trở thành 1 người bình thường đúng nghĩa: học hành bình thường, năng lực bình thường, nấu ăn bình thường, ngoại hình bình thường, gia cảnh bình thường. Đừng so sánh đứa con bình thường của mình với bà bán dưa ngon xuất sắc đó. Tay nghề của bà ấy đạt đến mức phi thường, thì mới thành công đến vậy.

- Lòng thán phục về việc lau nhà sạch của bác giúp việc, lòng biết ơn sự tận tuỵ của anh photo: có tạo ra sự khác biệt lớn nào về thu nhập cho 2 người đó không? Có giúp cho 2 người đạt được mức thu nhập ổn định để có cuộc sống sung túc không? Hay chỉ là cảm tính suông mà thôi, nhưng hễ phải trả gía cao hơn 1 xíu thì bắt đầu kỳ kèo đắt rẻ?

- Hơn hết, xã hội này, có bao nhiêu người thật tâm biết ơn và thán phục người giúp việc và anh photo? Nếu xã hội ai ai cũng biết ơn, cũng trân quý công sức của người khác thì thế giới này quả là thiên đường. Nhưng thực tế, xã hội ngày càng hỗn loạn, ngay cả thầy cô đang dạy cho con họ, hoặc thậm chí bác sĩ đang chữa bệnh cho họ; mà còn bị các “thượng đế” xông vào chưởi bới, tấn công khi họ chưa hài lòng.

Nói gì thì cũng nên thực tế một xíu, làm sao có thể kỳ vọng người đời ai ai cũng biết ơn và thán phục cô lao công, anh bảo vệ hay những người thuộc tầng lớp lao động tay chân.

- Bản chất của công việc lau nhà và photo đó có quá khó khăn, phức tạp và khan hiếm nguồn lao động để xã hội phải trả lương cao, phải đưa ra các phúc lợi hấp dẫn hay không? Hay là chỉ cần mua con robot tự động là xong. Và chỉ cần trả tiền cao hơn 1 xíu là có người photo phục vụ giao hàng tận nơi?

- Bác giúp việc hoặc anh photo có thể làm việc với các điều kiện như nhân sự tri thức hay không: tuần 5 ngày, nghỉ phép 12 ngày/ năm và hưởng đầy đủ bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và có nhiều cơ hội thăng tiến, tăng lương?

(Thế mới nói, học môn Văn, ngoài học văn sáng tạo bay bổng, thì cũng nên cho HS học văn nghị luận, văn phân tích. Chớ văn chương bay bổng nhưng mà hư cấu quá thì ai đọc nổi kkk).

Sống một cuộc đời bình thường, cũng không phải là đáng chê trách. Nghĩ đơn giản thì cuộc đời bình thường cũng đáng sống mà. Nhưng với những người có hoài bão lớn, có khát vọng lớn, họ sẽ nhìn 1 góc nhìn khác: sống 1 cuộc đời tầm thường, nhạt nhẽo, vô vị như vậy, thì thật không đáng sống, thật uổng phí 1 kiếp người.

Chỉ là, nếu bạn muốn nuôi dạy 1 đứa trẻ có hoài bão, thì bạn cần có tư duy của một người có hoài bão.

Ngoài tư tưởng bình thường (hoặc tầm thường, tuỳ quan điểm) như trên, mình còn thấy nhiều PH có suy nghĩ hạn hẹp khác:

1/ "Hay không bằng hên"

Rất nhiều người lạm dụng câu này. Vừa để tự an ủi chính mình (khi mình chưa thành công), vừa để hạ thấp thành công của người khác (để đỡ bị cảm giác thua kém).

Theo mình, câu này nói cho vui cũng không nên nói. Vì nếu mình tin câu này là đúng, thì tiếp theo, mình sẽ suy nghĩ là “Có giỏi cho mấy mà không may mắn thì cũng vậy à”. Cứ thế, mình lại suy nghĩ tiếp “Phấn đấu để trở nên giỏi giang là việc rất cực, mà rốt cuộc cũng chả bằng người gặp may. Thôi thì phấn đấu nữa làm chi. Ngồi chờ may mắn đến là được”.

Thế rồi, bạn bỏ xó mọi thứ và trở thành 1 người ngồi chờ may mắn, y như chờ sung rụng vậy đó.

2/ "Không quan trọng kết quả, chỉ quan trọng hành trình"

Đây là một câu nói bao biện mà mình thấy nhóm theo đuổi ngành xã hội thường nói: miễn sao hành trình đi cùng nhau vui vẻ, hạnh phúc là được rồi, không quan trọng đích đến, không quan trọng kết quả.

