Chọn Trường Nào Để Học Hành Thi Cử Thành Công?

Phần 6

Chọn trường nào thì cũng cần trải qua các kỳ thi, cho đến khi tốt nghiệp ĐH.

Theo hệ công mà chọn trường chuyên, trường điểm, trường chất lượng cao thì đương nhiên học nhiều, các kỳ thi khó. Nhưng chọn học trường công bình thường, thì học hành thi cử rất nhẹ nhàng.

Tương tự như vậy, hệ thống trường tư chất lượng cao ở Hà Nội cũng chia ra làm 2 nhóm: 1 nhóm thuộc dạng học hành vô cùng căng thẳng, một nhóm còn lại học hành dễ thở hơn.

Vì vậy, nói cho cùng, chọn công hay tư, thì ngoài tiêu chí “đầu tiên tiền đâu” ra, mình cần phải cân nhắc phong cách học tập của các trường: mình muốn con vào trường học nhiều, học nhồi; hay mình muốn con vào trường học hành vừa phải.

Nếu mình chọn trường công, mình cần hiểu là: hệ thống giáo dục ở trường công VN, chú trọng vào một mục tiêu quan trọng cơ bản nhất, là cung cấp kiến thức. Điều này quá đúng rồi chớ còn gì nữa. Đất nước còn khó khăn, người dân còn nghèo, thì phải chú trọng đến những vấn đề cơ bản trước mắt. Nói nôm na, con nhà nghèo thì phải lo học hành để ổn định cuộc sống đã. Có thực mới vực được đạo. Cuộc sống còn vất vả trăm bề, thì mình cần phải nghĩ đến những việc thiết thực.

---

Quay trở lại với nhiệm vụ chủ chốt của trường công – là dạy kiến thức theo chương trình của BGD. Một cách khách quan, nếu các bạn xem kỹ nội dung, khối lượng kiến thức của BGD đưa ra trong SGK, thì sẽ thấy không có gì là quá khó, hay nhồi nhét cả. Nói cho cùng, mục tiêu thực tiễn nhất mình cần làm là phải học cho xong ĐH/ Cao đẳng, để tốt nghiệp và đi làm.

Học trường công hay tư, các con cũng phải trải qua đầy đủ các kỳ thi cử. Điều quan trọng là, học trường nào, thì con cũng cần phải học để thi cử thành công.

Để các bạn có cái nhìn toàn cảnh, hình dung ra rõ ràng những kỳ thi, những cuộc thi nào là quan trọng mà con cần học đủ tốt để vượt qua, bài viết này, mình đi vào phân tích cụ thể ở từng cấp học:

  • Các kỳ thi học kỳ hàng năm
  • Xét tuyển chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6
  • Kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10
  • Thi tốt nghiệp PTTH
  • Thi/ xét tuyển vào ĐH

Chúng ta hãy thử điểm lại, những gì mà trẻ phải đối mặt suốt 12 năm:

1. Thi học kỳ:

Là do trường ra đề thi. Trường chuyên, trường CLC, trường điểm, trường top trong khu vực… thì các đề thi sẽ khó hơn bình thường. Nếu bạn đã chủ động đưa con vào các trường này, thì do bạn tìm đến áp lực, chớ có phải BGD tạo áp lực cho bạn đâu?

Ngược lại, ở các trường công bình thường, mức độ khó của bài thi học kỳ rất vừa phải. Nếu muốn con không áp lực, bạn cứ chọn trường công có hạng khá, hoặc bình thường là được. Mình nói các bạn đừng giận, mình chọn thì mình chịu, chớ đừng đổ lỗi cho hệ thống giáo dục công nữa.

Nếu bạn chọn 1 trường công bình thường, bạn cho con học theo chương trình SGK của Bộ, và bạn chấp nhận điểm 8 của con là đủ tốt. Em bé chả có gì áp lực cả.

Ngược lại, bạn cứ muốn con học ở lớp chọn, trường điểm, trường chất lượng cao, hoặc trường chuyên, thì đương nhiên bài vở, thi cử phải khó hơn rồi đó. Và bạn muốn con lúc nào cũng điểm 10 đỏ vở, điểm 9 là bị mắng, bị lườm; thì khó chớ sao. Đó là do bạn tạo áp lực nên con cái, bạn đưa con mình vào môi trường khắc nghiệt, bạn kỳ vọng con quá nhiều.

