PHẦN 1: Bàn Về Vai Trò Người Phụ Nữ Trong Giáo Dục Gia Đình
Trong vài năm qua, mình đã tiếp xúc với hàng ngàn người mẹ, sống ở khắp các tỉnh thành trong nước lẫn nước ngoài, làm nhiều công việc khác nhau và có trình độ cao thấp khác nhau. Điểm chung của các bạn khi tìm đến mình là: rất yêu thương con cái.
Tuy vậy, xuất thân gia đình và hoàn cảnh sống đã tạo cho mỗi người những nếp nghĩ khác nhau, tư duy, quan điểm khác nhau, có những kỳ vọng khác nhau, dẫn đến việc mỗi bà mẹ sẽ có những phong cách khác nhau trong việc nuôi dạy con cái.
Bài viết này, mình sẽ tập trung về 3 mẫu người mẹ mà mình đã gặp và tiếp xúc không ít. Đây là những mẫu phụ huynh mà mình không đánh giá cao.
Người mẹ kiêm ATM:
Người mẹ này sẽ nằm trong nhóm phụ nữ thành đạt, giàu có. Các bạn ấy cực kỳ bận rộn, họ khó lòng mà có thời gian chất lượng với con. Dù rất yêu con, dù họ cũng dành thời gian đi nghỉ hè, nghỉ mát, du lịch… cùng con. Nhưng, các câu chuyện của mẹ và con liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại làm ăn. Vì vậy, giữa mẹ và con không có một chủ đề nào mà nói chuyện sâu sắc với nhau. Đôi khi, mẹ thấy con buồn buồn, mẹ mở lời hỏi han, con vừa mở miệng kể, thì điện thoại gọi đến. Mẹ vừa nghe vài giây thì bỗng trở nên căng thẳng, nổi giận và mắng nhân viên/ nhà cung cấp xối xả. Cho đến khi mẹ giải quyết xong vấn đề, quay lại với con, thì đứa nhỏ đã đi đâu mất rồi.
Mẹ vẫn biết mẹ chưa làm tròn vai, nên mẹ bù lại bằng vật chất. Con muốn gì, thích gì mẹ cũng chiều. Nhà giàu thì chiều hàng hiệu, hàng độc, hàng limited, hay những chuyến đi xem concert của K-pop idol, hay các star-pop nổi tiếng thế giới, mẹ đều chiều con hết. Nhà ít giàu hơn thì chiều con bằng xem phim, ăn uống, du lịch thường xuyên trong nước.
Những người mẹ này ít khi kỳ vọng cao vào con cái. Con học giỏi thì họ vui, mà con học không giỏi thì cũng không sao, vì “ngày xưa cha mẹ cũng không học hành giỏi giang gì đâu, nhưng cũng làm ăn giàu có nè, thành công nè. Không cần phải học giỏi đâu con”.
Các bà mẹ này cũng rất thích mấy lớp học của mình, họ cũng gọi đến hỏi thông tin này nọ. Nhưng sau khi trao đổi, thì họ thường nói “Để em hỏi con em xem bé có thích học không? Con thích thì học, không thì thôi, em không ép con học bao giờ”. Tỉ lệ các mẹ này quay lại rất thấp. Vì con không thích thì họ cũng thôi liền.
Dĩ nhiên cta không nên ÉP trẻ học, nhưng nhất định cần dụng tâm, dụng sức, kiên trì THUYẾT PHỤC con khi cảm thấy cần thiết cho con. Chớ để tự do theo kiểu thích thì học, mà không thích thì không học/ bỏ học, thì nguy hiểm quá. Nhưng các bà mẹ này chẳng lo nghĩ gì đâu.
Tuy vậy, cũng có những đứa con xuất thân từ nhà giàu khá giả mà học rất giỏi. Cách đây mấy năm mxh có share hình ảnh về đám cưới của 1 cặp đôi ở miền Tây: chú rể cô dâu là Bác sĩ và Dược sĩ; cha mẹ 2 bên đều là đại gia cỡ bự: 1 bên là chủ tiệm vàng giàu lớn nhất trong thị xã, một bên là chủ nhà xe nức tiếng ở tỉnh. Quả là môn đăng hộ đối.
Những người mẹ chỉ biết cung phụng vật chất như 1 cây ATM, mà con vẫn học giỏi thành tài, thì chỉ nhờ phước đức gia đình, nhờ ông bà gánh còng lưng. Và số này chỉ là số ít.
Rất nhiều trường hợp nhà giàu, người mẹ không yêu cầu con học nhiều làm gì. Họ chỉ mong con giống mình, có gene kinh doanh, không cần học giỏi. Sau này lớn lên họ sẽ từ từ chỉ dạy cách làm ăn, rồi cho con kế nghiệp gia đình.
Có điều, họ không nghĩ đến vế thứ 2, lỡ đâu con mình không có khiếu kinh doanh, mà cũng không chịu học. Thì sao?
Rồi sao không nghĩ đến một phương án toàn diện hơn: chăm chút việc học cho con, để con học giỏi hết sức có thể. Mai sau con muốn làm kinh doanh, thì con vừa có kiến thức học hành bài bản + vừa được cha mẹ chỉ dẫn kinh nghiệm thực tế, vậy mới có thể tạo ra một doanh nhân đúng nghĩa, một thế hệ kế thừa giỏi giang, giúp phát triển gia nghiệp bền vững. Mà nếu con không có khiếu kinh doanh, thì con vẫn đủ giỏi để theo đuổi và thành công ở những ngành con chọn.
Cây ATM người mẹ đâu thể tồn tại theo con suốt đời.
Người mẹ kiêm giúp việc:
Những người mẹ rất tự hào về mức độ yêu thương con cái của mình, đo bằng mức độ “sướng” của đứa con. Mình có bà chị, cứ hay so sánh, trong gia đình lớn, đứa cháu nào là “sướng” nhất. “Sướng” ở đây là được cha mẹ cưng chiều, chăm sóc, nâng niu tận răng. Dù nhà không giàu, nhưng họ cũng ráng chắt chiu để chiều lòng đứa con vàng ngọc.
Nhà nghèo nhưng vẫn ăn ngon, vẫn iphone, vẫn đủ bộ desktop cấu hình khủng dành cho dân chơi game. Mẹ thì nhận job làm thêm vào buổi tối. Hoặc làm vào thứ 7, chủ nhật (lương OT-over-time cao hơn gấp 2 lần). Mới đủ để cho con “sướng”.
Các bà mẹ này cũng rất quan tâm việc học của con, thể hiện qua thái độ và hành động: con không cần làm gì hết, chỉ cần học là được rồi. Mọi việc để mẹ lo.
Một đứa cháu gái bà con của mình, 2 mẹ con được gia đình bên chồng bảo lãnh qua Mỹ. Mẹ đi làm nail nên tiền bạc rủng rỉnh, lại tiếp tục chiều chuộng con hết mình. Đi làm về là cắm đầu vào bếp nấu ăn, phục vụ cho con, “để nó học” - như đã làm từ nhỏ đến giờ. Rồi đứa con gái cũng học xong, giờ đã hơn 30 tuổi, đã đi làm, vẫn single, và người mẹ vẫn tiếp tục làm osin cho con. Tiền lương con làm ra không bao nhiêu đâu, con cứ xài cho cá nhân của con. Chi phí trong gia đình có bao nhiêu đâu, để đó mẹ lo cho.
Người mẹ osin ấy đã vô tình tước đi các động lực của con. Đứa nhỏ được mẹ cưng chiều, lo lắng đến tận răng, thì nó chỉ biết hưởng thụ, mà không có một trách nhiệm nào, càng không có động lực tự thân nào.
Người mẹ kiêm cô giáo:
Vì nhiều lý do, mình thấy có nhiều mẹ choàng luôn nhiệm vụ của thầy cô, gia sư, họ tự tin kiêm nhiệm vai trò của giáo viên, họ là gia sư tại gia của con.
Việc cha mẹ đồng hành với con, chơi với con, học cùng con và sau rốt là hướng dẫn con tự học, là một điều tuyệt vời, mang ý nghĩa rất lớn. Nhưng điều này khác hẳn với việc mẹ trở thành cô giáo, giảng bài cho con, giao bài tập cho con, chấm bài cho con.
Mỗi lần mình trao đổi với PH, mà mình nghe câu “em tự dạy con”, thì đầu tiên, mình cảm thấy ngưỡng mộ. Nhưng khi nghe tiếp câu “tiếng Anh em mù tịt”, thì mình cảm thấy phẫn nộ vô cùng. Hời ơi, một người tự nhận là “tiếng Anh em là zero”, mà lại đóng vai cô giáo tự dạy con mấy năm trời. Sao mà tự tin quá vậy người ơi???
Nếu vấn đề là tài chính, bạn không đủ tiền đóng học phí cho con, thì thôi, bạn chọn giải pháp đơn giản hơn là: mua cái app Reading Eggs (có tiết kiệm mấy thì cũng ráng mua cái app chất lượng 1 chút để mà tự học đàng hoàng), rồi hướng dẫn con học, con học được bao nhiêu, mừng bấy nhiêu. Rồi cho con nghe/ xem (một cách chủ động) vài kênh tiếng Anh trẻ con, phù hợp với trình độ của con. Vậy là đủ rồi.
Khi con lớn, thì nhất định cần học đúng bài bản. Để tiết kiệm chi phí, hãy tìm 1 lớp tiếng Anh do giáo viên người Việt dạy cũng được. GV người Việt rất nhiều GV tiếng Anh giỏi, dạy hay, dạy tốt, chỉ là phát âm không chuẩn xịn xò như GV bản ngữ thôi. Nhưng, với tài chính khó khăn thì mình đừng đòi hỏi quá cao. Cứ tự tin học với các thầy cô người Việt, rồi ở nhà luyện xem/ nghe kênh tiếng Anh đều đặn để bắt chước giọng người bản xứ. Tuy khi học trực tiếp với GV nào, thì phát âm của mình sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ GV đó. Nhưng cách mình duy trì việc xem/ nghe kênh tiếng Anh cũng ít nhiều giúp accent mình không bị ảnh hưởng nặng.
Đừng vào trong những group toàn “mẹ thông thái, em bé siêu nhân” rồi choáng, rồi về bắt chước người ta, đưa ra 1 thời khoá biểu dài dằng dặc, từ 5h sáng - đến 9h tối, chặt chẽ đến từ 15 phút, với chi chít những nhiệm vụ học tập mà em bé phải làm, trong đó, bà mẹ là tổng đạo diễn, là hiệu trưởng, kiêm giáo viên, kiêm giám sát. Có 1 lần, mình thấy cái TKB đó, mình sốc ngang luôn trời ơi.
Nếu bạn cứ mãi điên đầu vì: tại sao giảng hoài mà con không hiểu? Sao làm đi làm lại mà vẫn sai? Sao con học kiểu đối phó thế này? Sao không con tiến bộ chút nào? Sao học đến giờ này mà vẫn chưa viết được 1 câu hoàn chỉnh? Sao bài tập ngữ pháp sai hoài ở lỗi đó? Sao mấy từ vựng này học rồi mà không nhớ gì hết vậy?
Nếu bạn cứ mãi xà quần vào vai trò “em tự dạy con” thì kiểu gì, sớm muộn gì bạn cũng sẽ gặp các vấn đề trên.
Hoặc, ở 1 bối cảnh khác, nhiều bà mẹ kiêm giáo viên này rất tự hào: con em nói tiếng Anh veo véo. Con em học toán Mỹ này, học app nọ, xem kênh kia. Rồi: em không cần bằng cấp, không cần đi thi, không cần điểm số, có khi không cần đến trường luôn. Ở nhà mẹ tự dạy, con tự học. 2 mẹ con đều quá giỏi.
Rồi khi con lớn hơn, các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh… khó dần. Mẹ dạy con kiểu nào? Cho con vào trường nào? Không có trường lớp nào phù hợp thì con học ở đâu? Lúc đó, các cánh cửa sẽ rất hẹp. Lựa chọn còn lại chỉ còn là học HSC online.
Mà để học tốt các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh bằng tiếng Anh thì phải tìm cho ra các GV dạy giỏi + tiếng Anh đủ giỏi. Mà những GV dạy giỏi thường không dạy cho trung tâm. Hơn nữa, GV giỏi sẽ kén HS đầu vào, không phải ai họ cũng nhận. Nên, hành trình tìm nơi học cho con khi con bước vào cấp 2 + 3 là vô cùng vất vả và tốn kém.
Kết luận:
Đây là 3 mẫu người mẹ không giúp được gì nhiều cho con, mặc dù, sự yêu thương của họ dành cho con không kém 1 ai. Các vai trò này, nôm na là “Doer”, người chỉ biết làm, làm và làm. Đi làm để kiếm tiền. Làm osin để phục vụ con. Làm cô giáo dạy con.
Mình cho rằng, các bạn nên buông bỏ bớt những nhiệm vụ cơ bản đó, và hãy chọn lấy những vai trò có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc nuôi dạy con cái.
Những vai trò này hoàn toàn có thể thay thế được dễ dàng bởi người khác:
- Đi làm kiếm tiền => Hãy tuyển dụng người đủ giỏi để san sẻ bớt công việc. Trả lương đủ cao để tìm được người có đủ năng lực, rồi giao bớt công việc cho họ. Hoặc chọn người giỏi làm đối tác, share cho họ cổ phần/ lợi nhuận để họ chia sẻ gánh nặng công việc với mình 1 cách lâu dài.
- Làm osin phục vụ con => Nếu bạn có khả năng, bạn thuê người giúp việc theo giờ. Phần còn lại, bạn chia đều công việc nhà cho chồng, cho con. Bạn không nên làm osin phục vụ cho bất cứ ai. Việc này vừa giúp con có tính tự lập, vừa giải phóng bạn khỏi vai trò osin, cho bạn thêm thời gian để chọn làm những vai trò có ý nghĩa hơn cho cuộc đời của con.
- Làm cô giáo của con => Nếu quá khó khăn về tài chính, bạn hãy hướng dẫn con tự học. Nếu có thể, hãy tìm 1 GV online đủ tốt để gởi con + hướng dẫn con tự học từ từ. Kiểu gì thì em bé cũng cần được học với GV tốt, thì sẽ giúp con học tốt hơn rất nhiều. Bé K nhà mình khả năng tự học rất tốt. Nhưng điều này không có nghĩa con không cần tutor. Mình sẽ viết riêng về chủ đề Giúp con tự học.
Khi bạn đã trút bỏ/ giảm tải được vai trò của một “Doer” trên, mình muốn các bạn dành thời gian để làm tốt những vai trò sau:
- Mother: một người mẹ đúng nghĩa
- Thinker: một người mẹ có suy nghĩ và tầm nhìn
- Planner: một người mẹ biết biến tầm nhìn thành kế hoạch hành động cụ thể
- Leader: một người mẹ dẫn dắt con mình đi đến thành công
Bài viết sau mình sẽ phân tích cụ thể hơn cho 4 vai trò này của người mẹ.
Texvn thu thập từ nguồn: Phạm Hương
Phạm Hương - Jun 14, 2024