Bài 8 – Con Sẽ Biết Ơn Khi Được Nuôi Dạy Để Trở Thành Người Có Hoài Bão

Hoài bão là một đặc tính không thể thiếu của người thành công. Trong tiếng Anh, hoài bão là “ambitious”, cũng đồng nghĩa với “tham vọng” hoặc “khát vọng”.

Một người có hoài bão, cũng là người có khát vọng hoặc tham vọng.

Nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực là tham vọng, đó một người tham lam, không bao giờ biết đủ, sẽ bất chấp mọi thứ để thoả mãn lòng tham của mình.

Nếu theo hiểu nghĩa tích cực là “khát vọng”, đó một người không bao giờ tự thoả mãn với bản thân; luôn luôn muốn tốt hơn nữa, luôn tìm cách để làm tốt hơn nữa. Luôn có mục tiêu cao hơn, luôn phấn đấu nỗ lực hơn.

Để đạt được mục tiêu cao hơn, cần có tinh thần cầu tiến, luôn mong muốn cải thiện bản thân, hoàn thiện bản thân để tốt hơn, giỏi hơn. Nữa và nữa.

Nếu bạn là người kết bạn hoặc follow mình đủ lâu, hẳn bạn nhận ra ngay điều này. Mình là người vô cùng cầu tiến, mình không bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được, đặc biệt về công việc và kiến thức.

Mình vẫn biết, so với mặt bằng chung, mình đã làm tốt nhiều thứ rồi; nhưng mình luôn luôn tìm cách để làm tốt hơn.

Đó là lý do mình luôn tìm ra app học Tiếng Anh hay hơn, một bộ giáo trình xịn xò hơn, suy nghĩ để cải thiện phương pháp hiệu quả hơn, xác định những mục tiêu khôn ngoan hơn, cân nhắc sử dụng nguồn lực về tiền bạc và thời gian hữu hiệu hơn…

Mình suy nghĩ về mọi thứ mình có thể làm, để làm sao đạt kết quả tốt nhất, mà ít tốn kém nguồn lực nhất.

Thói quen này, vốn đã có trong máu huyết của mình. Nhưng, mình cũng đã được trải qua 1 bài học thực tế, giúp hình thành nên tính cách này cho mình, suốt đến bây giờ.

Nhớ ngày xưa, lúc mình còn là Magazine Director cho 1 tạp chí của tập đoàn đa quốc gia, mình được tập đoàn thuê hẳn 2 chuyên gia Media thứ thiệt từ nước Anh qua để cố vấn và “chuyển giao quy trình” sản xuất và phát hành nội dung truyền thông cho mình (nên kỹ năng viết lách và kiến thức về mảng truyền thông của mình có được là từ kinh nghiệm làm việc thực chiến + cố vấn tại chổ từ các chuyên gia hàng đầu của Anh). Đó là những kiến thức sống động và quý giá mà ít ai có cơ hội có được.

Cô chuyên gia người Anh, đồng thời được xem là sếp chuyên môn của mình, là người sẽ duyệt tất cả những gì mình thực hiện. Tuy mình là Director, triển khai công việc cho cả đội ngũ mấy chục người, nhưng mình có 2 sếp trực tiếp: sếp nội bộ là cô chuyên gia người Anh đó, và 1 cô Giám đốc truyền thông của tập đoàn.

Cô GĐ Truyền thông của tập đoàn dễ thương bao nhiêu, thì cô chuyên gia Media người Anh khó tính chằn ăn bấy nhiêu.

Trước khi tung sản phẩm đầu tiên của mình, là cuốn tạp chí, trước khi đưa qua cho cô GĐ Media của tập đoàn duyệt, thì cô chuyên gia người Anh sẽ duyệt trước.

Launching tạp chí của tập đoàn là 1 sự kiện lớn nhất, quan trọng nhất của tụi mình lúc đó. Lúc đó, khi đã xong hết rồi, tụi mình đã cho in ấn hết rồi, chỉ còn giờ giao qua cho bên phân phối là cty Trường Phát (vốn là nhân sự từ báo Tuổi Trẻ tách ra làm riêng), mình đang thành phẩm đến cho cô chuyên gia.