Vì vậy, đứa nhỏ bị học nhồi nhét, bị áp lực, bị trầm cảm… gì gì đó, thì đâu phải lỗi của hệ thống giáo dục công, mà hơn hết, cha mẹ cần xem lại quyết định của mình.

2. Xét tuyển chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6:

Cơ chế xét tuyển theo tuyến, chớ không có thi cử áp lực. Tin vui nhất là, năm nay BGD đang thí điểm 1 quy định mới “Khi con lên cấp 2, con sẽ theo đúng tuyến (theo hộ khẩu) và được học ở trường gần nhà nhất”. Mình cho rằng, 1 trong những tiêu chí quan trọng để chọn trường của mình là gần nhà. Nên, mình đánh giá cao quyết định hay ho và sáng suốt này.

Thi tuyển vào lớp 6: chỉ có trường chuyên (HN có trường Ams, SG có trường Trần Đại Nghĩa) và những trường điểm, CLC thì mới có sự thi tuyển hoặc xét tuyển + thi tuyển gay gắt. Nếu bạn muốn con mình vào những trường toàn là “con nhà người ta” thì đương nhiên, bạn phải chấp nhận con sẽ có áp lực học tập rồi đó.

Nếu các bạn chỉ cần con vào trường công cấp 2 bình thường, thì 5 năm tiểu học, chỉ cần cho con học tốt 3 môn: Toán, TV và TA. Trong đó, TA là cần đầu tư nhất. Nhiệm vụ này khá đơn giản và nhẹ nhàng. Đâu cần phải học nhồi nhét làm chi. Học để thi vào trường công cấp 2 đúng tuyến, thì không có gì là ghê gớm cả.

Ngược lại, nếu bạn muốn con vào trường chuyên, thì cần bỏ ra trung bình 2 năm (lớp 4 + 5) để học ôn luyện thi chuyên. Mình có nghe vài PH chia sẻ con bạn học giỏi không cần ôn luyện, nhưng số đó quá ít. Nói chung, muốn vào chuyên, phải học ôn thi ở lò luyện.

3. Thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10:

Có thể nói, đây là cuộc thi cam go nhất của HS. Vài PH nói với mình rằng, cuộc thi này vất vả hơn là thi tốt nghiệp trung học nữa. Mình đồng ý, mình hiểu và thông cảm với PH ở khu vực HN. Vì HN phát triển đô thị quá nhanh, nhưng tốc độ xây dựng trường công không theo kịp, nên xảy ra sự thiếu hụt trường công. Hàng năm, tại HN, sẽ có mấy chục ngàn HS không được vào trường công. Đồng nghĩa các con phải học ở trường tư, với học phí chênh lệch khá lớn. Đây là một vấn đề thực tiễn. Khó khăn này cần được các PH nghiên cứu kỹ, để có chiến lược dài hạn và giải pháp khả thi.

Năm 2023, Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%.

Điều này cho thấy, tuy con số tuyển sinh đã tăng 1.000 HS so với năm ngoái – là 1 sự tiến bộ. Nhưng, có đến 44.3% HS không được vào trường công. Các con phải qua học trường tư. Gần 50% HS phải tự tìm con đường khác để tiếp tục học tập. Mong rằng trong tương lai, HN sẽ làm giảm con số này.

Tuy vậy, PH cần có tầm nhìn xa hơn ở chổ này. Vì tỉ lệ 50 – 50 là khá lớn. Cứ 2 bạn thì sẽ có 1 bạn bị trượt. Nên, như mình đã từng khuyên, tài chính của gia đình nên được tích luỹ và ưu tiên đầu tư từ cao xuống thấp: ĐH --> Cấp 3. Thay vì cho con học trường tư xịn xò từ mẫu giáo, cấp 1… thì trước tiên, bạn cần tích luỹ đủ tài chính cho hệ ĐH và cấp 3 đã. Nếu bạn đã có dự trù đủ tài chính cho con học trường tư ở cấp 3, thì bạn có thể yên tâm về đường dài. Cha mẹ và con đỡ phải căng thẳng cho kỳ thi này.

May mắn cho PH ở SG, không phải quá lo lắng về điều này. Ở SG, tỉ lệ chọi không khắc nghiệt bằng.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023, toàn thành phố HCM có 93.981 thí sinh đăng ký dự thi. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của 114 trường THPT công lập là 72.784 học sinh. Dự kiến khoảng 20.000 học sinh sẽ trượt lớp 10 công lập. Tính tỉ lệ thì có 77.5% HS học trường công và 22.5% HS học trường tư.

Với mức thu nhập của 1 tp lớn như SG, thì 22.5% HS học trường tư này, phần lớn đã đến từ sự chủ động của tầng lớp trung lưu trở lên; họ chủ động chọn trường tư cho con em họ rồi. Nên, sự cạnh tranh vào trường công ở SG không khắc nghiệt như ở HN.

Vì vậy, các PH ở HN, ngoài việc chuẩn bị tài chính như một kế hoạch dự phòng, thì mình cần:

  • Vẫn là học cho tốt, cho vững 3 môn thi tuyển của kỳ thi chuyển cấp này: Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh. Để học tốt 3 môn này, thì mình cho rằng, không có gì là khó khăn hết. Ngay từ cấp 1 con đã học tốt 3 môn này rồi, mình cứ tiếp tục duy trì thôi.
  • Trong 4 năm của cấp 2, chỉ học 1 môn khoa học tích hợp (trước đó phải học riêng từng môn: Lý, Hoá, Sinh) nên dễ thở hơn nhiều. Nhưng, mình cần xác định từ sớm 2 môn tổ hợp mà con sẽ chọn khi phân ban ở cấp 3. Chọn sớm và tận dụng thời gian thong thả của cấp 2 để học sớm thì tốt. Với những bạn định hướng theo ngành STEM (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin), thì con cần tập trung học sâu, học thật tốt các môn này từ năm lớp 7 là chuẩn nhất.
  • Đặc biệt, nếu muốn vào trường chuyên cấp 3, thì cần: chọn 1 môn học cho thiệt giỏi để thi chuyên. Tuỳ vào mục tiêu đường dài của mình ở bậc ĐH mà cân nhắc chọn môn chuyên nha: chuyên Anh, chuyên Văn, hay chuyên Toán. Hoặc có thể chọn 1 trong 2 môn tổ hợp (của cấp 3) trong nhóm các môn sau: Hoá, Lý, Sinh, Tin…

4. Thi/ xét tuyển vào ĐH:

Để vào ĐH suôn sẻ, thì 3 năm trung học rất quan trọng.

Nếu bạn muốn cho con học ĐH tại VN. Trước hết, mình cần xem cơ chế tuyển sinh của các trường ĐH. Theo trang web của Báo Điện tử chính phủ:

“Hiện nay, các phương thức xét tuyển ĐH gồm:

  • Xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT
  • Xét tuyển bằng học bạ
  • Xét tuyển thẳng
  • Xét tuyển ưu tiên và xét tuyển bằng kỳ thi riêng của trường”

A. Xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

  • Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp vẫn gồm 5 môn: 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, TA. 2 môn còn lại sẽ là môn tổ hợp: hoặc là Khoa học tự nhiên, hoặc là Khoa học Xã hội.
  • Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán + Văn (bỏ môn TA bắt buộc) và 2 môn tự chọn.
  • Vậy, năm 2023 + 2023, thì 3 môn Toán, Văn, Anh là 3 môn mà con phải học tốt, để đạt điểm tối đa cho kỳ thi tốt nghiệp.
  • Nhưng, như nhiều bạn đã góp ý, kỳ thi tốt nghiệp này không quá khó, không cần con phải học chuyên, học thêm luyện thi thiệt nhiều thì mới đạt điểm cao. Học tốt, học đều là đủ.
  • Theo báo Tuổi Trẻ: HS sẽ được “miễn bài thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT nếu có IELTS 4.0 trở lên. Khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT.
  • Tuy nhiên, trao đổi về quy định này, ông Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo), cho biết: Việc miễn thi và tính tương đương 10 điểm bài thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt mức điểm tối thiểu như quy định chỉ áp dụng để xét tốt nghiệp, không sử dụng để xét tuyển đại học. Vì thế thí sinh muốn sử dụng điểm thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển đại học thì sẽ vẫn phải dự thi để lấy kết quả xét tuyển”.
  • Nhưng, để xét tuyển ĐH môn TA, cũng không cần phải thi. Các trường ĐH top đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Luật, ĐH Bách Khoa HN/ TP. HCM, ĐH Quốc Gia HN, ĐH Kinh tế Quốc dân… đều dùng kết quả IELTS để xét tuyển. Tuỳ theo trường, mà điểm IELTS được quy tương đương: IELTS từ 5.5 – 8.0 sẽ tương đương 8 – 10 điểm môn TA.
  • Với 2 môn tổ hợp, tuỳ con theo ngành nào mà con chọn. Các bạn cần xác định ngành nghề con thích và tương ứng là 2 môn con chọn. Càng sớm càng tốt (như mình đã viết ở trên, nên xác định từ năm lớp 7). Bên cạnh 3 môn chính (Toán, Văn, Anh) thì 2 môn tổ hợp sẽ là 2 môn con cần đầu tư. Con cần học thật giỏi thật 2 môn này. Giỏi đủ để đạt đầu vào xét tuyển ĐH, rộng đường vào ĐH, và đủ giỏi để con học tốt ở bậc ĐH.
  • Nhiều lúc mình thấy nhiều bạn bè của mình, rất phí phạm thời gian của con. 3 năm trung học cho con học chuyên Lý, rồi vào ĐH thì con học Kinh Tế??? Có bạn cho con học chuyên Toán từ lớp 1 -12, nhưng khi du học thì không đủ tự tin để học các môn STEM (vì để học STEM, chỉ học tốt môn Toán thôi thì không đủ).

B. Xét tuyển bằng học bạ

Xét điểm học bạ trong 3 năm: lớp 10, 11, 12. Để được GPA cao, thì tuỳ vào năng lực của con mà các bạn cho con học trường chuyên, công hay tư.

Trường chuyên, kể từ năm nay, không có lớp thường, chỉ có lớp chuyên. Muốn vào chuyên thì phải học chuyên. Nhưng học chuyên thì sẽ được ưu tiên cộng điểm cho các môn khác, nên thường các bạn học chuyên có điểm GPA rất cao. Đây là 1 lợi thế, không những cho ĐH trong nước, mà còn cho việc săn học bổng du học.

Tuy vậy, từ khi có cơ chế xét tuyển bằng bảng điểm học bạ thì tình trạng lạm phát điểm tăng đột biến. Trường chuyên cộng điểm ưu ái cho HS chuyên đã đành. Trường tư càng cho điểm rộng rãi. Các trường công thấy vậy thì cũng thiệt thòi cho HS trường mình quá, thế là điểm số leo thang. Nhưng vẫn có các trường thật sự nghiêm túc, không cho điểm tràn lan, như trường Phổ Thông Năng Khiếu TP.HCM. Các thầy cô ở trường này thường phối hợp với các trường ĐH để cho HS học qua các dự án nghiên cứu. Trường PTNK thường cho rằng, điểm 7 – 8 là giỏi lắm rồi. Và rất ít bạn được 9 – 10 điểm. Bạn nào học ở đây mà được điểm cao là thực sự rất giỏi.

Ngoài ra, các trường quốc tế 100% cũng rất khó về điểm số. GV nước ngoài cho điểm rất công minh, họ không chịu cho điểm để vừa ý PH. Thậm chí, chủ trường – vì tác động của PH - có can thiệp thì GV cũng không nghe. Họ xem trọng đạo đức về nghiệp, và họ không dễ dãi trong việc đánh giá và chấm điểm học sinh.

Kế đến là những trường công thuộc dạng trường điểm, có tiếng xưa giờ ở SG (Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai…) những trường này muốn đạt điểm cao thì học lòi con mắt. Mình nghĩ cũng không phải là GV các trường này làm khó HS làm gì. Nhưng, một cách tự nhiên, vì đầu vào toàn là HS giỏi, nên chuẩn đánh giá của thầy cô tự động tăng, yêu cầu cao hơn, điểm số chấm bài sẽ khó hơn. Vì ai cũng giỏi mà; nên bài tập, bài kiểm tra, và bài thi đều khó hơn so với mặt bằng chung.

Vì vậy, các bạn muốn cho con vào trường cấp 3 xịn hay không, thì tuỳ các bạn cân nhắc, dựa trên mục tiêu của mình nha.

Vấn đề điểm số ở các trường công cấp 3 HN thì mình chưa đủ nhiều dữ liệu. Mình cần các bạn góp ý thêm nhé.

C. Xét tuyển bằng kỳ thi riêng/ hoặc kỳ thi đánh giá năng lực

Các trường ĐH top cao sẽ có kỳ thi riêng do các trường xây dựng, để trường tuyển đầu vào chặt chẽ hơn – nhằm đối phó với nạn lạm phát điểm GPA, vì cũng vì kỳ thi tốt nghiệp cũng quá dễ so với yêu cầu học thuật của trường.

Trường ĐH Bách Khoa, trường ĐH Quốc gia HN, ĐH Quốc gia tp HCM đều có kỳ thi này. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội gọi đây là Bài thi đánh giá tư duy.

Với những bạn giỏi TA, các con có thể chọn học và thi SAT. Về độ khó tư duy thì 2 cuộc thi này tương tự nhau, nhưng thi SAT sẽ có nhiều cơ hội hơn, vì mức độ cạnh tranh ít hơn.

D. Xét tuyển thẳng, xét ưu tiên

  • Xét tuyển thẳng: tuỳ trường ĐH mà sẽ xét tuyển thẳng cho những thành tích: HS Giỏi cấp quốc gia, thành phố/ tỉnh… Theo mình biết, anh thầy dạy kèm môn Hoá cho Khuê là cựu HSG cấp quốc gia môn Hoá, nên bạn ấy được tuyển thẳng vào học ngành Dược ở trường ĐH Y Dược TP. HSeris CHỌN TRƯỜNGCM.
  • Rất nhiều người chọn chiến lược này: học chuyên, đi thi HSG để được tuyển thẳng vào ĐH. Nhưng phải học môn đúng ngành mình chọn thì mới đáng công, như anh bạn gia sư môn Hoá của Khuê. Đừng như con của bạn ông xã nhà mình, học chuyên Lý xong, chỉ để được tuyển thẳng vào ĐH Kinh Tế.

Có 1 bạn PH ở 1 tỉnh miền Bắc, đã chia sẻ với mình rằng, bạn muốn cho con bạn học chuyên Anh, hoặc nếu chuyên Anh cạnh tranh quá thì cho học chuyên Sử, để sau này con được xét tuyển thẳng hoặc được cộng điểm khi vào ĐH. Mình hỏi, cháu dự định vào ĐH nào, ngành gì? Thì mới biết là cháu muốn học Computer Science ở ĐH Bách Khoa (???)

Theo mình biết, các trường đã thay đổi tiêu chí tuyển thẳng hợp lý và minh bạch hơn. Chỉ cho tuyển thẳng với những môn đúng ngành học. Không phải cứ HSG quốc gia môn Văn, Sử, Địa mà được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên cộng điểm vào ĐH Bách Khoa được.

Ngoài ra, các trường ĐH top cũng xét tuyển ưu tiên bằng các kỳ thi/ chứng chỉ đánh giá năng lực. Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển các chứng chỉ quốc tế bao gồm: SAT, ACT, A-Level, AP và IB. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên, có ít nhất một trong các chứng chỉ quốc tế nói trên. Điểm xét tuyển của các kỳ thi này sẽ được xét chọn từ cao xuống thấp.

Chứng chỉ SAT, không chỉ dùng để được ưu tiên xét tuyển cho các trường ĐH top đầu của cả nước, mà còn được các trường ĐH Châu Âu xét tuyển, hoặc trường ĐH Taiwan xét cấp học bổng, và trường ĐH Úc cũng dựa chọn SAT là 1 trong những tiêu chí để tuyển sinh.

Vì vậy, trong 3 năm trung học, bạn cần cho con làm quen, học và thi SAT, thì cơ hội cánh cửa ĐH sẽ mở ra nhiều hơn cho con.

Tương tự, AP/ A-level cũng sẽ được ưu tiên xét tuyển. Nhưng nếu con không có ý định du học, thì mình nghĩ, con không cần học mấy món này. Chỉ cần học SAT là đủ.

Để học IELTS, SAT, AP đều cần có TA giỏi. Vì vậy, dù BGD đã bỏ môn TA bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp, thì các con cũng nên học TA cho thật tốt. Có TA thì có thêm cơ hội. Mà TA càng giỏi thì cơ hội càng nhiều. Vậy nhé.

Cuối cùng, việc xét ưu tiên theo chính sách của nhà nước: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT.

---

  • Đây là những kỳ thi mà các con phải trải qua, từ lớp 1 cho đến khi vào ĐH
  • Dựa vào các cơ chế thi cử và thi tuyển: từ thi học kỳ, đến xét tuyển chuyển cấp, đến thi chuyển cấp và xét tuyển/ thi tuyển vào ĐH: cần có tiêu chí gì, thì mình nghiên cứu và cho con học đúng và đủ để đáp ứng các tiêu chí đó.
  • Những kỳ thi nào có sự cạnh tranh cao: mình cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng, như: để dành đủ tiền cho con vào học cấp 3 trường tư; hoặc học và thi IELTS, SAT để có nhiều cơ hội xét tuyển hơn; hoặc chuẩn bị tài chính cho con học ĐH hệ nâng cao, hệ tiên tiến, hệ liên kết…

Hy vọng bài viết này giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn.

---

5. Nên đầu tư ngược hay không?

Có vài bạn hỏi rằng:

  • Thay vì làm như chị khuyên: tiết kiệm đủ tiền ở bậc ĐH --> cấp 3… thì em đầu tư cho con học trường tư CLC ngay từ cấp 1, học cho thiệt giỏi, để em săn học bổng trường quốc tế, và săn học bổng ĐH, được không?

Vì bài viết này đã quá dài, và chị trả lời nhanh ở đây:

  • Cái gì cũng có thể
  • Vấn đề là: lựa chọn cái gì thì phải có lộ trình cụ thể cho nó. Nếu chọn đầu tư nhiều tiền cho con học trường tư CLC từ cấp 1, thì xác định con phải học cực kỳ nhiều và nặng (mới có thể săn học bổng).
  • Nhưng, cho dù mình ép con học nhiều và nặng từ nhỏ, cũng chưa chắc con sẽ đạt học bổng cấp 3 hoặc ĐH. Trong trường hợp con không có học bổng, thì mình liệu còn đủ tài chính để tiếp tục lo cho con đi trọn con đường học vấn?
  • Vì vậy, sự lựa chọn của cta cần nhìn vào tính khả thi, xem con đường nào khả thi hơn: cho con học trường công bình thường và để dành tài chính để đầu tư vào ĐH và cấp 3; hay chọn đầu tư từ nhỏ để con lớn con săn học bổng? Con đường nào khả thi hơn thì tốt hơn. Làm gì làm, kết quả cuối cùng vẫn quan trọng nhất. Vì vậy, nhất định phải chọn 1 lộ trình khả thi.
  • Ngoài ra, sự lựa chọn của cta cần nhìn vào mức độ áp lực: mình còn phải nghĩ cho con, con còn nhỏ, đừng đưa con vào áp lực quá lớn và quá sớm. Vì vậy, con đường nào ít áp lực hơn, thì sẽ tốt hơn, cho con và cho chính mình.
  • Cuối cùng, sự lựa chọn của cta nên nhìn từ 2 hướng: áp lực đặt lên vai cha mẹ, hay áp lực đặt trên vai con. Nếu là mình, mình chọn áp lực đặt trên vai mình, và giảm áp lực cho con

KẾT LUẬN:

Chọn trường công hay tư, đều nên học tốt các môn ở từng cấp như sau:

- Cấp 1: học tốt Toán, tiếng Việt, tiếng Anh

- Cấp 2: 3 môn như trên + 1 môn khoa học mà con chọn: Lý/ Hoá/ Sinh/ Tin. Nếu học lực tốt, nên có IELTS 7.0+ trong năm cuối cấp 2

- Cấp 3: 3 môn như trên + 2 môn tổ hợp. Ngoài ra, cần học và thi các cc chuẩn hoá để tăng cơ hội: IELTS 8.0, SAT 1.500+. Nếu muốn đi du học hoặc xin học bổng thì học thêm AP 5.0

 


Phạm Hương - Aug 01, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email