Chọn Trường- Phần 4: 3 Yếu Tố Chọn Trường

Series CHỌN TRƯỜNG

I. Ba Yếu Tố Chọn Trường:

Mình viết bài này, đưa ra những phân tích đa chiều và khách quan, để mọi người đánh giá và lựa chọn. Chớ mình không nói là ai ai cũng nên chọn trường công. Again, chọn trường, điều quan trọng nhất chính là cái túi tiền, nếu cảm thấy học trường tư, hoặc trường quốc tế, mà vẫn thoải mái, thì cứ học nha. Còn nếu phải thấy phải gồng quá, thì thôi, mình quay về học trường công cho nó nhẹ.

Việc khen chê trường lớp, khen chê hệ thống giáo dục, ở đâu cũng có. Tại vì mình nghe mọi người chê trường công quá, nên mình mới viết loạt bài này để PH biết hay dở ở đâu mà chọn.

Nói thẳng ra là trường nào cũng bị chê. Mà hệ thống giáo dục nước nào cũng bị chê. Mình ở trong group các trường tư, trường quốc tế, mình nghe chê tơi bời. Chưa kể PH có con đang học trường quốc tế nhắn tin cho mình chê kinh khủng. Chê toàn những trường quốc tế top không đó chớ. Rồi mình ở trong group PH của Mỹ, cũng nghe PH Mỹ chê trường học, chê hệ thống giáo dục Mỹ không còn gì để nói luôn.

Vậy, mình nói nhanh luôn: trường nào cũng bị chê hết, giáo dục ở đâu cũng bị chê hết. Tóm lại, nếu mình suốt ngày đi hóng khen/ chê, thì mình sẽ bị loạn óc. Thay vì vậy, mình cần phải tỉnh táo tập trung vào các yếu tố:

  • Phù hợp với tài chính gia đình
  • Phù hợp với mục tiêu gia đình

Vì vậy, trường hợp nhà mình, mình công tâm mà nói rằng:

  • Vì mình chỉ có chừng nớ tiền, nên mình chọn trường công cho con. Và mình bù thêm bằng việc học thêm những môn quan trọng.
  • Nhưng nếu mình có đủ tiền, mình sẽ lập tức chọn trường tư, hoặc trường quốc tế cho con. Và mình vẫn cho con học thêm những môn quan trọng cho con thật giỏi.

Vì sao?

Như đã nói ở bài viết trước, vì dù bạn học ở đâu, muốn giỏi, vẫn cần học thêm. Dù ai nói ngã nói nghiêng: “con tui không học thêm vẫn giỏi”, thì kệ người ta. Có thể vẫn có trường hợp đó, nhưng đó là “con nhà người ta”, và con số đó chưa đến 1% hoặc có thể nói là 1 phần ngàn. Con mình không được như vậy, nên mình đừng lấy những trường hợp đặc biệt đó ra để áp dụng theo.

Học thêm, nên được hiểu theo nghĩa rộng, và ở đâu cũng có học thêm, kể cả ở Anh và Mỹ, kể cả ở những trường tư xịn nhất của Mỹ. Nhà giàu thượng lưu cho con cái học trường tư với học phí cao ngất ngưỡng, vẫn mời thêm gia sư về nhà dạy kèm cho con.

Nhà văn Blythe Grossberg, tốt nghiệp Đại học Harvard và tiến sĩ tại Đại học Rutgers, đã làm gia sư trong gần 20 năm, cho con cái của gia đình thượng lưu. Các bạn đọc thêm về việc mời gia sư dạy kèm ở Anh và Mỹ nha:

- Thu nhập nghìn đô-la mỗi giờ từ nghề gia sư: https://vnexpress.net/thu-nhap-nghin-dola-moi-gio-tu-nghe...

- Đường vào ĐH của con nhà siêu giàu: https://vnexpress.net/duong-vao-dai-hoc-cua-con-nha-sieu...

Ở VN, tình trạng học thêm còn diễn ra phổ biến hơn. Trừ con nhà quá khó khăn, chớ nếu có điều kiện, gần như 100% gia đình đều cho con cái học thêm, dưới nhiều hình thức; cho dù là học với tutor hay học bằng tài khoản tự học.

Tuy mình không cổ vũ việc điên cuồng chạy theo học thêm, nhưng mình thừa nhận, nếu bạn muốn con bạn học giỏi vượt trội, thì bạn cần học thêm ở bên ngoài.

Nói tóm lại, muốn giỏi, dù học ở đâu, học trường nào, cũng phải học thêm. Và, từ đây về sau, các bạn đừng thắc mắc gì về việc học thêm nữa nhen.

Quay lại với việc trường công hay tư, hay quốc tế; nếu đủ điều kiện, thì mình sẽ sẵn sàng chọn trường tư, hoặc trường quốc tế.

Vì sao mình khen trường công cho đã đời, rồi mình lại chọn trường quốc tế cho con mình?

Là bởi, học ở trường nào, thì cũng phải học thêm.

  • Nếu mình ít tiền, mình học trường công cho rẻ, rồi mình để dành tiền đó, cho con đi học thêm.
  • Nhưng nếu mình có đủ tiền, thì mình cho con học trường tư, hoặc trường quốc tế, và vẫn cho con đi học thêm

Học ở trường tư (ở SG) và trường quốc tế đơn ngữ, thì nó khác trường công ở chỗ:

  • Chương trình học nhẹ hơn: chính vì vậy, con mình còn thời gian để học thêm những môn quan trọng, hoặc môn con thích. Điều này giúp mình tối ưu hoá lộ trình cá nhân hoá của mỗi trẻ. Ở HN, ngược lại, có 1 số trường tư học rất nhiều, rất nặng. Những trường tư còn lại, đặc biệt là những trường từ SG ra mở chi nhánh, thì học nhẹ hơn. Các PH ở Hanoi muốn chọn trường tư, thì cần có sự phân tích cẩn thận hơn, tránh trường hợp “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” – vốn đã quá sợ cái sự học nhồi nhét ở trường công, chịu mất học phí cao để vào trường tư, ai dè học hành căng thẳng không kém – quá khổ.
  • Thái độ và quan điểm của trường tư: cởi mở hơn, tôn trọng HS hơn, lắng nghe HS hơn. HS không bị áp đặt, không bị nhồi nhét. HS vui vẻ và tự tin hơn. Đặc biệt đối với các bé kém tự tin, nhút nhát, có vấn đề khó khăn, thì trường tư là một lựa chọn tốt (miễn sao là gia đình có thể kham nổi đường dài).
  • Tư duy: ở trường quốc tế, giáo trình sử dụng 100% của Anh/ Mỹ/ Úc/ Canada, và GV bản xứ được tuyển chọn từ nước ngoài. Tư duy của giáo viên nước ngoài và tư duy giáo dục của trường quốc tế nói chung, là một điều rất giá trị. Môi trường giáo dục quốc tế có ý nghĩa nhất ở điểm này.

Một cách nôm na, con nhà bình dân, chúng ta chỉ mong gia đình có cơm ăn đủ no là vui rồi. Tương tự với giáo dục, trường công là trường cung cấp cho ta đầy đủ kiến thức là tốt rồi.

Con nhà khá giả thì cần nhiều hơn, cần cha mẹ quan tâm, yêu thương, tôn trọng. Tương tự với trường học, học sinh trường tư được thầy cô tôn trọng trẻ, lắng nghe trẻ, có sự thấu hiểu về tâm lý trẻ, ứng xử phù hợp tâm sinh lý của trẻ. Nhờ vậy, mang đến sự tự tin cho trẻ. Trẻ đi học vui hơn, không cần phải sợ cô la, sợ thầy mắng, sợ bị kỷ luật.

Tóm lại, trẻ học trường tư có sức khoẻ tinh thần tốt hơn, dù chưa chắc thành tích học tập tốt hơn HS trường công, nhưng trẻ tự tin và vui vẻ, hoạt bát hơn. Sức khoẻ tâm thần là một trong những vấn đề mà các nước văn minh rất quan tâm. Nếu gia đình mình đủ điều kiện, thì học trường tư vẫn là sự lựa chọn tốt hơn. (Ở đây mình loại trừ vấn đề bạo lực học đường. Vấn đề này ở đâu cũng có).

Với con nhà giàu và có tri thức, trẻ được cha mẹ quan tâm nhiều đến sự phát triển tư duy. Tư duy của một con người, vốn là điều chiếm vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong thành công, trong hạnh phúc.

Những loại tư duy mà cta cần giúp con phát triển là: tư duy độc lập, tư duy tích cực, tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy kiến tạo…

Giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy bậc cao là công việc không đơn giản. Trường quốc tế, với sự đầu tư ngân sách khá lớn, có thể mang đến một nguồn nhân lực có chuyên môn cao, năng lực chuyên nghiệp; có thể giúp được ít nhiều trong việc giúp trẻ định hình và phát triển tư duy đúng đắn và sâu sắc.

