Có Nên Học Ngành Con Không Thích

Bài – CÓ NÊN HỌC NGÀNH CON KHÔNG THÍCH?

Series CHỌN NGÀNH ĐỂ HỌC, CHỌN NGHỀ ĐỂ LÀM

1. Nghề nào cũng có mặt trái của nó

2 bài liên quan đến ngành Mỹ thuật trước, có nhiều PH comment là "cha mẹ làm KTS nhưng nhất quyết không cho con theo nghề KTS", hoặc "con thích vẽ nhưng em chỉ cho vẽ chơi, chớ nhất định không cho theo ngành mỹ thuật". Vì những mặt trái của nó.

Nhưng, nói cho cùng, nghề nào cũng vậy.

Mình làm mảng Business gần 30 năm, hơn ai hết, mình biết mặt trái trong ngành như nào, mức độ stress và môi trường làm việc toxic như nào. Mình hông bao giờ muốn con cái mình làm business, càng không khuyên con làm chủ. Mỗi lần con trai mình ở Úc ủ mưu mở nhà hàng, mình can ngăn nhiệt liệt.

Mình cũng có vài PH thân thiết, là BS ở những BV lớn đầu ngành ở SG, họ cũng không muốn con cái trở thành BS. Tương tự, có đến hàng trăm ngàn GV đang stress cực độ và không bao giờ muốn con cái theo nghề của họ.

Vậy thì, nghề nào cũng có vất vả và mặt trái của nó. Bạn không cho con làm nghề này, nghề kia; thì bạn chọn nghề nào cho con bây giờ?

Biết trước mặt trái của nó, để chuẩn bị tâm thế cho tốt, để chuẩn bị năng lực cho tốt, mà bước vào chinh phục nó. Chớ không phải để sợ hãi từ bỏ. Từ bỏ cái khổ của nghề này, rồi sẽ phải chọn cái khổ của nghề khác thôi.

2. Vẫn nên chọn nghề theo sở thích

Nghề nào cũng có cái vất vả, khó khăn riêng của nó. Nếu ta chọn nghề đúng sở thích, đúng đam mê, đúng sở trường; thì khi gặp thử thách trở ngại, ta vẫn chịu đựng được và sẽ vượt qua. Ngược lại, nếu chọn 1 nghề mà ta không thích, khi gặp vất vả khó khăn, ta stress biết bao nhiêu.

Lỡ chọn 1 nghề mà ta không thích, thì sẽ gặp 2 vấn đề:

  • Vì không thích nên khi gặp khó khăn, thử thách, sẽ rất nản, rất stress và dễ dàng bỏ cuộc.
  • Vì không thích nên không có niềm vui trong công việc, chỉ mong làm cho xong việc => không có động lực học hỏi, đào sâu, nghiên cứu và phát triển => không tiến bộ, không giỏi lên => không thăng tiến, không thành công => Chán nản, ù lì => Hoặc tự động bỏ việc, hoặc bị giảm lương, hoặc sa thải.

Vì vậy, những bạn nhỏ thích vẽ từ nhỏ, nếu vì đọc 2 bài vừa qua của bác H mà bỏ hẳn ngành mỹ thuật, các con sẽ đi theo ngành gì?

Nếu các con vẫn có sự lựa chọn thứ 2, chọn 1 ngành khác mà con cũng thích, thì ok. Ngược lại, đừng ép các bạn nhỏ học ngành mà con không thích nha. Rất là nguy hiểm đó.

Buổi zoom về chủ đề Career mấy tuần trước, có 1 PH hỏi mình tư vấn giúp con bạn:

- Con học ngành Tài chính - là major. Ngành phụ là Marketing. Giờ con chọn job gì mà không liên quan đến số liệu (data) vì con không thích số liệu? Con học yếu môn Xác suất thống kê.

Mình nghe xong, cảm thấy giật mình luôn:

- Các ngành về Tài chính: ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán, M&A, hoặc tài chính doanh nghiệp đều cần xử lý số liệu rất nhiều. Nếu không thích số liệu, và yếu môn xác suất thống kê, thì sao mà bước vào ngành Tài chính chi vậy? Hay là con chọn ngành Marketing đi?

- Con cũng không thích ngành Marketing.

- Úi chời, sao chọn học ngành gì mà đúng cả 2 món con không thích vậy?

- Vì trường… đó chỉ có 2 môn đó (???)

Vậy té ra, PH chỉ chú trọng chọn trường, mà không nghĩ rằng, chọn ngành học còn quan trọng hơn nhiều, có thể nói là quan trọng nhất.

Nói cho cùng, nếu tiếp tục theo ngành Finance, bạn SV kia cũng có thể tìm được 1 vài job ở level entry (level nhân viên mới vào, là level thấp nhất).

Con có thể làm NV quầy ở ngân hàng. Lúc này, con phải chịu áp lực như 1 nv sales, gánh chỉ tiêu về DS cho vay, hoặc DS tiết kiệm gởi vào.

Con có thể là 1 nhân viên của cty bảo hiểm nào đó.

Con có thể là nhân viên tập sự của 1 cty đầu tư tài chính nào đó.

Nhưng, để con phát triển chuyên môn, thăng tiến sự nghiệp, thì con buộc lòng phải giỏi về số liệu. Bằng không, như mình đã nói ở trên:

Hoặc con chỉ làm hoài 1 job làng nhàng, ở những bộ phận hỗ trợ - chớ không phải giữ vị trí quan trọng, trong những bộ phận quan trọng của cty.

Hoặc con sẽ cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi phải làm những thứ mà con không thích.

3. Vùng năng lực hạn chế:

Bạn cũng có thể phản biện:

- Tuy con không thích số liệu, nhưng con vẫn làm được mà.

Đúng là như vậy. Mặc dù có nhiều thứ cta không thích, nhưng cta vẫn có thể làm được.

Hôm qua, PH của bạn nhỏ đặc biệt mà mình vừa đăng bài, kể mình nghe cụ thể hơn về bé:

“Bé không thích giao tiếp với nhiều người. Bé chỉ có 2 người bạn thân. Tuy vậy, bé cũng tự đọc và nghiên cứu đủ nhiều về cách giao tiếp và kết bạn. Bé nói “Con biết là để làm quen, kết thân với ai đó, mình phải làm thế này, thế này… Con biết hết, con làm được hết, chẳng qua con không thích làm mà thôi”.

Mình khá thân 1 chị - là vợ của anh đồng nghiệp bậc đàn anh của mình, con trai chị rất giỏi (học bổng full-ride Computer Science 4 năm ở trường ĐH Chicago Mỹ - rồi tiếp tục học bổng 6 năm tiến sĩ ở trường Chicago luôn). Bạn này cũng không thích giao tiếp, rất hướng nội, rất ít nói. Nhưng khi được giao làm MC, thì bạn có thể làm rất tốt. Nhưng bạn chỉ nhận làm 1 lần duy nhất, vào lễ tốt nghiệp phổ thông, và ai cũng khen quá chừng.

Như mình vậy, mình không thích nấu ăn, rất là ghét luôn. Nhưng mình vẫn nấu ăn rất ổn, khách quan đánh giá, K nhà mình khen mẹ nấu ăn ngon hơn hàng quán bên ngoài nhiều. Chỉ thua nhà hàng fine dining thôi.

Nhưng, sự thực là mình không hề thích nấu ăn. Khi nào mình vui vẻ, nhẹ nhàng, thảnh thơi thì mình mới nấu, còn khi nào mình mệt, căng thẳng, có vấn đề gì cần suy nghĩ… thì mình chả có tinh thần nào dành cho việc nấu nướng hết, cho cả nhà đi ăn ngoài cho lẹ. Thậm chí, ăn cái gì mình cũng chả thèm nghĩ tới.

Đối với 1 số người, vì trách nhiệm, nên dù không thích, họ vẫn làm tốt. Hoặc những người có năng lực cao, khi cần làm cái gì, họ đều làm được.

NHƯNG… họ chỉ bỏ công làm tốt được 1 vài lần thôi, hoặc lâu lâu làm 1 lần thì họ làm được. Họ không thể làm tốt mỗi ngày, liên tục, cả đời những thứ mà họ không thích. Chắc chắn là như vậy.

Mình tin chắc rằng, cũng như mình, bạn trai kia không thể nào làm tốt và thành công trong vai trò MC suốt đời.

Bạn nhỏ không thích giao lưu kia, dù thuộc lòng các bí quyết làm thân, kết thân với người khác bao nhiêu, bạn ấy cũng không bao giờ trở thành 1 người có nhiều bạn bè và quảng giao xã hội.

Đó là điều chắc chắn.

Theo lý thuyết “Các kỹ năng tạo động lực” của Richard Knowdell, ông phân ra những vùng kỹ năng/ năng lực khác nhau:

Kỹ năng làm ta mệt: là những kỹ năng (hoặc loại năng lực) mà ta thành thạo, làm được; nhưng ta không hề yêu thích nó. Vì vậy, ta chán ghét công việc/ nghề nghiệp của mình khi phải ngày ngày làm những thứ khiến ta mệt mỏi.

Ngoài ra, còn có vùng Kỹ năng phát triển và Kỹ năng tạo động lực.

Lời khuyên là: không bao giờ chọn job yêu cầu cần có những kỹ năng/ năng lực làm ta mệt. Hoặc có thể hiểu là, vùng kỹ năng làm ta mệt chính là vùng năng lực hạn chế cta.

Không bao giờ ta có thể phát triển và thăng tiến được ở vùng kỹ năng/ năng lực này.

