Chọn Trường - Phần 1: Xin Đừng Đầu Tư Ngược

Series: CHỌN TRƯỜNG

Việc chọn trường, vốn là một việc quan trọng đối với hầu hết các gia đình. Vì thế, nó cũng là một đề tài nóng, gây tranh cãi.

Bài viết này của mình, chỉ là 1 góc nhìn, chia sẻ quan điểm và những phân tích của mình để các bạn tham khảo. Mình hoan nghênh mọi người đóng góp ý kiến trên tinh thần phản biện lịch sự và tôn trọng nhau nhé.

1. Nên chọn trường nào?

Với góc nhìn thực tiễn, mình cho rằng:

  • Về mặt tài chính của cha mẹ: chọn trường phù hợp túi tiền của cha mẹ.
  • Về phương diện sức khoẻ của con cái: chọn trường nào gần nhà để trẻ không phải thức dậy quá sớm và mệt nhoài khi phải ngày 2 lượt ngồi trên xe cả tiếng đồng hồ
  • Hiện nay, nói chung, có 3 loại trường:
  • Trường công, hoặc trường công lập tự chủ tài chính
  • Trường tư, trường 'quốc tế' song ngữ
  • Trường quốc tế đơn ngữ

Mình đi làm nhiều năm, làm thuê làm chủ đều đã trải qua, đầu tư công sức hay đầu tư tiền bạc mình đều đã nếm. Mình đúc kết 1 câu: Không có sự đầu tư nào có lãi bằng đầu tư cho giáo dục.

Không chỉ lãi bằng ý nghĩa tài chính (tiền lương, thu nhập); mà còn là lợi ích về tinh thần (tư cách, phẩm giá, đạo đức, lối sống, hạnh phúc…).

Một người có giáo dục, được giáo dục tốt, thì chắc chắn sẽ có cuộc sống vật chất tốt và tinh thần tốt hơn những người ít học.

Có nhiều người dè bĩu mình là “bà này nói chuyện sặc mùi tiền bạc, nuôi con mà cứ nói đến đầu tư, lời lãi”.

Mình thì cho rằng, giáo dục, dù là với góc độ cá nhân, hay là ở tầm vĩ mô của xã hội/ quốc gia, thì đều là sự đầu tư quan trọng. Cá nhân được hưởng nền giáo dục tốt thì họ sẽ có cuộc sống chất lượng. Mà xã hội/ quốc gia có những công dân có dân trí cao, thì quốc gia đó sẽ phát triển hưng thịnh hơn.

Mà nói đến đầu tư, thì phải nói đến hiệu quả chớ. Cha mẹ là người đầu tư, con cái là người hưởng thành quả. Mình càng muốn con mình hưởng trái ngọt, thì mình càng phải tính toán, bỏ công bỏ sức đầu tư bón phân, làm vườn, tưới nước. Và mong mỏi thu hoạch được quả ngọt - kết quả đầu tư, là mong đợi chính đáng mà - dù quả ngọt đó là con mình nó ăn suốt đời, chớ đâu phải mình giành ăn với nó.

Vì vậy, tiền bạc mà mình làm ra, ngoài việc sử dụng cho các nhu cầu cơ bản, thì mình luôn luôn ưu tiên cho giáo dục.

2. Nên chi bao nhiêu cho việc học của con?

Điều này tuỳ thuộc vào tích luỹ tài sản của bạn.

  • Nếu bạn đã sở hữu vài ba căn nhà, có vài miếng đất để dành; đủ dùng cho việc học ĐH, hoặc đi du học; và bạn có nguồn thu nhập đủ tốt và ổn định, thì bạn hoàn toàn có thể chi đến 300 – 800 tr/ năm cho con học trường quốc tế.
  • Nếu bạn còn trẻ, con còn nhỏ, mà tài sản cũng chưa có tích luỹ, thì bạn cần có tầm nhìn xa. Cho con học trường công là được rồi. Với những bạn chọn học trường công, tổng chi phí này kia nọ mà bạn có thể chi, nên trong giới hạn 30 - 50 tr/ năm thôi. Không nên vung tay quá trán.
  • Nếu bạn còn trẻ, nhưng lương cao, thu nhập tốt, dù tài sản chưa có nhiều tích luỹ, nhưng bố mẹ 2 bên khá giả, sẵn sàng hỗ trợ các cháu chi phí học hành, thì bạn có thể đầu tư khoảng 100 tr/ năm thôi. Vì mình cần dự trù đường dài, đâu thể cứ mong chờ ông bà nuôi cháu mãi.

Tóm lại là, với mức tài chính cụ thể của gia đình, bạn cân nhắc có thể chi trả cho trường nào: công, tư hoặc quốc tế. Bạn cứ chọn trường trong tầm tay.

Nhưng, lưu ý là học phí của con không bao giờ nên là 1 gánh nặng quá lớn, 1 áp lực quá căng thẳng. Bạn không thể chịu đựng áp lực lớn liên tục suốt 20 năm (4 năm mẫu giáo + 12 năm phổ thông + 4 năm đại học). Áp lực kéo dài sẽ gây trầm cảm.

3. Tầm Nhìn Xa

Hồi nhỏ mình hay xem Dự báo thời tiết, nên mình thuộc lòng câu này. Ai có tầm nhìn xa, thì khả năng tránh bão sẽ an toàn, đỡ mất mát đau thương.

Bạn cần làm 1 bài toán, tính cho đủ chi phí học của con: tính ngược xuống nha:

Học phí 4 năm ĐH

  • 3 năm Trung học
  • 4 năm cấp 2
  • 5 năm tiểu học
  • 4 năm nhà trẻ và mẫu giáo

Thứ tự ưu tiên để đầu tư tài chính là:

  • Để dành đủ tiền cho bậc ĐH: ĐH có chất lượng trong nước (cần học rất giỏi), ĐH hệ liên kết (học giỏi + học phí cao), ĐH quốc tế trong nước (học khá + học phí khá cao), hoặc du học (vừa học giỏi + vừa học phí và chi phí rất cao).
  • Rồi mới để dành đủ tiền cho 3 năm trung học: để an toàn tài chính, mình cần chọn trường từ trường có học phí thấp (trường công bình thường) –> trường có học phí cao (trường công tự chủ tài chính, trường tư) -> trường có học phí khá cao (trường tư ‘quốc tế’ song ngữ) -> trường có học phí rất cao (trường quốc tế đơn ngữ).
  • Khi mình có đủ tiền để dành cho 3 năm cấp 3 rồi, thì hãy mới để dành đủ tiền cho 4 năm cấp 2: chọn trường tương tự như trên
  • Rồi mới để dành đủ tiền cho 5 năm tiểu học: tương tự như trên
  • Cuối cùng, khi mình đã đủ tiền đầu tư cho tất cả các cấp học ở trên, mình mới nên xài sang cho 4 năm mẫu giáo trường quốc tế

4. Tại Sao Phải Đầu Tư Từ Trên Xuống?

Vì nói cho cùng, bậc giáo dục cuối cùng, là bậc ĐH, mới là thứ thực tế nhất, giúp con vào đời và sống sót được với đời. Dù ai nói đao to búa lớn, dù ai nói lý tưởng, triết lý cao siêu vĩ đại kiểu gì, thì:

  • Ít nhất phải có tấm bằng ĐH mới có thể xin việc được.
  • Ít nhất phải có kiến thức chuyên môn, thì mới xin được việc.
  • Ít nhất phải học thật, học ở một ngôi trường ĐH có chất lượng đào tạo tốt, thì mới có đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc, và phát triển, và thăng tiến.

Vậy thì, nếu phải dồn tiền vào để đầu tư, thì cần ưu tiên cho trường ĐH có chất lượng tốt.

Dù 12 năm có lỡ học hành chểnh mảng 1 chút, nhưng lên đến ĐH, cũng phải cố gắng học hành nghiêm túc nhất có thể.

Đầu tư cho 4 năm đại học phải đúng nghĩa: đầu tư tiền bạc và cả công sức để học cho ra ngô ra khoai. Đừng chọn đại, đừng học đại. Đừng mất 4 năm + 1 mớ tiền để chỉ đổi lấy 1 tấm bằng, như 1 tờ giấy lận lưng, như 1 tờ vé vào cổng.

Nếu bạn nhỏ nào sức học quá kém, không thể vào ĐH thì mình chấp nhận. Nhưng nếu con có tư duy, con có đủ năng lực học tập, thì cta nên khuyến khích con học ĐH - dù là ngành nghề gì. Vì cùng 1 ngành nghề, khi trình độ càng cao thì cơ hội càng cao.

5. Tiếp Theo Là Đê Danh Tiền Cho 3 Năm Trung Học

Tại sao?

  • Vì cuộc thi tuyển vào cấp 3, đôi lúc, còn căng thẳng hơn thi tuyển ĐH nữa.
  • Vì nhiều lý do, trường công cấp 3 không đủ chổ cho HS. Dẫn đến kỳ thi cấp 3 là 1 cuộc chiến khốc liệt. Mà bạn nhỏ nào thi rớt thì cũng không phải lỗi do con học kém gì cả.
  • Những bạn nhỏ không đậu vào trường công cấp 3, mà vẫn muốn tiếp học đi học thì sao? Chả lẽ bắt các con bỏ học mà đi học nghề quá sớm - khi các con chưa sẵn sàng cho việc đó.
  • Chưa kể, có những bé không thích học nghề, con thích học các môn xã hội hoặc kinh doanh, và con dĩ nhiên con muốn học ở bậc ĐH, con đâu muốn dừng con đường học hành quá sớm.
  • Hoặc, có nhiều lý do khiến con học không tốt ở cấp 2: chưa có động lực học, mãi ham chơi, gia đình lục đục nên con nản… nhưng khi lên cấp 3, con lại thay đổi ngoạn mục và học hành rất tốt. Nếu cha mẹ không kịp thời hỗ trợ và cho con thêm 1 cơ hội học tập khác (trường tư), thì xem như mình đã dứt bỏ tiềm năng của con mình.

Vì vậy, nếu cha mẹ nào đã dự trù sẵn 1 khoản ngân sách, có thể giúp con học ở 1 trường tư phù hợp – khi cần, thì 3 năm cấp 3 của con sẽ là khoảng thời gian vui vẻ và đáng nhớ; mà 2 năm cuối của cấp 2 cũng không phải chạy sô học thêm học nếm, học luyện thi miệt mài trong căng thẳng.

6. Kế Tiếp, Ưu Tiên Đầu Tư Vào Cấp 2 Hơn Cấp 1

Tại sao?

  • Đơn giản là cấp tiểu học thì có học gì nặng nề đâu. Cha mẹ có thể tự hướng dẫn con học ở nhà với 2 môn Toán + Văn. Còn TA thì dĩ nhiên, học ở đâu thì con cũng cần học thêm cả (trừ phi học trường quốc tế đơn ngữ rất đắt). Nếu bạn không dư dả tiền bạc, thì việc cho con học trường quốc tế, chỉ để con vui chơi thoải mái hơn, thì có lẽ là chưa phải là giải pháp tối ưu.
  • Nếu cta ưu tiên đầu tư cho cấp 2, thì 4 năm học trường tư, sẽ là một sự chuẩn bị vô cùng tốt cho cấp 3. Trong 4 năm này, cta có thể thận trọng xem con thích môn gì, hoặc chủ động tạo sự yêu thích các môn học cho con, rồi đầu tư cho con học tốt các môn đó. Để khi vào cấp 3, con đã có sự lựa chọn tổ hợp môn chính xác, dựa trên thế mạnh học thuật của con. Ví dụ các tổ hợp môn: Toán Lý Tin, Toán Hoá Sinh, Toán Văn Anh, Toán Lý Anh… Cha mẹ càng chuẩn bị tốt ở cấp 2, thì khi con vào cấp 3, con càng tự tin học tốt.
  • Cuối cùng, nếu cta chỉ có đủ tiền đầu tư hoặc cho cấp 1, hoặc cho cấp 2, thì dĩ nhiên nên chọn cấp 2. Bởi vì học trường công cấp 1 và chuyển vào trường tư cấp 2 thì dễ hơn làm ngược lại.
  • Có rất nhiều bạn nhỏ, lúc gia đình khá giả cho học trường tư, trường quốc tế; nhưng khi chuyển con qua trường công thì con rất sốc, học không hoà nhập được. Không phải chỉ vì chương trình trường công nặng nề về thành tích, mà còn vì phong cách giáo dục ở trường công khá bảo thủ, có khi còn áp đặt; không cởi mở và năng động như ở trường tư. Vì vậy, trẻ đã quen với trường tư thì khó hoà nhập ở trường công.

Đầu tư từ trên xuống, vừa bảo đảm an toàn tài chính cho gia đình, vừa chuẩn bị lộ trình học tập thuận lợi và vừa sức cho con.

Đầu tư theo lộ trình này, sẽ giúp bạn không bao giờ phải căng thẳng hoặc chịu áp lực quá lớn về tài chính.

Mà đi theo lộ trình này, con cái mình cũng không phải quá áp lực tranh đua học hành để vượt qua các kỳ thi.

Đừng làm ngược, như 1 gia đình hàng xóm cũ của mình đã làm. 2 vợ chồng trẻ, nhà ở chung cư (do cha mẹ 2 bên cho tiền mua). Đi làm cũng có thu nhập tốt, nên cho em bé đi nhà trẻ/ mẫu giáo với học phí 20 tr/ tháng. Khi mình hỏi thăm, thì 2 bạn trẻ ấy trả lời “Tại vì tuổi thơ là quan trọng nhất, nên em chi tiền nhiều nhất. Còn lớn lên, nếu muốn du học thì tự kiếm học bổng mà đi, chớ tụi em đâu có tiền lo nổi”.

Tuổi thơ quan trọng thì ai cũng biết. Nhưng, bỏ ra 20 tr/ tháng, không biết trường mẫu giáo đó có giúp con phát triển tốt như thế nào trong giai đoạn quan trọng đó? Hay cũng chỉ là trang trí trường đẹp đẹp 1 xíu, rồi mời GV nước ngoài (không chất lượng) vào dạy cho có tính chất quốc tế; và nói cho cùng, trường cũng không có gì khác ngoài việc giữ trẻ?

Tuổi thơ con vui vẻ được vài năm đó, không biết dư âm để lại được bao lâu, nhưng hành trình con tự tìm kiếm học bổng vất vả như nào, cha mẹ có hình dung ra chưa?

Thật ra, tuổi thơ quan trọng của con rất cần thời gian chất lượng của cha mẹ dành cho con; hơn là bỏ 1 đống tiền vào 1 nhà giữ trẻ có cơ sở vật chất sang và đẹp.

 

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 17, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email