Chọn Trường- Phần 3: Trường Nào Cũng Phải Học Thêm

Series CHỌN TRƯỜNG

I. Trường Nào Cũng Phải Học Thêm

Mới đây, có 1 PH chia sẻ với mình “Khi con đi nhà trẻ, vì em mong muốn con có nền tảng tiếng Anh tốt từ sớm, em đã đầu tư cho con học trường mầm non song ngữ. Vì em không giỏi TA, nên em rất mong con giỏi TA, dù không nhiều tiền, em vẫn ráng gồng bằng cách quẹt thẻ tín dụng trả trước để đóng học phí cho con, sau đó trả nợ từ từ”.

Mình nghe mà cảm thấy thương và thông cảm với bạn ấy rất nhiều. Phần đông thế hệ chúng ta không có điều kiện học TA tốt, nên TA kém. Nên tâm lý tụi mình rất là mong muốn con giỏi TA và sẵn sàng đầu tư, dù rất là áp lực.

Vì lý do muốn con học giỏi TA, nên nhà nhà cho con vào trường quốc tế song ngữ hoặc đơn ngữ, với mong muốn là con giỏi TA. Nhưng, các PH ấy chưa nhìn hết thực tế:

Học trường quốc tế song ngữ thì TA cũng chưa chắc giỏi. Có khá nhiều PH có con đang học quốc tế song ngữ đến cấp 3 rồi, mà bé chưa giỏi đủ để sẵn sàng du học, đang nhờ mình giúp tìm thầy dạy kèm cho con.

Nếu các bạn lưu ý, các bạn sẽ thấy, 1 vài trường tư, hoặc trường quốc tế song ngữ đưa cam kết đầu ra là “sau khi tốt nghiệp 12, trình độ TA của hs sẽ tương đương FCE”. Mà FCE thì chỉ bằng các bạn bé học Grade 6 - 7 của các lớp HTGT thôi. Học 12 năm ở trường song ngữ, học phí có đến vài tỉ, mà đầu ra chỉ đạt FCE thì thật là 1 kết quả khiêm tốn.

Học trường quốc tế đơn ngữ thì tuy khả năng giao tiếp nghe nói khá tốt, nhưng ở mức độ nâng cao thì chưa. Các bé trường quốc tế đơn ngữ vẫn phải đi học thêm các lớp nâng cao như Public Speaking, Debate và Writing. Không ít các bé đang học ở 2 loại lớp Nói nâng cao và Viết chuyên sâu mà mình tư vấn là các bạn đến từ trường quốc tế đơn ngữ 100%.

Vì vậy, có thể nói rằng, dù bạn học học trường nào, đắt hay rẻ, để con có thể giỏi thật sự, thì việc con phải học thêm, hoặc nói cho chính xác hơn, là con phải có 1 lộ trình học tập cá nhân, phù hợp với năng lực của con:

Nếu con có năng khiếu môn nào đó, thì cần cho con học lộ trình nâng cao, chớ không nên học tàng tàng theo giáo trình ở trường.

Nếu con yếu môn nào, thì cũng cần có lộ trình để giúp con cải thiện, chớ không thể để con tự bơi, vì lỗ hổng kiến thức lâu ngày sẽ làm con mất căn bản, dẫn đến chán nản, chán ghét học hành.

Mỗi đứa trẻ cần có 1 lộ trình riêng, 1 kế hoạch học tập riêng, chớ không thể nào dựa vào chương trình học của nhà trường mà đủ.

Vì trường quốc tế đắt đỏ đến đâu đi nữa, vẫn dạy chương trình giáo dục phổ thông. Trường quốc tế vẫn tiếp nhận đủ loại học sinh, từ yếu, bình thường, đến giỏi. Để bảo đảm không bỏ ai lại phía sau (no one left behind) thì nhà trường luôn ưu tiên dạy 1 chương trình chung nhất, làm sao cho ai cũng theo kịp. Giáo dục tại nhà trường là giáo dục tập trung và phổ thông, dành cho cho số đông.

Học thêm, được gọi là “extra curriculum”, được hiểu theo nghĩa rộng là những môn, những chương trình mà trường phổ thông (vốn dành cho đại trà) không dạy, bao gồm cả các môn học thuật lẫn thể thao, nghệ thuật.

Nên, học sinh giỏi, học sinh có mục tiêu cao, học sinh tài năng, phải tìm học thêm các lớp học thuật nâng cao ở bên ngoài.

Nếu mình muốn con mình thật sự học tốt, thì con cần có 1 lộ trình cá nhân của con, mà không ai khác, chỉ có cha mẹ mới có thể theo sát và thiết kế kế hoạch học tập đó. Lộ trình này cần có nhiều mục “extra curriculum” mà cha mẹ tự làm cho con. Cha mẹ làm điều này càng tốt, thì con càng học giỏi.

Ngược lại, cha mẹ nào chạy theo xu hướng “chọn trường nào để con học giỏi” thì cha mẹ đó tự tạo áp lực cho mình (về tiền bạc khi chọn trường đắt tiền) và tạo áp lực cho con (khi chọn trường chuyên lớp chọn).

Áp lực vừa đủ để tạo độ rướn thì tốt. Nhưng áp lực quá lớn và kéo dài thì sẽ tạo trầm cảm.

Mà, như mình đã nói ở trên, dù con học trường nào, quốc tế hay trường tư, con đều phải đi học thêm, học bổ sung, học nâng cao… thì mới giỏi.

Vì đâu chỉ là học tiếng Anh, mà còn là học các môn khác nữa, rồi ngoại khoá và thể thao. Rất nhiều thứ mình cần phải cho con học bên ngoài. Ngân sách chi cho giáo dục lại tiếp tục chồng chất nhiều và nhiều hơn.

Nhiều PH rất ‘vỡ mộng’ ở việc này. Không biết bao nhiêu PH đã đến với mình và thổ lộ là ‘em đâu ngờ là học trường song ngữ thì con vẫn phải học thêm TA chị ơi’.

Mới đây, trong buổi offline với thầy Andy, có 1 PH níu tay mình, nói ‘Con em đang học lớp 9 ở trường quốc tế đơn ngữ ở Q2. TA cũng không giỏi, mà học lực cũng không giỏi. Chị ơi, em rầu quá”.

Mình nghe rất là thương, vì học phí thì quá đắt, nhưng bây giờ đành phải đi học thêm nhiều thứ. Mà khổ là, lên lớp 9 mới bắt đầu quýnh lên tìm chổ học con con. Tốn tiền thêm đã đành, nhưng học gấp quá (khi thời gian còn lại không nhiều) thì hiệu quả không biết sẽ đạt được bao nhiêu.

Nếu các bạn quan sát, chung quanh hệ thống 1 trường đang dạy hệ Cam, mọc lên nhan nhãn các trung tâm dạy thêm, dạy kèm các môn iGCSE.

Hoặc ở khu vực Q2 và Q7, có rất nhiều trung tâm dạy thêm, học phí rất đắt, nhằm phục vụ cho HS các trường quốc tế trong 2 quận đó.

II. Các Giai Đoạn Học Tập

Cho nên, tổng chi phí dành cho việc giáo dục không chỉ nằm ở học phí ở trường. Nó bao gồm rất nhiều thứ mà PH cần nhìn 1 cách tổng quát (học ở trường phổ thông, và học theo lộ trình cá nhân hoá) và nhìn xa hơn (học từ tiểu học, cấp 2, cấp 3 và ĐH).

Vậy, nên chi bao nhiêu % thu nhập cho việc học của con? Nên chi bao nhiêu % cho học phí ở trường?

Trước khi bàn đến bao nhiêu %, thì cta cần xác định và liệt kê các khoản ngân sách cho việc đầu tư giáo dục.

Lúc K nhà mình vào lớp 1, tụi mình cho K học ở trường làng gần nhà. Lúc đó, thu nhập net của mình không thấp (lương cứng + làm tư vấn part-time), nhưng học phí của K cũng chỉ 900K/ tháng thôi (học bán trú, đã bao gồm tiền ăn trưa tại trường).

Dù thu nhập cao, nhưng trên vai mình là 1 trách nhiệm rất lớn: phải lo cho 3 đứa con (1 con trai du học Úc, 1 con trai học ĐH quốc tế tại VN và K còn nhỏ xíu) + cha mẹ già, rồi mình còn phải tích luỹ cho K sau này nữa. Nghĩ đi nghĩ lại, mình vẫn cho K học trường làng mà thôi.

Theo nguyên tắc đầu tư từ trên xuống, khi đó, mình đã tích luỹ đủ cho 4 năm du học của K đâu, thì làm sao mình dám xài sang cho K học trường tư hay là trường quốc tế ngay từ tiểu học?

Vì vậy, học phí cố định cho trường học cần chi vừa đủ và ưu tiên tiết kiệm. Nếu nhà kg có điều kiện, bạn chỉ cần dành ngân sách dành cho cấp tiểu học: 3 – 5 triệu/ tháng. Chi phí này nên bao gồm các phụ phí: tiền cơ sở vật chất, tiền ăn.

Vì ngoài học phí cố định ở trường, bạn còn phải nghĩ đến các chi phí phát sinh cho việc học bên ngoài. Các chi phí này sẽ thay đổi tuỳ theo tố chất các con, và tuỳ theo 3 giai đoạn:

1. Giai Đoạn Tiểu Học:

  • Học thêm Tiếng Anh: ngoại trừ các bé học trường quốc tế 100%, còn lại, gần như bé nào cũng cần học thêm TA thì mới đủ giỏi. Ngân sách trung bình để học TA ở các trung tâm: từ 2 – 4 tr/ tháng
  • Học thêm Toán (Kumon/ Toán tư duy Mỹ, Toán Sing): trung bình 2 tr/ tháng
  • Học đàn piano, violin: 2 món này tốn kha khá tiền. Trung bình khoảng 3 – 5 tr/ tháng. Có PH mình biết chi 12 triệu/ tháng cho gia sư piano. Học guitar thì rẻ hơn.
  • Học vẽ, hát, múa, MC: 1-2 tr/ tháng
  • Học bơi, võ, bóng chuyền, bóng rổ…: trung bình 1-2 tr/ tháng.
  • Nếu bạn nhỏ nào muốn thi vào trường chuyên, thì sẽ phải mất 2 năm (lớp 4 + 5) để học ôn luyện thi chuyên. Ngân sách này cũng không ít, khoảng 3 – 5 tr/ tháng.

==> Trung bình, 1 bạn nhỏ cấp tiểu học, chi phí học thêm nên cân đối trong vòng 5 tr/ tháng thôi. Tuỳ theo hoàn cảnh gia đình mà mình cân nhắc chọn học những môn ngoại khoá thiết thực. Nếu nhà mình không phải ‘quý tộc’ hay ‘đại gia’ thì mình cần ưu tiên chọn những gì cần thiết nhất. Chọn học những môn quan trọng, hoặc chọn những môn con thực sự có năng khiếu. Đừng phí tiền vào những môn ‘thời thượng’. Những môn ‘thời thượng’ là môn học cũng được, mà không học cũng chẳng sao.

==> Nếu bạn nào khó khăn, thì hoàn toàn có thể tiết kiệm ngân sách học TA + Math bằng cách học app (Reading Eggs) và nhiều bộ sách mà mình đã chia sẻ. Tự tập bơi, tự tập xe đạp, đánh cầu lông, bóng bàn, chơi cờ vua… nói chung là vẫn vận động thể thao, nhưng cây nhà lá vườn, rẻ mà vẫn tốt chán. Nếu biết cách, chi phí này chỉ trong khoảng 1 – 2 triệu/ tháng.

2.  Giai Đoạn Cấp 2:

  • Lúc này, cần đầu tư con sâu hơn: con cần học kỹ năng nâng cao như TA Hùng biện, Tranh biện, học Grammar + Writing nâng cao: chi phí mỗi tháng 1 – 2 triệu/ tháng/ môn (tuỳ thời lượng học). Mục này nên đầu tư vào năm lớp 7 là đủ giỏi.
  • Cấp 2 thì phải học thêm các môn Toán, Lý, Hoá. Chi phí này cũng khoảng 2 triệu/ tháng/ môn. Mục này nên đầu tư lần lượt từng môn vào năm lớp 7 trở đi.
  • Bạn nhỏ nào muốn thi vào trường chuyên, thì tiếp tục dành 2 năm (lớp 8 + 9) để học ôn luyện thi chuyên. Học phí lúc này khoảng 10 tr/ tháng.
  • Lúc này, nên cân nhắc bỏ bớt những môn ‘phù phiếm’. Chỉ duy trì chơi 1 môn thể thao + 1 môn nghệ thuật. Vừa giảm chi phí, vừa tăng thời gian cho việc học.

==> Lên cấp 2, con sẽ phải đầu tư sâu hơn vào việc học. Những bạn nào đã chuẩn bị tốt ở cấp 1 (học Hùng biện, Tranh biện, Grammar + Viết nâng cao) sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

==> Chi phí học thêm ở cấp 2 sẽ từ 5 - 10 tr/ tháng (Speaking, Writing, Math, Physics, Chemistry, Biology...). Nếu bạn đã dành nhiều quá cho trường tư, trường song ngữ, thì khoảng này sẽ là 1 gánh nặng không nhỏ.

==>  Để làm giảm chi phí học thêm, bạn có thể cho con tự học bằng mua tài khoản tự học. K nhà mình từ nhỏ đến giờ chưa từng học thêm môn Toán, con chỉ học với Aleks (mua chung tài khoản thì giá rẻ hơn 30%). Hiện nay, con cũng tự học Bio và Geometry. K chỉ học thêm môn Hoá (là môn đầu tư chính) với tutor.

Hiện nay, chi phí học thêm của K chỉ nằm trong 3 môn: Hoá, Kịch TA, bóng chuyền + chi phí tự học bằng tài khoản. Tổng chi phí vẫn rất ít.

3. Giai Đoạn Cấp 3

  • Cần học thi IELTS
  • Cần học SAT
  • Cần học thêm các môn: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn… để thi tốt nghiệp (vì điểm tốt nghiệp và học bạ cao sẽ được xét tuyển đại học)
  • Nếu muốn du học, cần học thi chứng chỉ AP, hoặc A-Level
  • Ngoài ra, để chuẩn bị du học, con cần học các kỹ năng quan trọng khác: nấu ăn, lái xe, quản lý tài chính…

==> Lúc này, chi phí đầu tư sẽ cao. Vì học để thi đạt kết quả tốt, nên cần phải học với tutor chớ không thể chủ quan tự học hoàn toàn.

==> Ngoài các lớp kỹ năng, học phí để học thêm với tutor và thi tất cả các chứng chỉ học thuật trên, phải tính bằng hàng trăm triệu. Vì vậy, việc tự học (nếu có thể) sẽ giúp giảm chi phí rất lớn.

III. KẾT LUẬN:

  • Chọn trường cho con nên “lựa cơm gắp mắm”, đừng vung tay quá trán.
  • Đừng quẹt thẻ tín dụng, không bao giờ nên vay tiền cho con học trường tư, trường quốc tế.
  • Nếu gia đình thật sự khó khăn, thì lúc con còn nhỏ, bạn hãy tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Vì chắc chắn con sẽ cần học thêm. Dù bạn học trường công, tư hay quốc tế, khó mà nói rằng “con tôi không cần học thêm mà vẫn giỏi”. Đó là sự thật.
  • Nên, bạn cứ chọn trường phù hợp túi tiền của mình. Đừng cố quá mà thành quá cố.
  • Cấp lớp càng thấp, càng nên tiết kiệm.
  • Nên ưu tiên chọn đầu tư cho những môn cần thiết và quan trọng. Những thứ ‘có cũng được, không có cũng được’ thì mình đừng tốn nhiều tiền cho nó.
  • Chỉ đầu tư cho con sớm ở môn TA. Càng sớm càng tốt. Vì TA học sớm sẽ có lợi hơn nhiều, cả tiền bạc lẫn thời gian. Lý tưởng là 3 - 4 tuổi cho con tiếp xúc TA qua app Reading Eggs. 5 tuổi học tương tác với GV bản xứ => con sẽ có sự bắt đầu vô cùng tốt.
  • Ngoài ra, ở cấp 1 nên tập trung học TA và Toán tốt nhất có thể.
  • Học kỹ năng Nói và Viết từ lớp 3, thì sẽ tốt hơn nhiều so với đến khi con lên cấp 2. Bạn càng làm tốt ở cấp 1, thì sẽ càng tiết kiệm được nhiều hơn khi con lên cấp 2.
  • Tập cho con thói quen tự học bằng các chương trình e-learning CHẤT LƯỢNG (Reading Eggs, Aleks...) thì con sẽ tự học được rất tốt, đạt kết quả cao mà không cần phải học thêm với tutor. Nếu bạn chọn những chương trình không đủ tốt, sẽ tạo cho con 1 thói quen học hời hợt, rồi khi con muốn học cho đủ giỏi, thì vẫn phải học thêm với tutor cho mỗi môn.
  • Như mình quan sát thấy, các bé lúc nhỏ học quấy quá với vài app đơn giản. Khi lên lớp 6, 7, nếu tiếp tục học chung chung thì không sao, nhưng nếu muốn học sâu từng môn thì không học Math, Chemistry, Bio, English Literature... kiểu như vậy được nữa. Thế là tất tần tật các môn đều phải học với tutor. Học phí học thêm lên đến vài triệu/ tháng/ môn.
  • Đầu tư cho con các môn chính ở cấp 2 càng sớm càng tốt. Lần lượt cho con học sâu các môn chính ngay từ năm lớp 6 hoặc 7 thì tốt hơn để đến cấp 3 mới vội vã học thêm.

 

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 20, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email