PHẦN 4: Planer - Người Mẹ Có Kế Hoạch- Bước 4

BƯỚC 4: PHÂN BỔ NGUỒN LỰC

Đọc qua nhiều bài rồi, cuối cùng mình đi đến bước này. Nói gì thì nói, đến lúc hành động thì phải làm thôi. Cần phải có 1 kế hoạch hành động. Triển khai ngay và luôn.

Việc planning, thực tế là sự sắp xếp, tính toán những gì mình cần làm, kiểu như má mình ngày xưa, ngồi lẩm nhẩm tính toán, thu xếp để chuẩn bị cho cái đám giỗ vậy. Phụ nữ vén khéo gia đình thu xếp mấy việc này giỏi lắm.

Planning việc học hành cho con, cũng tương tự. Tài chính mình có bao nhiêu, con cần học cái gì, học bao lâu, học ở đâu… mình cần tính toán cho kỹ.

Nói đến phân bổ nguồn lực là nói đến đầu tư 3 nguồn lực chính:

- Thời gian

- Tài lực

- Nhân lực

Nếu bạn tận dụng tốt 3 nguồn lực này, bạn sẽ nuôi dạy con nên người, thành công; không thua kém những bạn nhỏ sinh ra trong gia đình có điều kiện.

Thời gian:

Mình liệt kê thời gian là yếu tố quan trọng hàng đầu, là bởi vì, ai ai cũng có thời gian như nhau, dù tỉ phú hay kẻ bần hàn. Thời gian là 1 nguồn lực vô cùng quý giá, mà đôi khi “chỉ 1 lần lỡ nhịp, là hối tiếc trăm năm”. Có những thứ mà thời gian trôi qua, cơ hội trôi qua, mãi mãi không thể quay đầu. Rất là đáng tiếc.

Có nhiều người, gia cảnh vốn không giàu có, mà lại cứ nghĩ mình là tỉ phú thời gian. Tiểu học thì cho con chơi để có tuổi thơ, lên cấp 2 rồi học cũng được, hoặc lên cấp 3 mới quan trọng, mới cần đầu tư. Nhưng, chạy nước rút rất mệt.

Mình khuyên rằng, tốt nhất, nên có sự quan tâm nhất định đến việc học của con ngay từ khi bé 4 tuổi. Nên tận dụng phương pháp giáo dục sớm đúng cách, để con bắt đầu từ sớm, nhẹ nhàng, thong thả, nhưng sâu sắc và bền vững. Hơn là rong chơi cho đã, học hành theo kiểu giao phó cho thầy cô, trường học. Đến giai đoạn chót thì cho học luyện thi, học luyện đề. Học như vậy cũng thi đậu, cũng vào ĐH, cũng tốt nghiệp, có tấm bằng, nhưng có giỏi không, thì chưa chắc.

Quay lại việc phân bổ thời gian học, thì mình cần cân nhắc 2 vấn đề: học trong bao lâu, và bắt đầu khi nào.

Nếu bạn muốn con bạn đạt điểm SAT 1.550+ thì bạn cần ước đoán, con cần học gì, trong bao lâu, và khi nào thì con cần học luyện thi giải đề SAT. Với các bạn nhỏ nhà mình, mình khuyên nên học kiến thức tổng quát của HSC Mỹ đến Grade 7 thôi. Sau đó, các con theo học những môn chính: Math và Science (môn riêng lẻ chuyên sâu). Song song, các con duy trì việc đọc sách mảng Social Study. Cho đến khi con vào lớp 10, con đã học xong Math đủ cho SAT, và có đủ bề dày nền tảng kiến thức TA đủ tốt, lúc đó con mới nên bắt đầu giải tuần 1 bài SAT. Cuối năm lớp 10, con thi SAT lần 1. Nếu điểm số chưa đủ tốt, con sẽ tiếp tục trau dồi để thi SAT lần 2 vào cuối năm lớp 11. Lưu ý, ta chỉ nên thi SAT tối đa 2 lần (vì nếu thi lần 3, các trường ĐH Mỹ sẽ không đánh giá cao).

Nếu bạn muốn con học giỏi TA cho thật tốt, tương đương IELTS 8.0, thì mình nên tận dụng tối đa thời gian 4, 5 tuổi để luyện nghe và phonics. Cấp 1 đọc thật nhiều mảng Social Study và văn học. Đầu cấp 2, học kỹ và tập trung rèn nâng cao 2 kỹ năng: Nói và Viết. Lớp 7 và 8 học các môn Science chuyên sâu bằng TA. Đến lớp 8, con có thể đạt IELTS 8.0 dễ dàng. Bạn nào học chưa chuẩn thì dành thêm 1 năm để hoàn thiện thêm TA để đạt IELTS 8.0 vào cuối năm lớp 9.

Lưu ý là: nếu thời gian bạn còn nhiều, bạn có thể cho con học sâu, học kỹ. Nếu thời gian bạn còn ít quá, thì con chỉ có thể học luyện thi, học cày đề để đối phó với kỳ thi mà thôi.

Tài chính

Với người giàu, họ có thể dùng tiền để mua thời gian cho con. Ví dụ, lớp Chemistry/ Physics bên mình tổ chức, học tuần 1 buổi, thì cần 1.5 năm mới học xong. Nếu bạn có nhiều tiền, bạn muốn học tuần 2 buổi, để rút ngắn 50% thời gian. Điều này rất dễ nếu bạn sẵn lòng bỏ chi phí đắt đỏ để học 1-1 với GV. Chớ tìm 1 lớp học tổ chức theo ý của bạn, thì khó. Bạn phải follow theo mặt bằng chung, lộ trình chung, chớ không ai chiều theo ý bạn.

Tiền nhiều, nhưng phải sử dụng khôn ngoan, chớ không phải chi nhiều tiền cho giáo dục thì con bạn auto giỏi.

Có nhiều PH, mà khi mình tư vấn, mình bực đến nỗi “chả buồn nói”. Con bạn đang học ở trường quốc tế song ngữ, nhưng kết quả rất là không xứng với học phí. Con test đầu vào lớp mình mà phải lộn xuống mấy lớp. Vậy mà khi đăng ký vào lớp Talent, bạn lại phân vân vì “Em sợ không theo nổi đường dài”. Đôi lúc, mình ngao ngán đến không muốn nói nữa. Nghĩ làm sao, đóng học phí 300 – 400 triệu/ năm thì không phân vân, học lớp của mình chỉ vài triệu/ tháng, mà suy nghĩ đắn đo, rồi nhắn tin qua lại chục lần. Chả lẽ mình từ chối luôn cho nhanh.

Con bạn học ở trường 300 – 400 triệu đó có giúp cho bé giỏi không? Nếu giỏi rồi thì đâu cần học lớp bác H nữa. Mà nếu học đắt vậy vẫn chưa giỏi thì sao bạn không tiếc, mà mắc gì so đo quài vài triệu ở nơi mà bạn tin tưởng và hy vọng giúp con bạn giỏi. Logic ở đâu?

Rồi có những bạn cho con học ở trường quốc tế có, học thêm TA ở trung tâm cũng có. Đến khi mình hỏi con đã thi cc TA nào chưa, thì lại trả lời, em không cho thi vì thi tốn tiền chẳng để làm gì. Hời ơi, mỗi năm bỏ vài trăm triệu ở trường + vài chục triệu ở trung tâm, mà không chịu bỏ thêm 1-2 triệu để cho con đi thi, để đánh giá con mình học ra sao, có giỏi thiệt như điểm số và lời khen của trường không, tiến bộ như thế nào. Mỗi lần gặp PH như vậy, mình chán quá, thở dài thườn thượt (mà không biết đầu kia PH có nghe không).