Xem một hồi lâu, ngẩng lên, cổ hỏi mình:

- Hương, you xem lại đi. Rồi you nói thật lòng cho tôi nghe, you có thể làm tốt hơn được không?

- Yeah… (mình ậm ừ rồi thừa nhận) Yes, nếu được làm lại, tôi hoàn toàn có thể làm tốt hơn (mình nói vậy là ý muốn nói kỳ sau, tạp chí số sau, mình sẽ làm tốt hơn)

Ai dè, cổ tỉnh rụi phán cho mình 1 câu:

- Vậy you làm lại đi!

Mình hốt hoảng:

- Hả, chỉ còn 3 ngày nữa là báo phải lên sạp rồi mà (đây là tạp chí tháng, nên tụi mình in sớm trừ hao, ai dè…)

- 3 ngày vẫn làm được mà. Tôi biết you có thể làm được.

Mình chới với, nhìn cổ trân trân. Cổ nhìn lại mình, bình tĩnh, nhẹ nhàng như không có gì xảy ra vậy đó. Chu choa mạ ơi, vứt đi hàng chục ngàn cuốn tạp chí, rồi in mới lại hoàn toàn, có nghĩa là tiêu tốn mấy trăm triệu lận đó (tập đoàn đa quốc gia mà, nhiêu đó là tiền lẻ). Với ánh nhìn kiên định của cổ, mình biết là cổ đã quyết. Mình không từ chối được.

Yes, mam. Làm thì làm.

Mình họp team lại, thảo luận và phân việc cho mọi người, phải hoàn thành việc edit bài vở, layout mới xuôi xong trong vòng 2 ngày (khối lượng CV mà tụi mình mất 2 – 3 tuần để làm trước đó). Rồi mình liên hệ với nhà in Lê Quang Lộc, để xếp lịch in vừa khớp, sau cho vừa in xong thì giao báo cho bên cty phân phối vào lúc 4h sáng. 5 giờ sáng thì báo sẽ được chuyển đi khắp nước.

2 ngày liên tục, mình ăn ngủ tại cty. Lúc đó, may là mình là sếp, mình có phòng riêng, có sofa để ngủ. Ngày thứ 3, mình qua nhà in để canh in vỗ bài, và cũng ngủ tại nhà in (vì in ban đêm cho kịp).

Dĩ nhiên, sản phẩm lần sau tốt hơn lần trước. Cô chuyên gia hài lòng, cô GĐ Media bên tập đoàn hài lòng. Mấy sếp tầng tầng lớp lớp ở trên cũng hài lòng. Mà người hài lòng nhất là mình.

Mình cảm thấy mình đã vượt qua giới hạn của bản thân, năng lực của mình đã vượt lên 1 level khác, sức chịu đựng của mình dưới áp lực cao đã tăng lên 1 level khác: sắp xếp phân bổ công việc như cái núi làm sao gọn trong vòng 2 ngày, giao từng đầu việc cho từng đầu người, giao trách nhiệm, quản lý thời gian chặt chẽ mỗi 15 phút, kiểm soát chất lượng bài vở lần cuối, động viên nhân viên, thương lượng với đối tác in ấn, phối hợp với hệ thống phân phối hiệu quả, an toàn để phát hành tạp chí đúng hạn. Trong vòng 3 ngày. Hoàn thành vượt mong đợi.

Mình đã được tập đoàn khen thưởng lớn sau lần launching đó.

Ngành báo chí truyền thông có 1 áp lực rất lớn là thời gian. Bất kể chuyện gì xảy ra, cứ đúng ngày thì báo chí phải phát hành; mà đúng giờ thì chương trình, bản tin truyền hình phải phát sóng.

Nếu ai không chịu nổi áp lực thời gian, thì không thể trụ nổi trong ngành truyền thông.

Bài học thực tế trên đã dạy cho mình 2 điều:

- Trong tất cả mọi thứ, chúng ta đều có thể làm tốt hơn

- Nên suy nghĩ tìm cách để cải thiện tốt hơn, cho bất cứ việc gì mà mình có thể

Trong việc nuôi dạy con cái, mình cũng áp dụng y như vậy. Mình luôn muốn tốt hơn. Mình luôn muốn nhiều hơn. Mình luôn nghĩ lớn hơn.

- Nếu bạn muốn con trở thành 1 người bình thường, lau nhà sạch như cô giúp việc; thì mình mong muốn con mình trở thành một trong những người phát minh hoặc sản xuất ra con robot lau nhà.

- Nếu bạn muốn con mình trở thành 1 anh chàng photo, thì mình mong muốn con mình trở thành một thành viên của đội ngũ phát minh, sản xuất và phân phối máy photo trên khắp thế giới; hoặc con trở thành người viết app chụp hình sách bằng điện thoại và in ra luôn, mà không cần đi photo.

- Nếu bạn muốn con mình giống bà bán dưa (với bí quyết làm dưa ngon) thì mình mong muốn con mình xây dựng một thương hiệu thực phẩm truyền thống của VN, được phân phối ở khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.

Bạn muốn con là người bình thường, bạn không sai. Nhưng mình muốn con mình là người giỏi giang, có năng lực cao, thì cũng đâu có sai.

Bạn là 1 cha mẹ bình thường, ban mong muốn con trở thành người bình thường. Nhưng mình là cha mẹ có hoài bão. Mình có mục tiêu lớn hơn rất nhiều.

Và mình không chỉ ngồi đó mơ mộng. Mình cố gắng làm tốt hơn, trong từng chuyện nhỏ của con.

- Nếu bạn chỉ muốn con mình chơi đóng vai cô giáo, thì mình đã cho bé K thực sự dạy kèm các em môn Social Study theo giáo trình của Mỹ, để con thực hành nhiều kỹ năng phức tạp: xem bài, chuẩn bị bài, giảng bài, đặt câu hỏi, giải thích, cho ví dụ, động viên em, giao cho em bài tập, chấm bài, báo cáo cho phụ huynh...

- Nếu bạn chỉ muốn cho con bạn chơi đánh trận giả, thì mình cho K tham gia Debate, tham gia MUN, giữ vai trò các nước trên thế giới, thảo luận và tranh luận về chương trình nghị sự trong cuộc họp mô phỏng của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

- Nếu bạn chỉ muốn cho con tụ tập với bạn bè trong lớp, thì mình cho K tham gia diễn kịch bằng tiếng Anh hàng tuần, với bạn bè đến từ nhiều nước.

- Nếu bạn chỉ muốn con mình đọc truyện giải trí, thì mình cho K lặn ngụp trong một danh sách dài những tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam và tác phẩm kinh điển của thế giới.

- Nếu bạn chỉ muốn cho con vui vẻ với những thú vui bình thường: chơi game, xem tivi, Youtube, Tiktok…; thì mình giúp K vui vẻ, ngập tràn hưng phấn và tăng cao động lực khi con đạt các kết quả cao, đạt thành tích cao trong học tập.

Trong bất cứ việc gì có thể, mình đều đặt mục tiêu cao hơn. Cũng với lượng thời gian đó, bạn việc bình thường. Mình chọn việc khó hơn, mục tiêu cao hơn.

- Khi bạn đưa con đi du lịch theo tour, thì mình hướng dẫn K tự đi phượt, tự khám phá thế giới mà không cần ai dẫn đường.

- Khi bạn đưa con đi ăn uống ở nhà hàng sang trọng, thì mình đã khuyến khích K tìm hiểu nét văn hoá ẩm thực địa phương độc đáo của mỗi nơi con đến.

- Khi bạn đưa con đi du lịch và dừng lại những danh lam thắng cảnh chỉ để chụp hình, thì mình đã khuyến khích K đọc và hiểu biết sâu sắc về các di tích lịch sử và các nền văn hoá, văn minh ở những nơi con đến.

- Khi bạn đưa con vào bảo tàng để lướt qua ngắm nhìn tranh và tượng đẹp đẹp, thì mình đã khuyến khích K đọc và hiểu về các tác phẩm nghệ thuật và danh hoạ nổi tiếng thế giới.