Nhìn rộng ra, năng lực của một con người gồm 3 phần: KIẾN THỨC, KỸ NĂNG và TƯ DUY.

  • Trường công chú trọng dạy phần KIẾN THỨC: bởi vì, dù gì đi nữa, nhiệm vụ tối thiểu nhất của hệ thống giáo dục công là dạy kiến thức. BGD có hẳn 1 chính sách khen thưởng cho học sinh/ thầy cô/ nhà thường – những người đạt thành tích học thuật. Nên BGH và tập thể giáo viên luôn đặt nặng vấn đề thành tích học tập, thông qua điểm số và tỉ lệ tốt nghiệp.
  • Trường tư giúp trẻ phát huy hơn ở phần KỸ NĂNG: nhờ vừa học vừa chơi. Trẻ con được chơi với nhau thường xuyên (không phải chơi game), tương tác trực tiếp, thì sẽ phát triển được các kỹ năng xã hội: giao tiếp, làm việc nhóm. Tuy nhiên, với 1 số kỹ năng bậc cao thì cần phải được học/ huấn luyện với các chuyên gia giỏi.
  • Trường quốc tế tôn trọng tối đa HS, luôn giúp HS hình thành TƯ DUY độc lập và đa chiều. Các phương pháp giảng dạy luôn đòi hỏi trẻ phải tự mình có chính kiến, và đồng thời phải có lập luận logic để bảo vệ chính kiến của mình; giúp trẻ phát triển tư duy phản biện. Đây là điều mà trường công gần như không làm được.

II. Vậy thì, chúng ta cần làm 1 bài toán, cân nhắc:

1.  Nếu Chọn Trường Quốc Tế:

Học phí rất cao, nhưng con có tư duy tốt, con học vui vẻ, nhẹ nhàng. Con học ít, vừa phải. Thời gian còn lại, cha mẹ tha hồ “điền vào chổ trống” với những môn quan trọng (cho ngành nghề trong tương lai), môn cần thiết cho con (những kỹ năng con cần cải thiện), hoặc những môn con thích (để giúp con thư giãn, hoặc khoẻ mạnh). Lộ trình này dĩ nhiên là tối ưu nhất, con được cả 3 món: tư duy, kỹ năng và kiến thức.

Nhưng lưu ý là: đừng hy vọng cứ cho con vào trường quốc tế là con có đủ 3 món. Để con giỏi thật sự, thì cha mẹ vẫn cần đầu tư riêng, học nâng cao cho các món:

Kiến thức: trường quốc tế học rất nhẹ, gia đình phải ưu tiên đầu tư phần học thuật cho những bạn muốn theo ngành STEM. Với những bạn chọn ngành Xã hội và Business thì cứ thoải mái, không cần học thêm các môn học thuật. Chỉ cần học kỹ năng để nâng cao trí thông minh xã hội.

Kỹ năng: trường quốc tế dạy đủ tốt phần này. Nhưng, theo mình quan sát, các trường tư chất lượng cao hoặc trường công (trường điểm) hiện nay đang dạy phần này rất tốt, có thể nói vượt hơn trường quốc tế. Các bạn học sinh nhỏ bây giờ làm dự án rất tốt, làm file ppt, làm clip, sử dụng ứng dụng digital vào việc học rất nhanh, giỏi – mà các bạn hs trường quốc tế, nhìn chung, nhàn hơn, học tàng tàng hơn.

Với các kỹ năng bậc cao: Nói hùng biện/ tranh biện, hoặc Viết sáng tạo, viết nghị luận… thì HS trường quốc tế toàn là phải đi học thêm bên ngoài mới giỏi, chớ trường quốc tế thì cũng chỉ dạy theo giáo trình phổ thông của họ thôi.

2. Nếu Chọn Trường Tư:

Học phí cao, nhưng con học vui vẻ, học cân bằng. Con hoạt bát, tự tin, năng động.

Trường tư ở SG thì không giúp con học giỏi. Cha mẹ cần theo sát con, quan sát con và cho con học thêm.

Lộ trình học trường tư + học thêm bổ sung những môn cần thiết và phù hợp sẽ giúp con học giỏi, có kỹ năng tốt, sức khoẻ tinh thần tốt. Again, đây là lộ trình cá thể hoá tối ưu mà cha mẹ nên để tâm tìm hiểu.

Tuy vậy, để giúp con phát triển tư duy thì trường tư và trường công đều chưa làm tốt. Cha mẹ cần nghiên cứu tìm hiểu để giúp con hơn về phần này. Mình sẽ viết riêng một chủ đề về Tư duy.