Ngược lại, ta cần chú tâm đến vùng Kỹ năng tạo động lực và vùng Kỹ năng có thể phát triển.

4. Nên chọn nghề theo sở trường

Bạn cũng có thể đặt tiếp câu hỏi:

- Vậy nên chọn nghề mà con thích hay chọn nghề mà con giỏi?

Câu hỏi này, có rất nhiều người thắc mắc.

Theo lẽ tự nhiên, nếu bạn thực sự thích 1 cái gì, bạn sẽ làm nó nhiều. Và vì làm nhiều, nên bạn sẽ giỏi. Thích => Giỏi.

Ngược lại, nếu bạn chỉ thích sơ sơ, bạn chỉ làm cho lấy lệ, thì bạn không giỏi được.

Có 1 bạn nhỏ, khi làm bài test Holland, điểm tố chất Nghiên cứu đạt gần như tuyệt đối. Nên người mẹ vui lắm, hăm hở định hướng cho con đi du học ngành STEM bên Mỹ. Khi trao đổi trực tiếp, mình hỏi, mỗi ngày, con làm gì, đọc gì, xem gì… thì té ra, em bé đó không làm những hoạt động đặc trưng nào của nhóm Nghiên cứu cả.

Mình hỏi tiếp: Ủa sao con thích mà con không làm? Ai cản trở con? Điều gì cản trở con, không cho con làm cái con thích?

Em bé không trả lời được.

Vậy đó các bạn. Để đánh giá mức độ thích, ta đo lường bằng tần suất con thực hành, con làm những thứ con yêu thích nó. Nếu sở thích chóng vánh quá, hoặc hời hợt, chớ không thực sự theo đuổi nó, thực hành nó, không giỏi chút nào về nó => cha mẹ cần tỉnh táo gạt nó qua 1 bên.

Tóm lại, con thực sự thích (hay đam mê) cái gì, con sẽ giỏi cái đó.

Nhưng, nói đi thì phải nói lại, trên thực tế, mình đã gặp rất nhiều bé thích vẽ, nhưng vì cha mẹ chưa biết cách khuyến khích, chưa biết cách nuôi dưỡng tài năng của con, dẫn đến năng khiếu của con dần mai một. Hoặc do phát triển tự thân, con chỉ khá hơn các bạn bình thường 1 chút; nhưng chưa đủ giỏi để có thể bước vào ngành mỹ thuật chuyên nghiệp. Lúc này, không phải là do lỗi của con. Mà là do cha mẹ chưa biết cách phát triển tố chất cho con.

Trường hợp này, theo lý thuyết Knowdell, con đang sở hữu “Kỹ năng có thể phát triển”. Đây là những kỹ năng mà con rất thích, nhưng chưa giỏi, hoặc không giỏi; vì con chưa được học hành bài bản, chưa được thực hành, rèn luyện đủ nhiều, chưa có được thầy cô giỏi hướng dẫn, dìu dắt.

Thích không thôi vẫn chưa đủ, mà ta cần khuyến khích và tạo cơ hội để con học/ thực hành nhiều hơn, giúp con giỏi hơn. Hãy giúp phát triển SỞ THÍCH của con thành SỞ TRƯỜNG của con.

Sở trường là những khả năng, điểm mạnh mà một người làm thành thạo nhất, giỏi nhất, tự tin nhất và đạt hiệu quả cao, đó có thể là kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm hay yếu tố bẩm sinh mà từ khi sinh ra họ đã giỏi.

Chọn nghề đúng sở trường, dù là nghề nào, dù đối diện với mặt trái khó khăn vất vả cỡ nào, con đều vượt qua, làm tốt và thành công lâu dài.

P/S: Vài lời nói thêm với các bạn PH:

Nếu có ai trong cta, mỗi ngày đi làm mà cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, chán nản, thì đó là bạn đã lỡ chọn sai, bạn chọn nghề nằm trong vùng kỹ năng làm bạn mệt. Bạn càng làm lâu, bạn càng kiệt sức. Thay vì phải chịu đựng cả đời, bạn hãy tìm hiểu bản thân:

Vùng “Kỹ năng tạo động lực”: là sở trường của bạn. Chọn job trong vùng này, bạn sẽ thành công.

Vùng “Kỹ năng/ năng lực có thể phát triển”: là cơ hội của bạn. Phát triển thêm vùng này, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Bài test Kỹ năng tạo động lực của Knowdell sẽ giúp bạn biết rõ 3 vùng năng lực của bạn. Nếu các bạn muốn mình hướng dẫn làm bài test để hiểu thêm về bản thân, các bạn comment bên dưới nha. Nếu có nhiều người quan tâm, mình sẽ tổ chức buổi zoom để hướng dẫn các bạn.

Khi các bạn làm cho chính mình xong. Các bạn sẽ hiểu và giúp con định hướng tốt hơn.

 


Phạm Hương - Nov 07, 2024

6 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email