- Khi bạn đưa con đến check-in thành phố nổi tiếng trên thế giới và đi lang thang trong các khu shopping hàng hiệu xa hoa, thì mình khuyến khích K leo núi, băng qua sa mạc, khám phá thiên nhiên hùng vĩ.

Những việc bình thường mà bạn muốn con làm, thì ai ai cũng làm được, chỉ cần có thời gian và có tiền là làm được.

Nhưng những việc mà mình khuyến khích K làm, thì cần có đam mê, cần thời gian để thẩm thấu, cần trải nghiệm vất vả.

Con mình và con bạn, chưa chắc ai vui hơn ai. Chưa chắc ai hạnh phúc hơn ai. Chưa chắc niềm vui và hạnh phúc của ai bền vững hơn ai.

Chưa kể, bây giờ và sau này, mình còn đạt nhiều mục tiêu cao hơn nữa.

- Giờ đây, khi nhiều bạn phải chạy trường, phải lo lót phong bì (ít thì 20, trung bình 50, mà đắt thì 100 củ) để con vào ngôi trường tốt, thì mình có thể giúp con vào được bất cứ ngôi trường nào con thích.

Thành tích của con là dư yêu cầu để được nhận vào trường điểm/ trường chất lượng cao, trường chuyên thì con thi dư sức đậu, mà trường quốc tế cũng cấp học bổng mời con vào. Lúc này, chưa biết ai vui vẻ, hạnh phúc hơn ai?

(Mấy trường hợp này mình thấy nhiều rồi, có nhiều bạn mở miệng là nói em không cần con học nhiều, không cần con học giỏi; em chỉ muốn con học vui, đi học phải vui, học trong hạnh phúc. Nhưng rồi chính bạn phụ huynh ấy phải méo miệng chạy tiền để chạy trường cho con).

- Trong tương lai, với một đứa con có năng lực bình thường, rất có thể bạn sẽ phải nhờ vả mối quan hệ người quen, để xin 1 công việc tốt cho con.

Phần mình, mình đã khuyến khích con ngay từ sớm, từ khi con còn đi học: con làm dự án thực tế, con thực tập ở cty; hoặc con làm các dự án cộng đồng. Sau này, con ra đời, con tự thân mà tìm việc, kiếm việc, và mình không bao giờ phải lo nghĩ về việc phải nhờ vả người quen để xin việc cho con.

- Trong tương lai xa, khi mà đứa con bình thường của bạn trưởng thành, kết hôn và cần mua nhà, rồi sinh con đẻ cái. Với thu nhập tương ứng năng lực bình thường của con, mình đoán là bạn sẽ phải đau đầu tính toán để giúp đỡ tiền bạc cho con cưới vợ, giúp con mua nhà, rồi lại phải phụ giúp tiền bạc để nuôi cháu.

Còn mình, mình sẽ làm ngược lại. Mình tuyệt đối không bao giờ cho tiền bạc gì cho con cái, mà mình sẽ yêu cầu con phải tài trợ cho những thứ mẹ cần.

Không chỉ vậy, mình sẽ hỏi con ủng hộ mẹ bao nhiêu để mẹ giúp đỡ cộng đồng, cấp học bổng cho các em khó khăn. Mình sẽ hỏi han con xem, con có thể dành bao nhiêu thời gian, để dạy học và giúp đỡ miễn phí cho cộng đồng. Thậm chí, mình sẽ đòi hỏi con dành thời gian để làm mentor dìu dắt cho các em cần con giúp đỡ.

Bạn chọn bình thường, bạn có niềm vui và lo toan của bạn. Mình chọn hoài bão, mình có niềm vui và vất vả của mình.

Với mục tiêu cao, chắc chắn mình vất vả hơn các bà mẹ bình thường. Và con mình cũng vất vả hơn các bạn bình thường.

Hoài bão càng lớn, thì nỗ lực càng lớn, nhưng niềm vui cũng lớn.

Mình là người mẹ có hoài bão. Và mình cũng đang nuôi dạy 1 đứa con có hoài bão.

Đó là lựa chọn của mình. Và mình biết, mình tin, con mình sẽ vô cùng hạnh phúc và cảm ơn về sự lựa chọn của mẹ.

 

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 10, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL