Chọn Trường- Phần 2: Những Kỳ Vọng Không Thực Tế

Series CHỌN TRƯỜNG

Trường công hay tư đều có điểm tốt và chưa tốt. Bài này, mình phân tích sâu thêm những kỳ vọng không thực tế, không chính xác. Again, đây là góc nhìn, phân tích của mình dựa trên trải nghiệm của chính mình + phản hồi của PH từ nhiều nguồn. Dĩ nhiên, vẫn sẽ có ngoại lệ, nhưng bài viết này đưa ra một cái nhìn tổng thể và khách quan nhất.

1. KHEN VÀ CHÊ

Mình đã nghe quá nhiều lời chê bai trường công, nhưng nói thiệt, mình là ngược lại. Mình chưa hề chê bai gì trường công hết; mà mình cũng không khen trường tư gì cả.

Nếu so sánh trực diện 1 – 1 giữa trường công và tư, thì dĩ nhiên, trường tư/ trường quốc tế tốt hơn nhiều, về nhiều thứ. Nhưng nếu mình so sánh học phí của công và tư, thì mình thấy rằng, cái giá trị mình nhận lại được, so với cái chi phí mình bỏ ra, thì trường công là quá tốt.

Bạn thử so sánh đi:

K nhà mình học tiểu học trường công, mỗi tháng chỉ có 900K, là tất tần tật.

Trường tư tiểu học học phí rẻ nhất cũng 100 tr/ năm. Trường quốc tế thì 300 tr/ năm. Học phí gấp 10 lần – 30 lần. Vậy chất lượng có gấp 10 lần – 30 lần không?

Mình biết, cái so sánh của mình hơi thô thiển. Nó tương tự như mình so sánh cái túi giả da hàng chợ với cái túi hàng hiệu vậy. Cũng là túi xách tay, cũng có công năng đựng vài ba món đồ lặt vặt cho phụ nữ. Một cái là vài trăm ngàn, một cái là vài trăm triệu (cho phiên bản xịn). Giá tiền gấp 1.000 lần, thì làm sao có thể phân định rạch ròi chất lượng tốt hơn 1.000 lần như thế nào?

Ở đây, mình chỉ mạn phép ví von giữa trường quốc tế với trường công bình thường; còn trường chuyên, tuy thuộc hệ công, nhưng là loại trường đặc biệt, được nhà nước ưu tiên đầu tư, thì mình không so sánh ở đây nhé.

Là nhà giàu đại gia, thì họ không cân nhắc, chắc chắn họ sẽ phải dùng túi hàng hiệu. Và đương nhiên, họ cũng sẽ cho con học trường quốc tế. Đại gia đúng nghĩa thì không bao giờ lựa chọn trường công hay quốc tế. Họ chỉ phân vân chọn lựa trường quốc tế nào: BIS hay SSIS, cũng như túi hiệu nào: Hermes hay LV.

Mình là người yêu thích cái đẹp. Mình thích hàng hiệu không phải chỉ vì cái “hiệu” của nó, mà vì mình thấy nó đẹp thật, đẹp đến từng chi tiết, thẩm mỹ rất cao, chất lượng thượng hạng. Nếu có đủ tiền, mình sẵn sàng dùng hàng hiệu suốt đời.

Tương tự, nếu có đủ tiền, mình sẵn sàng cho K học trường quốc tế từ nhỏ đến lớn.

Ủa, sao mình mâu thuẫn vậy? Hồi nãy vừa nói là không hài lòng mà?

Mình không hài lòng ở chổ là do: với thu nhập cá nhân mình, mình thấy học phí 300 - 500 tr/ năm đó quá cao, thì mong đợi của mình cũng sẽ cao tương ứng. Đến khi mình thấy thực tế, nó không được như vậy. Nên sự thất vọng về nó cũng lớn.

Tại sao các đại gia họ rất hài lòng với trường quốc tế, họ không chê gì cả? Là bởi, học phí đó với tài chính của họ là chuyện nhỏ, rất nhỏ. Nên họ không mong đợi, không kỳ vọng gì nhiều. Và cũng chả có thất vọng gì hết. Bất quá họ chép miệng “Trường quốc tế nào cũng vậy thôi mà”.

Kỳ vọng và sự khen chê của chúng ta, nó đến từ tâm lý của chúng ta. Chỉ khi nào cta thật sự khách quan, thoát ra khỏi sự chi phối của tâm lý, nhìn sự việc theo đúng bản chất tự nhiên của nó, mà hiểu rằng, cái gì cũng có giá trị tương xứng với phân khúc của nó.

Trường quốc tế mở ra dành cho học sinh con nhà đại gia đúng nghĩa. Tại nhà mình chưa đủ giàu mà bon chen vào học, rồi vô đó thấy chất lượng đắt giá so với học phí, rồi khen chê thôi. Chớ đại gia không hơi đâu phí thời gian phân tích nhiều (vì thời gian của họ là vàng ngọc, thời gian đó họ làm ra bao nhiêu của cải thặng dư, hơi sức đâu mà ngồi tính toán chi li). Nếu không hài lòng, họ sẽ tìm trường xịn hơn, đắt hơn, mà không hài lòng nữa, họ cho con đi du học.

​2. TÂM LÝ CHÊ TRƯỜNG CÔNG

Một góc đối nghịch của tâm lý là: tại sao ở trường công, với một học phí rẻ đến như vậy, mà PH lại cứ kỳ vọng quá cao, đòi hỏi đủ thứ, và chê bai rất nặng nề?

Cta trả một học phí gần như rẻ mạt cho trường công, thì cta kỳ vọng trường lớp, thầy cô mang lại gì? Cta trả một số tiền quá nhỏ, mà đòi hỏi trường công gánh vác một trách nhiệm to lớn nhất: là giáo dục con mình giỏi giang nên người. Liệu có công bằng?

Tâm lý này, ở đây, có thể giải thích được là: hệ thống giáo dục trường công đang gần như miễn phí. Mà vì nó miễn phí, nó đương nhiên được hưởng cho mọi đối tượng, nên mọi người coi thường nó quá.

Chúng ta thử giả định:

Nếu tụi mình sống trong một xã hội chạy theo “cơ chế thị trường” đúng nghĩa. Không có hệ thống giáo dục trường công. Tất cả mọi vấn đề về giáo dục đều được kinh doanh, tụi mình phải trả tiền theo giá thị trường cho tất cả, trong suốt 16 năm học hành của con. Lúc đó, bao nhiêu trẻ em bị thất học? Còn có cơ hội nào cho trẻ nhà nghèo?

Mình nói thiệt là, mình rất thương các thầy cô giáo ở trường công. Mình thông cảm với sự khó khăn của trường công. Dù nhiều lúc mình cũng rất bực, cũng phê bình trường công; nhưng chân thành mà nói, mình chưa bao giờ và không bao giờ chê bai bỉ bôi gì trường công cả.

Dĩ nhiên, có vô vàn thứ bất cập mà mình không hài lòng ở trường công. Nhưng mình hiểu, thông cảm và chấp nhận thực tế đó. Rồi mình tìm cách để khắc phục nó.

Nếu cta chỉ thấy vấn đề, mà không hiểu nguyên nhân, thì cta mới hiểu lơ mơ ở lớp vỏ bề mặt

Nếu cta hiểu nguyên nhân, mà không có giải pháp, thì cta cũng chỉ là một trong hàng triệu người chỉ biết phàn nàn, chê bai, mà không giúp gì được cho con mình và cho xã hội.

Nếu cta hiểu và thấy giải pháp, nhưng cta cứ mặc định đó là trách nhiệm/ nhiệm vụ của nhà nước, của nhà nhà trường, của thầy cô, của bộ GD, rồi đòi hỏi phải làm thế nọ, thế kia… thì cta cũng chỉ là một trong hàng triệu người mắc bệnh “nói thì dễ hơn làm”.

Chỉ khi nào cta để tâm tìm hiểu thật sâu sắc, cta đồng cảm với hệ thống giáo dục công, cta biết đây là lỗi hệ thống, nên không dễ gì mà ngày 1 ngày 2 thay đổi được. Rồi cta cố gắng tìm kiếm những giải pháp khả thi nhất và cta xắn tay vào hợp tác với thầy cô, với nhà trường; hành động, chia sẻ và gánh lấy phần trách nhiệm của giáo dục, thì lúc đó, cta mới thực sự giúp được con mình.

Đừng phó thác mọi thứ cho trường lớp, thầy cô, dù là công hay tư.

Đừng chỉ biết chê bai, đổ lỗi.

Đừng chỉ biết nói, mà không biết làm.

Đừng xúc phạm thầy cô, đừng coi thường trường học.

3. KỲ VỌNG & ẢO TƯỞNG VỀ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Như mình đã kể, mình cũng từng có tâm lý kỳ vọng vào trường tư và trường quốc tế. Nhưng khi K mình học ở đó, mình đã từ từ hiểu ra vấn đề.

Mà hài hước nhất là, những người ít tiền (như mình) thì thường chê bai nhiều nhất. Mà PH nào là đại gia đúng nghĩa, họ chỉ cười xoà.

Bây giờ, mình hoàn toàn không kỳ vọng hoặc ảo tưởng gì nữa.

Mà mình không phải là trường hợp duy nhất đâu. Rất nhiều PH đã từng “ảo tưởng”:

LẦM TƯỞNG THỨ 1

"Tui tưởng học trường quốc tế thì chắc chắn phải giỏi TA lắm chớ".

- Xin thưa là không ạ. Không phải cứ vào học trường quốc tế thì auto giỏi TA. Trường quốc tế cũng có nhiều bạn không giỏi TA.

- Có 1 PH nhà đối diện mình, cho con học trường mầm non quốc tế theo phong cách ‘giáo dục hạnh phúc’, từ nhỏ, con tiếp xúc với GV nước ngoài mỗi ngày. Bạn cho con học ở đó suốt mấy năm, 300tr/ năm, tổng học phí chắc gần tiền tỉ. Sau đó, lúc bé 5 tuổi, bạn cho bé tham gia lớp Grade K mình giới thiệu. Khi học online với con, ngồi bên cạnh con, bạn mới té ngữa trình TA của con mình gần như zero, con không hiểu cô Tammi nói gì cả. Vì nghe không hiểu, nên bạn nhỏ chán nản không học được, và cuối cùng là ngừng học. Trong khi đó, rất nhiều bạn bé 5 tuổi khác, con nhà bình dân, trước đó ở nhà chỉ được mẹ kèm học TA qua app và vài bộ sách mà mình chia sẻ - mà vẫn học tốt cho đến tận bây giờ.

- Trường quốc tế đúng nghĩa thì chỉ nhận học sinh quốc tế và chỉ được nhận 10 – 20% học sinh VN. Nhưng, thực tế thì số lượng hs VN khá đông (hs người Việt có quốc tịch nước ngoài, PH VN tìm cách làm quốc tịch nước ngoài để đưa con vào trường quốc tế) và vì sau dịch Covid, lượng hs quốc tế đã vơi đi rất nhiều, nên ngoài 1-2 trường quốc tế lâu năm ở Q2, còn lại, ở các trường quốc tế hiện nay, lượng HS VN bây giờ chiếm hơn đa số.

- Điều này dẫn đến thực tế là phần lớn ngôn ngữ mà học sinh trao đổi với nhau trong lớp là Tiếng Việt.

- Ở trường lớp của K nhà mình đang học cũng tương tự. Năm ngoái, một lần, khi thầy gọi K lên bảng giảng bài Toán cho lớp, các bạn yêu cầu K giảng bằng TV. Sau đó, thầy phải giảng lại lần nữa bằng TA cho các bạn hs quốc tế (chiếm số ít trong lớp).

Vì các bạn nói TV với nhau nhiều quá, nên thầy phải dành hẳn 1 vài buổi, và thầy chỉ định các bạn đứng lên nói 1 chủ đề bằng TA. K nhà mình chờ mãi, chờ mãi, mà thầy không gọi, nàng buồn thiu. Mãi sau đến buổi cuối cùng, thầy mới gọi K, thầy nói “TA của con giỏi rồi, nên con nhường cho các bạn đi”.

- Nói đã như vậy, viết còn kém hơn. Tương tự môn Văn trong TV, không phải ai cũng giỏi viết. Các bạn trong lớp K viết rất sơ sài, và bài nào cũng bị lỗi Grammar. K thường được thầy trước lớp khi phát bài “Bài viết của K là bài duy nhất của lớp không sai lỗi Grammar”.

Đây là hiện thực của 1 trường quốc tế TA 100% nha. Còn trường tư song ngữ, hoặc trường tư tăng cường TA, hoặc trường tư sử dụng giáo trình Cambridge, giáo trình Úc… thì chất lượng còn thấp hơn.

Học hệ 50 – 50 này sẽ bị tình trạng “nữa nạc nữa mỡ”, các môn TV không giỏi bằng HS trường công, mà các môn TA cũng học rất lơ mơ. PH của nhóm trường này thường cứ “tưởng” và an tâm vì con đang học trường ‘quốc tế’ mà. Đã có khá nhiều PH trường song ngữ “vỡ mộng” sau 1 thời gian dài.

Có 1 bạn khoe với mình là con bạn học TA giỏi nhất khối, nhất trường quốc tế song ngữ. Một thời gian sau, theo lời khuyên của mình, bạn cho con thi Toefl Challenge (để va chạm với người ta). Tiếc là ngay từ vòng ngoài, điểm con còn rất thấp, còn cách quá xa mới đủ điểm vào vòng chung kết. Bạn thất vọng lắm.

Sau đó, bạn quay clip Speaking của con rồi gởi cho mình, muốn mình cho ý kiến. Nhưng khi mình nhận xét thấu đáo từng điểm cho bạn nắm bắt, mong bạn từ từ khắc phục cho con; thì bạn lại trách mắng con nặng nề, khiến cho em bé rất bị áp lực.

Bạn không hề nghĩ rằng, kết quả con học như thế nào, thật ra nó đến từ việc cha mẹ sắp đặt việc học thế nào, đồng hành với con ra sao. Cha mẹ không thể cứ nghĩ ‘bố mẹ cho mày vào học trường đắt tiền thế mà mày học kém thế à’. Điều này rõ là không công bằng với trẻ.

Vừa rồi, mình có nghe 1 bạn quản lý cấp cao ở 1 hệ thống trường quốc tế chia sẻ với mình là “Sau một đợt kiểm tra đánh giá, trình độ TA của HS lớp 10 và 11 ở một trường quốc tế dạng ‘song ngữ’ nọ chỉ đạt trung bình IELTS 3.0 (có nghĩa là cũng có bạn khá hơn, nhưng cũng có bạn hoàn toàn không giỏi TA - dẫn đến điểm trung bình khá thấp). Đây là sự thật. PH cần lưu ý.

LẦM TƯỞNG THỨ 2

"Tui tưởng học trường tư, trường quốc tế thì hoạt động ngoại khoá rất hay và con sẽ giỏi kỹ năng"

- Mình cũng từng bị hố hàng về điều này. Mình chỉ chia sẻ về trải nghiệm thực tế của K nhà mình, chớ mình xin phép không ghi rõ tên trường nhé.

- Lúc K nhà mình học ở trường tư, K bị bắt buộc phải đăng ký 3 lớp ngoại khoá. Nhà mình đăng ký chọn 2 khoá học thuật là: lớp Developing Writing và Debate, 1 khoá âm nhạc là Hát giao hưởng.

- Trải nghiệm cay đắng của mình về hoạt động ngoại khoá là: nhà trường chỉ làm cho có lệ. Tất cả HS từ khối 6 – 12 đều có thể đăng ký và học chung 1 lớp. Không test trình độ. Cả khoá rất đông, gom chung học chung với nhau. Chả có Debate nào ra hồn, mà cũng chả có sửa bài writing nào hết.

Điều mình khá bức xúc là: tuy là ngoại khoá (được tổ chức đại trà và mang tính chiếu lệ cho có), nhưng trường bắt buộc phải tham gia. Học 1 năm liên tục như vậy, thì phí bao nhiêu thời gian của con mình? Thiệt giận hết sức. May mà ở hoạt động Hát giao hưởng, Khuê còn được hát hò cho vui.

- Khi K đăng ký lớp CLB Dancing ở trường quốc tế, đến khi vào phòng Dancing, thì không có ai hướng dẫn dạy nhảy cả. Cô mở cái video clip cho các bạn xem, rồi cô bỏ đi đâu mất. Các bạn trong phòng ai nấy mở ĐT chơi game, xem Youtube, Tiktok cho hết giờ rồi về. K nhà mình thì ngồi bệt dưới đất, mở laptop ra học.

- K cũng có tham gia CLB MUN. Tham gia có nghĩa là con được tham gia sân chơi MUN thôi. Còn kỹ năng thuyết trình của con, con phải tự tập, tự luyện. Chớ không phải nhà trường xếp đặt GV xịn xò dạy cho các con đâu. Nên, ai muốn tham gia MUN cho chất lượng, thì phải ở nhà tìm tutor tự luyện nhé.

- Mình cũng hỏi thăm 1 vòng các đồng nghiệp của mình, con học ở các trường tư khác, thì nghe đâu cũng tương tự. Hoạt động ngoại khoá liệt kê la liệt, nhưng chất lượng thì e rằng không như mình tưởng. Các con có thể tự tin hơn, năng động hơn; nhưng để nói cứ học trường quốc tế là giỏi 1 kỹ năng cao cấp (tranh biện, hùng biện, viết sáng tạo, viết học thuật, kỹ năng lãnh đạo…) thì không nha.

- Kinh nghiệm của mình rút ra là: Các hoạt động ngoại khoá ở trường tư/ quốc tế, dù là kỹ năng hay hát hò, nhảy nhót gì… thì chỉ là các hoạt động để các con trải nghiệm là chính, để các con chơi là chính. Nó không đủ chất lượng để giúp con giỏi 1 kỹ năng nào.

- Hơn nữa, nếu so sánh với các hoạt động ngoại khoá dạng dự án nghiên cứu khoa học… của các trường chuyên, thì hoạt động ngoại khoá của trường quốc tế khó lòng mà bì kịp.

LẦM TƯỞNG THỨ 3

"Tui tưởng học trường tư, trường quốc tế là sẽ học giỏi"

- Trường tư và trường quốc tế ở SG, như mình phân tích ở trên, rất tôn trọng trẻ, muốn học thì học, muốn không học thì cũng ok, chả ai la trách gì. Vì vậy, không có gì chắc chắn rằng trường giúp con bạn học giỏi. Dĩ nhiên, ở trường vẫn có hs giỏi, nhưng là do con và gia đình chủ động học hành, chớ không phải nhờ vào trường mà con học giỏi.

- Trường tư ở HN thì có khác hơn. Tuyển chọn gắt gao từ đầu vào. Học hành nặng và áp lực. Mình đã từng thấy 1 trường hợp 1 bé học trường tư CLC nổi tiếng HN. Bé này rất thông minh, thầy dạy đâu hiểu đó. Nhưng học mãi mà thấy tiến bộ ít.

Hỏi kỹ hơn, thì mới biết, khối lượng kiến thức ở trường quá lớn, cứ liên tục nhồi vào con mỗi ngày, mỗi tuần. Đứa nhỏ không có đủ thời gian để thẩm thấu, để tiêu hoá. Người mẹ lo lắng cho con đi học thêm, nhưng việc học thêm lại tiếp tục nhồi con kiến thức và bài tập, là một vòng lặp lại.

- Học nhiều, học nhồi, chưa chắc là học giỏi. Thà học ít mà học sâu. Điều này, mình đã nói qua rồi. Hôm nào mình viết riêng về đề tài này.

- Hơn nữa, chưa chắc những gì mà nhà trường nhồi thiệt nhiều, thiệt khó vào đầu con là cần thiết. Chẳng hạn như môn Toán, nếu con không đi theo chuyên Toán, thì mình có cần, ngay từ lớp 1, cho con học Toán cho thật nặng, giải bài Toán thật hóc búa để làm gì?

- Học trường tư, hay trường quốc tế, học nhởn nhơ quá cũng không giỏi. Mà học nhồi nhét quá cũng chưa chắc giỏi. Nói tóm lại, học trường nào đi nữa, muốn giỏi thì do cha mẹ/ gia đình, chớ trường học không phải là yếu tố quyết định con giỏi hay không.

4. NHỮNG KỲ VỌNG ĐÚNG ĐẮN VỀ TRƯỜNG TƯ/ QUỐC TẾ:

Nhà trường và thầy cô tôn trọng học sinh, biết lắng nghe học sinh.

Tôn trọng thái độ học tập của HS. Tuỳ vào mỗi trẻ mà các con tự quyết định học nhiều hay ít, học chăm hay học vừa. Có trẻ thích học thuật thì con sẽ đầu tư nhiều time cho bài vở. Có trẻ thích vận động nhiều thì con học vừa đủ, và con chơi thể thao nhiều.

Thầy cô không giao nhiều bài tập, và không bắt buộc trẻ làm tất cả bài tập. Tương tự, cũng không áp lực kiểm tra, thi cử nặng nề.

Giáo trình không học nhiều, không học nhồi nhét, không học thuộc lòng. Thời gian thảo luận nhiều hơn thời gian dạy & học.

Bài tập đa phần là bài tập mở, không có đúng sai. Tuỳ học sinh muốn làm bài sao cũng được. Bài sơ sài thì điểm trung bình; bài làm kỹ, có đầu tư thì điểm cao. Ở đây, nhà trường khuyến khích (chớ không ép buộc) học sâu, học kỹ.

Dù học ít hay nhiều, trẻ đều tự tin và năng động.

Cá nhân mình, ngoài vấn đề tài chính, mình chọn trường dựa trên sự cân nhắc các yếu tố:

Mình không bao giờ thích sự áp đặt, ép buộc, học nhồi, học nhiều. Mình chọn trường tư, hay trường quốc tế là để tránh sự học nhồi nhét. Ngay cả khi mình cho K học ở trường công, thì mình vẫn chọn 1 trường làng, để con học vừa phải. Để mình còn có khoảng trống và điền vào những gì phù hợp.

Vì vậy, khi mình nghe các bạn kể trường tư nào ở HN học áp lực nặng nề thì mình thấy mệt. Vào trường công thì bị áp lực đã đành, có tiền vào trường tư rồi mà còn bị nhồi nhét thì quá khổ.

Học nhồi nhét theo giáo trình SGK thì làm sao kham được. Các bạn biết rồi đó, SGK VN là một vấn đề quá tải của cả hệ thống giáo dục. Sao mình lại chạy theo nó, sao lại mang cái áp lực đó chồng chất lên cho con mình?

Học nhiều, học nhồi một lượng kiến thức phổ thông (dành cho đại trà) thì làm sao tối ưu cho từng cá thể? Thế giới bây giờ đề cao lộ trình học tập cá thể hoá, mà mình, ở môi trường giáo dục phổ thông, lại nhồi nhét thật nhiều, thì liệu có đúng với con mình?

Học quá nhiều theo yêu cầu của trường chuyên, lớp chọn, thì mình chỉ biết chạy theo sự sắp đặt của nhà trường. Cha mẹ và con cái không còn sự tự chủ cá nhân nữa. Học theo đã mệt nhoài, thì làm gì còn thời gian để học những thứ mà mình thích, hoặc những thứ mà mình thấy là quan trọng, là thiết yếu cho con mình?

Mình cần giảm tải tối đa cho con. Thời gian rảnh của con càng nhiều thì càng có lợi.

Càng có nhiều thời gian rảnh, con càng có thời gian để học sâu, học kỹ. Con có thời gian cho trí não thư giãn, nghỉ ngơi và hồi phục. Con có thời gian để đọc sách và phát triển tư duy.

Có thời gian rảnh thì mình mới có thể tự mình lên lộ trình học tập cá thể hoá phù hợp cho riêng con, phù hợp với năng lực của con mình, phù hợp với mục tiêu đường dài (ở bậc ĐH và ngành nghề con thích trong tương lai); để chỉ học những thứ cần học, và học cho đủ giỏi những kiến thức cần học, tránh lãng phí thời gian của con.

Không chỉ là thúc đẩy điểm mạnh, mà mình còn cố gắng cải thiện điểm yếu của con. Mình không muốn con phát triển năng lực quá lệch. Mình không thích câu nói ‘Con cá không biết leo cây, con khỉ không biết bơi’. Nếu ai chỉ vin vào câu nói ấy, mà mãi mãi suốt đời chấp nhận điểm yếu của mình, thì họ cũng chỉ mãi mãi là cá bơi trong ao nhỏ chớ làm sao làm ‘cá vượt vũ môn’, hoặc chỉ là con khỉ mãi làm trò, chớ làm sao so sánh với ‘hổ còn thêm cánh’.

K nhà mình yếu môn Nói. Cho nên, dù K bận đến đâu, mình vẫn luôn ưu tiên để K tham gia Debate, MUN và kịch TA. Năm nay, bước vào cấp 3, K chỉ duy trì môn Kịch TA, nhưng K là 1 trong những bạn hs học lâu nhất của thầy, và đến bây giờ, K đã được thầy phân cho vai chính.

Tương tự, trí thông minh vận động của K không tốt, tay chân K khá vụng về. Nhưng mình vẫn kiên trì cho K học bóng chuyền. Đến hôm nay, K đã được phân vị trí quan trọng thứ nhì trong đội hình.

Dù các tiến bộ của K có chậm đến đâu, nhưng nhà mình đều vui mừng và kiên trì theo đuổi. Mình không phí phạm tiền bạc, thời gian và công sức vào những môn ‘sang chảnh', nhưng tụi mình chọn những điều quan trọng. Ngôn ngữ và sức khoẻ là 2 thứ quan trọng sống còn. Có thông minh, giỏi giang cách mấy, mà yếu kém 2 thứ đó thì không thể phát triển tốt được.

Đó là lý do mình không bao giờ chọn trường điểm, trường chuyên. Trường nào càng ép học nhiều, thì mình càng thối lui. Mình muốn chọn trường học nhàn nhã nhất, ít áp lực nhất. Phần còn lại, tự mình thiết kế lộ trình riêng cho con, bảo đảm:

Con đủ giỏi để học một trong những ngành học thuật khó nhất

Con đủ năng lực để vào học ở những trường có tiêu chuẩn và chất lượng cao

Con phát triển toàn diện hơn, trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính con, bằng cách phát huy điểm mạnh, nhưng vẫn cố gắng khắc phục, cải thiện điểm yếu. Để con có đủ năng lực để sống tốt cho quãng đời phía trước.

 

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 18, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email