Chọn Ngành Để Học, Chọn Nghề Để Làm

1. Chọn Ngành Để Học, Chọn Nghề Để Làm

Vấn đề chọn ngành học và hoạch định hướng nghiệp cho tương lai con cái luôn luôn là 1 vấn đề hóc búa, mơ hồ cho cả cha mẹ lẫn các con. Kết quả có sự ảnh hưởng nhờ may mắn rất nhiều. Nếu may mắn thì quá mừng. Mà nếu lỡ dỡ, thì rất tội cho con.

Mình viết loạt bài này, để chia sẻ các kinh nghiệm đúc kết, từ quá trình nuôi dạy con cái, đến vai trò là Leader dẫn dắt cả ngàn nhân viên (tính trong suốt cuộc đời đi làm của mình) và những năm gần đây là hỗ trợ tư vấn cho cha mẹ và các con trong vấn đề định hướng nghề nghiệp.

Sự thành công khi vào đời của 1 người trẻ là kết quả của:

- 1 hành trình dài học tập

- Nền tảng giáo dục gia đình

- Môi trường học thuật của con

- Bối cảnh xã hội nơi con sống

- Gene di truyền của gia đình

- Trình độ học vấn và tư duy của cha mẹ

- Điều kiện tài chính của gia đình

- Địa vị xã hội của cha mẹ

Tất cả các yếu tố ấy đều tạo ra sự ảnh hưởng, đan xen vào nhau, trong 1 quá trình dài, tác động một cách tinh vi và phức tạp vào sự phát triển và thành công của 1 con người.

Nuôi dạy và định hướng cho con cái không bao giờ là 1 việc đơn giản. Nếu nghĩ đơn giản “Thôi, cuộc đời của con cứ để con tự quyết và tự chịu trách nhiệm” thì cũng xong. Nhưng nghĩ lại, người lớn tụi mình còn biết nó khó đến vậy, ngay cả người lớn cta còn hoang mang, thì việc để trẻ đơn độc trong hành trình phát triển bản thân thì quả là tội nghiệp cho con.

Mình thì nghĩ “Trong khả năng của mình (về sự hiểu biết, tài chính, thời gian…), mình sẽ cố gắng hết sức để đồng hành với con. Mình không áp đặt con, nhưng cũng không bao giờ để con phải đơn độc. Mình sẽ cố gắng cùng con trao đổi, thảo luận và tìm kiếm con đường mà cả cha mẹ và con đều hài lòng: con yêu thích, cha mẹ an tâm. Và cha mẹ sẽ cố gắng hỗ trợ con tối đa trên con đường con chọn.

Những việc còn lại như: con có vất vả không, con có thành công không, thì còn tuỳ thuộc vào may mắn nữa. Tuỳ vào phước đức của gia đình. Tuỳ vào phúc phần của đứa nhỏ. Tuỳ vào Ơn Trên ban cho.”

Trong tâm tình này, mình sẽ cố gắng dành thời gian để viết loạt bài chia sẻ thêm các góc nhìn, các phân tích của mình, đứng trên các vị trí:

- Là 1 phụ huynh của 3 con

- Là 1 người từng kinh qua nhiều loại công việc để mưu sinh: lao động tay chân, lao động tay nghề, bán hàng, viết lách, báo chí, truyền thông, marketing, nghiên cứu thị trường, huấn luyện đào tạo

- Là 1 người từng làm qua các ngành hàng: hàng tiêu dùng, nước giải khát, bia rượu, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, bất động sản, ngành bán lẻ, thương mại điện tử, giáo dục

- Là 1 người lao động trí óc, có hành trình phát triển bản thân từ 1 nhân viên đến quản lý cao cấp

- Là 1 người quản lý cấp trung - cao, hơn 20 năm kinh nghiệm tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân viên

- Là 1 sử dụng lao động cho cty riêng của mình

- Là 1 người tư vấn/ cố vấn cho các nhân sự cấp cao: trong quá trình mình làm công việc hoạch định chiến lược, mình làm việc trực tiếp với Founder, CEO hoặc Director

- Là 1 người cố vấn cho các giáo viên giỏi trong lĩnh vực giáo dục với kinh nghiệm 4 năm

- Cuối cùng, mình tự hào là 1 người bạn đồng hành với hàng ngàn PH trong hơn 4 năm qua

Trong suốt cuộc đời đi làm của mình, mình đã từng gặp gỡ, chứng kiến, hoặc va chạm và đối mặt với:

- Những người có bằng cấp ĐH, trường chính quy xịn xò, nhưng gần như thất nghiệp cả 1 đời.

- Những người có 10 bằng cấp (ĐH lẫn Thạc sĩ, Tiến sĩ), nhưng vẫn vô cùng khó khăn khi tìm job, và vì vậy, phải học lên Tiến sĩ để đi dạy ở các trường ĐH tư, nhưng vẫn gặp gian nan không ít.

- Những người làm trái nghề. Có người làm trái nghề thành công. Có người làm trái nghề, thử đủ thứ nghề, nhưng vẫn không trụ được lâu với nghề nào.

- Có người vừa làm việc, vừa đau khổ và căm ghét công việc đang làm.

- Có người thành công bền vững. Có người lên voi xuống chó, bạo phát bạo tàn. Lúc gặp thời thì giàu nhanh, lúc hết thời thì bỏ xứ trốn nợ.

- Có người vì công việc miếng cơm manh áo mà phải hy sinh bản thân, thậm chí hy sinh hạnh phúc con cái.

- Có người mãi mãi chỉ làm nhân viên, không thể làm quản lý, càng không thể làm lãnh đạo.

- Có người giỏi chuyên môn, nhưng thiếu kỹ năng. Nên gặp nhiều khó khăn trong công việc.

- Có người giỏi kỹ năng, nhưng thiếu kiến thức nền tảng. Nên rất khó thăng tiến.

- Có nhiều người, tuy chuyên môn và kỹ năng đều ổn, nhưng tư duy hoặc bảo thủ, hoặc ngắn hạn, hoặc hẹp hòi, hoặc lệch lạc. Nên sự nghiệp trắc trở suốt đời, nhảy cóc triền miên, từ đổi job đến đổi cty liên tục.

- Có người thiếu trí thông minh xã hội, nên làm bất cứ loại công việc nào có sự tương tác giữa người với người thì đều gặp vấn đề.

- Có người rất độc hại nhưng không biết mình đang độc hại, mang lại khốn khổ cho nhiều người liên quan. Nhân viên độc hại thì gây xào xáo nội bộ. Sếp độc hại thì tạo ra môi trường làm việc độc hại, gây stress cho cả công ty.

- Có những người chỉ biết học và thuộc lào lào kiến thức lý thuyết. Nhưng khi đụng chuyện thì bị đời vả sấp mặt.

- Có những người lúc đầu thì quá tự tin và ảo tưởng sức mạnh bản thân, nhưng phần đời còn lại thì trầm cảm vì liên tục thất bại.

- Có vài người tự đặt ra giới hạn bản thân. Họ luôn nghĩ như vậy là được rồi, cuộc đời không cần phải phấn đấu, với suy nghĩ “cố quá thành quá cố”; nhưng họ không nhận ra là họ chưa từng cố gắng nỗ lực 1 chút nào.

Mình mong muốn con cái chúng ta sau này, giảm đi rủi ro gặp phải những vấn đề không hay như trên. Mong sao con cái mình đừng trở thành 1 trong những người thất bại như trên. Mong sao con đường vào đời của tụi nhỏ được sự đồng hành và định hướng của cha mẹ, chớ đừng để con phụ thuộc vào may rủi. Như mình.

Mình trưởng thành trong nghèo khó. Gia đình mình lúc nhỏ rất khó khăn, mình phải làm việc lao động tay chân từ năm 10 tuổi. Mình đã phải làm việc tạo thu nhập cho gia đình từ khi còn đi học. Ra đời mình cũng làm rất nhiều loại công việc, va chạm với đủ thứ người.

Trong môi trường lao động bán chất xám, mình đi lên từ nhân viên cấp thấp nhất, cho đến vị trí National/ Country Manager, từ công ty VN, Châu Á, đến Châu Âu, Mỹ và tập đoàn đa quốc gia. Mình có vài sếp dễ thương, vài sếp không tốt và mình cũng từng xui rủi gặp sếp độc hại. Bản thân mình cũng từng là 1 người sếp tệ, sếp chưa đủ tốt, rồi từ từ mình mới rút kinh nghiệm, học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Vì vậy, góc nhìn của mình rất thực tế. Mình không chỉ nói lý thuyết suông với các bạn. Đôi khi mình trình bày cho các bạn thấy nhiều góc khuất trần trụi và tàn nhẫn của đời sống thực tế.

Hy vọng những chia sẻ của mình giúp các bạn có nhiều góc nhìn để tham khảo trong công việc nuôi dạy và định hướng cho con. Không có gì là tuyệt đối. Càng không có gì là hoàn hảo. Các bạn đọc và chiêm nghiệm series này của mình nhé.

2. Bắt Đầu Định Hướng Nghề Nghiệp Cho Con Khi Nào Là Tối Ưu:

Trước khi vào các phân tích sâu và cụ thể, mình đưa ra 1 số vấn đề bao quát mà PH nên có sự hiểu biết đúng đắn ngay từ đầu, giúp PH đỡ rối ren khi vào sâu vào trường hợp cụ thể của từng đứa trẻ.

Nên bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho con từ khi nào?

Đây là 1 câu hỏi được PH đặt ra trong link đăng ký zoom, mà mình thấy rất hay.

Là mình, mình bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về định hướng nghề nghiệp cho bé K ngay khi con vào lớp 6. Theo mình, đây là thời gian lý tưởng. Vì sao?

Lớp 6 là năm đầu tiên để mình tạo nền tảng cho con. Nếu cta làm tốt phần này, thì khi con vào highschool, con sẽ chọn tổ hợp môn chính xác hơn.

Ở lớp 6, ta vẫn còn thời gian để áp dụng pp “Thử và Sai”. Con có thể thích môn này và không thích môn kia. Nhưng sở thích, hay nhận định yêu-ghét của trẻ con thường bị ảnh hưởng bởi bạn bè, thầy cô, hoặc trào lưu xã hội.

Con có thể thích làm Youtuber/ Tiktoker vì lướt mạng nhiều và bị ảnh hưởng bởi sự hào nhoáng của những người nổi tiếng. Con có thể ghét môn khoa học vì GV ở trường dạy chán quá và SGK thì khô khan, khó hiểu. Con có thể thích học Business, chỉ vì con thích kiếm tiền, thích thật giàu có, muốn mua gì cũng được – như bạn bè giàu có của con.

Những sở thích của con, có thể đúng và sai, hoặc hoàn toàn có thể là do con chưa biết được những điểm mạnh/ tiềm năng của con. Vậy cta cần cho con tự trải nghiệm qua “Thử và Sai” để con sàng lọc, tìm kiếm và khai phá tiềm năng mà chính trẻ cũng không biết là con đang có.

Lớp 6 là lúc bé còn chưa bộc lộ hết tố chất/ thiên hướng cá nhân. Cha mẹ nên tập trung để khai phá những khả năng tiềm tàng, những phẩm chất, những tiềm năng bên trong của con. Những "kho báu" này cần được cha mẹ dày công quan sát, tạo điều kiện, tạo môi trường để con có cơ hội bộc phá và phát triển.

Lớp 6 là thời gian bé còn nhỏ, chưa thật sự định hình quá rõ ràng. Và cha mẹ còn thời gian để rèn dũa, bồi đắp cho con.

Bắt đầu từ lớp 6 và có thể cần thêm năm lớp 7: chúng ta cần cho trẻ tiếp cận với các môn học thuật, tạo 1 môi trường học tập tối ưu nhất, để dẫn dắt con, để con trải nghiệm: học với giáo trình thật hay, với tutor thật giỏi, tutor dạy thật thú vị, và trải nghiệm đủ lâu (học ít nhất 6 tháng). Nếu mình đã làm tốt đến như vậy, mà con vẫn không thích, con vẫn chán nản và từ bỏ. Thì cta lại chuyển qua 1 môn học thuật khác.

Sau đó, lên lớp 8: chúng ta đã thực sự biết con mình có tiềm năng ở vài môn nào, mạnh ở môn nào, thiên hướng ra sao. Thì chúng ta tập trung đầu tư vào các môn đó. Học cho giỏi ở những môn trọng tâm này.

Nếu bạn làm được như vậy, thì lên cấp 3, bạn tự tin chọn tổ hợp môn cho con. Và rất thuận lợi để xây dựng lộ trình học tập tối ưu cho con (bổ sung những môn ngoại khoá, những kỹ năng quan trọng).

Ở 3 - 4 năm trung học, bạn cần mở rộng sự tìm hiểu ra thêm: từ các môn học chính của con, có thể dẫn đến những ngành học nào, những nhóm công việc nào. Trong quá trình phát triển cá tính/ tố chất của trẻ + năng lực học thuật của 3-4 năm trung học, bạn cần phân tích các cơ hội nghề nghiệp cụ thể hơn, sao cho gần sát với thiên hướng của con, phù hợp nhất với con.

Sáng nay mình có nhận lời gặp 1 – 1 với 1 cặp vợ chồng, là cha mẹ của 1 bạn đang học lớp 11 trường quốc tế đơn ngữ. Bạn nhỏ này học tốt, đang tham gia 2 lớp Bio (thầy Andy) và Chem (thầy Sơn). Bé học khá tốt, điểm GPA các năm luôn luôn trên 9.0, tiếng Anh của con tốt hơn TV và gia đình cũng rất có điều kiện.

Chỉ là, khi họ biết đến mình thì hơi muộn, nay bé đã học lớp 11 rồi, và thời gian còn lại để chuẩn bị rất nhiều các nhiệm vụ học tập, chuẩn bị profile thật tốt để apply vào trường ĐH chất lượng ở Mỹ, học ngành Bio-Chem, thì quả là khó, vì quá gấp.

Chưa kể là, tuy ngành học là Bio-Chem, nhưng thiên hướng của con là chọn ngành học (major) nào, con thích làm những job cụ thể nào của ngành Bio-Chem mênh mông đó. Đây toàn là những câu hỏi hóc búa.

Trường hợp này vẫn còn dễ dàng, là bởi bạn nhỏ này học khá tốt, con có định hướng và năng lực tốt khi học Bio-Chem và gia đình rất có điều kiện.

Nhưng nếu, con bạn đã vào cấp 3 rồi, bạn và con vẫn còn phân vân, loay hoay, không biết con sẽ học cái gì, sẽ chọn cái gì… thì xác suất rất cao là chỉ chọn đại, chọn bừa, chọn 1 thứ mà mình chỉ cảm thấy mơ hồ là ổn nhất thôi.

Không đủ thời gian để tìm hiểu, để phân tích, để so sánh. Càng không đủ thời gian để chuẩn bị về năng lực học thuật (khi muốn học những ngành có yêu cầu đầu vào cao).

Rồi sau đó, cứ chọn 1 trường ĐH nào đó đã, chọn 1 ngành nào đó đã Rồi sau đó, cứ vào học ĐH đã. Rồi sau đó, cứ tốt nghiệp ĐH đã. Rồi ra trường, cứ hãy bắt đầu tìm job, có job cái đã.

Job có thể trái ngành, có thể đúng ngành. Job có thể có triển vọng phát triển thăng tiến, và có thể gặp job không phù hợp, con ngập lặn trong stress. Hoặc bỏ việc. Và tiếp tục hành trình tìm kiếm job khác.

Chuỗi hành trình đó hoàn toàn phụ thuộc vào hên xui may rủi. Và số người đã từng đi qua con đường đó rất rất nhiều. Và từ đó, hình thành lên 1 truyền thuyết “nghề chọn người, chớ người không chọn nghề”.

Mình gọi đó là truyền thuyết, bạn tin hay không là tuỳ bạn. Riêng mình, những thứ mông lung, mơ hồ, xảy ra 1 cách tình cờ, do may mắn mà có, thì mình không đánh giá cao.

Mình không thích thụ động chờ may mắn rơi vào đầu. Mình thích chủ động vạch ra 1 lối đi của chính mình, chủ động tìm kiếm con đường phù hợp và tối ưu cho con mình.

Vậy, để có đủ thời gian, bạn hãy bắt đầu từ sớm. Lớp 6 là khoảng thời gian lý tưởng để bạn bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc định hướng cho con.

3. Chọn Nghề Nào Cũng Cần Thật Giỏi Về Chuyên Môn

Chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói “Chọn nghề nào cũng được, làm nghề nào cũng tốt, miễn là lương thiện. Không có nghề nào sang, không có nghề nào hèn”.

Mình đồng ý hoàn toàn.

Nhưng, chọn theo nghề nào, muốn thành công, hoặc muốn trụ được với đời, thì nên giỏi chuyên môn nhất có thể. Hoặc, nói 1 cách khác, dù là chọn học ngành nào, nên đầu tư vào học hành nhiều nhất có thể - trong khả năng học tập và khả năng tài chính.

Một bạn nhỏ thích kỹ thuật, thích lắp ráp, thích sửa chữa => con có sở thích/ đam mê và phù hợp ngành cơ khí máy móc.

Nếu con bỏ học sớm, đi học nghề sửa xe ở 1 tiệm đầu ngõ => kết quả khả thi là con sẽ mở 1 góc sửa xe ở vỉa hè kiếm cơm.