Mình phải xác quyết cho rõ: nơi nào giúp con mình học giỏi, thì mình đầu tư tiền (và thời gian) cho nơi đó. Nơi nào không giúp con mình giỏi, thì mình bỏ bớt đi (nếu không thể bỏ luôn thì mình giảm tối đa thời gian, công sức và tiền bạc cho nó - chỉ duy trì cho có mà thôi). Ai đời, PH cứ làm ngược lại. Nhiều lúc mình lấy làm lạ cái sự ngược đời này.

Mình đã thấy nhiều bạn PH có con học trường quốc tế, nhưng học không tốt chút nào. Có lần, mình bảo thẳng với 1 PH: em hãy làm 1 phép so sánh. Mỗi năm, em đóng học phí trung bình 300 triệu/ năm. 12 năm, em mất 3.6 tỉ. Nhưng đầu ra của con em là gì? Con đạt SAT bao nhiêu điểm? IELST bao nhiêu? Con học được bao nhiêu AP/ A-Level? Con đậu vào trường nào? Sức học của con cho phép con chọn học những ngành nào ở bậc ĐH?

Nếu dùng 3.6 tỉ, mà đầu tư không cho kết quả đầu ra bằng 1 bạn học trường công. Thì các bạn nên xem lại.

Sử dụng tiền bạc cho việc học là 1 sự đầu tư quan trọng, nên cân nhắc và tính toán cho thiệt kỹ. Có những thứ nên tiết kiệm (học mẫu giáo, tiểu học… thì không cần phải trường quốc tế nếu gia đình không thật sự khá giả). Nhưng có những thứ không thể tiết kiệm (học với GV giỏi, học giáo trình hay). Nhất là đừng chạy theo những thứ free. Không có cái gì free mà chất lượng cả. Những thứ free chỉ có thể giúp thêm đôi phần, hoặc giúp ở level đơn giản, hoặc chỉ bổ trợ thêm mà thôi. Nên, nhiều PH hỏi mình về các chương trình free, mình chỉ cười. Nếu bạn học cái gì đó free, thì bạn phải trả giá bằng rất nhiều thời gian. Mà thời gian, với mình, thì vô cùng đắt.

Nhân lực:

Ở đây, có 2 đối tượng nhân lực mà mình cần quan tâm: con bạn và người giúp con bạn đạt được mục tiêu.

Để lên kế hoạch chính xác, mình cần phải hiểu sức học của con. Con học tốt, thì mình plan thời gian vừa đủ. Mà con học kém thì mình cần dành thời gian nhiều hơn.

Kế hoạch và mục tiêu có thể do bạn hoạch định (với sự đồng thuận của con), nhưng người thực hiện là con bạn. Làm được hay không, mục tiêu có đạt hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào con bạn. Cho nên, muốn kế hoạch thành công, thì phải thật sự đánh giá đúng năng lực của con.

Biết được năng lực của con rồi, phần còn lại cực kỳ quan trọng là tìm được người giúp con. Điều này đúng với bất kỳ ai, với bất kỳ hoàn cảnh nào trong đời. Mỗi khi bạn đứng trước 1 mục tiêu nào, bạn cần suy nghĩ “Ai sẽ giúp mình?”.

Tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ và làm mọi cách để có được sự hỗ trợ cần thiết là 1 kỹ năng quan trọng, là 1 loại năng lực để giúp bạn gặt hái thành công trong cuộc sống. Bởi, bạn không thể đơn thân độc mã tự mình làm tất cả. Bất cứ ai cũng cần có đội ngũ hỗ trợ.

Thật vậy, bạn hãy liên tưởng đến công việc của bạn. Khi sếp giao 1 dự án nào đó. Có những thứ không nằm trong chuyên môn của bạn, không nằm trong phạm vi quyền hạn của bạn. Ngay lập tức, bạn cần sự hỗ trợ. Đầu tiên, bạn tìm đến phòng Nhân sự, hỏi thăm xem cty mình có ai giỏi mảng này không. Hoặc, bạn có thể dùng mối quan hệ, để tìm 1 chuyên gia giỏi trong ngành, sẵn sàng làm giúp bạn (freelance) với chi phí hữu nghị. Hoặc nếu bạn ít ngân sách quá, bạn có thể đề nghị chuyên gia đó phụ trách tư vấn giúp bạn những điều quan trọng, rồi hướng dẫn bạn và team bạn tự làm. Họ chỉ cần tư vấn, đánh giá và giúp bạn điều chỉnh khi cần.

Như mình đã nói, để công việc trôi chảy và đạt được hiệu quả cao, bạn cần tìm đến đúng người. Nếu nhiều tiền thì dễ rồi. Nhưng ít tiền mà vẫn muốn có người giỏi, chất lượng, thì bạn cần có nhiều kỹ năng hơn: kỹ năng tìm kiếm, kỹ năng tương tác, kỹ năng thương lượng, kỹ năng thuyết phục…

Quay lại việc học của con. Nếu con bạn là 1 bạn bé có sức học bình thường như K nhà mình, bạn lỡ học chậm vài năm như K nhà mình, thì bạn cần phải tìm kiếm cho bằng được GV giỏi để giúp con. Đừng chủ quan, hoặc thậm chí là atsm, cho rằng mình có thể dạy con. Bạn không thể làm tốt tất cả mọi thứ. Nếu bạn muốn một kết quả cao nhất có thể, thì bạn hãy tìm kiếm những chuyên gia giỏi nhất có thể.

Một GV giỏi là người có chuyên môn giỏi, có bề dày kiến thức chuyên ngành, có kỹ năng cao, có kinh nghiệm giảng dạy phong phú. Họ truyền đạt dễ hiểu, sinh động. Họ có phương pháp giúp học sinh hiểu nhanh, nhớ lâu. Họ có lộ trình giúp học sinh học, làm bài tập, kiểm tra… sao cho học sinh tích luỹ được kiến thức lâu dài, chớ không phải học xong, thi xong là quên béng.

Để học giỏi, người học nhất định cần có người thầy giỏi. GV giỏi vẫn có thể có học trò giỏi và học trò dở. Nhưng học trò giỏi nhất định phải có thầy cô giỏi dạy dỗ, hướng dẫn, dìu dắt. Một trong những điều may mắn trong đời của cta là có được người thầy/ cô giỏi.

Một GV giỏi thật sự phải là người có tâm: có trách nhiệm với học trò, chu đáo trong việc soạn bài, quan tâm đến học sinh, theo đuổi chất lượng giảng dạy, luôn hành động vì quyền lợi của học sinh (hơn là vì đồng lương của mình), xem kết quả học tập của học sinh là điều quan trọng nhất (chớ không phải chỉ biết nói cho hay để đánh bóng danh tiếng của mình).

Tìm được 1 GV giỏi đã khó. Mà phải biết cách tương tác với họ, trân trọng họ, thu phục nhân tâm của họ. Điều này sẽ khiến họ có thiện cảm với mình, yêu quý con mình, thì họ càng dốc tâm dạy dỗ thật tốt con mình.

Nhiều PH nghĩ rằng, cứ có tiền đóng học phí, sao phải lăn tăn. Nhà trường, thầy cô phải phục vụ tui chớ. Sai quá sai bạn ơi. Nếu bạn cứ nghĩ như vậy, thì dù bạn bỏ tiền tỉ mỗi năm cho con học, bạn cũng không thể có được sự tận tâm của thầy cô đối với con mình.

Lúc mình còn làm ở cty dược, mình làm bộ phận Mkt, mình là khách hàng của các cty truyền thông, quảng cáo. Nhưng mình đối xử với team đối tác rất là dễ thương, bình dị. Mình thường rủ mấy bạn của agency đi ăn vặt, và mình luôn trả tiền (túi). Bởi mình nghĩ, ngân sách đầu tư thì chắc chắn phải chi trả rồi, nhưng mình mà dễ thương với các bạn ấy, thì tự nhiên sẽ tạo ra hảo cảm, các bạn ấy thích chị H, sẽ làm job của chị H tận tâm hơn (mấy job khác), vắt óc vắt não để rặn ra idea sáng tạo hơn, hay hơn, hoặc tính toán sao cho chiến lược media tối ưu hơn. Tất cả những điều này sẽ giúp cho mình tung chiến dịch tốt hơn, thành công hơn. Đó là điều mình đã luôn luôn làm trong công việc.

Ngược lại, nếu mình cứ ỷ thế khách hàng, mình làm khó làm dễ cty đối tác. Mình khiến cho team bạn stress với mình quá, thì người ta đầu óc bực bội, nghĩ đến khách hàng cờ hó chỉ muốn chưởi thề, thì làm sao mà nảy sinh ý tưởng tuyệt vời cho mình được.

Lưu ý là, tìm được 1 chuyên gia giỏi và vừa với túi tiền của mình mới quan trọng. Đừng chạy theo danh tiếng. Danh tiếng chỉ là ảo thôi. Mình phải tỉnh táo tìm đúng người giỏi và không cần nổi tiếng.

Có rất nhiều người đi tìm người nổi tiếng: thầy cô này giỏi lắm, nổi tiếng lắm. Sự nổi tiếng đi kèm với học phí rất đắt, cực đắt. 1 khóa 3 tháng mà vài chục triệu (nhưng không bao giờ ai có thể học giỏi chỉ sau 1 vài khoá).

Nếu muốn học GV nổi tiếng giá phù hợp thì phải học lớp rất đông. Nói chung, 1 giờ dạy của các GV nổi tiếng có thể lên đến vài chục triệu/ giờ, tính cho lớp học cả trăm hs. Học đông quá thì làm sao mà thầy cô sâu sát được, làm sao hs giỏi được.

Danh tiếng có sức thu hút lớn mà vài nơi mang ra làm động cơ kinh doanh. Có PH kia khoe với mình, em phải học bao nhiêu khoá của trung tâm đó, thì đến khoá cuối cùng, con em mới được trực tiếp học với thầy đó. Mình cười, chúc bạn may mắn.

Trước đây, mình cũng từng tìm đến những nơi nổi tiếng. Những thầy cô/ trung tâm nào nổi tiếng ở VN, mình đều biết, và có vài nơi, mình đã học qua. Nhưng thật sự, chất lượng của nó không như mình kỳ vọng, hoặc có thể nói là thất vọng. Nhưng, mình chấp nhận, và tiếp tục tìm kiếm. Sau này, kỹ năng đánh giá của mình đã trở nên xịn rồi, mình chỉ cần hỏi qua profile GV, lộ trình, giáo trình, sỉ số lớp học… thì mình có thể đánh giá được chất lượng.

Sau này, mình sử dụng những cách thức tiếp cận khác, và mình đạt được kết quả tốt đẹp hơn mình mong đợi nhiều: mình âm thầm làm tàu ngầm của những group chất lượng (trong và ngoài nước), đọc kỹ các comment. Và từ đó, mình tìm thấy những “cao nhân” ẩn mình qua các nick của các comment đó.

Đó là cách mình tìm được người giỏi, có thể giúp mình chinh phục mục tiêu, mà lại phù hợp với ngân sách của mình.

Cuối cùng, mình ráp tất cả 3 thứ trên lại với nhau, phối hợp sao cho khôn ngoan, cân đối và hợp lý:

Nếu bạn vừa có tài chính, vừa có thời gian (con còn nhỏ), con lại thông minh sáng láng: combo 3-in-1 này là xuất sắc. Nếu nguồn lực như vầy mà không đầu tư mang lại kết quả vượt trội thì thật là đáng tiếc. PH nhóm trường quốc tế của mình rất đông bạn thuộc nhóm này nha. Các bạn này phần lớn đang học lớp Talent.

Nếu bạn vừa có tài chính, con cái vừa thông minh, nhưng giờ mới biết đến việc lên mục tiêu, làm kế hoạch học tập, thời gian không còn bao nhiêu nữa: thì cần ngay lập tức tập trung vào mục tiêu quan trọng, dùng tiền để mua thời gian cho con, cho con học 1-1 khi cần, biết buông bỏ những thứ vặt vãnh để nhìn vào đại cục. Lưu ý là, lúc này, thời gian đã quá gấp, đừng xao lãng cho những mục tiêu nông cạn. Bạn cứ mãi phung phí thời gian, thì sau này, bạn sẽ phải trả giá rất đắt, hoặc bạn không thể mua lại được thời gian đã qua, dù có trả bao nhiêu tiền. (Mình đã thấy nhiều PH như vậy rồi, tiền bạc không thiếu, đứa nhỏ cũng thông minh. Nhưng cứ loay hoay mãi mà mình sốt ruột giùm luôn).

Nếu bạn không có tài chính, nhưng vẫn còn thời gian, và em bé thông minh đĩnh ngộ (mình biết rất nhiều PH thuộc nhóm này), thì bạn nên cân đối kỹ để đầu tư tiền bạc cho xác đáng: chỉ học free những gì đơn giản, cơ bản; cái gì cần đầu tư thì phải chấp nhận trả tiền (vì kết quả của nó mang lại lớn hơn rất nhiều số tiền bỏ ra thì ta nhất định phải đầu tư). Học với GV giỏi 1 – 2 môn chính + đồng thời tự học => đây là công thức tối ưu cho con nhà ít có điều kiện. Thêm nữa, đừng phung phí thời gian vào những hoạt động vớ vẩn. Nên tối ưu thời gian của con, học cho thật giỏi ở lĩnh vực mình nổi trội. Tìm kiếm cơ hội học bổng, hoặc tìm kiếm cơ hội làm dự án cộng đồng ý nghĩa để tăng cơ hội tiếp cận với các nguồn lực chất lượng khác.

Nếu bạn không có tài chính, con lại không có tố chất xuất sắc, thì mình nên tận dụng thời gian tối đa cho con. Đừng nguỵ biện kiểu “tui muốn con tui thành nhân trước khi thành công”. Dạy con thành nhân (có đạo đức, lễ nghĩa) là việc đương nhiên phải làm. Nhưng không bao giờ đủ. Con mình cần phải thành tài, phải trở thành người có năng lực mới có thể sống 1 đời tốt đẹp và hạnh phúc. Chớ tốt bụng hiền lương mà nghèo khổ suốt đời, thì làm sao sống hiếu nghĩa phụng dưỡng cha mẹ và giúp đỡ được ai. Ngược lại, những bạn này, nên chú trọng dạy con chăm chỉ, nỗ lực và nuôi dưỡng hoài bão, ý chí cho đứa bé. Đã nghèo thì nên có ý chí. Chớ vừa nghèo mà vừa nguỵ biện lấp liếm cho bản thân thì đến đời nào mới thoát nghèo.

Nếu nhà bạn không có tài chính, con lại không xuất sắc, mà lại hết thời gian rồi. Ca này rất khó. Nhưng không có gì là muộn. Never too late. Chỉ cần bạn nhỏ có ý chí, thì bạn sẽ làm được. Lúc đó, mình dũng cảm dừng lại 1 – 2 năm. Để học lại cho chắc, cho tốt. Bắt đầu với sự khởi đầu mới mẻ và lựa chọn mục tiêu chính xác. Chậm 1 vài năm thì chẳng là gì so với cuộc đời dài 70 năm. Quan trọng nhất là cha mẹ luôn ở bên cạnh con, hỗ trợ con tối đa có thể.

Chúc các bạn phân bổ nguồn lực = đầu tư nguồn lực tốt nhất.

Hãy đầu tư khôn ngoan, bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp và bền vững.

 


Jun 14, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email