Chọn Trường- Phần 5: Chọn Trường Hay Chọn Giáo Viên

Series CHỌN TRƯỜNG

Bàn về giáo dục, mình thấy có sự khác biệt ở vùng miền, khác biệt ở thành phố và tỉnh vùng sâu vùng xa, mà trong khuôn khổ một bài viết trên FB, mình không thể phân tích như một bản báo cáo dài hàng trăm trang được.

Mình chỉ nói những ý chính, những mặt tổng quan, và dĩ nhiên, luôn luôn có ngoại lệ, nhưng cta không thể nào lấy những thiểu số ngoại lệ để đánh giá toàn cảnh. Những phân tích của mình dựa vào kinh nghiệm cá nhân và rất nhiều chia sẻ của PH trên khắp cả nước, nhắn tin cho mình.

Again, bài viết này, mình cố gắng đưa ra các nhận xét một cách khách quan nhất. Và nhận xét của mình hoàn toàn đứng trên quan điểm của 1 PH. Nó sẽ rất khác với quan điểm của 1 giáo viên, hay của 1 chuyên gia giáo dục nào đó. Mình không dám khoe khoang kiến thức hàn lâm cao siêu hoặc lạm bàn về những vấn đề vĩ mô lớn lao.

Là 1 người mẹ, mình chỉ mong muốn những điều thật đơn giản cho con:

  • Chọn được trường vừa đủ tốt với gia đình: gần nhà, học phí phù hợp trong khả năng gia đình, con không bị quá áp lực.
  • Chọn được thầy cô vừa đủ tốt: giúp con thích học, con có động lực học tập, học phí phù hợp với khả năng chi trả của gia đình.
  • Con học thật giỏi thật, không chạy theo thành tích ảo, không chạy theo điểm số ảo. Những gì con học được sẽ mang lại giá trị lâu dài và bền vững.
  • Con học đủ tốt để mở ra nhiều cơ hội cho con khi lên ĐH, hoặc khi ra đời làm việc.
  • Con học cân bằng: vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng, vừa có tư duy. Không học lệch, không chạy theo trend. Con chỉ cần trở thành 1 phiên bản tốt nhất của chính con.

Và vì vậy, mình rất thực tiễn, chớ mình không thích nói lý tưởng bay bổng gì cả. Tóm lại, mình chỉ nói những gì đơn giản, khả thi, mà đa phần PH có thể hiểu được, cảm nhận được và thực hiện được.

Sau hết, mình mong, các thầy cô, các chuyên gia giáo dục, nếu có đọc bài này, thì xin lượng thứ cho mình. Xin các thầy cô hãy đọc bài viết một cách khách quan, xem như đây là góc nhìn của phía PH. Nếu thấy bài viết này có thể giúp thầy cô cởi mở góc nhìn hơn thì quá tốt. Mà nếu thấy có điều gì chưa đúng, chưa đủ, thì mong các thầy cô góp ý một cách trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau; để mình và các PH có cơ hội hiểu biết thêm, thì thật là cảm ơn ạ.

***

1. Mình đã chọn trường cho các con như thế nào?

Với 2 con trai đầu, hoàn toàn học trường công 12 năm, mình không có chút gì lăn tăn. Nhưng, khi K bước vào lớp 1, tụi mình cực kỳ lo lắng, vì K vẫn rất yếu về ngôn ngữ. K nói không trôi chảy, rất khó khăn khi thể hiện ý muốn nói. Người ngoài ít khi hiểu được con, tụi mình luôn phải đoán ý K, rồi làm “phiên dịch” cho K. Nói chung, vấn đề ngôn ngữ của K là một vấn đề làm tụi mình cực kỳ lo lắng.

Vì lý do đó, tụi mình đi 1 vòng khảo sát các trường tư, hòng tìm 1 môi trường học nhẹ nhàng cho K. Sau khi ông xã mình về làm 1 cái bảng Excel liệt kê các trường tư, và học phí từng năm của nó. Ảnh tính ra, thì nếu học trường tư 12 năm, tổng học phí lên đến 2 tỉ. Đó là dạng trường tư song ngữ, hoặc trường tư tăng cường TA, thuộc dạng trường “nữa chừng xuân”, chớ chưa phải là trường quốc tế TA 100%.

Sau khi cân nhắc, tụi mình đi đến quyết định là:

  • Để dành 2 tỉ cho cấp ĐH: nhà mình nhất định cho con đi du học. Nên mình cần ưu tiên tài chính cho việc du học bậc ĐH.
  • Ở cấp 1, 2, 3: tụi mình sẽ ưu tiên cho việc học trường công: trường công sẽ là một khung sườn chính.
  • Bổ sung vào "khung sườn trường công" là những môn học cần phải học thêm, theo một lộ trình phù hợp ở từng cấp: cấp 1, cấp 2, cấp 3 – mà mình đã chia sẻ trong các bài trước.

Again, lý do chọn trường công của mình vẫn là 2 ý quan trọng:

  • Phù hợp với túi tiền, với tài chính gia đình.
  • Phù hợp với mục tiêu của gia đình.

---

Chúng ta đều biết đến vai trò của giáo viên trong hệ thống giáo dục, và cũng không ngạc nhiên gì khi nghiên cứu đã khẳng định: Trong môi trường giáo dục, thầy cô là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự thành công của trẻ (Hanushek, Kain và Rivkin, 1998).

Nói một cách đơn giản, chất lượng của giáo viên, chính là chất lượng của giáo dục.

Đặc biệt, khi các con bước vào lớp 1, học ở trường công, thì vai trò GV càng quan trọng. Nhưng may mắn thay, với K nhà mình, 5 năm tiểu học, con toàn được học với thầy cô tốt. Có thể nói rằng, các GV trường tiểu học trường công đã góp phần tạo ra bé K của ngày hôm nay.

Vì vậy, tiêu chí chọn trường cho con, ngoài 2 yếu tố tài chính và mục tiêu nói trên, các bạn cần chọn theo tiêu chí chất lượng giáo viên.

  • Trường trang trí đẹp đẽ, xinh xắn thì cũng tốt, nhưng giáo viên dễ thương thì tốt hơn.
  • Trường dạy giáo trình hay thì cũng tốt, nhưng giáo viên dạy hay thì tốt hơn.

Chọn trường nào, thì bạn cũng nên hỏi thăm về giáo viên ở đó: tuổi đời, tuổi nghề, dạy ở trường này bao lâu rồi, học sinh của các thầy cô có phản hồi, đánh giá ntn...

2. Chất lượng giáo viên ở trường công

Với sự quan sát của mình trong nhiều năm, mình có thể kết luận là: Giáo viên ở trường công giỏi hơn giáo viên ở trường tư.

Ít nhất, điều này có thể thấy được ở các trường trong SG. Ở Hà Nội, nhóm trường tư CLC sẽ có sự tuyển chọn GV cẩn thận hơn, yêu cầu cao hơn.

Nhưng nhìn chung tổng thể trên cả nước, thì chất lượng GV ở trường công tốt hơn.

Khi mình quan sát chung, thì thấy đa phần GV dạy trường tư đều trẻ, ít kinh nghiệm hơn, và kinh nghiệm xử lý các vấn đề “nhất quỷ nhì ma” của học trò không bản lĩnh bằng các thầy cô trường công.

Điều này là do vài nguyên nhân:

  • Trường công bao giờ cũng “hot”. Các GV mới ra trường, muốn được điều về dạy ở trường công, thì phải qua thi tuyển, xét tuyển rất gay gắt. Ngược lại, trường tư tuyển chọn GV dễ hơn.
  • GV luôn an tâm khi được vào biên chế của trường công. Khi nào không được vào trường công, thì mới vào trường tư. Có thể nói, trường công đã “hớt” đi một lớp GV giỏi.
  • Nếu tính mức lương, thì có thể lương ở trường công thấp, nhưng thầy cô có thể cải thiện bằng dạy thêm. Trong khi đó, GV ở trường tư có mức lương cao hơn trường công 1 xíu, nhưng gần như đó là thu nhập duy nhất. Tính ra, tổng thu nhập kể cả dạy thêm của GV trường công sẽ cao hơn trường tư.

Điều mình muốn giải thích thêm ở đây là:

  • PH đã cho con học trường tư, học phí đã cao rồi, nên đa phần họ không thích cho con học thêm với thầy cô nữa.
  • Trường tư thu học phí cao, nhưng không đồng nghĩa với trả lương cho GV cao.

Trường tư thu học phí khá cao, nhưng trả lương GV không cao, không phải vì họ tham lam, muốn có nhiều lợi nhuận, mà là chi phí vận hành trường học rất lớn. Chi phí đầu tiên là chi phí cơ sở vật chất. Giữa nội thành, thuê một miếng đất đủ to để xây trường, thì là món tiền rất lớn. Nếu phải vay ngân hàng, thì lãi suất hàng tháng không nhỏ. Chi phí này, ở trường công là = 0. Đây chính là lý do học phí trường công rẻ vô cùng.

Chi phí operation cho một trường học cũng không hề nhỏ. Không chỉ là lương cho giáo viên, mà còn chi trả lương cho cả 1 hệ thống, từ bảo vệ, lao công, công đoàn, giám thị… cho đến Hiệu trưởng. Ngoài lương ra, tất cả mọi chi phí khác như điện, nước, phí bảo trì, bảo vệ an toàn, vệ sinh… đều tự cân đối thu chi, nên chi phí thực tế không hề nhỏ.

Theo mình đọc được từ bài báo của Mỹ, trung bình, trường công ở Mỹ phải chi khoảng 1.600 USD/ tháng/ cho mỗi học sinh. Ngân sách này được trích từ nguồn thuế của mỗi học khu. Đó là lý do, du HS qua Mỹ du học, ngoài chương trình trao đổi văn hoá 1 năm, thì du học sinh học trung học chỉ được học trường tư, không được học trường công. Vì ngân sách dành cho HS trường công được trích từ ngân sách thu thuế của người dân sống trong học khu đó - nên dĩ nhiên du học sinh nước ngoài không được hưởng.

Trường công ở xứ mình được nhà nước bao cấp phần lớn. Còn trường tư, dĩ nhiên phải đắt rồi.

Ở trường tư, các con có thư viện đẹp hơn, sân chơi nhiều cây xanh hơn, phòng học máy lạnh mát mẻ hơn, nhà vệ sinh sạch sẽ hơn, thiết bị phòng học hiện đại hơn. Tất cả những thứ đó, đều quy ra tiền.

Nếu các bạn có cái nhìn của nhà đầu tư, các bạn sẽ hiểu những chi phí đầu tư này rất lớn. Đặc biệt là khi liên quan đến trẻ nhỏ, nên các trường tư càng phải tốn kém các chi phí sao cho bảo đảm yếu tố an toàn. Nếu không được nhà nước bảo trợ, bao cấp, thì chi phí cho giáo dục thật sự không rẻ.

Mình giải thích để các bạn hiểu rằng, khi cta chọn trường tư, thì có nghĩa là cta chấp nhận việc bỏ đi các đặc quyền được hưởng nền giáo dục công với giá rất rẻ. Cta chấp nhận học trường tư có nghĩa là chấp nhận học phí của nó tương đương với giá thị trường, chớ hổng phải nó đắt.

Nói cho dễ hiểu nhất là: không phải học phí trường tư đắt, mà là học phí trường công đang rất rẻ, nhờ được bao cấp.

Quay lại chất lượng giáo viên trường công, mình thật sự đánh giá cao bản lĩnh của các thầy cô trường công. Mình đặc biệt đánh giá rất cao, hoặc có thể nói là ngưỡng mộ, các thầy cô dạy lớp Một.

Lúc K vào lớp Một trường công, 1 trường làng đúng nghĩa, tụi mình cũng rất lo lắng. Ngày đầu dẫn K vào nhận lớp, trời ơi, một mớ con nít lơ ngơ, mếu máo, mặt mũi ngơ ngác từ mẫu giáo chuyển lên, đứng xếp hàng mà còn không nên thân. Thấy cái cảnh đó, mình vừa ngao ngán, vừa lo lắng khôn tả.

Nhưng, khi các giáo viên lớp 1 xuất hiện, các thầy cô xử lý gọn ghẽ: hướng dẫn bằng lời nói đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, có uy lực… HS răm rắp nghe lời. Từ sự hỗn loạn trước đó, lập tức trở nên ngay ngắn, trật tự và đi vào lớp. Tụi mình nhìn theo con vào lớp mà trong lòng yên tâm bội phần.

Cứ thế, K học lớp Một trong một trải nghiệm vô cùng vui vẻ, nhẹ nhàng và tiến bộ kinh khủng về hành vi và thái độ.

Mãi đến sau này, mình mới hiểu, những giáo viên được xếp dạy lớp Một là những GV rất giỏi, bản lĩnh. Năm học đầu đời của 1 đứa trẻ đã được nhà trường có ý sắp đặt và chuẩn bị kỹ lưỡng, chớ hổng phải làm đại khái đâu.

Lên lớp 2, K học với 1 cô cũng tốt, nhưng không bằng cô lớp Một. Rồi lên lớp Ba, K lại được học với 1 thầy cực giỏi. Mình có cảm giác nhà trường cứ thay phiên xen kẽ nhau, để các con có đủ trải nghiệm với tất cả các thầy cô. Mình cảm thấy quá hài lòng với ngôi trường làng đầu tiên của K.

Không chỉ là GV trường tiểu học, mà GV cấp 2 và cấp 3 của trường công càng xịn xò hơn.

Trải nghiệm của 2 con trai đầu của mình suốt 12 năm ở trường công cũng vui nhiều hơn buồn. Mình hỏi thăm bạn bè của mình, thì biết được, về tổng thể, mọi người hài lòng về GV trường công. Không biết PH ở SG có dễ tính quá không, nhưng gần như các anh chị em, bạn bè và đồng nghiệp của mình đều rất hài lòng và biết ơn GV trường công.

Dĩ nhiên, vẫn có các vấn đề xảy ra, vẫn có GV còn vô tâm với HS, vẫn có thầy/ cô hù doạ học sinh hơi quá, làm căng hơi quá (vì muốn học sinh biết sợ mà lo học thôi). Nhưng nói chung, mình thấy, gần như mọi người chung quanh mình đều hài lòng.

Ở trường công, lớp học thường khá đông HS, thành phần gia đình HS đa dạng: khá giả có, khó khăn có, tri thức có, lao động có. PH đến từ nhiều thành phần khác nhau, nên kỳ vọng và cách hành xử của họ cũng rất khác nhau. HS xuất thân đa dạng nên sức học và thái độ học hành cũng khác nhau. GV trường công đã dẫn dắt, giảng dạy lớp học đa dạng đó, với số lượng đông như vậy, xuyên suốt hết năm này qua năm khác; nên thầy cô rất là bản lĩnh và kinh nghiệm đầy mình.

Chưa kể, học ở trường công, GV phải chạy theo các yêu cầu, chỉ tiêu của BGD, mà trong đó, có không ít những thứ trái khoáy, những bất cập. Trên đe dưới búa. Nhưng, kiểu gì thì kiểu, GV trường công đều phải vượt qua, hoàn thành mọi yêu cầu được giao.

Cái khó ló cái khôn. GV trường công phải vận dụng nội công để tìm giải pháp cho chính mình, cho HS, để tồn tại trong một môi trường phải nói là khá khắc nghiệt – mà PH cần hiểu và chia sẻ, hỗ trợ thầy cô nhiều hơn là chê trách thầy cô.

Bởi vì, ngày nào cta còn muốn con mình hưởng được một nền giáo dục rẻ gần như miễn phí, mà lại chất lượng, thì cta nên là người chung tay để giúp nó vận hành tốt hơn.

Dĩ nhiên là thầy cô trường công cũng có những mặt trái, mà PH và HS rất là bức xúc. Hoặc nếu xui rủi, con mình cũng có thể gặp những GV rất “trời ơi”, nhưng mình tin số đó là số ít.

Dù cta gặp mặt trái tiêu cực kiểu gì, thì cuối cùng, vì vấn đề tài chính, cta vẫn phải chọn trường công mà học. Đừng mong thế giới thay đổi theo ý mình. Đừng mong trường công thay đổi theo ý mình. Thay vì vậy, mình nên thay đổi tư duy của chính mình:

- Mình không có sự lựa chọn nào tốt hơn trường công => trường công chính là lựa chọn tốt nhất => ủa, đã là lựa chọn “tốt nhất” rồi, mà còn chê hoài chi vậy.