Nếu con tốt nghiệp cao đẳng, con sẽ có thể làm việc ở các trung tâm bảo hành xe máy. Con có thể được huấn luyện và phát triển để trở thành thợ sửa xe bậc cao – theo thời gian.

Nếu con tốt nghiệp đại học, con có thể làm việc cho các hãng lớn, từ xe gắn máy đến ô tô, ở nhiều vị trí: sữa chữa, bảo hành, sản xuất… Và cơ hội thăng tiến của con sẽ phát triển theo thời gian và theo nỗ lực của con.

Nếu con tốt nghiệp thạc sĩ/ tiến sĩ, lúc này, cơ hội của con là làm việc ở phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, hoặc làm việc ở các cty công nghiệp nặng (máy móc sản xuất, dây chuyền sản xuất…).

Nói tóm lại, ở cùng 1 nhóm sở thích ngành nghề, cta càng học sâu, học cao về mặt chuyên môn, thì càng tốt cho sự nghiệp của 1 người.

Dĩ nhiên, để học lên level cao (thạc sĩ/ tiến sĩ), các bạn cần vừa đi làm để tích luỹ kinh nghiệm thực tế, mở rộng các kiến thức liên quan => phát hiện ra thế mạnh/ đam mê bản thân => tiếp tục học nâng cao chuyên môn.

Nấc thang sự nghiệp không bao giờ giống như bộ phim công chúa Lọ Lem, đổi đời nhanh chóng, không cần background. Thực tế, chàng trai bỏ học, đi sửa xe ở vĩa hè vĩnh viễn không có cơ hội bước vào những cty lớn, những tập đoàn sản xuất xe máy, ô tô, máy móc cơ khí nổi tiếng trên thế giới.

Đừng nghe lời những quảng cáo tuyển sinh ở các trường trung cấp Nghề “Không cần học ĐH, chỉ cần học nghề là được”. Cùng 1 ngành nghề, mức lương và sự thăng tiến nghề nghiệp của các bạn học nghề và các bạn tốt nghiệp ĐH khác nhau rất xa.

Vì vậy, hãy cố gắng chuẩn bị tốt nhất, giúp con có đủ năng lực học thuật để vào ĐH theo ngành nghề con muốn. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị tài chính để support con học hành cho đến nơi đến chốn.

Tương tự, nếu bạn muốn làm giáo viên dạy Tiếng Anh, bạn nên học chuyên môn càng cao càng tốt.

Nếu bạn chỉ có chứng chỉ IELTS 8.0 rồi đi dạy TA, bạn vẫn có học sinh. Lúc này bạn có thể mở lớp dạy kèm tại nhà, hoặc lớp online.

Nhưng cơ hội cho 1 bạn tốt nghiệp Cử Nhân Ngôn Ngữ Anh/ Cử nhân Sư phạm Anh + IELTS 8.0 sẽ tốt hơn nhiều. Lúc này bạn có thể apply vào các trường công/ tư + dạy kèm buổi tối ở nhà.

Cơ hội sẽ càng mở rộng cho 1 bạn có IELTS 8.0 + Cử Nhân Anh + Thạc sĩ Giáo dục. Lúc này bạn có thể apply vào các vị trí quản lý của mảng giáo dục: trưởng bộ môn, hiệu phó, hiệu trưởng.

Nếu bạn tốt nghiệp Cử Nhân Sư phạm từ 1 trường đại hoc thuộc hệ thống chung (Anh, Mỹ, Úc, Canada) thì bạn sẽ có nhiều cơ hội làm việc/ định cư ở các nước đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Hoặc bạn có nhiều cơ hội làm việc ở các trường quốc tế tại quốc gia bạn đang sống.

Bên cạnh đó, nếu bạn giỏi và học chuyên các môn Math, Physics, Chemistry và Biology; thì khả năng giảng dạy các môn học này bằng TA sẽ mang lại cho các bạn nhiều cơ hội hơn. Các trường quốc tế song ngữ hiện nay đang tuyển dụng GV Philipin cho các môn này. Nếu bạn nhìn thấy tiềm năng này trong tương lai, bạn cần chuẩn bị từ sớm.

Nếu bạn là Tiến sĩ Giáo dục từ các nước mình nói trên, thì bạn hoàn toàn có thể trở thành GĐ Điều Hành của các trường quốc tế tư nhân đang vận hành tại VN.

Tương tự, chọn nghề nấu ăn, trang điểm, hay kinh doanh; bên cạnh kỹ năng (tay nghề/ khiếu ăn nói), thì việc tích luỹ kiến thức chuyên môn càng cao, càng rộng, thì càng giúp bạn thêm nhiều cơ hội và thuận lợi trong công việc.

===

Tóm lại, dù bạn chọn nghề gì, hãy cố gắng học cho thật giỏi về chuyên môn, trong khả năng của bạn. Nếu bạn không đủ điều kiện để vào ĐH ngay từ đầu, thì chọn Cao Đẳng cũng là 1 giải pháp thay thế. Nhưng, khi chọn con đường mình đi, hãy biết chắc rằng, mình sẽ có những nấc thang để leo lên tiếp. Học Cao đẳng => liên thông ĐH => Thạc sĩ/ hoặc Tiến sĩ (nếu cần/ nếu thích)

Nhìn rộng ra, để giỏi về chuyên môn, cần có:

Nền tảng kiến thức học thuật: ĐH, Thạc sĩ/ Tiến sĩ

Trải nghiệm thực tế: học hỏi từ công việc, rút kinh nghiệm, tích luỹ kiến thức thực tế

Mở rộng kiến thức các mảng liên quan

Bộ 3 này nên được phối hợp với nhau cùng lúc. Đừng:

Đừng học 1 lèo từ ĐH => Tiến sĩ, mà không có kiến thức thực tế

Đừng bỏ học/ không học ĐH, chỉ lao ra đời đi làm và có được những vấp váp đau thương mà không hiểu tại sao

Đừng chỉ chăm chăm vào kiến thức chuyên môn hạn hẹp của mình. Nếu muốn làm việc tốt với người khác, thì phải mở rộng và học hỏi các mảng kiến thức liên quan.

===

Khi đã giỏi xuất sắc về chuyên môn, thì dù làm công ăn lương, bạn vẫn sống tốt. Và nếu bạn thật sự giỏi, thì bạn hoàn toàn có thể làm việc độc lập: chuyên gia tư vấn, cố vấn; hoặc huấn luyện, đào tạo. Loại công việc này mang lại thu nhập cao và chủ động thời gian.

Một hướng nữa là, khi bạn đủ giỏi về chuyên môn, bạn có thể cân nhắc tự kinh doanh, tự làm chủ trong lĩnh vực mà bạn giỏi. Đây là hướng phát triển đúng đắn và bền vững rất nhiều (so với những bạn trẻ không chịu học hành gì, kiến thức không có, chuyên môn không có, kinh nghiệm không có; mà lúc nào cũng mơ làm chủ, làm giàu).

Tuy vậy, để làm chủ, bạn lại cần có vài loại năng lực tự thân đặc biệt khác. Không phải ai cũng có thể làm chủ, dù giỏi chuyên môn đến đâu. Nếu bạn không có tố chất của 1 người làm kinh doanh, thì mình can, bạn cứ ở yên làm 1 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn mà bạn nắm chắc. Đừng tự tạo stress cho bản thân và cho cả gia đình.

Làm sao biết mình có tố chất làm kinh doanh hay không? Chủ đề này, mình sẽ viết trong 1 bài khác.

Bài này, chỉ tập trung 1 ý là: chọn nghề nào, chọn job gì, muốn thành công thì cần phải nỗ lực học hỏi:

Học kiến thức chuyên môn giỏi nhất có thể

Học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế nhiều nhất có thể

Mở rộng học hỏi các kiến thức liên quan nhiều nhất có thể

Chúc các bạn 1 ngày nhiều niềm vui.

4. Chọn Nghề Phù Hợp Theo Đặc Điểm Và Tính Cách

Để chọn 1 job phù hợp, ta cần cân nhắc job đó có phù hợp với những đặc điểm của bản thân không.

Phù hợp với thể trạng:

Lúc con trai đầu của mình học xong năm 2 (ngành Finance) ở Úc, con muốn bỏ ngang và học nấu ăn. Mình đâu có chịu. Gì thì gì, tốt nghiệp ĐH xong, tự đi làm, tự lập, rồi muốn làm gì cũng được.

Sau khi tốt nghiệp, có thời gian con làm Manager cho 1 nhà hàng hạng sang (fine dining), có sức chứa 250 khách và 6 đầu bếp. Thế rồi, 1 ngày kia, con nói với mẹ:

"Hên quá mẹ ơi, hên là con không học nghề đầu bếp. Chổ con làm có 6 đầu bếp, toàn là Tây trắng, cao to, bự con, người nào cũng hơn 100 ký. Họ đứng trong bếp 1 ngày hơn 10 tiếng. Lúc chưa có khách thì chuẩn bị nguyên liệu. Lúc có khách thì đứng nấu liên tục. Bếp chuyên nghiệp nồi chảo toàn inox nặng chình chịnh. Đứng nấu cả ngày ê ẩm rã rời. Nấu ăn cực quá mẹ ơi. Con thấy mà con sợ luôn. Mấy ông đầu bếp đó, người nào làm lâu năm cũng bị bệnh xương khớp, khớp tay, khớp gối, cột sống đau dữ lắm. Mấy ổng đi bác sĩ và uống thuốc giảm đau đều luôn. May quá hồi đó mẹ đã can ngăn con".

Con trai mình cao 1m78, nặng gần 80 ký, mà nó còn nói vậy.

Thể trạng người Việt mình khá nhỏ con, ốm, lại ít chịu thể thao, nên sức chịu đựng không cao. Không chỉ nghề đầu bếp, mà nghề y tá, điều dưỡng và nhiều nghề cũng cần những người có sức vóc khoẻ mạnh, thì mới làm tốt được.

Các nước phương Tây không đặt nặng chuyện học hành, là bởi, các công việc cần tay nghề hoặc lao động chân tay cũng có lương rất cao. Nhân viên vệ sinh môi trường của tp New York có mức lương khoảng 100k/ năm. Thợ hồ, thợ hàn, thợ nề… lương cao hơn cả nhân viên văn phòng. Nhưng, công việc tay chân nặng nề rất lao lực. Để làm tốt việc lao động nặng nhọc, thì cần phải chơi thể thao nhiều, thể lực phải rất tốt. Nếu không, sẽ không thể trụ được với nghề, hoặc sẽ bị lao lực, hoặc sẽ bị bệnh nghề nghiệp, hoặc sẽ bị đào thải.

Phù hợp với tính cách:

Trong bài viết đầu tiên của series Career này, có 1 bạn PH (nick Hoa Hướng Dương) đã comment như sau:

“Cám ơn chị nhiều và mong chờ những bài viết tiếp theo về vấn đề này ạ. Việc chọn nhầm nghề phải đánh đổi tiền bạc, thời gian, sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng nên em rất lo và trăn trở. 1 người bạn của em cũng từ con nhà nghèo, học rất giỏi, đỗ Điện tử Viễn thông lúc ngành đó còn hot. Học 5 năm lấy bằng kĩ sư, tốn kém biết bao nhiêu thời gian, sức lực và tiền của. Ra trường bạn đi làm vất vả, lương ko bao nhiêu, cái nghề đó là vậy c ạ. Rồi bạn bị điện giật và ra đi mãi mãi. Quá đau xót. Cái nghề đó hàng năm cũng đã cướp đi sinh mạng của một vài người khác nữa và trong số đó cũng có 1 em khác mà em quen. Em ấy mới ra trường và mất ngay ngày đầu tiên làm việc. Giá bạn chọn ngành khác. Cuộc sống ko công bằng với bạn và gia đình bạn ấy. Thương vô cùng chị ạ”.

Khi chọn 1 nghề, đặc biệt những nghề đề cao an toàn lao động hàng đầu, thì người chọn phải hết sức lưu ý các yêu cầu cần có. Làm nghề thợ điện, hoặc làm trong dây chuyền sản xuất ở nhà máy… đều phải là người hết sức cẩn thận và luôn tuân thủ từng bước các quy trình, bất di bất dịch, lúc nào cũng phải làm đủ các thao tác, không bao giờ được chủ quan.

“Trong vụ tainan ở Nhà máy xi măng Yên Bái, cơ quan chức năng xác định Hùng (người gây tainan) đã lấy một đoạn cán chổi có sẵn chọc vào rơle đóng điện, khởi động máy nghiền số 3, dẫn đến máy nghiền quay, khiến 7 người tuvong”.

Ẩu đến thế là cùng.

- Tánh tình đoảng, cẩu thả, xin làm ơn đừng chọn những job có rủi ro liên quan đến tính mạng con người.

- Hoặc người có máu hơn thua, thích cá độ, xin đừng làm thủ quỹ.

- Người nóng tính xin đừng làm ngành dịch vụ.

- Người lạnh lùng, xin đừng làm bác sĩ/ giáo viên.

- Người kiệm lời, xin đừng làm nghề tư vấn.

- Người dễ tính, xin đừng làm quản lý chất lượng.

- Người thụ động, xin đừng làm Marketing.

- Người từ từ chậm rãi, xin đừng làm kinh doanh.

- Người vụng về, xin đừng làm kỹ thuật.

- Người đại khái xuề xoà, xin đừng làm planning.

Nói tóm lại, trước khi chọn job, cần nghiên cứu các đặc điểm cần có để làm tốt cv đó. Đừng gây rủi ro cho bản thân và hệ luỵ cho những người chung quanh.

Phù hợp đặc điểm vùng miền:

Ở đây, mình không phân biệt vùng miền, nhưng thực sự là có 1 vài đặc điểm thuộc vùng miền mà cta nên lưu tâm khi chọn job. Đây là sự đúc kết của mình sau nhiều năm tuyển dụng nhân viên cho nhiều vị trí:

- Telesales hoặc nhân viên trung tâm Chăm sóc khách hàng cần phải tuyển người có giọng nói dễ nghe. Những người có giọng nói địa phương quá khó nghe thì không nên chọn loại công việc tư vấn/ bán hàng. Khách hàng hỏi đi hỏi lại hoài, người nói cũng cáu, mà người nghe cũng bực.

- Một số người xuất thân ở vùng miền có bản tính chân chất, ăn nói đơn sơ mộc mạc, thì không nên chọn các vị trí cần đối ngoại, ngoại giao, thiết lập quan hệ với đối tác – vốn cần sự ứng biến linh hoạt và khả năng ngôn ngữ điêu luyện.

- Một số bạn đến từ các vùng miền có tính tập thể cao, mang tính cộng đồng cao, nên các bạn thường thuận theo ý kiến của tập thể, của đám đông. Những bạn xuất thân từ nền văn hoá tập thể này thường ít khi có suy nghĩ khác biệt, không dám đi ngược chiều dư luận, không dám đột phá, thậm chí ngại phát biểu ý kiến. Những bạn này không nên chọn những loại công việc cần có tư duy độc lập, phản biện và sáng tạo.

- Một số bạn xuất thân từ vùng khó khăn, gia đình phải luôn luôn vun vén, tích góp từng chút để đối phó với thiên tai, mưa bão, lũ lụt. Những bạn này luôn đặt sự an toàn cuộc sống lên hàng đầu, giữ tiền rất kỹ. Vì vậy, thường không thích hợp với các loại công việc mang tính đầu tư, kinh doanh. Vì đã làm đầu tư kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro. Làm cái gì mà cũng sợ rủi ro, sợ mất tiền, sợ đủ thứ thì stress lắm.

5. Đừng Chỉ Tìm Job, Hãy Phát Triển Con Đường Sự Nghiệp

Đã có không ít những so sánh kiểu như:

- Tốt nghiệp ĐH mà lương không bằng người giúp việc

- Học ĐH làm gì. Đi xklđ nhiều tiền hơn

Dù cta không đồng thuận với các lập luận trên, nhưng rõ ràng là mức lương khởi điểm của các công việc văn phòng quá thấp, dù những bạn trẻ đó toàn tốt nghiệp ĐH ra cả.

Điều này khiến cho các bậc PH lo lắng, mà tụi nhỏ cũng vô cùng chán nản.

Nhưng, nếu nhìn đường dài thì:

- Lương của giúp việc chỉ tăng 5 – 10% hàng năm, tương đồng với mức lạm phát, hoặc tăng hơn 1 chút, do sự khan hiếm. Nhưng, giúp việc muốn có lương cao thì 1 ngày phải làm việc 12 – 15 tiếng (6h sáng – 9h tối), chớ không phải từ 8h sáng – 5h chiều đâu. Nếu nhân viên văn phòng mà chịu khó làm thêm buổi tối, thì đâu có thấp hơn lương người giúp việc.

- Đi xklđ sẽ phải đánh đổi sức khoẻ và tuổi trẻ để có thu nhập. Bước qua tuổi trung niên, sức khoẻ thể lực không còn tốt, thì khó có việc. Lúc đó, không có chuyên môn, không có kiến thức, không có nghề ngỗng, thì sống bằng nguồn thu nhập nào trong suốt mấy chục năm còn lại?

Ngược lại, các bạn tốt nghiệp ĐH, lương khởi đầu có thể thấp, nhưng mức độ thăng tiến và tăng lương cao gấp nhiều lần.

Mình kể sơ về con đường sự nghiệp của mình nha:

Job văn phòng đầu tiên của mình là Trợ lý văn phòng cho ông sếp Malay, cty chuyên bán máy may công nghiệp. Lương 500K.

Sau đó, mình apply vào cty QC, job là Copy Writer (người viết ý tưởng quảng cáo): lương 1.100K 100 ông ngoại) => lương tăng 120%

Rồi mình qua cty QC khác, làm vị trí Account Manager (quản lý khách hàng): lương 300 ông ngoại => tăng 200%

Vài năm sau, mình qua cty QC đa quốc gia, vị trí Manager, lương 600 – 900 ông ngoại => tăng 100% - 200%

Sau đó, mình quay về làm Director của dự án truyền thông cty tiêu dùng đa quốc gia, lương 1.200 cụ ngoại => tăng 100%

Tiếp theo, mình chuyển qua vài cty Dược: cty top của VN, Châu Âu, đa quốc gia, làm mảng Marketing, lương thưởng tăng từ từ cho đến 5K cụ ngoại => tăng 310%

Sau đó mình qua cty bất động sản, lương 5K ông ngoại => không tăng

Sau đó, mình qua công ty bán lẻ ứng dụng công nghệ, lương thưởng 7K ông ngoại => tăng 40%

Sau dịch Covid, mình qua làm cty phân phối hoá chất nguyên vật liệu, lương tụt xuống còn có 5K gross => giảm 40%

Kể từ job đầu tiên, mức lương 500K, đến mức lương cao nhất là 7K ông ngoại => mình đã được tăng lương gấp 308 lần. (Ở đây, mình cũng cần trừ hao vấn đề lạm phát, mất giá nữa nha).

Đó là chưa kể đến việc mình vừa làm vừa học hỏi, rồi mình làm freelance. Viết ý tưởng quảng cáo, viết và biên tập báo chí. Tư vấn marketing. Nghiên cứu thị trường. Cho các cty nhỏ. Hoặc nhận làm 1 phần outsource trong dự án lớn.

Vẫn còn chưa kể đến những job đào tạo, huấn luyện cho bộ phận Mkt của các cty nhỏ.

Có thể nói, từ rất lâu rồi, mình chưa từng bao giờ xài vào lương của mình. Vì thu nhập từ các khoảng làm thêm lúc nào cũng dư cho mình tiêu xài và lo lắng cho gia đình nhỏ, lẫn gia đình lớn.

===

Phương Tây có câu “Don’t just find a job. But build a career”. Bạn đừng chỉ chăm chăm kiếm job, mà hãy bồi đắp phát triển con đường sự nghiệp. Cái đó được gọi là Career Path. Bước đường sự nghiệp.

Các bậc cha mẹ, cũng nên có tầm nhìn này, khi định hướng nghề nghiệp cho con. Không chỉ tìm kiếm 1 công việc, mà hãy nhìn xa để thấy tiềm năng phát triển, thăng tiến của công việc đó.

Gần đây, có 1 bạn nhỏ, học lớp 10, trao đổi với mình: “Con chọn học chuyên Sử, rồi thi HSG cấp quốc gia. Nếu có giải quốc gia, con sẽ được tuyển thẳng vào các trường ĐH. Con đã nhắm rồi. Con muốn vào các trường này…”

Mình hỏi tiếp: “Mấy trường ĐH có rất nhiều khoa. Con muốn học khoa nào? Con muốn ra đời làm công việc gì?”

Bạn nhỏ ngẩn người “Dạ con chưa tìm hiểu”.

Thế có khổ không chứ. Hy sinh 3 – 4 năm học chuyên Sử (kể cả học ôn luyện thi chuyên), để được tuyển thẳng vào ĐH. Nhưng, vào đó học cái gì, học ra xong làm cái gì, thì hoàn toàn chưa biết, chưa tìm hiểu.

Trước khi chọn lựa, nhất định phải hiểu nó là cái gì.

Trước khi quyết định, nhất định phải biết con đường này có thể đưa ta đi xa đến đâu.

Trước khi dấn thân, nhất định phải biết con đường này là ngõ hẹp hay đại lộ thênh thang.

Những gì bạn cần phải làm là phải tìm kiếm cho các câu hỏi sau:

Tổ hợp các môn mà con mạnh, con thích, con chọn; có thể làm việc trong những nhóm ngành nào?

VD: bạn nào học giỏi Toán Hoá Sinh, thì có thể làm việc trong các nhóm ngành:

- Khoa học Sức khoẻ, Y Sinh

- Công nghệ Sinh học

- Hoá Dược

- Hoá mỹ phẩm

- Hoá thực phẩm

Trong các nhóm ngành đó, có những loại công việc nào phù hợp với con, VD:

- Chuyên môn: Bác sĩ, Y tá, Nha sĩ, xét nghiệm, siêu âm, nghiên cứu…

- Quản lý: trưởng khoa, Y tá trưởng, quản lý phòng khám…

- Kinh doanh: mở phòng khám tư nhân, kinh doanh dược phẩm…

Nghiên cứu bảng mô tả công việc (job description):

- Lên trên mạng, vào các cty tuyển dụng mà search

- Đọc kỹ bảng mô tả cv, bao gồm: nhiệm vụ cụ thể, bằng cấp chuyên môn cần có, kỹ năng cần có, số năm kinh nghiệm cần có, những loại kinh nghiệm cần có, những kiến thức liên quan cần có, những yêu cầu khác…

Tìm kiếm career path của công việc đó:

- Đầu tiên, tìm đọc job của level nhân viên level quản lý cấp trung quản lý cấp cao chuyên gia GĐ chi nhánh/ GĐ điều hành/ CEO

Phân tích ở mỗi level:

- Ở mỗi level, xem yêu cầu học thuật ntn. Có những job yêu cầu ít nhất phải trình độ Thạc sĩ thì mới làm được, hoặc mới thăng tiến được để biết mình cần đầu tư học hành đến đâu.

- Ở mỗi level: xem yêu cầu các kỹ năng nào biết để mình cần học thêm các khoá huấn luyện kỹ năng nào và ứng dụng, thực hành nó trong công việc để tăng trình của mình

- Ở mỗi level: xem những loại kinh nghiệm nào cần thiết để biết mà tìm kiếm cơ hội làm làm việc thực tế (xung phong làm, làm dự án cộng đồng, làm thêm ngoài giờ, làm giúp các người khác…) để tích luỹ kinh nghiệm.

- Ở mỗi level, cần xem các loại kiến thức chuyên môn liên quan nào cần thiết để đi học thêm văn bằng 2, hoặc học chứng chỉ, hoặc học nâng cao.

- Kế tiếp, xem mức lương ở mỗi level là bao nhiêu.

Tìm hiểu và phân tích về cơ hội việc làm (nhu cầu tuyển dụng) ntn:

- Có những job rất ít nhu cầu cơ hội việc làm quá thấp

- Có những job phải đi tìm việc ở nước ngoài học thêm TA hoặc ngôn ngữ của quốc gia mình muốn đến

Tìm hiểu và phân tích về tuổi thọ của CV:

- Có job càng lớn tuổi càng có kinh nghiệm càng thăng tiến

- Có job bước vào tuổi 40 đã bị chê là không còn sáng tạo không ai tuyển dụng

- Có job mới tuổi 50 đã bị đào thải

Khi tìm hiểu đủ nhiều, và kỹ lưỡng. Bạn sẽ biết:

Con có tố chất phù hợp với cv đó không?

Con có đủ năng lực để theo đuổi nghề đó không?

Con sống nổi bằng nghề đó không?

Và bạn sẽ sáng tỏ nhiều vấn đề khác nữa.

6. Ở Đời Phải Biết Mình Là Ai

Có 1 lần nọ, 1 Phụ Huynh comment trên bài post mình, đại khái là:

“Em có 1 đứa em trai, học hành lơ là, làm bố mẹ em lo lắng rất nhiều. Em trai bỏ học ĐH, rồi học lại và mãi cũng tốt nghiệp. Nhưng, khi ra đời bạn ấy làm kinh doanh rất thành công. Giờ giàu có hơn em nhiều.

Vậy nên, em nghĩ là mỗi người đều có lối đi riêng của mình. Không cần nhìn ai, không cần có tầm nhìn xa, không cần phải hiểu biết rộng, cứ nhìn xuống chân của mình. Lối đi ở dưới chân mình. Cứ tự tin vào chính mình và cứ đi. Thành công sẽ đến”.

Comment này bị 1 lỗi nguỵ biện rất nặng là: Trường hợp của em trai bạn mang tính đơn lẻ, không thể lấy đó làm kết luận là đúng cho người khác, hoặc đúng cho mọi người. Lỗi nguỵ biện này được gọi là “kết luận ẩu”.

Việc 1 người bỏ học, hoặc học ít mà làm ăn giàu có, thì không có gì lạ. Trong lịch sử nhân loại, cách đây cả ngàn năm, đã có các thương nhân làm giàu nhờ kinh doanh mua bán. Người xưa có học hành trường lớp gì đâu. Việc làm giàu vốn nhờ vào tố chất tự thân của mỗi người, mà dân mình hay nói là “có giang mua bán, có máu kinh doanh”. Với người có khiếu, thì sẽ thành công, dù ít dù nhiều. Với người không có tố chất, không thể làm chủ, dù học giỏi học cao đến đâu.

Thế nên, không phải ai cũng kinh doanh thành công, bất kể trình độ học vấn cao hay thấp. Người học cao vẫn chưa chắc làm ăn kinh doanh thành công, nhưng ít nhất còn đi làm thuê bằng kiến thức chuyên môn. Với người bỏ học, ít học, mà không có tố chất kinh doanh, thì làm gì để sống? Xúi bậy quá à.

Ngoài ra, comment trên còn có 1 ý mà mình thường xuyên đọc được: cứ tự tin vào bản thân, thành công sẽ đến. Có thực sự là TỰ TIN VÀO BẢN THÂN LÀ YẾU TỐ THÀNH CÔNG?

Đáng buồn là, các nghiên cứu khoa học chứng minh ngược lại. Con người ta thường có xu hướng đánh giá quá cao về bản thân, mà mình hay nói là “ảo tưởng sức mạnh”.

Trong 1 nghiên cứu tâm lý, các bác tài xế được đề nghị tự đánh giá khả năng của mình và so sánh với đồng nghiệp. Kết quả là 93% rất TỰ TIN trả lời “Kỹ năng của tôi rất tốt, tốt hơn đồng nghiệp, và đương nhiên vượt mức trung bình”. Trong 93% người TỰ TIN đó, ai cũng tự cho mình giỏi hơn người khác.

Các nghiên cứu ngành tâm lý học đã cho thấy, con người thường không thấy nhược điểm của bản thân, dễ ảo tưởng, tự thuyết phục bản thân là mình giỏi hơn người khác. Cái tôi bên trong thường khiến ta khó chịu khi phải chấp nhận sự thật mình kém cỏi hơn người khác, đặc biệt trong cùng lĩnh vực chuyên môn của mình, hoặc những lĩnh vực mình quan tâm.

Trừ những người có tâm lý yếu ớt, trầm cảm, thì con người lúc nào cũng TỰ TIN THÁI QUÁ về bản thân. Nói cách khác, con người có xu hướng ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH về chính mình.

Đó là chưa kể đến những người yếu kém. Người bất tài thì không biết bản thân họ kém cỏi.

Năm 1999, hai chuyên gia tâm lý Justin Kruger và David Dunning thuộc Đại học Cornell, New York (Mỹ) đã tiến hành một thử nghiệm xem liệu những người bất tài, kém thông minh hoặc không có năng khiếu nổi trội có tự nhận thức được sự yếu kém của mình hay không.

Kết quả thử nghiệm đã cho thấy, những người bất tài, kém thông minh, thiếu năng lực cũng không hay biết gì về sự yếu kém của mình.

Tên hai nhà khoa học này (Dunning - Kruger) đã được đặt cho một hiệu ứng tâm lý về sự LỆCH LẠC NHẬN THỨC mà họ phát hiện ra, trong đó những người bất tài, thiếu năng lực thường đưa ra quyết định tồi và kết luận sai lầm. Nhưng chính vì họ bất tài, họ thiếu năng lực tư duy, nên họ không thể nhận ra rằng bản thân họ đang có những sai lầm gì, sự kém cỏi của bản thân họ ntn.

Trong bài thử nghiệm tự đánh giá IQ, những người có IQ dưới trung bình cũng tự đánh giá điểm số của họ cao hơn thực tế.

Trong thử nghiệm khác, một nhóm sinh viên được yêu cầu trả lời các câu hỏi về logic và ngữ pháp. Kết quả là những người kém nhất là những người tự nhìn nhận và đánh giá khả năng của mình cao hơn thực tế rất nhiều.

Nói đơn giản, người dở không biết họ dở. Người kém cỏi không biết là họ vừa yếu, vừa kém mà vừa chủ quan.

Ở đời mình phải biết mình là ai chớ.

Đó là lý do mà mình ít khi nào khuyên “Hãy tự tin vào bản thân, thành công sẽ đến” cho bất cứ ai.

Càng không bao giờ khuyên các bạn cứ để tụi nhỏ tự tin vào bản thân và để chúng tự do lựa chọn con đường nghề nghiệp.

Ngược lại, mình luôn khuyên hãy vô cùng thận trọng trước khi đưa ra quyết định.

Hãy tìm hiểu cho thật kỹ, nhìn cho xa để biết con đường mình đi đến đâu. Nhìn rộng ra để biết người khác ntn. Và quan trọng nhất, nhìn vào chính bản thân của mình, để đánh giá mình cho đúng nhất.

Biết người biết ta; trăm trận trăm thắng.

Biết điểm yếu bản thân, để đừng chọn nghề trong vùng “sở đoản”

Biết điểm kém của bản thân, để học hỏi nâng cao

Biết điểm mạnh của bản thân, để chọn cho đúng sở trường

Biết tiềm năng bản thân, để khai phá và phát triển.

===

Chuyên ngành Career Development hoặc Personal Development là một nhánh nghiên cứu của Khoa học xã hội. Đã có nhiều nghiên cứu định lượng và thực chứng có giá trị, giúp cta tìm hiểu về các vấn đề xoay quanh công việc, nghề nghiệp, thăng tiến, thành công.

Bài test Holland, là 1 bài test định hướng nghề nghiệp, được sử dụng hầu hết ở các trường cấp 3, và trường ĐH trên thế giới.

Với mình, mình vô cùng thích bài test Holland này. Càng ngày, chiêm nghiệm nó vào bản thân mình, và các bạn nhỏ mình từng tư vấn, mình thấy nó vô cùng hiệu quả. Cho đến nay, mình chưa thấy có công cụ nào giá trị hơn.

Đây là 1 bài test trắc nghiệm. Là công cụ giúp bạn hiểu về đặc tính cá nhân, khám phá các tố chất tự thân và cả tiềm năng của bản thân. Từ đó, bạn đối chiếu năng lực tự nhiên của mình với yêu cầu cần có của các nhóm công việc/ ngành nghề; xem có phù hợp không, hoặc phù hợp ở mức độ nào.

Tác giả của nghiên cứu đó là ông John L.Holland (1919 – 2008), là tiến sỹ tâm lý học người Mỹ. John Holland nổi tiếng nhất và biết đến rộng rãi nhất qua nghiên cứu Lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp, hay còn được gọi là Mật mã Holland (Holland Code).

Tiến sĩ John L. Holland đã dành cả cuộc đời của mình để giải đáp 3 câu hỏi do ông tự đặt ra:

Những đặc điểm gì về con người và môi trường dẫn đến việc người ta cảm thấy thoả mãn trong chọn nghề, gắn bó với nghề và thành đạt trong nghề? Ngược lại, điều gì khiến người ta không hài lòng, không thành công trong nghề đã chọn?

Những đặc điểm gì về con người và môi trường đã khiến cho một người trong đời của mình giữ nguyên hoặc thay đổi công việc và mức cống hiến?

Cách nào là hữu hiệu nhất giúp người ta giải bài toán chọn nghề?

Trong hơn 30 năm qua, ông đã không ngừng hoàn thiện một bộ công cụ giúp cho những ai quan tâm, muốn chọn nghề phù hợp, có cách để tự TÌM HIỂU BẢN THÂN mình, từ đó xác định mình thích hợp với loại nghề nghiệp nào.

Bộ công cụ giúp ra đời từ năm 1970 và không ngừng được cải tiến, hoàn thiện đã khiến Tiến sĩ John L. Holland trở thành người đứng đầu số 0,1% các nhà tâm lí học có công trình được xuất bản nhiều nhất và được trích dẫn nhiều nhất.

Holland đưa ra mô hình đơn giản và dễ nhìn về môi trường và con người. Trong hai thập kỷ qua, mô hình này là cách tiếp cận có ảnh huởng nhất trong việc hình thành công cụ đánh giá mới và nghiên cứu tư vấn nghề nghiệp ở Mỹ.

Lý thuyết Lựa chọn nghề nghiệp chia con người ra 6 loại cá tính và được gọi là mật mã Holland (Holland codes).

Bài CHÂN DUNG NGƯỜI CÓ KHIẾU KINH DOANH

Series CHỌN NGÀNH ĐỂ HỌC, CHỌN NGHỀ ĐỂ LÀM

Theo Lý thuyết Nghề nghiệp của Holland, tựu trung có 6 nhóm đặc điểm nghề nghiệp:

- Nhóm Kinh Doanh/ Quản lý

- Nhóm Học Thuật

- Nhóm Xã Hội

- Nhóm Nghệ Thuật

- Nhóm Nghiệp Vụ

- Nhóm Kỹ Thuật

Mỗi người trong cta trung bình sẽ có 2- 3 nhóm đặc tính này. Có người nhiều hơn, có người ít hơn.

Mỗi nhóm đặc tính sẽ có những nét riêng của nó. Nhưng khi kết hợp với các nhóm đặc điểm khác, thì sẽ cho ra 1 phiên bản khác. Cho nên, không ai hoàn toàn giống ai.

Khi mình phân tích đặc điểm của từng nhóm, các bạn hãy hiểu là đây là đặc điểm “thuần chủng” của 1 nhóm nhé. Các đặc điểm này, như đã nói, có thể bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của vài nhóm khác mà cta đồng thời sở hữu. Và vì thế, sự thành công của mỗi con người sẽ rất là khác biệt.

7. Chân Dung Người Có Tố Chất Kinh Doanh

Nhóm Kinh doanh/ Quản lý có tên là “Enterprising”: dám nghĩ dám làm

Tố chất này là 1 món quà Trời ban, không phải ai cũng có. Đây là sự kết hợp từ gene di truyền + tiếp xúc với môi trường kinh doanh từ nhỏ của gia đình => hình thành đặc điểm này.

Người thuộc nhóm này, khi trưởng thành, ít khi sống trong nghèo khó (loại trừ yếu tố: cờ bạc, phạm pháp)

Nhóm này có 3 nhóm đặc tính chính:

Thích kiếm tiền, thích làm giàu, thích làm chủ:

Rất thích kiếm tiền, thích làm giàu. Nhiều bạn nhỏ không thích học, thích ra đời kiếm tiền sớm là đây nè.

Luôn nhìn thấy ý tưởng kiếm tiền ở mọi nơi. Nói 1 cách văn vẻ, thì người nhóm này thích các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế.

Với các bé nhỏ, thì biểu hiện có thể là: cho bạn thuê truyện => lấy tiền. Cho bạn mượn tiền => lấy lời. Làm giúp bài tập => lấy tiền. Chỉ bài cho bạn => lấy tiền. Mua bút, viết, dụng cụ học tập trữ sẵn, bạn nào quên => bán lấy lời. Tình nguyện làm việc nhà => lãnh lương. Học giỏi có thành tích => đòi thưởng tiền.

Với người lớn, biểu hiện này mạnh mẽ hơn. Lúc nào cũng nghĩ đến việc làm ăn, tự kinh doanh, đầu tư… Ngày đêm suy nghĩ, tìm kiếm cơ hội kiếm tiền, làm giàu.

Rất thích tự làm chủ. Thích khởi nghiệp. Thích tạo sự nghiệp riêng cho bản thân. Đôi khi đề cao vai trò “làm chủ” một cách cực đoan với suy nghĩ coi thường những người làm thuê và gọi đó là “tư duy làm thuê” với ý miệt thị.

Tinh thần “Dám nghĩ Dám làm”

Hoặc nói bình dân là: Máu kinh doanh = máu liều + máu lì

Máu liều = Dấn thân: Với sự nhanh nhạy, người nhóm này luôn chớp lấy mọi cơ hội. Nhiều lúc rất liều, và họ luôn chấp nhận câu “liều ăn nhiều”, hoặc “rủi ro cao thì lợi nhuận cao”.

Nhóm này sẽ rất giàu trong đầu cơ (bất động sản, chứng khoán) khi lướt sóng. Nhưng cũng sẽ “ôm đầu m-áu” khi thị trường đi xuống. Cho nên, bạo phát bạo tàn, lúc giàu đại, lúc phá sản là việc không hiếm.

Máu liều sẽ bộc lộ khi đụng chuyện. Khi việc KD thuận lợi thì không sao, nhưng khi khó khăn quá, họ có thể làm liều. Mình có thể hiểu và đồng cảm việc này, miễn sao sự liều lĩnh đó không phạm pháp, không gây hại/ xâm phạm đến người tiêu dùng/ khách hàng.

Hoặc trong vài trường hợp, sự làm liều/ làm ẩu, nhưng vẫn được tính toán cẩn thận, tỉ mỉ, thì sẽ mang tới thành công (bên dưới, mình sẽ kể 1 case để các bạn tham khảo).

Máu lì = Kiên trì, hoặc còn gọi là mức độ chịu đựng áp lực trong kinh doanh, hoặc đối mặt với áp lực khi gặp khó khăn/ thất bại của người làm kinh doanh.

Áp lực doanh số, áp lực lời lỗ, áp lực nuôi quân cả 1 đội ngũ là 1 áp lực vô cùng lớn. Trên đời này, có thể nói, không có việc gì khó bằng lấy tiền từ túi người khác. Bán hàng là cả 1 nghệ thuật. Làm chủ cty phải nuôi quân thì càng vất vả. Người làm kinh doanh phải gánh áp lực tạo ra doanh số, phải bảo đảm lợi nhuận đủ để trả lương nhân viên, để trang trải nhiều chi phí duy trì cty.

Làm kinh doanh nhỏ lẻ, mình làm cho mình, đủ nuôi bản thân mình thì dễ. Mà mở cty, tuyển lính, nuôi quân, chịu trách nhiệm cho cả 1 đội ngũ thì áp lực rất lớn. Đây là lý do mà các nhóm khác thường không mặn mà với việc kinh doanh, làm chủ.

Với người có độ lì kinh doanh, khi thất bại, họ sẽ nói “đen thôi, đỏ quên đi”; và luôn nuôi ý chí phục thù, sẵn sàng làm lại từ đầu.

2 tố chất này thực ra, ở góc nhìn tích cực, là 1 đặc điểm tốt. Tinh thần dám nghĩ dám làm, và sẵn sàng làm lại từ đầu là một phẩm chất đáng quý, mà không phải ai cũng có.

Phân tích sâu vào bản chất của vấn đề, thì người có tố chất kinh doanh có thành công không phải nhờ vào “máu lì + máu liều”, mà nói đúng hơn, đó là hệ quả/ kết quả của nó:

Máu liều: chớp thời cơ nhanh chóng. Cứ làm trước đã, rủi ro tính sau. Nếu mình không làm thì 0% cơ hội thành công. Nếu mình dấn thân làm thì có 50% cơ hội thành công. Mà người nào luôn luôn nghĩ ra ý tưởng kiếm tiền và mạnh dạn để làm, thì xác suất thành công cao gấp nhiều lần thôi.

Máu lì: không sợ áp lực, có độ kiên trì cao. Khách hàng từ chối vẫn kiên trì theo đuổi. Gặp khách hàng mắng xối xả vẫn lì mặt “Em xin lỗi. Em cảm ơn a/c đã chỉ dạy. A/c cho em cơ hội nha”. Cứ lì đòn vậy thì sẽ thành công thôi. Hoặc thua keo này ta bày keo khác. Trong vài lần thất bại, chỉ cần 1 lần thành công (và biết duy trì thành công) thì sẽ có kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, mức độ thành công của người “dám nghĩ dám làm” tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Chỉ dựa vào bản năng mà làm liều thì vất vả long đong 1 đời. Nhưng tích hợp với kiến thức chuyên môn + kinh nghiệm từ quá trình làm việc thực tế + dám nghĩ dám làm => kết quả rất cao.

Mình xin phép kể 1 case người thật việc thật về công thức “Làm liều + Kiến thức/ Kinh nghiệm + May mắn” nhé. Đây là 1 case thuộc dạng hiếm.

Anh ấy xuất thân là 1 Brand Manager của 1 nhãn hàng sữa nước rất nổi tiếng. Anh rất giỏi, rất nổi tiếng trong giới Marketing.

Sau khi “bán mình cho tư bản” nhiều năm, học hỏi và tích luỹ nhiều kiến thức từ các tập đoàn đa quốc gia, ảnh bèn “ủ mưu” ra kinh doanh riêng, lập cty ngành hoá mỹ phẩm.

Rồi ảnh chọn tung ra sp dầu gội đầu cho nam giới. Trước đó, tại VN, chưa từng có sp dầu gội cho nam. Đàn ông trong gia đình thường xài chung với vợ. Vợ mua gì xài nấy. Hoặc dầu gội đầu lúc đó chưa có giới tính, mặc nhiên dùng chung nam nữ.

Anh ấy đã tạo ra 1 sp mới, 1 khái niệm mới, 1 phân khúc mới, 1 thị trường mới. Thị trường này là 1 đại dương xanh mênh mông, chiếm đến 1 nữa dân số. Anh ấy tách mình ra khỏi đại dương đỏ, vốn cạnh tranh khốc liệt với những nhãn hàng toàn cầu.

