Con Thích Vẽ, Có nên Chọn Học Ngành Mỹ Thuật? – Phần 1

Series CHỌN NGÀNH ĐỂ HỌC, CHỌN NGHỀ ĐỂ LÀM

Đứng trước việc con yêu thích vẽ, PH thường có 2 khuynh hướng:

- “Con em thích vẽ. Bé không học tốt mấy môn STEM, cũng không thích mấy môn xã hội. Chắc em cho con theo ngành mỹ thuật. Nhờ chị tư vấn”.

- Con em thích vẽ lắm. Hồi nhỏ em còn cho vẽ thoải mái, nhưng lên cấp 2, em không khuyến khích nữa mà em lại hướng con vào việc học. Vẽ chơi vui thì được, chớ theo nghề vẽ thì em dứt khoát không là không. Giờ em nhờ chị tư vấn để em giúp con chọn nghề khác phù hợp”.

Tuy 2 quan điểm của 2 bà mẹ này đối lập nhau, nhưng mình chưa thể nhận xét ai đúng, ai sai, vì dữ liệu các bạn ấy cung cấp rất là thô sơ, chưa đủ để nói gì. Loạt bài viết này, mình phân tích sâu hơn về năng khiếu vẽ và ngành mỹ thuật. Khi đó, mình mới biết có nên khuyến khích con theo nghề, hay khuyên can con chuyển đổi ý định.

1. Kinh nghiệm bản thân:

Bàn về ngành mỹ thuật, mình tự cho là mình có nhiều trải nghiệm.

- Mình từng làm việc trong cty QC đa quốc gia, phòng Creative. Chung quanh mình là các bạn thiết kế - toàn là thủ khoa trường ĐH Mỹ Thuật, hoặc ĐH Kiến trúc, khoa Mỹ thuật ứng dụng. Sau này, ở công việc Mkt, mình cũng làm việc với team Sáng tạo thường xuyên. Quá trình mình làm việc với các bạn thiết kế mỹ thuật có đến hơn 25 năm. Nên, có thể nói, mình có nhiều hiểu biết về ngành nghề này.

- Bản thân mình thích vẽ từ nhỏ, và mình vẽ khá đẹp (so với mặt bằng xung quanh). Mình rất khéo tay, có đến 10 hoa tay. Mình vẽ đẹp, mình có thể vẽ chì, vẽ màu nước, vẽ sơn dầu. Mình viết chữ đẹp (kể cả tiếng Hoa phồn thể), mình biết thêu tay, tự may áo váy, biết cắm hoa, làm thiệp tay, bày biện nhà cửa… Nói chung, mình thích cái đẹp và có khiếu trong mảng đó.

- Những thứ mình làm, tuy không là gì so với dân chuyên nghiệp, nhưng vẫn đủ tốt để giúp mình kiếm tiền. Mình từng may đồ cho khách, làm thiệp tay bán ở nhà sách, cắm hoa và đưa ra ý tưởng (phụ giúp chị mình – là nghệ nhân cắm hoa) cho những tiệc lớn sang trọng. Mình cũng từng kinh doanh tranh sơn dầu sơn mài, cung cấp riêng cho những khách hàng có nhu cầu độc lạ. Nhà chung cư mình mua thô, rồi sửa sang bày biện đẹp đẽ và cho thuê/ bán lại với giá rất tốt. Tóm lại, năng khiếu của mình giúp mình kiếm tiền tốt, chớ chả phải chỉ để giải khuây.

Có đôi lần, khi mình làm cv marketing, mình stress quá, mình đã từng nghĩ “Nếu được quay trở lại, mình sẽ học thiết kế mỹ thuật, mình sẽ đỡ phải stress vì áp lực quá lớn, vì phải đối phó với chính trị văn phòng và trăm ngàn thứ vất vả, khắc nghiệt của ngành kinh doanh”.

Nhưng, cho đến khi mình thấy vài đồng nghiệp của mình, là Art Director, bị khách hàng chê bai, bắt làm đi làm lại cả chục lần, sửa layout đến nát bét; thì mình mới cảm thấy “Ôi may mắn là mình đã không học và làm nghề này.”