- Kiểu gì thì con mình vẫn phải học trường công. Mình càng tấn công thầy cô, thì con mình càng lãnh đủ => mình cần bảo vệ con, hơn là khiến con khổ hơn.

Chỉ khi nào mình đã cố gắng hoà giải, cố gắng giải quyết, mà có khi gặp nghiệt duyên, con mình vẫn khổ => chuyển lớp, hoặc chuyển trường cho con: đây là giải pháp cuối cùng. Nhưng cần thiết thì vẫn phải làm. Một cách nhanh chóng, dứt khoát. Cắt lỗ, cắt khổ. Càng nhanh càng tốt.

3. Chất lượng GV ở trường tư

Ở đây, mình không đề cập tới GV người nước ngoài ở các trường quốc tế, mà mình đang nói về GV người Việt, đang dạy ở trường tư.

Học trường tư thì được cái là an toàn. Có nghĩa là GV trường tư cũng có người giỏi, có người không giỏi; nhưng sẽ không có người quá dở, và tuyệt nhiên sẽ không có GV trường tư nào hành xử tệ hại với học trò.

Tuy vậy, cảm nhận của mình là, GV trường tư đa số còn trẻ, ít kinh nghiệm hơn và xử lý các vấn đề của học sinh không bản lĩnh bằng GV công.

Mà lý do cũng một phần là trường tư thường xem HS hoặc PH là “khách hàng”, nên thái độ cư xử của GV trường tư thường nhúng nhường với HS và cả PH nữa. Rất là khổ. Cảm giác như thầy cô không có nhiều quyền lực như GV trường công.

Các PH có con học trường tư sẽ thấy rõ điều này. Mỗi khi PH có vấn đề gì cần kiến nghị, thì sẽ thấy GV trường tư khá thụ động, ít dám quyết định vấn đề gì, dù nhiều vấn đề PH rất tích cực, mong muốn hỗ trợ nhà trường, muốn tốt cho các con… nhưng lúc nào GV trường tư cũng “dạ em ghi nhận, dạ em sẽ xin ý kiến nhà trường, dạ em cảm ơn các ba mẹ, nhưng…”

Tóm lại, GV trường tư chỉ thừa hành và thực hiện đủ tốt để tròn nhiệm vụ, chớ không ở vị trí đầu tàu mà dẫn dắt học sinh, hô hào PH để làm mọi thứ tốt nhất cho các con. Ở trường công, nếu gặp thầy cô nào chịu chơi, thì ôi thôi, lớp vui tưng bừng, học sinh thích mê. Nhưng GV trường tư sẽ làm đúng bổn phận.

Ở SG, trường ĐTL (mà K từng học) là một trường tư, có thể nói là trường tư xịn nhất SG. Là trường tư mà phải xét tuyển, phải chọi nhau, phải chuẩn bị từ sớm trước mấy năm thì mới được vào học.

Nhưng GV của trường ĐTL mà K học qua, so với GV trường công mà 3 con mình đã từng học qua, đều yếu hơn, từ năng lực chuyên môn, đến thái độ, tư duy và kỹ năng.

Trong thời gian K học ở ĐTL, mình thấy tỉ lệ GV trường ĐTL nghỉ việc khá cao. Nhiều GV nghỉ việc và nhiều GV mới. Mình không hiểu tại sao. Nhưng, mình cho rằng: tỉ lệ nghỉ việc quá cao thì chứng tỏ môi trường làm việc đang có vấn đề. Hơn nữa, giáo dục là một ngành tương tác với trẻ em trực tiếp và liên tục, nên kinh nghiệm giảng dạy là điều vô cùng quan trọng. GV trẻ chiếm số lượng quá cao và tuổi đời, tuổi nghề quá non trẻ (vừa mới tốt nghiệp) là một điểm trừ cho bất cứ môi trường giáo dục nào.

Ngoài trường ĐTL, mình cũng nghe các PH chia sẻ thêm. GV trường tư có tâm lý sợ, ngại PH complain, nên thường họ chọn những gì dễ dàng nhất mà làm. Để an toàn nhất, để ít bị rủi ro nhất.