Tóm lại, miễn sao cha mẹ đừng chủ quan, đừng giao phó 100% con cho trường tư. Trường tư + theo sát chặt chẽ và đầu tư đủ, đúng => tuyệt vời. Bạn sẽ có 1 em bé phát triển lành mạnh và năng lực không thua ai.

Riêng về 1 số trường tư nổi tiếng ở HN thì lại học rất căng, chỉ phù hợp với những bé có tố chất. Nếu con bạn không có quá xuất sắc, thì con có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và áp lực với trường tư kiểu này.

Trường tư ở HN học rất nặng, lại khiến con mất thời gian vào những việc không thực sự quan trọng, không cần thiết, hoặc không phù hợp với thiên hướng của con. Dẫn đến việc đầu tư nguồn lực lớn (tiền bạc, thời gian và công sức của con) nhưng không tối ưu cho chính con.

Ở đây, mình phân tích thêm 1 xíu: Mình thấy rằng, các bạn nhỏ ở ngoài Bắc học hành vô cùng vất vả, vất vả hơn HS trong miền Nam rất nhiều. Đồng ý rằng các bé đó rất giỏi, nhưng theo góc nhìn của 1 người làm chiến lược, làm kế hoạch, thì mình thấy cách học đó chưa thực sự hiệu quả: đầu tư quá nhiều mà kết quả thu được không tương xứng.

Các con phải học quá sức vất vả, có bạn 1 môn mà học thêm 3 chổ. Môn nào cũng học thêm, học luyện. Học thêm Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, TA… Học luyện IELTS, luyện SAT, học luyện thi… học thêm đến mụ cả người.

Mà kết quả cuối cùng vẫn là: GPA 9.0+, IELTS 8.0, SAT 1.500+

Nhưng, để có được kết quả này, chúng ta hoàn toàn có thể lên 1 lộ trình khác, chỉ cần các con học 50% khối lượng học của các bạn ngoài Bắc thôi, nhưng vẫn đạt được kết quả như trên. Thậm chí, nếu chọn quan điểm "học thật giỏi thật", các con sẽ giỏi 1 cách vững chắc, giỏi hơn những bạn có IELTS 8.0, có SAT 1.500+ theo cách học cày đề luyện thi.

Cũng là IELTS 8.0 hoặc SAT 1.500+, nhưng 1 bạn học thật giỏi thật thì chỉ cần làm quen với đề thi trong 1 thời gian ngắn để đi thi => vừa đạt kết quả cao, vừa có năng lực giỏi thật sự khi ra đời.

Ngược lại, học thêm ôn thi luyện thi => kết quả bài thi thì có thể cao, nhưng ra đời thì không đủ giỏi để làm việc, phát triển và thăng tiến.

Cho nên, nếu các bạn để ý, thì thấy rõ là, về tố chất, K nhà mình không giỏi bằng các bạn HS trường chuyên lớp chọn đâu. Và K cũng không hề học hành vất vả như các bạn học ấy. Nhưng kết quả cuối cùng của K vẫn đủ tốt. Mình tin chắc con mình sẽ đủ giỏi để con học ngành con thích, và con cũng đủ giỏi để học ở những trường ĐH xếp hạng cao của thế giới.

Không chỉ với K nhà mình, mình tin, ai đi theo lộ trình cá thể hoá tối ưu cho con, đều có thể đạt được. Đừng suốt ngày cho rằng “chỉ có vào trường chuyên lớp chọn thì mới học giỏi”, mà cũng đừng cho rằng, chỉ có "học trường tư thì mới có kỹ năng" và càng đừng bao giờ nghĩ "học trường quốc tế thì mới giỏi TA".

Thật sự là, nếu biết cách học, thì chỉ cần học vừa phải, học đúng và đủ, thì vẫn giỏi, mà lại giỏi thật sự và giỏi toàn diện hơn, vừa giỏi TA, giỏi kiến thức, vừa tốt kỹ năng lẫn tư duy.

3. Nếu Chọn Trường Công:

Lúc này chúng ta phải vất vả nhiều hơn. Bạn cần phải bù đắp cho cả 3 món: kiến thức, kỹ năng và tư duy. Con học trường công, thì bố mẹ phải chịu cực hơn, phải bỏ tâm dốc sức nhiều hơn. Và quan trọng nhất, phải biết cân nhắc, biết thứ tự ưu tiên: cái gì phải làm, cái gì chưa cần làm, và cái gì không cần làm. Phải biết chọn những gì quan trọng và thiết thực: kiến thức học đủ để giỏi, kỹ năng quan trọng phải có và tự tìm tòi để nâng cao tư duy.

Những gì cần đầu tư cho con học thêm, đặc biệt với những bạn chọn trường công, thì các bạn cần đọc lại bài viết trước: "Học trường nào cũng cần học thêm". Và vì mình chọn trường công, học phí thấp, nên mình có thể tiết kiệm kha khá tiền để cho con học thêm những môn quan trọng và cần thiết.

Chọn học thêm đúng môn, đúng thầy cô giỏi, đúng giáo trình hay => vừa giúp con giỏi thật, vừa đúng định hướng mục tiêu, vừa tiết kiệm => Kết quả đạt được rất cao so với chi phí đầu tư => Lộ trình tối ưu nhất.

Tuy vậy, học ở trường công, việc đối phó với những bất cập của trường là điều mà PH cần lưu ý. Trường công của trẻ tương tự như trường đời của người lớn. Cha mẹ không nên phó mặc hoàn toàn cho 1 đứa trẻ tự tồn tại, tự bơi trong một môi trường, một hệ thống giáo dục công, vốn đã khắc nghiệt với người lớn (thầy cô còn bị mệt mỏi, áp lực nữa là), thì rất tội cho con.

Chúng ta hiểu rằng, vì vấn đề tài chính, nên chúng ta quyết định đưa con vào trường công. Bên cạnh đó, mình cũng nên tìm hiểu trước các vấn đề của trường công.

  • Hiểu để tìm giải pháp.
  • Hiểu để chuẩn bị.
  • Hiểu để hoá giải.
  • Hiểu để ngăn chặn nó trước khi nó xảy ra.

Mình sẽ viết riêng 1 bài về các bất cập của trường công, và các lựa chọn cần làm của PH để đáp trả lại với những bất cập ấy như thế nào. Hiểu để chọn giải pháp tích cực. Vì nói cho cùng, nếu đã khó khăn về tài chính, thì cta không còn lựa chọn nào khác đâu.

Nếu đã buộc phải chọn trường công, hãy chọn góc nhìn tích cực nhất, để con mình học tốt suốt 12 năm. Hơn là chọn góc nhìn chê bai, tiêu cực, để con mình phải chịu nặng nề trong suốt quãng đời học sinh.

Tư duy và thái độ của cha mẹ sẽ ngay lập tức ảnh hưởng lên con cái. Hãy nhớ rằng, dù sự việc có như thế nào, thì luôn luôn cần có người hoá giải. Mà hơn ai hết, cha mẹ là người duy nhất phải nhào vô hoá giải khó khăn cho con mình.

Nếu đã chọn học trường công, thì nên chọn một tư duy và thái độ tích cực. Nghĩ đi nghĩ lại, mình cũng chỉ vì con mình mà thôi. Vì con, mà chọn sự tích cực để mang lại hiệu ứng tốt đẹp cho con mình, bạn nhé.

III. Kết luận:

  • Chúng ta chọn trường nào, thì cta cần hiểu thật rõ sự lựa chọn của mình.
  • Dù con học trường nào, vai trò của cha mẹ cũng cực kỳ quan trọng, trong việc giúp con phát triển thành 1 phiên bản tốt hơn. Đừng giao phó 100% cho nhà trường.
  • Chọn học trường nào thì cũng cần tìm hiểu về LỘ TRÌNH CÁ THỂ HOÁ cho con. Đây là 1 lộ trình tối ưu phù hợp với mỗi em bé.
  • Nếu mình chọn trường công, cta nên hiểu nhiều hơn, thương yêu và tôn trọng GV nhiều hơn, và cùng chia sẻ gánh nặng với thầy cô trong hành trình giáo dục con.
  • Trong hàng chục triệu HS đang đến trường trong cả nước, có bao nhiêu PH hiểu về vai trò và nhiệm vụ của mình đối với con cái? Nếu các bạn là một trong những người ít ỏi nhận thức được điều này, thì mình tin rằng, dù con bạn học ở đâu, con sẽ tiến bộ khác biệt hơn người.
  • Tâm sức của cha mẹ dành cho con cái là sự quý giá thiêng liêng, mà không bao giờ tiền bạc có thể mua được.
  • Dù ít hay nhiều tiền, nhưng nếu bạn tận tâm tận lực với con cái, thì tụi nhỏ sẽ đủ đầy tình thương, hạnh phúc và trưởng thành theo một cách tốt nhất, mà cta có thể tự hào.

 

Texvn tham khảo nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 20, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email