Mình tin rằng, các bạn cũng giống như mình. Cta chỉ thấy những mặt bề nổi của nó, cta chưa hiểu những khó khăn, vất vả của nó. Đặc biệt, cta hoàn toàn không biết để thành công trong các job thuộc nhóm mỹ thuật, cần có yêu cầu gì, năng lực gì.

Người lớn mình mà còn không biết, thì tụi nhỏ dễ gì mà biết. Nên, tất cả các bạn nào có con thích vẽ, và có ý định học ngành này, nhất định phải đọc loạt bài này cho kỹ.

2. Cơ hội việc làm ngành mỹ thuật:

Có thể nói, sự đóng góp của ngành mỹ thuật có mặt ở mọi nơi trong đời sống.

Hàng hóa tiêu dùng:

- Từ những bao bì mẫu mã của kẹo bánh, xà bông bột giặt, đến mỹ phẩm, thuốc men.

- Từ áo quần (không chỉ là thiết kế thời trang, mà còn là hoa văn, màu sắc của vải vóc, chất liệu), đến giày dép, mũ nón.

- Từ nội thất nhà cửa, đến xe cộ.

- Từ điện thoại đến tủ lạnh, tivi…

Truyền thông:

- Mẫu quảng cáo và vật phẩm quảng cáo: tờ rơi, poster, banner, hoặc các mẫu QC sản phẩm xuất hiện trên FB, chèn giữa các trang báo online.

- Sân khấu: sự kiện, chương trình âm nhạc, gameshow.

- Phim ảnh: phim QC, phim hoạt hình, phim điện ảnh, phim truyền hình

- Xuất bản: bìa sách, truyện tranh, truyện anime, vẽ tranh minh họa

- Games điện tử

Fine Art: nghệ thuật mỹ thuật

- Là ngành mỹ thuật sáng tạo đỉnh cao, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.

- Hội họa, nặn tượng, điêu khắc, kiến trúc

Ở đây mình không đề cập đến các thiết kế kỹ thuật:

- Bản vẽ kỹ thuật cho máy móc, thiết kế công nghiệp

- Bản vẽ kỹ thuật trong xây dựng

Những người làm ngành này thì không cần phải có khiếu và học về mỹ thuật. Ngược lại, họ cần có tính tỉ mĩ, và học thêm về Toán, Lý và phần mềm vẽ kỹ thuật.

Theo như liệt kê ở trên, thì ta thấy rằng, đâu đâu cũng cần có mỹ thuật. Vậy, cơ hội ngành nghề nhiều vậy là tốt quá. Còn lo gì nữa?

Khoan. Hãy tìm hiểu thêm về khó khăn của ngành này.

3. Khó khăn và đe dọa của ngành Mỹ thuật:

Có 1 lần, GV của K từ Châu Âu qua lại VN, tặng K 1 hộp kẹo của Đức. 1 hộp kẹo chocolate nhỏ, đựng trong 1 cái hộp thiếc hình con bọ cánh cứng màu đỏ tuyệt đẹp. Mỗi viên kẹo được bọc trong tờ giấy bạc, bên ngoài in màu y như con bọ hung màu đỏ. Đẹp đến nỗi không dám ăn. Mà ăn xong vẫn giữ cái hộp tận mấy năm.

Có thể nói, bất cứ 1 sp nhỏ xíu của Châu Âu, hoặc Hàn Quốc, nói chung của nước ngoài, đều được đầu tư phần thiết kế.

Quán café ở Thailand luôn có phong cách đẹp, không sang trọng cầu kỳ, nhưng rất chill, bất kể là quán nhỏ hay lớn.

Nhưng ở VN mình, vấn đề thiết kế mỹ thuật không được xem trọng. Bao bì mẫu mã là thứ mà các ông chủ chi tiền cuối cùng. Chỉ những cty lớn. Chỉ những cty và tập đoàn nước ngoài thì mới chịu đầu tư vào thiết kế. Các cty VN thì toàn là làm bừa, hoặc chôm ý tưởng của nước ngoài, kêu nhân viên xào nấu lại là xong.

Các cty VN không thuê cty thiết kế, không sẵn sàng trả giá cao thuê cty thiết kế đâu. Rất ít cty tuyển dụng nhân viên thiết kế. Mà nếu có, thì cũng không trả lương cao.

Bạn Thái Mỹ Phương, thủ khoa trường ĐH Kiến Trúc, học bổng Thạc sĩ ở Anh, giờ đang sống và làm việc ở Mỹ, chuyên vẽ tranh minh họa cho sách truyện trẻ em. Mỗi dự án tranh bạn vẽ được trả đến 10K ông ngoại (1 quyển truyện tranh chưa đến trăm trang). Nhưng, với các nxb VN, họ chỉ trả vài chục ngàn vnđ/ trang tranh vẽ. Những nxb lớn thì có thể khá hơn, có thể trả đến tiền trăm ngàn. Nhưng con số đó cũng không đủ để họa sĩ minh họa tranh đủ sống.

Cho nên, muốn phát triển nghề nghiệp trong mảng thiết kế, phải cố gắng trở nên thật giỏi để làm trong cty nước ngoài thì còn được thăng tiến. Chớ làm thiết kế ở cty VN thì lương không đủ sống.

Đây là khó khăn thứ 1: các cty VN không đầu tư cho thiết kế và không trả cao cho job thiết kế.

Thông thường, trừ những tập đoàn lớn, thì mỗi cty chỉ kinh doanh vài chủng loại sp (category). Mỗi loại thì có vài sp, nhưng thiết kế của từng SP thì tuân thủ theo ý tưởng thiết kế chủ đạo của category. Có nghĩa là, chỉ cần thiết kế ý tưởng cho nhóm sp thôi, từ đó, sẽ adapt thiết kế cho từng sp trong của category đó.

Trừ những cty lớn, cty mỹ phẩm, hoặc thời trang, mới cần thay đổi mẫu mã theo mùa, hoặc theo năm. Các sp khác dùng bao bì rất lâu. Có sp cả đời không đổi bao bì. Trung bình, khoảng 3 – 5 năm cty mới đổi mẫu mã sản phẩm. Nhiều cty VN rất tin phong thủy, nghĩ mẫu mã này hên, bán tốt, không bao giờ dám thay đổi. Vì thế, tuy ta thấy sp nào cũng cần thiết kế, nhưng thực tế, công việc dành cho thiết kế không nhiều.

Nếu so sánh, ta thấy, nv sản xuất/ kinh doanh sẽ làm/ bán hàng triệu sản phẩm, công việc tiếp diễn mỗi ngày. Nhưng nv thiết kế thì chỉ thiết kế đúng 1 lần, job done là xong luôn.

Đây là khó khăn thứ 2: job thiết kế không nhiều.

Trong ngành truyền thông (multimedia) thì có nhiều job. Đặc biệt là ngày nay, nền tảng media chủ yếu là online, mọi thứ diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trend này tiếp nối trend kia. Nên làm quảng cáo truyền thông media phải làm nhiều, làm nhanh.

Nhưng vì cần làm nhiều, làm nhanh, nên khối lượng công việc rất nhiều, vất vả. Mà điều quan trọng là vì mẫu thiết kế của media không tồn tại lâu nên cũng không ai chú tâm đầu tư cho nó. Vì vậy, mẫu thiết kế không chất như ngày xưa, ít có idea hay ho, độc đáo. Vì chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Cứ làm đại khái cho bắt mắt là được. Mỗi chiến dịch phải làm nhiều Ads, rồi chạy test. Mẫu nào người tiêu dùng thích thì dùng, không thích thì bỏ.

Nói tóm lại, tình trạng hiện nay trong ngành thiết kế media là khối lượng cv nhiều, làm nhiều, tốc độ thiết kế nhanh, đào thải cũng nhanh. Làm cực, làm gấp. Nhưng job này không khó, không cần phải là “nhân tài xuất chúng”, chỉ cần học vài 3 khóa Multimedia Design là làm tuốt. Vì thế, nhân sự không khó kiếm, và mức lương cũng không cao.

Khó khăn thứ 3: khối lượng cv nhiều, áp lực phải làm nhanh; lương không cao.

Nếu bạn là thiết kế giỏi, học hành tử tế (học đại học Mỹ thuật/ Kiến trúc, ngành mỹ thuật ứng dụng), bạn có tài, bạn dồi dào ý tưởng sáng tạo, thì chưa hẳn bạn thành công trong công việc.

Là bởi, lĩnh vực này rất là cảm tính. Đẹp xấu nằm ở mắt người đối diện. Hay dở nằm ở trình độ người xem. Bạn làm đẹp đến đâu, gặp ông sếp có gu thẩm mỹ thấp thì bạn cũng bó tay. Bạn làm ý tưởng hay đến đâu, gặp khách hàng xôi thịt thì cũng vứt.

Trong quá khứ, khi mình làm Marketing Director, mình có team thiết kế in-house, mình làm sếp trực tiếp của team đó. Vì mình trực tiếp brief (truyền đạt yêu cầu thiết kế) cho team thiết kế làm, và mình cũng có ít nhiều khiếu mỹ thuật, nên mình làm việc với team ăn ý lắm. Nhưng khi tụi mình đưa lên cho anh sếp CEO duyệt, ảnh toàn bắt sửa lại theo ý ảnh. Mà ác cái là sửa đi sửa lại 1 hồi, ra 1 thiết kế xấu tệ.

Team thiết kế cự mình, nói xấu vậy mà chị cũng dạ hả? Mình chỉ biết an ủi tụi nhỏ “Ai chê xấu không quan trọng. Chỉ cần sếp khen đẹp và hài lòng là được. Ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày mà em”.

Rồi khi triển khai, sản xuất hàng loạt thì bị đồng nghiệp các phòng ban chê, đối tác chê, mà người tiêu dùng cũng chê. Mà chê là chê Marketing và thiết kế làm tệ quá. Đâu có ai biết là do ông sếp nhảy vào “chỉ đạo nghệ thuật” nên mới ra nông nỗi đó.

Khó khăn thứ 4: bị đánh giá kết quả công việc rất cảm tính, mang tính chủ quan của cá nhân.

Chưa kể, có những người sếp nữ, làm việc cảm tính đến mức đồng bóng. Có lần, team thiết kế tụi mình đã làm xong cả 1 cuốn brochure 100 trang. Sản phẩm dành cho phụ nữ nội trợ, thu nhập trung bình khá, tuổi từ 28 – 50.

Quá trình làm việc trải qua nhiều bước: ý tưởng chủ đạo (concept), thiết kế chủ đạo (key layout), thiết kế chi tiết (layout), thiết kế final. Dĩ nhiên, ở mỗi bước, tụi mình đều trình cho sếp duyệt. Vậy mà cho đến khi tụi mình xong thiết kế final rồi, đưa cho chị sếp. Chị đem về nhà đưa cho cô con gái học lớp 7 xem. Bé đó chê chổ này, khen chổ kia. Thế là ngày hôm sau, cả team tụi mình bị sếp yêu cầu chỉnh sửa theo ý kiến của con gái sếp.

Theo yêu cầu đề bài, cuốn brochure này là dành cho phụ nữ nội trợ, tính cách truyền thống - mà con gái sếp là học sinh cấp 2, trường quốc tế, tính cách tuổi teen nổi loạn, phong cách phương tây. Target audience của brochure là những phụ nữ có thu nhập trung bình khá, mà con gái sếp là con nhà đại gia, 1 ngày xài tiền bằng 1 tháng nhu nhập của lao động phổ thông.

Đối tượng khác nhau 1 trời 1 vực vậy đó, mà chị sếp mình cũng lấy đó để yêu cầu tụi mình chỉnh sửa. Làm việc kiểu này thì không phải làm kém chuyên nghiệp nữa, mà kiểu thích gì làm nấy nên được gọi là bốc đồng mới đúng. Vậy mà, cả team tụi mình vẫn phải làm, chớ có cãi được đâu. Những sếp nữ kiểu đó không nói lý lẽ đâu. Mình càng phân tích thì sếp càng ghét chớ dễ gì thuyết phục.

Khó khăn thứ 5: phải chiều lòng những người “thích gì làm nấy” 1 cách phi logic.

Còn có những khách hàng xem nhẹ việc thiết kế như chơi ấy. Cứ mở miệng là nói “job này dễ mà, cái này làm nhanh mà”. Để ép tụi nhỏ làm free cho họ. Để ép giá làm rẻ rẻ thôi. Hoặc để ép tụi nhỏ làm thêm bonus. Hoặc đòi tụi nhỏ làm gấp, làm lấy liền.

Không ai nghĩ đến việc, để mất vài tiếng thiết kế/ chỉnh sửa thiết kế, thì tụi nhỏ đã phải đi học 4 năm đại học, rồi học thêm mấy khóa sử dụng phần mềm thiết kế. Rồi đầu tư máy móc thiết kế chuyên dụng (nếu làm freelancer). Rồi bỏ thời gian đọc brief (yêu cầu công việc), bỏ thời gian tìm hiểu sản phẩm, hiểu ngành hàng, hiểu người tiêu dùng… rồi mới làm ra được thiết kế. Những thứ đó nó là kết quả của chất xám, đầu tư học hành, thời gian… chớ phải thứ rẻ mạt đâu.

Chưa kể, cứ đòi sửa, đòi làm gấp, nên tụi nhỏ phải làm ngoài giờ, làm đêm, rất cực. Làm thêm, làm OT mà không bao giờ có phụ cấp. Nhiều lúc thấy job thiết kế, nghe thì sang, nhưng bị bóc lột chất xám kinh khủng.

Mình còn nhớ, lúc mình đi học nâng cao nghiệp vụ, thì học chung với 1 anh sếp của 1 ngành hàng nội thất. Anh này chưa đến đại gia cỡ bự, nhưng cũng thuộc loại trung. Có mấy nhà máy, làm hàng xuất khẩu.

Khoe khoang nhà máy và hàng ngàn công nhân, nhưng tư duy ảnh thì kỳ lạ lắm. 1 hôm, lúc ăn trưa, ảnh kể “tuyệt chiêu” của ảnh thông minh như vầy:

“Anh muốn thiết kế cái logo cho cty anh. Nhưng anh không thuê đơn vị nào cả. Anh mở cuộc thi thiết kế logo cty, đăng 1 tin nhỏ về cuộc thi trên báo Tuổi Trẻ, ai làm đẹp nhất thì được giải. Giải thưởng là 1 tr đồng (hồi đó chắc số tiền này cũng khá). Thế là có biết bao nhiêu SV gởi về cho anh. Anh chọn 1 cái, và trả 1 triệu. Vậy đó, em thấy anh khôn không? Có 1 triệu đồng mà có cái logo. Cần gì thuê thiết kế”.

Mình nhìn cái logo của ảnh, muốn té xĩu. Cuộc thi đăng trên trang rao vặt, giải thưởng 1 tr, thì chỉ có SV làm, chớ dân chuyên nghiệp ai thèm làm. SV đang học mà, đã có kinh nghiệm gì đâu. Cái logo đó phạm rất nhiều lỗi bố cục, nó chông chênh, nó chướng mắt, khó chịu lắm. Nhưng anh sếp kia, với level của ảnh, ảnh thấy đẹp là được rồi.

(Mấy năm sau, mình nghe 1 bạn học chung khóa đó kể, nhà máy của ảnh bị cháy rụi. Ảnh cho là phong thủy không tốt nên đã thay đổi thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu của cty. Không biết lần sau, ảnh thuê cty chuyên nghiệp, hay lại “thông minh” xài chiêu như lần trước).

Khó khăn thứ 6: bị coi thường, bị chèn ép và bóc lột công sức

Điều này cũng chưa kinh khủng bằng bị reject (bác bỏ) hẳn luôn. Lúc mình làm ở cty QC, tụi mình phải trình bày ý tưởng cho khách hàng. Gặp khách hàng dễ thương còn đỡ. Gặp khách hàng Thượng Đế thì thôi rồi. Mỗi lần present phải chuẩn bị 3-4 ý tưởng. Mỗi ý tưởng lại có 3-5 layout. Vậy mà bị bác bỏ hết. Rồi lần sau lại tiếp tục bị y như vậy.

Như mình nói ở trên, sự đánh giá ý tưởng và cái đẹp là rất chủ quan. Bạn thấy đẹp, nhưng sếp thấy xấu. Bạn thấy hay, nhưng client chê dở. Bắt bạn làm đi làm lại hết lần này đến lần khác. Mà ý tưởng sáng tạo là thứ cực kỳ khó, chớ có dễ như gà đẻ trứng đâu. Bạn thử hình dung xem, bạn làm đến 100 layout rồi mà vẫn bị bác bỏ. Thì liệu bạn còn đủ tinh thần và bản lĩnh để tiếp tục sáng tạo?

Nếu như các công việc khác trong sản xuất, dạy học, văn phòng… chỉ cần bạn chăm chỉ, có trách nhiệm thì bạn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, với nhóm công việc sáng tạo, bạn phải vắt óc vắt não làm đến kiệt sức, nhưng chưa chắc được người khác công nhận. Có thể nói rằng, công việc sáng tạo là công việc hại não và stress nhất.

Nên, có rất nhiều bạn đã bỏ nghề, bỏ job vĩnh viễn vì không chịu nổi áp lực của công việc sáng tạo.

Khó khăn thứ 7: áp lực sáng tạo là 1 áp lực khó nhất, lớn nhất.

Với những bạn theo ngành fine art – sáng tạo nghệ thuật: vẽ tranh, thời trang, kiến trúc. Ý tưởng sáng tạo trong ngành này rất là quan trọng. Nhưng, điều đáng buồn là ý tưởng của bạn bị ăn cắp rất nhanh. Nhiều kiến trúc sư bị ăn cắp thiết kế 1 cách trắng trợn. Nhiều mẫu mã thời trang bị copy nhanh chóng và người ăn cắp ý tưởng cũng thản nhiên xem đó là chuyện nhỏ như cân đường hộp sữa vậy.

Họa sĩ vẽ áo dài Trung Đinh là người bị copy nhiều không kể xiết. Bất cứ mẫu mã áo dài vẽ nào của anh tung ra đều có mặt ở chợ Bến Thành.

Nhà thiết kế thời trang Đỗ Mạnh Cường, thiết kế mẫu đầm có họa tiết bướm, đã bị thị trường copy tràn làn và kéo dài tận mấy năm.

Nhiều thiết kế nhà của cty kiến trúc này, được công khai dùng để chạy QC cho cty khác. Có cty còn ẩu đến mức, khi chôm hình của người ta, mà không thèm xóa logo của người ta luôn.

Có 1 anh họa sĩ có tiếng, tranh của anh có phong cách riêng rất độc đáo, thường được nhà sưu tầm đánh giá cao và chọn mua. Vậy mà tranh của ảnh lại xuất hiện trên 1 FB của 1 anh chàng họa sĩ nào đó, bê nguyên xi về và công khai nhận là tranh của mình.

Các ngành hàng khác cũng có thể bị ăn cắp ý tưởng. Nhưng ý tưởng kinh doanh thì có ai phô ra để bị ăn cắp đâu. Công nghệ, bí quyết sản phẩm cũng không dễ gì lộ ra ngoài. Nhưng thiết kế thì phải mang ra cho công chúng thưởng thức chớ, làm sao mà giấu?

Vì vậy, việc ăn cắp ý tưởng nghệ thuật xảy ra nhan nhãn, không có cách gì tránh được.

Khó khăn thứ 8: ý tưởng thiết kế bị copy một cách ngang nhiên và công khai.

Gần đây, sự ra đời của AI đã lấy mất những job thiết kế đơn giản, hoặc giúp hoàn thành 1 phần lớn bố cục thiết kế, người thiết kế chỉ cần thêm thắt, chỉnh sửa những chi tiết cụ thể của sp/ cty mình vào. AI có thể sẽ đáp ứng nhu cầu các thiết kế nhanh kiểu “mì ăn liền” của các mẫu QC truyền thông, của các thiết kế bình dân. AI sẽ là thứ mà mấy anh sếp “logo 1 tr” rất thích. Không cần trả tiền mà vẫn có logo để xài.

AI sẽ ngày càng phát triển, nguy cơ các job thiết kế khó hơn, yêu cầu cao hơn cũng sẽ được AI thực hiện tốt. Lúc đó, các bạn thiết kế sẽ gặp nhiều thử thách hơn.

Khó khăn thứ 9: đối diện với sự xâm lấn của AI.

Kết luận:

Trên đây tạm thời là 9 vấn đề ở mặt trái của ngành thiết kế. Nhưng, nếu bạn thật sự giỏi, thì dù thế giới có thay đổi như thế nào, bạn vẫn có chổ đứng.

Mình sẽ viết tiếp bài sau "Cần đầu tư những gì nếu muốn theo ngành mỹ thuật?"

Hình: mẫu quảng cáo lớp dạy vẽ thời trang của nhà thiết kế áo dài vẽ Trung Đinh.

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 28, 2024

4 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email