Một ví dụ thường gặp nhất là: PH trường tư ở SG rất hay yêu cầu “Tui muốn con tui được học vui vẻ, không áp lực, không bài tập…”. Vì thế, GV trường tư càng không dám nghiêm khắc, không dám trách, phạt HS. Mà HS thì cứ thế mà nhờn, mà cười giỡn rần rần trong lớp chớ có sợ thầy cô mà ngồi yên nghe giảng đâu. Đã vậy còn ít cho bài tập về nhà, hoặc thầy cô có cho bài tập mà không làm cũng chả sao. Cuối cùng, bao nhiêu % kiến thức chui vào đầu HS thì không ai dám chắc.

Tuy vậy, nhưng GV trường tư càng không dám cho điểm kém. Bởi hễ con cái bị điểm kém thì PH lại complain. Nên dù chất lượng dạy & học có vấn đề gì đi nữa, thì điểm số của HS trường tư thường khá tốt trở lên. Đó là lý do mà nhiều PH vỡ mộng khi mang con ra ngoài test.

Cách thức vận hành của trường tư, nó khiến cho GV không có mấy quyền lực. Ngược lại, quyền lực nằm trong tay HS và PH khá lớn. Chính vì vậy, GV càng ngày càng “làm cho xong việc”, chớ không thiết tha cải tiến công việc, cũng không la mắng chỉnh đốn học trò làm chi. Mắc công lại rước rắc rối vào người.

Những trường tư nổi tiếng tại HN thì sẽ không bị “nạn” GV sợ HS và PH. Chỉ những trường tư chạy theo kinh doanh thì sẽ rơi vào tình trạng đó. Và do vậy, chất lượng GV đầu vào từ khâu tuyển dụng đã gặp khó khăn rồi.

Với những trường tư nổi tiếng tại HN, có thể nguồn GV tốt và ổn định hơn. Nhưng, ở SG, mình đánh giá là GV trường công giỏi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và bản lĩnh hơn các thầy cô ở trường tư.

***

4. Trường công tạo anh hùng

Quay lại với trường công. Như mình đã phân tích, trường công có học phí rẻ như vậy, là do được nhà nước bao cấp.

Nếu bạn nghĩ về nguồn lực giáo dục tương tự như nguồn lực tài chính, bạn sẽ thấy nó quan trọng đến thế nào.

Bạn thử hình dung, người giàu có, có vốn liếng sẵn, nên cứ thế mà đầu tư chổ này chổ khác, cứ thế mà làm ăn. Và tiền đẻ ra tiền.

Với người có học, có giáo dục, có tri thức trong đầu, nên cứ thế mà bán chất xám, bán kiến thức, hoặc kinh doanh bằng chất xám và kiến thức. Lúc này, tri thức không chỉ đẻ ra tiền, mà tri thức còn nảy sinh tri thức, và tri thức cộng hưởng với nhau, tạo ra những chân trời tri thức rộng mở hơn.

Tiền đẻ ra tiền. Nhưng tri thức sẽ tạo ra sự thịnh vượng lâu dài.

Với lĩnh vực tài chính, nhà nước đâu có bao cấp. Nhà nước đâu có chương trình cho vay với lãi suất gần như bằng 0, suốt 12 năm liền, ai ai cũng vay được?

Nhưng, với lĩnh vực giáo dục, nhà nước đã mở rộng cánh cửa cho mọi người, được học 12 năm, với học phí vô cùng rẻ, mà chất lượng quá ổn – so với học phí, hoặc so với hệ thống trường tư song song bên cạnh.

Nếu cta biết tận dụng nó, để tích luỹ tri thức, và biến nó thành chất xám; để dùng cho cả đời, thì cta sẽ thấy giá trị của nó.

Các thế hệ đi trước, cũng thuần học và tốt nghiệp từ trường công. Bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân… thành công. Tất cả đều từ trường công cả.

Vì vậy, nếu bạn dư dả tài chính, bạn cho con vào học trường tư cho thoải mái, chúc mừng bạn.

Nhưng nếu bạn không đủ tiền cho con vào trường tư, hoặc bạn có đủ tiền đó, nhưng bạn muốn để dành đầu tư cho ĐH, như mình chẳng hạn, thì bạn cứ tự tin thẳng tiến đến trường công.

Trường công tạo ra các anh hùng; đã, đang và sẽ tiếp tục như thế.

 

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 20, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email