Có 1 lần, mình bực quá, mình nói thẳng với 1 bạn GĐ Nhân sự - người hay nói câu này đến nỗi mình nghe nhàm tai luôn:

Nè em. Sếp giao chị DS năm nay là xxx tỉ, với đội ngũ bao nhiêu người đó. Gỉa sử, cuối năm, chị làm không đạt DS. Rồi chị đến gặp Sếp, chị cũng nói câu y như em:

“Sếp ơi, Sếp và team tụi em đã có 1 hành trình đi cùng nhau, làm việc cùng nhau rất vui vẻ trong suốt 1 năm qua. Điều đó mới quan trọng. Còn kết quả đạt hay không đạt mục tiêu đâu có quan trọng Sếp ơi. Thành công không quan trọng, kết quả không quan trọng, mục tiêu không quan trọng. Vui vẻ hạnh phúc mới là quan trọng anh ơi”.

Rồi em nghĩ, ông Sếp ổng vui vẻ ôm vai chị cười hehe tán thành, hay ổng chìa ra cho chị 1 tờ A4 - quyết định cho nghỉ việc?

Người có hoài bão luôn có mục tiêu và phấn đấu để chinh phục mục tiêu.

Người có hoài bão không bao giờ nguỵ biện bằng những câu nói hay ho nhưng vô nghĩa đó.

Người có hoài bão không bao giờ làm việc gì mà không mang lại kết quả.

3/ "Người ta nỗ lực kệ người ta, mình cứ từ từ hái hoa ngắm bướm, rồi cũng tới. Người ta đi xe hơi kệ người ta, mình cứ từ từ đi xe đạp, rồi cũng tới."

Mấy câu này mình nghe hoài luôn. Mà đi tới đâu thì hổng nghe nói haha.

Thế kỷ 21 rồi, mà còn mang truyện ngụ ngôn “Thỏ và Rùa” để kể.

Thế kỷ 21 rồi, Thỏ không còn lông bông lạc đường để Rùa qua mặt nữa đâu. Elon Musk chẳng những thành công nhanh chóng, mà còn không ngừng chinh phục các mục tiêu mới: từ xe hơi điện Tesla, đến phi thuyền SpaceX. Rùa nào mà theo kịp Elon Musk. Xe đạp nào mà đuổi kịp Tesla với SpaceX.

Nếu bạn là người nghĩ lớn, mơ ước, khát vọng lớn, thì bạn hẵng biết, để thực hiện ước mơ lớn lao đó, bạn cần phải có nỗ lực lớn hơn người bình thường.

Ước mơ càng lớn, hoài bão càng lớn, thì nỗ lực phải càng lớn.

Người ta phấn đấu 1, bạn phải nỗ lực gấp 2, gấp 3, gấp nhiều lần. Chớ không phải cứ rủng rỉnh cà rịch cà tàng, đạp chiếc xe cà tàng cà lụi mà đòi chinh phục khát vọng lớn lao. Ở đó mà mơ đi cưng.

Ước mơ lớn lao, mà thực hiện làng nhàng, thì ước mơ đó suốt đời chỉ là mơ ước viễn vông.

Mang hoài bão bước ra thế giới, mà cứ đi tà tà tận hưởng hành trình rong chơi vui vẻ, rồi tà tà đạp xe dạo chơi hái hoa bắt bướm, thì chỉ đi được từ đầu làng đến cuối làng, chớ xe đạp thì đi xa tới đâu mà mơ mộng.

Nuôi mộng lớn, mà nỗ lực bé xíu, thì chỉ nên quanh quẩn ở luỹ tre làng thôi bạn nhé.

"Người ta học hành chăm chỉ, nỗ lực kệ người ta, mình cứ học từ từ rồi cũng sẽ đến thành công". Có phải thật vậy không?

Rất tiếc là, khi bạn học kiểu thong thả dạo chơi đó, thì hàng triệu bạn bè đang nỗ lực học hành nghiêm túc hơn nhiều. Và cánh cửa cơ hội chỉ mở ra cho những bạn học tốt nhất, hoặc học tốt hơn mình.

Những năm trước, thi tuyển vào cấp 2, yêu cầu đầu vào chỉ là Flyers 15 khiên. Nhưng bây giờ, số lượng các con có KET, PET và FCE đã quá nhiều. Liệu tiêu chuẩn Flyers 15 khiên có còn giúp bạn đạt mục tiêu?

Để có Flyers 15 khiên, mình có thể học bao lâu cũng được. Người ta học 3 năm, thì học 5 năm cũng có cc Flyers 15 khiên mà. Nhưng, kỳ xét tuyển vào cấp 2 thì chỉ có 1 lần thôi.

Ngày xưa, điểm IELTS 6.5 là ngon rồi. Bây giờ IELTS 8.0 đầy ra.

Ngày xưa, SAT 1.500+ là có học bổng. Bây giờ, SAT tuyệt đối 1.600/ 1.600 đầy ra.

Ngày xưa, các đề thi cũ các năm trước của kỳ thi Hoá học Hoàng Gia Úc (mà nhà mình mua cho K làm thử) rất dễ. Nhưng càng ngày, càng nhiều nước tham gia, càng nhiều học sinh tham gia, đề thi mỗi năm mỗi khó.

Mục tiêu của mình cũng vậy, càng lúc càng khó đạt. Chớ không phải mục tiêu mãi mãi giữ y như cũ, mà cứ thế từ từ mà làm.

Đồng ý là cta có 1 đời để học bất cứ thứ gì mình muốn: học tiếng Anh, học Toán Lý Hoá... Mình có 1 đời để thi IELTS, hoặc mình muốn thi SAT lúc nào cũng được.

Nhưng, bạn có nghĩ bạn dành cả 1 đời để apply vào đại học? Không được năm nay, năm sau ta apply tiếp? Và tiếp nữa cho năm sau nữa?

Bạn hãy hình dung qua một ví dụ khác:

Bạn muốn mua một căn nhà. Lúc đó, giá nhà là 2 tỉ. Bạn nghĩ, công việc mình hiện nay có mức lương cũng ổn, mình không cần phải phấn đấu vất vả để kiếm nhiều tiền đâu. Mình chỉ cần để dành tiền 10 năm là đã đủ mua nhà. Thế là, bạn cứ tà tà sống 1 cuộc đời bình thường, mà không cần nỗ lực. Trước sau gì mình cũng mua được nhà. Chỉ là chậm hơn người ta vài năm thôi.

Thế rồi 5 năm sau, 10 năm sau. Khi bạn đã có đủ 2 tỉ, thì lúc đó, căn nhà đã lên mấy tỉ? Bạn lại lên kế hoạch lần 2, lần 3 để mua nhà. Và bạn hãy nghĩ, với mức lương hiện tại, bạn sẽ để dành 20 hay 30 năm để mua được nhà?

Cuộc đời cũng vậy. Mục tiêu của bạn không phải chứa các tiêu chí bất biến, ổn định trường kỳ với thời gian. Không phải chỉ cần bạn làm tà tà, thì dù trong bao lâu, bạn vẫn sẽ đi đến đích và đạt được mục tiêu.

Cuộc đời như 1 dòng chảy, mọi vật đều chuyển động, thế giới luôn chuyển động, và chuyển động với vận tốc tăng dần. Khi bạn đứng lại thì bạn đã bị bỏ lại. Khi bạn chậm 1 nhịp là bạn đã bị bỏ xa rồi. Bài toán cuộc đời không phải là phép tính cộng trừ đơn giản như bạn nghĩ.

Trâu chậm thì uống nước đục.

Là người đến sau, bạn chỉ có thể thấy bữa tiệc đã tàn. Và vai trò của bạn, nếu được phân vai, sẽ chỉ là người dọn dẹp cho bữa tiệc của người khác.

Nếu bạn là người có hoài bão, thì nhất định phải nỗ lực phấn đấu để đạt được hoài bão.

Nếu bạn là người có khát vọng, thì nhất định phải nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực.

Đừng bao giờ tự ru ngủ bản thân bằng những truyện ngụ ngôn lỗi thời.

Có rất nhiều các câu tương tự như vậy trên mạng xã hội. Những câu nói sáo rỗng đó không giúp bạn nuôi dạy thành công 1 đứa con có hoài bão. Hãy tránh xa nó.

KẾT LUẬN:

- Để nuôi dạy 1 đứa con có hoài bão, trước hết, bạn phải là người có hoài bão. Dám nghĩ lớn. Dám mơ lớn.

- Ước mơ càng lớn, khát vọng càng lớn; thì nỗ lực phải càng lớn.

- Bạn đừng ru ngủ bản thân bằng những câu triết lý nguỵ biện. Đừng huỷ hoại ý chí của chính mình và con mình từ trong trứng nước.

- Đừng bao biện cho bản thân. Nếu bạn không đủ giỏi để định hướng cho con, hãy tìm kiếm và học hỏi để trở thành 1 bậc cha mẹ đủ tốt để dẫn dắt con.

- Đừng an phận thủ thường. Một tư duy tầm thường không bao giờ xứng tầm với những hoài bão và khát vọng lớn lao.

P/S: bài viết của Giảng viên Khoa Ngữ văn:

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 09, 2024

0 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL