PHẦN 4: Planer - Người Mẹ Có Kế Hoạch- Bước 1

Bước 1: Phân tích tổng quan

Thông thường, những Phụ Huynh mà mình từ chối sẽ rơi vào 1 trong các nhóm sau:

- Lên kế hoạch học tập cho con kiểu “nồi lẩu thập cẩm”. Họ đọc rất nhiều, có mặt trong đủ hội nhóm, góp nhặt đủ thứ, và tạo thành 1 nôi lẩu tả pí lù, nhiều thứ rất mâu thuẫn với nhau.

- Thay đổi kế hoạch xoành xoạch theo kiểu “đẽo cày giữa đường”. Đây là nhóm PH chỉ nhìn vào kết quả bề mặt, thấy ai làm gì hay hay là làm theo.

- Không đủ kiên trì, mới làm 1 chút thì đã sốt ruột, chưa thấy kết quả thì đã vội lật kèo.

Mỗi lần mình trao đổi trực tiếp với PH kiểu đó, thực lòng mình không muốn nhận.

Nhóm PH không biết cách lên kế hoạch, thường có đặc điểm chung:

- Đứng giữa 1 rừng thông tin, ai nói nghe cũng hay, cuối cùng không biết phải làm gì.

- Đọc quá nhiều thông tin, nhưng không biết phân tích đúng sai, hay dở; nên không biết chọn gì, bỏ gì.

- Có khi đã biết những việc cần làm, nhưng không biết làm cái gì trước, cái gì sau.

- Khi thành công, thì không hiểu tại sao thành công. Mà khi thất bại, cũng không hiểu tại sao thất bại.

- Tệ hơn, không bao giờ phân biệt được những thứ “lợi bất cập hại”, tưởng là hay là giỏi, nhưng ai ngờ càng ngày càng kém; tưởng là đi tắt đón đầu, nhưng cuối cùng tụt hậu khá xa.

Ngày xưa, khi mình còn nhỏ xíu, cứ hay nghe Ba nói “làm việc gì mà không có kế hoạch là nát bét”. Ba mình hở 1 câu là nói tới “kế hoạch”, nghe riết ớn luôn, mà không hiểu “kế hoạch” cụ thể là cái gì mà ghê gớm vậy. Và vì không hiểu, nên mình rất sợ “kế hoạch”.

Thật ra, người mẹ, người vợ có kế hoạch - hiểu theo nghĩa đơn giản, là người phụ nữ biết sắp xếp chu toàn công việc trong gia đình. Cô ấy dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra, sắp xảy ra; và khi việc xảy ra thì cô đã có dự liệu và thu xếp đâu vào đấy. Cô ấy biết tính toán, gói ghém sao cho đủ chi tiêu mà vẫn đủ đầy cho cả nhà. Cô ấy lo xa, nên cũng có sự tiết kiệm, dành dụm cho tương lai con cái. Cô ấy biết ưu tiên vào cái gì cần thiết, quan trọng và cắt giảm cái gì không. Cô ấy biết chọn lấy những thứ chất lượng và bền chắc cho cả nhà. Tóm lại, cô ấy sẽ chọn điều tốt nhất cho gia đình mình.

Nếu như, trong vai trò làm vợ, làm mẹ, các bạn có thể là một phụ nữ chu toàn; thì trong vai trò giáo dục con cái, bạn cũng có thể làm tốt y như vậy - miễn là, bạn hiểu được tầm quan trọng của nó.

Chỉ là, bạn cần làm nó 1 cách chuyên nghiệp và bài bản hơn thôi. Mình sẽ dùng kiến thức và kinh nghiệm gần 30 năm làm kế hoạch, để giúp các bạn từng bước thực hiện nha.

Trước tiên, mình cần giải thích 1 số khái niệm:

- Kế hoạch: đơn giản chỉ là một sự sắp xếp những việc cần làm, nhằm đạt mục tiêu mình muốn.

- Với hành trình giáo dục con cái, ta cần nhìn xa hơn. Kế hoạch cần có tầm nhìn, có chiến lược, được gọi là strategic planning (kế hoạch có chiến lược = có tầm nhìn dài hạn).

- Strategic planning là sự hoạch định/ lên kế hoạch có tầm nhìn dài hạn.

- Nếu kế hoạch bình thường dài nhất chỉ là 1 năm, thì kế hoạch chiến lược ngắn hạn sẽ là 3 năm, trung hạn là 5 năm, mà dài hạn là 10 năm hoặc hơn nữa.

Giải thích 1 cách đơn giản là, nếu con bạn chỉ mới 5 tuổi, thì bạn cũng cần nhìn về tương lai khi con 18 tuổi, lúc con bước vào ĐH, lúc con tốt nghiệp và tìm công việc đầu tiên.

Hành trình xa như vậy, mình nên thực hiện những bước đầu tiên như thế nào để con mình đi con đường thuận lợi nhất?

BƯỚC 1: PHÂN TÍCH TỔNG QUAN

Để lên kế hoạch đúng, bạn cần tìm hiểu và phân tích thật kỹ, để hiểu thật thấu đáo.

Đầu tiên, bạn cần phân tích về tình hình tài chính của bạn. Đọc lại bài “Chọn trường phù hợp với tài chính” để biết cách phân bố tài chính tối ưu. Mình tóm tắt ở đây: nên đầu tư từ trên xuống: từ ĐH => cấp 3 => cấp 2 => cấp 1 => mầm non. Mỗi cấp học, bạn chỉ nên chi tiền cho giáo dục sao cho bảo đảm an toàn đường dài; không gồng, không đứt gánh giữa đường. Nếu tài chính chưa đủ rộng rãi, thì đừng nên chi quá tay cho trường quốc tế khi con đang còn nhỏ. Càng lớn, các chi phí giáo dục càng cao. Hãy có kế hoạch chi tiêu khôn ngoan.

Điều vô cùng quan trọng mà bạn phải làm cho tốt là hiểu đúng về con. Hiểu điểm mạnh điểm yếu của con. Hiểu năng lực học tập của con. Hiểu sức học của con. Hiểu và nắm rõ, trong thời điểm hiện tại, kiến thức con ở đâu, con thật sự có giỏi thật hay không, giỏi đến mức nào.

Đo lường định lượng năng lực của con là điều cần làm, nhưng cần làm đúng cách.

Có nhiều PH chỉ nhìn vào điểm số, hoặc thành tích (ở những cuộc thi không chất lượng) mà cứ tưởng con hay, con giỏi. Đành rằng cho trẻ tham gia các cuộc thi để giúp con cọ sát và có kinh nghiệm thi cử là chuyện tốt, nhưng nó chỉ thật sự tốt khi mình để con tự ôn luyện mà thi. Chớ đưa vào lò luyện, cày đề, hoặc thậm chí thầy cô làm bài giúp, viết sẵn bài luận, trẻ chỉ việc học thuộc lòng theo, thì liệu cái thành tích đó có đúng của con không? Chưa kể, có những cuộc thi rất là thương mại, huy chương rải như mưa, con có được thì cũng vui, nhưng tuyệt nhiên, đừng vội tự hào mà nghĩ con mình rất giỏi.

Mình rất ngại khi viết những điều này, vì mình không muốn dìm hàng các em bé khác. Nhưng, ở đây, mình chỉ muốn nhắc nhở PH hãy tỉnh táo, mà cần đánh giá con cho đúng. Để làm gì? Để biết mà lên kế hoạch, đặt mục tiêu cho chính xác.

Mình xin phép vài PH, xin được kể về các trường hợp mà mình đã gặp.

Có 1 em bé nọ, học rất giỏi ở trường điểm của quận, luôn đứng đầu ở lớp và khối. Bé đó sau này được mình giới thiệu học 1-1 với thầy Mario và 1-1 với thầy Andy (gia đình vô cùng có điều kiện). Năng lực TA của con rất là nổi trội, khi so với các bạn HS trường công, hoặc so với những bạn học TA ở trung tâm. Nhưng so với những bạn học lớp HSC chuẩn Mỹ hệ nâng cao, thì năng lực bạn nhỏ còn kém. Dĩ nhiên, người mẹ đó không hiểu và không nghĩ như vậy.

Sau đó, mình tiếp tục giới thiệu bạn nhỏ học HSC như K đang học. Lúc đó, mình chưa tổ chức lớp HSC, chỉ giới thiệu bạn ấy qua học bên Ivy thôi. Bên Ivy test và cho bạn vào Grade 7 (lúc đó bé đó đang học lớp 7). Mình nghe qua mà giật mình. Mình biết là, 1 em bé học lớp 7 trường công, chỉ học TA như ngoại ngữ, thì dù Mario và thầy Andy có giỏi đến đâu, thì họ vẫn đang dạy em bé kỹ năng thôi (Speaking và Writing) chớ làm sao bé đó có đủ kiến thức để vào học ngang Grade 7 của Mỹ, học giáo trình Edmentum khá là thách thức.

Nhưng, thực lòng lúc đó mình ngại, mình không dám can ngăn, nghĩ mình can thì giống như mình đánh giá thấp con người ta, chê con người ta học không nổi. Rồi, sau đó, y như mình dự đoán, em bé đó học 1 vài tháng thì choáng, và bỏ, không học nổi Edmentum.

Rồi, 1 lần nữa, PH đó cho bé đó học Acellus, mặc dù bạn ấy biết mình xưa giờ không bao giờ đánh giá cao chương trình đó. Lần này, mình cũng yên lặng, không biết khuyên làm sao. Rồi bẵng đi 1 thời gian, mình lại nghe PH đó chia sẻ là, sau khi học Acellus 1 thời gian kha khá, 2 mẹ con nhận ra rằng, chương trình đó hời hợt quá, không có tính học thuật cao. Thế là lại bỏ.

Khi mình quyết định cho K học lớp Chemistry, mình có thiện chí rủ bạn bé đó học chung với K, để cho có bạn đồng hành cho vui. Nhưng 3 tháng sau, bạn nhỏ đó cũng không trụ được với lớp Chemistry. Từ đó, K học Chemistry 1 mình.

Bạn nhỏ đó loay hoay mất 2 năm, nhưng cuối cùng, vẫn không học được HSC. Sau này, gia đình đưa bé vào học trường quốc tế song ngữ 1 năm, rồi từ song ngữ chuyển qua quốc tế đơn ngữ (mà trường này cũng do mình recommend).

Cũng may là người mẹ đó luôn giữ mối quan hệ rất rất tốt với mình. Bạn ấy vẫn tiếp tục mong muốn được mình chia sẻ và tư vấn, và với điều kiện tài chính của gia đình, bé đó học đủ tốt ở một trường quốc tế đơn ngữ. Nhưng có lẽ con không còn thời gian để đầu tư học tốt các môn Lý Hoá Sinh bằng TA ngay từ đầu, như bé K nhà mình và các bạn nhỏ hiện nay. Bạn đó, giờ chọn theo các nhóm ngành Xã hội.

Đánh giá đúng đắn năng lực thật của con là điều vô cùng quan trọng để hoạch định mục tiêu và lên kế hoạch cho con. Ngoài tiền bạc, 2 thứ vô cùng quan trọng mà bạn cần tính toán, đó là: năng lực học tập của con và thời gian còn lại của con có đủ để chinh phục mục tiêu hay không.

Gần đây, có 1 PH cũng đang không đánh giá đúng về năng lực của con. Con bạn vốn sức khoẻ yếu, nên bé học cũng yếu, sức học chậm. Bạn nhỏ học khoa học tích hợp, bao gồm 3 môn Lý Hoá Sinh, thì dĩ nhiên là mỗi môn được dạy rất là cơ bản. Chưa hết, GV giảng dạy rất dở, rất chán, dù là GV nước ngoài, và học phí bạn trả cũng khá đắt.

Nhưng khi bạn đăng ký vào lớp Chemistry và Biology của mình, bạn cứ phân vân mãi. Bạn cho rằng con bạn đã học qua rồi, thì có nên học chung với các bạn mới hay không, và liệu có cần học lại kiến thức từ đầu không? Bạn muốn cho con vào học lớp Advanced, mình nghe mà giật mình. Vì:

- Con bạn học yếu, học chậm; nhưng các bạn nhỏ học lớp bác H thì phần lớn rất giỏi.

- Con chỉ học khoa học tích hợp, còn đây lớp mấy thầy dạy riêng từng môn chuyên sâu.

- Con bạn học với GV dở, dạy chán, dạy cho xong kiến thức trong sách. Còn các thầy bên mình toàn là tiến sĩ, thạc sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, giảng bài rất sâu, và giảng mở rộng rất nhiều.

- Cuối cùng, sau khi hoàn thành iGCSE, thì mấy thầy mới dạy đến AP/ hoặc A-Level, đây chính là lớp Advanced, thì liệu con bạn có theo được lớp đó không?

Có 1 PH khác, con đang học thuộc loại yếu, của 1 trường song ngữ tầm trung. Ngoài Applied Math (toán ứng dụng - dễ ) và English, trường chỉ offer toàn các môn iGCSE mạng xã hội như Global Perspective, Business, Finance, Psychology… mà không hề dạy các môn quan trọng như Advanced Math (toán nâng cao), Physics, Chemistry, hay Biology gì cả. Nhưng bạn vẫn đặt ra những mục tiêu cao như: chuyển con qua học hệ IB, và nhắm đến mục tiêu học ngành Y Dược. Mình nghe cũng hết hồn luôn.

Không phải là không thể, nhưng bé đó đã học lớp 9 rồi. Con chỉ còn 1 năm lớp 10 để con chuẩn bị nền tảng vững chắc, để bước vào học hệ IB với những môn Toán, Hoá, Sinh hệ nâng cao (hệ IB yêu cầu những môn được chọn là môn chính thì phải học hệ nâng cao), thì làm sao em bé làm nổi.

Kế tiếp, bạn nên tìm hiểu về mặt bằng giáo dục tại nước mình. Cần tìm hiểu sự khác nhau của các hệ thống giáo dục: trường công, trường tư, trường song ngữ, trường quốc tế. Thấy được vấn đề bề mặt cũng chưa đủ, mà cần hiểu nguyên nhân tại sao. Khi bạn hiểu được nguyên nhân, bạn sẽ có giải pháp, chớ bạn không cần phải né tránh.

Ví dụ: khi bạn tìm hiểu về trường công, bạn sẽ thấy ưu điểm lớn nhất của nó là học phí quá rẻ; và khuyết điểm lớn nhất của nó là thái độ tiêu cực của giáo viên (nhưng không phải GV nào cũng tiêu cực, có những GV trường công vô cùng dễ thương). Khi bạn tìm hiểu sâu hơn về đời sống của GV, công việc và áp lực của họ, mình tin bạn sẽ thương quý thầy cô của con mình. Bạn sẽ không ở chiến tuyến đối đầu với các thầy cô nữa, mà bạn sẽ chọn ở bên cạnh họ, trân trọng họ, cảm ơn họ, chủ động đối xử tốt đẹp với họ, bằng cả tình cảm và lẫn vật chất, một cách thường xuyên, để bù đắp cho những vất vả nghề giáo và đồng lương khiêm tốn của họ.

Ở đây, có thể nhiều người không đồng tình việc mình tặng phong bì hàng tháng cho thầy cô, nhưng, mình nghĩ, có thực mới vực được đạo, thầy cô sống với mức lương quá ít ỏi là 1 sự thiệt thòi và bất công so với trách nhiệm và khối lượng CV của họ. Nếu mình đã được hưởng học phí quá thấp, mà kinh phí nhà nước lại không đủ để trả lương đủ tốt cho GV, thì mình chủ động chung tay góp phần nâng cao thu nhập cho thầy cô. Việc này, mình cho là hoàn toàn chính đáng. Ai có ít tặng ít, ai khá hơn thì tặng nhiều hơn, ai không có điều kiện vật chất thì tặng quà bằng tấm lòng (trái cây, bánh trái, quà quê…), ai không tặng thì kệ họ, mình làm tốt phần của mình. Miễn sao khi mình tặng quà, mình vẫn tặng với sự tri ân, thái độ luôn luôn tôn trọng thì thầy cô sẽ rất vui.

Đặc biệt là đừng bao giờ yêu cầu nâng điểm, mua điểm, mua thành tích hay ưu ái gì cho con mình cả. Ngược lại, hãy thuyết phục thầy cô đừng tạo áp lực điểm số cho con, không cần thành tích gì hết, cta không quan trọng điểm 10 đâu, dù 10 điểm vẫn vui, nhưng đó không phải là tất cả.

Con mình giỏi dở tự mình biết, tự mình lo. Muốn có thành tích thì mình tự cho con đi thi các cuộc thi độc lập trên toàn quốc. Cta chỉ cần thầy cô vui vẻ, nhẹ nhàng với em bé nhà mình là được rồi. Cta chỉ cần con mỗi ngày đi học là 1 ngày vui là được rồi.

Nếu bạn làm được như vậy, thì con bạn sẽ không bao giờ gặp phải vấn đề tiêu cực với thầy cô. Không có thầy cô nào lại đi thù ghét, bắt nạt 1 học sinh vừa học tốt, vừa ngoan, vừa có cha mẹ dễ thương, biết điều như bạn. Khi bạn làm được điều này, con bạn sẽ được học hành vui vẻ trong môi trường công, thầy cô rất quan tâm chu đáo, mà học phí + chi phí phát sinh vẫn rẻ hơn rất nhiều, so với trường tư/ quốc tế.

Bạn cũng cần tìm hiểu về các cơ hội học tập mà con bạn có thể tiếp cận ngoài học ở trường: học ở trung tâm nào ổn, học với tutor nào giỏi, môn nào cần học online live, môn nào có thể học theo tài khoản tự học, học các chương trình nào: Mỹ/ Úc/ Anh, học các giáo trình nào hay…

Hiện nay, cơ hội học tập mở ra rất nhiều. Nếu trước đây, chỉ có con nhà giàu mới có thể tiếp cận giáo trình quốc tế, học bằng TA 100%, thì nay, có rất nhiều các chương trình quốc tế chất lượng, với mức phí phù hợp cho đại đa số. Bạn cần có tư duy cởi mở, đón nhận cái hay, cái mới, đừng chỉ tin và bám vào những thứ quá truyền thống, quá xưa cũ.

Ví dụ: Nhiều người chỉ tin vào việc học offline, cho rằng học online không ăn thua. Nhưng, rõ ràng là, việc học online hiện nay vô cùng hiệu quả. Các bé học online đã xuất sắc học giỏi ngang bằng với các bạn bé học trường chuyên lớp chọn.

Có nhiều người lại chọn học 1-1 mới chịu, cho rằng học lớp 12 bạn là không ăn thua, nên họ thà chọn SV dạy 1-1 cho con họ, chớ họ không chọn lớp học có giáo trình chuẩn và GV bản xứ xịn. Họ không thấy rằng, các lớp học online được tổ chức bài bản, GV giỏi, giảng dạy chất lượng, mang lại hiệu quả vô cùng cao - khi so với học 1-1 với 1 bạn sinh viên còn non nớt.

Có nhiều người vốn chỉ quen dùng 1 vài app học TA, nay có app mới ra đời hay hơn, xịn hơn, tốt hơn nhiều, nhưng họ không sẵn sàng đón nhận cái mới. Họ không biết rằng họ đã để lỡ 1 nguồn tài nguyên học tập hiệu quả, chỉ vì sự bảo thủ của mình. Cho nên, con họ vất vả học với 1 cái app vô cùng chán ngắt, có bé học được, với sự kèm cặp khắt khe của PH; có bé rất chán, dẫn đến việc bỏ lơ học TA. Họ không biết là tự họ đã làm giảm động lực và cơ hội học tập của con mình.

Bạn cũng cần tìm hiểu về các hệ thống giáo dục các nước mà con bạn có thể tiếp cận: hệ Mỹ, Anh, Úc, Canada và hệ IB. Mỗi hệ thống giáo dục có đặc điểm riêng. Bạn cần hiểu về nó để chọn lựa đúng đắn, hoặc khôn ngoan.

Đơn cử, hệ thống giáo dục Mỹ là tự do, giao quyền cho nhà trường, nên bằng tốt nghiệp của Mỹ là do trường cấp. Cứ hễ học đủ tín chỉ của 4 năm highschool thì trường sẽ cấp bằng diploma. Mà trường Mỹ thì thượng vàng hạ cám. Trường xịn thì xịn đứng đầu thế giới, mà trường nhảm nhí thì cũng đầy. Vì bằng cấp diploma của Mỹ không được chuẩn hoá, nên xứ Mỹ mới đẻ ra kỳ thi đo lường năng lực chuẩn hoá SAT/ ACT. Và cũng vì thế, tại các trường quốc tế đơn ngữ ở SG, hệ Mỹ đã dần biến mất; tuy ở Hanoi, các trường quốc tế song ngữ dạy hệ Mỹ vẫn còn. Các trường quốc tế ở SG hiện nay chuyển sang hệ IB, còn lại là trường theo hệ Anh, hệ Úc và Canada. Có trường, ngay cả khi tên trường là Trường quốc tế Mỹ, nhưng vẫn triển khai dạy hệ IB từ tiểu học.

Hiểu để chọn học phối hợp sao cho hiệu quả. Như K nhà mình: lúc nhỏ, song song với việc học trường, thì mình cho K học kiến thức tổng quát theo hệ Mỹ nâng cao. Lớn lên học các môn khoa học chuyên sâu thì học iGCSE (của Anh). Học xong iGCSE thì sẽ quay lại học tiếp AP (hệ Mỹ).

Dĩ nhiên khi chọn lộ trình đó thì mình đã cân nhắc nhiều và chọn sự tối ưu. Còn tại sao như vậy, thì chỉ có những bạn PH cho con theo học lớp mình thì mới được mình giải thích cho hiểu tường tận.

Nếu bạn nào muốn hiểu, thì mình sẽ viết. Để phân tích về 4 hệ giáo dục này khá là dài. Hôm nào rảnh, mình viết riêng 1 bài về nó.

Bạn cũng nên tìm hiểu về cơ hội học tập bậc ĐH của con ở trong nước và thế giới. Nếu con không đi du học, thì bạn cần tìm hiểu những trường ĐH nào tốt ở VN mà bạn muốn con apply vào. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu thêm các trường quốc tế tại VN.

Với những ngành Kinh Tế, Kinh doanh, Thương Mại, hoặc Xã hội thì dễ rồi, học ở đâu cũng được (mình cho là vậy, vì học trường nào bạn cũng tốt nghiệp, nhưng ra đời làm được việc hay không, thành công trong công việc hay không, lại là 1 chuyện khác); nhưng với các ngành STEM thì ít có trường ĐH quốc tế nào dạy, ngoài trường ĐH Việt Đức.

Trường này được CHLB Đức tài trợ, với kinh phí khoảng 80 triệu đô, hiệu trưởng là người Đức, dạy hoàn toàn bằng TA, với các chương trình giảng dạy chất lượng. SV giỏi tốt nghiệp có thể đi tu nghiệp ở Đức vào năm cuối, và cũng có thể có cơ hội làm việc ở Đức sau đó. Trường Việt Đức toạ lạc ở Bình Dương, miền Nam.

Nếu bạn có điều kiện tốt thì dễ rồi, bạn có thể đi học ở Mỹ, Anh, Úc, Canada. Nhưng nếu kinh phí không quá dồi dào, bạn cần tìm hiểu thêm về cơ hội học tập miễn phí ở Châu Âu: Tây Âu (Đức, Pháp, Ý), hoặc cơ hội học và định cư ở Bắc Âu (Phần Lan, Na Uy…), hoặc các nước châu Á, ngoài Sing ra còn có Thái, Malay, Hongkong, Taiwan, Hàn Quốc, Nhật…

Hoặc nếu con bạn không thể học thêm 1 ngoại ngữ 2 rất khó như tiếng Đức, Pháp, Ý, Phần Lan, Hà Lan… thì con bạn có thể học bằng TA ở các nước Hà Lan, Ireland; hoặc tuỳ ngành mà vẫn có thể học bằng TA ở các nước Châu Âu, hoặc cơ hội học Thạc sĩ bằng TA ở nhiều nước trên thế giới.

Nếu bạn muốn con định cư ở các nước Châu Âu, tràn đầy nắng ấm như Tây Ban Nha, hoặc Bồ Đào Nha mát mẻ để làm bước đệm, rồi trở thành công dân Châu Âu. Rồi từ quyền lợi của 1 công dân Châu Âu, thì con bạn có thể sẽ được học miễn phí hoặc tìm việc làm tốt ở những nước nói tiếng Anh, với chất lượng học tập và cơ hội việc làm tuyệt vời như Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Ireland. Với mình, con đường này vui vẻ và phù hợp hơn là chịu sự lạnh giá khắc nghiệt của Phần Lan hay Latvia.

 

 


Phạm Hương - Jun 14, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email