Anh ấy đặt tên cho sp là X-, dựa theo 1 series phim hành động X-Men nổi tiếng trên toàn thế giới. Ảnh lấy cái tên độc đáo đó. Cái tên vừa mang tính nam mạnh mẽ, vừa dựa vào sự nổi tiếng của bộ phim. (Phim X-Men ra đời năm 2000. Dầu gội X- tung ra năm 2003).

Cái sự làm liều của ảnh là: ảnh cho quảng cáo đồng loạt trên các tờ báo lớn, lấy hình ảnh của Brad Pitt – nam diễn viên nổi tiếng hàng đầu thời điểm đó. Thời đó, ngành QC còn sơ khai, nên không ai đòi ảnh phải có HĐ ký với người mẫu đại diện. Và Brad Pitt ở tận nước Mỹ xa xôi, cũng không hề biết đến có 1 cty non trẻ ở VN đã làm liều, dùng hình ảnh của mình mà không xin phép.

Anh ấy tuy liều, nhưng rất thông minh. Anh cho chạy mẫu QC với độ phủ cao (chạy nhiều đầu báo lớn), nhưng chỉ chạy ngắn hạn và dừng lại. Sau đó, ảnh tiếp tục cho chạy QC, nhưng lúc này, mẫu QC không còn hình ảnh của Brad Pitt nữa, mà chỉ tập trung vào SP.

Sự liều của anh ấy đều có sự tính toán kỹ lưỡng:

Chạy QC đồng loạt nhiều báo để có độ phủ lớn => độ nhận diện thương hiệu đủ mạnh

Chạy QC trên các báo lớn => tạo uy tín thương hiệu

Chạy QC vừa đủ và dừng => giảm thiểu rủi ro

Chạy QC tiếp, tập trung vào hình ảnh sp => khai thác đà lợi thế của đợt QC trước

Người dùng VN của sp này (nam giới), cho đến bây giờ, ít ai biết được, dầu gội X- là sp 100% của người Việt (tại vì hình ảnh đầu tiên tung ra thị trường là Brad Pitt thì ai cũng nghĩ đây là hàng ngoại, hàng xịn, hàng cao cấp).

Dầu gội X- thành công vang dội, mang đến sự thành công vượt bậc cho cty. Vài năm sau, cty ấy lên sàn, rồi cuối cùng bán lại cho 1 tập đoàn nước ngoài, với giá trị vài ngàn cụ tỉ.

Bài viết đã dài, mình dừng ở đây nha.

Bài sau, mình viết tiếp về Chân dung người kinh doanh, với những ý chính:

- Đặc điểm còn lại của nhóm Kinh Doanh

- Giải oan và lý giải cho truyền thuyết “học dốt mà giàu, học dở ẹt mà làm sếp”

- Công thức tối ưu cho người người nhóm Kinh Doanh?

- Có thể giúp trẻ phát huy tố chất nhóm Kinh Doanh từ nhỏ được không?

8. Giải Oan Cho Truyền Thuyết "Học Dốt Vẫn Nhiều Tiền"

Series CHỌN NGÀNH ĐỂ HỌC, CHỌN NGHỀ ĐỂ LÀM

Mình nghĩ chắc các bạn đã từng đọc qua nhiều comment:

- Học giỏi làm gì. Học cho giỏi rồi cũng đi làm thuê cho mấy đứa học dốt

- Mấy đứa lớp tao hồi nhỏ học dốt giờ giàu lắm

Mình xin phép giải oan cho các bạn bị mang tiếng “học dở mà giàu” nhé.

Theo lý thuyết Holland, những bạn thuộc nhóm Kinh Doanh – Quản lý sẽ có các đặc tính nổi trội trong ngành Business, bao gồm:

Độ nhạy về tính toán, đầu nảy số nhanh, biết tính toán lời lỗ

Có nhiều ý tưởng kinh doanh

Nắm bắt tốt nhu cầu người khác. Hiểu thị hiếu và xu hướng của thị trường

Khả năng tương tác, làm việc người – người rất tốt

Có khả năng thuyết phục người khác rất tốt. (Việc thuyết phục người khác chịu chi tiền, cho bất cứ thứ gì, là 1 việc không đơn giản chút nào nhen).

Có khả năng tạo ảnh hưởng lên người khác.

Đây là một phẩm chất quan trọng trong năng lực lãnh đạo. Người có tố chất này, dù làm thuê hay làm chủ, cũng sẽ thành công ở vị trí quản lý, hoặc cao hơn, là lãnh đạo. Khả năng này phát triển ở bậc cao sẽ giúp họ có năng lực dẫn dắt và lãnh đạo đội ngũ.

Có năng lực hành động, quyết đoán. Xử lý vấn đề nhanh gọn và tập trung vào mục tiêu hiệu quả. Có thể nói, kỹ năng giải quyết vấn đề của Sales rất xuất sắc. Khách hàng mà có problem gì/ complain gì thì Sales luôn nghĩ ra cách xử lý gọn gàng, nhanh chóng (Khác với bộ phận CSKH giải thích dài dòng, lê thê; mà bộ phận Tài chính- Kế toán thì quá nguyên tắc). Người làm Sales luôn tập trung vào khách hàng, làm sao giữ được khách hàng, làm sao phát sinh doanh số mới là quan trọng nhất. Những việc khác tính sau.

Người thuộc nhóm Quản lý – Kinh Doanh rất xem trọng kết quả, xem trọng thành công của công việc, của tổ chức. Đây là 1 phẩm chất quan trọng. Theo mình nhớ, hầu hết yêu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý, từ Manager đến Director, đều có requirement (yêu cầu): phải là người result-oriented – là người luôn luôn hướng đến kết quả. Bất cứ ai muốn làm quản lý/ lãnh đạo doanh nghiệp đều cần có tố chất này.

Ở đây mình xin nói thêm, mặc dù nhóm đặc điểm Social (Xã hội), thường nói rằng “Hành trình quan trọng hơn Kết quả”, hoặc “Đừng chọn Thành công, hãy chọn Hạnh phúc”. Nhưng, đó chỉ là lý thuyết suông thôi à. Trong kinh doanh, bạn nhất định cần có mindset “result-oriented”, tập trung mọi nguồn lực để mang lại kết quả, để đạt được mục tiêu (target). Kết quả đó được đo lường rõ ràng bằng các KPI: Doanh số, Lợi nhuận, Tăng trưởng.

Trong quản lý, bạn không thể xem nhẹ kết quả. Ngược lại bạn cần hành động tối đa để mang lại thành công cho đội nhóm của mình.

Nếu không, bạn sẽ bị cty đào thải, hoặc nếu làm chủ, việc kinh doanh của bạn sẽ xuống dốc.

Những người giỏi về các đặc điểm đáng quý này, ngược lại, không giỏi về Toán, Lý, Hoá; không giỏi TA, hoặc không giỏi môn Văn chương, là việc dễ hiểu mà. Nhưng điều này, không có nghĩa là họ không học giỏi, hoặc cta không nên chê họ "học dốt".

Là bởi, hệ thống giáo dục của nước ta không dạy các kiến thức/ kỹ năng ngành Business vào chương trình phổ thông. Chớ nếu các môn Business, Finance, Leadership, kỹ năng giải quyết vấn đề, … được dạy ở trường phổ thông cấp 3, thì điểm số các bạn này sẽ rất xuất sắc.

Vì vậy, sẽ không công bằng khi dùng kết quả các môn Toán Hình học không gian/ Toán lượng giác để đánh giá người giỏi về Finance.

Sẽ không công bằng khi dùng điểm môn Văn để đánh gía người giỏi và nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường.

Sẽ rất vô lý khi dùng điểm môn Tiếng Anh để đánh giá người có khả năng thấu hiểu về nhu cầu của người tiêu dùng.

Những người thành công trong kinh doanh, họ có những tố chất đặc biệt và họ sẽ bộc lộ khả năng rất tốt nếu được đánh giá bằng các chuẩn đo lường đúng với sở trường của họ.

Vậy, từ nay, khi đã đọc bài viết này rồi, bạn đừng bao giờ nói “hồi nhỏ học dốt mà lớn lên giàu” nhé.

Họ có thể không giỏi mấy môn học thuật, nhưng nếu được học bài bản những môn như: Marketing, Kinh Doanh, Tiền tệ Tài chính, Đầu tư, Lãnh Đạo, Tư duy sáng tạo, Kỹ năng giải quyết vấn đề… mình tin họ sẽ học giỏi xuất sắc vượt trội đó.

 

TEXVN thu thập từ nguồn PHẠM HƯƠNG


Phạm Hương - Sep 25, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email