Bài 6: Hãy Nuôi Dạy Một Đứa Con Có Hoài Bão

Mình hay nhận được nhiều câu hỏi từ phía phụ huynh, than thở về con cái: con em không tự giác học hành, con em làm khổ em nhiều quá, con em không biết thương bản thân nó, mà nó cũng không biết thương cha mẹ.

Có những phụ huynh kể với mình nghe nhiều việc hài hước hơn: mẹ và con đấu khẩu nhau về việc học: tại sao con phải học nhiều, tại sao bạn được chơi game mà con phải học, tại sao bạn được dùng điện thoại xem Youtube thoải mái mà mẹ cứ cấm con?

Mẹ trả lời không xuể, con khăng khăng không làm. Mẹ trả lời không thông, con càng quyết tâm không hàng phục.

Cứ thế, mỗi lần nói đến chuyện học hành, cả gia đình nói qua nói lại, không ai nghe ai. Nhà như một chiến trường, mà ông bố thì nhức đầu quá, thôi đi tìm chiến hữu làm vài chai bia cho tâm tịnh lại, còn bà mẹ thì nhắn tin inbox “ Bác H ơi, em khổ quá…”

Gần đây, có tâm sự của một người mẹ, đau khổ về đứa con gái vốn hồi nhỏ rất ngoan, rất giỏi; nhưng khi lớn lên thì lại thay đổi tính nết, con dần rời xa cha mẹ, đi lạc vào con đường tiêu cực: hút thuốc lá điện tử, quan hệ tình dục sớm, sử dụng thuốc tránh thai bừa bãi, và cuối cùng là bỏ nhà đi.

Những việc đau lòng từ con cái, không ai muốn gặp phải. Nhưng đôi khi, cha mẹ không chú ý xây dựng những giá trị vững chắc từ bên trong cho con; mà chỉ nhìn vào các dấu hiệu đơn giản bên ngoài – là con rất ngoan (vâng lời cha mẹ) và học giỏi (điểm 10).

Thế rồi, đến một lúc nào đó, khi các điều kiện từ môi trường bên ngoài tác động đủ lớn, đủ nhiều; đứa con ngoan hiền của mình bỗng trở thành 1 con người khác lạ đến nỗi cha mẹ tưởng chừng như đang gặp cơn ác mộng.

Sự vâng lời đó, điểm số cao đó, hoặc thậm chí những thành tích, giải thưởng, huy chương vàng nào đó - những biểu hiện mang tính bề mặt - thường là kết quả do lực tác động từ bên ngoài của cha mẹ: ép con học, cho học thêm học nếm, giám sát việc học, theo dõi điểm số… Những điều này tuy rất tốt, nhưng chưa đủ.

Điều quan trọng hơn tất những việc vừa nói là: cha mẹ hãy nhìn sâu vào các gía trị bên trong. Những kết quả, thành tích học tập của con có thật sự đến từ sự yêu thích việc học hay không? Đây có phải là động lực từ bên trong của con hay không? Con có chủ động học hành giỏi giang mà không cần cha mẹ phải ép uổng, thúc giục không?

Điều đó không chắc.

Bởi, nếu đứa trẻ thật sự yêu thích học, thật sự ngoan ngoãn; thì không dễ gì con bỏ học, bỏ nhà, bỏ cha bỏ mẹ mà đi.

Thậm chí, có những cha mẹ phải ra giá, mặc cả với con để con chịu học. Không ai muốn nhức đầu với một đứa trẻ cứ mè nheo, trả giá đôi co với cha mẹ từng chút một: con làm xong bài này thì được chơi game 15 phút, con đạt được điểm 10 thì thưởng tiền hoặc đồ chơi cho con. Cứ thế mà quy ra thóc. Nhưng nhiều phụ huynh đành chịu, thà có còn hơn không. Thà chấp nhận thưởng tiền, quà, game… còn hơn nó cứ ù lì ra, không chịu học.

May mắn cho mình, K nhà mình chưa bao giờ có thái độ như vậy.

- Con chưa từng bao giờ hỏi mẹ: học để làm gì?

- Con không bao giờ so sánh, ganh tị với bạn bè vì bạn được chơi nhiều hơn con.

- Con chưa bao giờ nì nằn đổi chác việc học với bất cứ quyền lợi nào

- Con chưa bao giờ đòi hỏi mẹ thưởng món quà giá trị nào cho những thành tích mà con đạt được

Nếu những ai thân với nhà mình, sẽ biết là mình không bao giờ ép buộc K phải làm cái gì. Mình hiểu rằng, ép buộc con cái học hành trong miễn cưỡng, trong đe doạ, trong nước mắt sẽ chỉ mang lại điểm 10 vô tri của việc học thuộc lòng cho vừa lòng cha mẹ. Mà mua chuộc con cái bằng tiền, quà, vật chất hoặc chơi game cũng không phải là cách tối ưu.

Có một thứ mà bạn cần làm: hãy nuôi dưỡng một đứa con có hoài bão.

- Khi con có hoài bão, con sẽ hiểu những gì cần phải làm

- Khi con có hoài bão, con sẽ có mục tiêu phấn đấu

- Khi con có hoài bão, con sẽ đồng thuận với cha mẹ về kế hoạch học tập

- Khi con có hoài bão, con sẽ nỗ lực để chinh phục mục tiêu

- Khi con có hoài bão, con sẽ biết rằng, việc học tập là con đường duy nhất để giúp con thực hiện những hoài bão của chính con, cho con và vì con

Hoài bão là một động lực. Động lực từ bên trong này là một sức mạnh to lớn, giúp con mình không chùn chân, không lạc lối trên bất cứ nẻo đường nào.

Một đứa trẻ có hoài bão, thì sẽ hiểu rằng, việc học hành là điều đương nhiên phải làm để giúp con biến ước mơ thành hiện thực.

- Con sẽ không đòi hỏi cha mẹ phải thưởng tiền, thưởng quà khi con học tốt

- Con sẽ không mè nheo, than thở hay càu nhàu vì phải học

- Con sẽ không doạ dẫm cha mẹ bằng cách bỏ học, bỏ nhà đi

- Con sẽ không làm khổ cha mẹ bằng cách tự huỷ hoại cuộc đời mình

- Con sẽ không phân bì, so đo với bất cứ bạn bè hay ai khác

- Con sẽ không sa đà vào những thú vui vô bổ nào, từ game online, Tiktok, truyện ngôn tình, cho đến mấy vụ drama ầm ĩ trên mạng xã hội

- Con sẽ không vướng vào những cuộc vui nguy hại nào, từ bạn bè rủ rê, như thuốc lá, rượu bia, hoặc nghiêm trọng hơn là hút cỏ hay cờ bạc

Ngược lại, con sẽ lấy việc học làm niềm vui. Con sẽ lấy thành tựu làm động lực.

Con sẽ chọn sách vở làm bạn bè. Con sẽ chọn tri thức làm kim chỉ nam. Con sẽ chọn con đường học thuật để vững bước vào đời.

Bạn hãy nuôi dạy một đứa con có hoài bão.

Bạn hãy nuôi dưỡng một đứa con có ý chí.

Bạn hãy giáo dục một đứa con có nghị lực.

Khi bạn đổ bê-tông bằng những giá trị sâu xa đó, thì bạn không còn lo gì về những tác hại của môi trường chung quanh nữa.

Lúc đó, bạn không bao giờ phải phiền não, nhức đầu hay lo lắng gì nữa.

Một đứa trẻ có hoài bão sẽ đạt được thành công. Một đứa trẻ có động lực sẽ đi đến thành công.

Đó là điều chắc chắn.

Nói tóm lại, trước khi nuôi dạy một đứa con học giỏi, hãy nuôi dạy một đứa trẻ có hoài bão.

Trước khi nuôi dạy một đứa con biết vâng lời, hãy nuôi dạy một đứa trẻ có động lực.

Khi bạn làm được việc đó, bạn sẽ gặt hái được nhiều hơn, sâu xa hơn và bền vững hơn.

P/S: Bài kế tiếp: LÀM SAO NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ CÓ HOÀI BÃO?

 

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 09, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL