Chọn Trường- Phần 7: Tiêu Chí Chọn Trường

Mình viết tiếp về chủ đề chọn trường. Nên dựa theo những tiêu chí nào để chọn trường cho con?

1. Trường gần nhà, hoặc gần cơ quan làm việc của cha mẹ:

- Đây là tiêu chí hàng đầu của nhà mình. Mình ưu tiên chọn trường gần nhất có thể.

- Không bao giờ mình chọn 1 trường mà con mình phải dậy từ sớm, ngồi xe đưa đón cả tiếng, chạy vòng vòng thành phố, con thì ngủ gục trên xe. Quá mất thời gian, mà dậy quá sớm để đi học thì con ngủ không đủ, lâu dài ảnh hưởng sức khoẻ.

Năm ngoái, báo chí đăng bài hàng loạt về trường học Mỹ lùi giờ học để học sinh ngủ nhiều hơn.

“Thay vì phải đi học lúc 7h30, hàng nghìn học sinh ở bang Pennsylvania có thêm hai tiếng buổi sáng để ngủ, gặp giáo viên hay hoàn thành bài tập khác.

Vào buổi sáng hàng ngày, Khalid Doulat, học sinh cuối cấp của trường Trung học Upper Darby, bang Pennsylvania, dành thời gian cầu nguyện, giúp đỡ mẹ hoặc tập chạy. Đến 9h45, Doulat mới phải đến trường, thay vì 7h30 như trước.

Với Doulat và hàng nghìn học sinh của trường, việc lùi giờ vào học buổi sáng khoảng hai tiếng là một sự thay đổi tích cực so với năm ngoái”.

- Giao thông đường xá của mình ngày càng kẹt xe, nên chọn trường gần nhà/ hoặc gần cơ quan làm việc của cha mẹ là 1 điều nên được ưu tiên.

- Không có gì quý bằng thời gian. Đừng để mất nhiều thời gian chết trên xe đưa đón, hoặc kẹt xe hàng giờ trên đường.

2. Trường có học phí phù hợp:

- Đừng bao giờ gồng sức để gánh học phí. Dù là trường nào, thì muốn con giỏi, bạn đều phải cho bé học ở nhà (tự học, học thêm, học ngoại khoá…). Bạn cần dự trù chi phí học thêm cho bé. Giữa chi phí học ở trường và chi phí học thêm, theo mình, bạn cần dự trù chi phí học thêm cho đủ, rồi còn bao nhiêu mới tính đến việc chọn trường công hay tư cho con.

- Có lẽ nhiều bạn không đồng ý, cho rằng, trường học mới là chính, nên chiếm ngân sách lớn nhất, còn học thêm là phụ, nên còn bao nhiêu thì học thêm bấy nhiêu. Chà, tính toán kiểu này, thì khi con bạn lớn lên, bạn sẽ thấy bạn “lỗ” nặng đó.

- Nếu chỉ dựa vào trường 100%, con bạn sẽ thiếu hụt rất nhiều thứ. Đầu tiên là tiếng Anh, dù cho con bạn đang học ở trường tư, quốc tế song ngữ, hay thậm chí quốc tế đơn ngữ, bạn đều cần cho con đi học thêm thì mới giỏi. Nhiều trường mang tiếng là quốc tế song ngữ, nhưng chất lượng giảng dạy không có gì hơn ngoài việc tăng số tiết. Trường quốc tế đơn ngữ thì dạy quá nhẹ, Grammar thì dạy có chút xíu, viết thì càng đơn giản, mà việc yêu cầu đọc sách thì thầy cô không nghiêm khắc yêu cầu, hs thích đọc, thích học thì tốt, mà không thì thôi. Nên, nếu nghĩ trường quốc tế đơn ngữ là nghiễm nhiên giỏi TA thì hơi chủ quan.

Theo mình, có đến 90% học sinh các trường song ngữ đều cho con đi học IELTS từ cấp 2 hoặc cấp 3. Học vài năm để luyện thi IELTS, chớ không phải chỉ học vài ba tháng làm quen dạng đề thi đâu. Một số không nhỏ hs trường song ngữ đi học thêm TA bên ngoài và các con đã thi KET, PET từ những năm tiểu học.

Đó là mình chỉ nói đến môn TA, chưa kể môn Toán, Văn; rồi các môn Lý, Hoá, Sinh. Bạn không thể không đi học thêm ở ngoài nếu muốn con giỏi. Và chi phí những lớp học chất lượng này cũng không phải ít.

Nếu bạn chỉ chăm chăm dồn phần lớn ngân sách gia đình vào trường tư, trường CLC, trường quốc tế song ngữ gì đó; và bạn bỏ hẳn các lớp học thêm; thì e rằng bạn chỉ cho con môi trường học tập tốt, cơ sở vật chất đẹp, GV vui vẻ hoà nhã, tôn trọng con… Nhưng về mặt học thuật, các bạn đó đang ở level rất là cơ bản.

Mình có 1 cô đồng nghiệp khá thân. Cổ cho con trai học trường quốc tế song ngữ từ 1 – 9, học phí khoảng 300 tr. Và cổ chính là 1 nhân vật điển hình trong câu chuyện chỉ cần gởi con đến trường là đủ, hoàn toàn không đi học thêm gì, ngoài các môn thể thao, nghệ thuật.

Mới đây, cổ gọi cho mình, báo là đã chuyển con cổ ra trường công. Để ra trường công, con cổ mất 1 năm đi học thêm 3 môn Toán Văn Anh, và cuối cùng, vào được 1 trường công hạng dưới trung bình (nhưng theo mình, được vậy cũng là may mắn rồi).

Giờ thì cổ mới bắt đầu quay lại caí guồng cho con học thêm: học IELTS, học Toán và hàng trăm câu hỏi khác về việc học thêm các môn. Lúc này, vừa học thêm để đối phó với nội dung giảng dạy ở trường công (để điểm số tốt, học bạ tốt), vừa học IELST và SAT đạt điểm cao để mong có thêm cơ hội giành 1 slot ở trường ĐH. Đây thực sự là một giai đoạn khó khăn cho con trai của bạn ấy.

Nói tóm lại, chỉ học ở trường thì không đủ giúp con bạn cạnh tranh giành 1 vé vào trường cấp 3, hoặc vào đại học tốt, hoặc học ngành khó. Vì vậy, chọn trường học chỉ cần chọn vừa phải, và luôn dự trù chi phí cần thiết để cho con học thêm cho đủ giỏi.

3. Chọn trường có nhà vệ sinh sạch, nhà ăn sạch và máy lạnh đủ mát:

Theo mình, đây là 3 vấn đề khá quan trọng. Vệ sinh trong ăn uống là vấn đề hàng đầu. Ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng, có để gây tai hoạ khôn lường. Trước khi quyết định chọn trường, bạn cần tham quan căntin, xem có sạch sẽ không, khẩu phần ăn như nào, thậm chí bạn có thể xin ăn thử.

Nhà vệ sinh bẩn sẽ khiến trẻ nhịn tiểu cả ngày, rất ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, mình không care lắm về thư viện (chả dùng mấy), về cảnh quan đẹp, nhưng mình rất quan tâm đến nhà vệ sinh. Khi đến thăm trường, bạn hãy đến phòng vệ sinh của học sinh để quan sát.

Tiếp theo là nhiều trường, tuy đã thu phí của học sinh, nhưng lại tiết kiệm chi phí bằng cách chỉ mở máy lạnh 1 -2 tiếng/ buổi. Mà SG trời nóng nực thì hs phải chịu đựng, mồ hôi mồ kê rất thương. Chưa kể cứ vào đầu năm học, nhà trường thu đủ chi phí cơ sở vật chất, gắn máy lạnh, nhưng thiệt ra vẫn là máy lạnh cũ, chạy cà giựt, không mát chút nào. HS là người gánh trọn.

Các vị PH nào trong Ban đại diện PH, xin lưu tâm đến 3 vấn đề thiết yếu này. DS thu phí của HS thì quá dài, số tiền không ít, nhưng HS vẫn chịu khổ thì Ban đại diện PH cần xem lại vai trò của mình.

4. Hiệu trưởng và tư duy giáo dục của hiệu trưởng:

Kinh nghiệm của mình là, người Leader rất quan trọng cho bất kỳ tổ chức nào, đặc biệt là giáo dục. Người ta thường nói, văn hoá của Leader cũng chính là văn hoá của tổ chức. Tư duy của Leader sẽ định hướng tất cả các hoạt động của tổ chức. Tại 1 tổ chức giáo dục, điều này càng đúng.

Hiệu trường mà có tư duy cởi mở, đa chiều, sẽ dẫn dắt thầy cô và học trò học hành trong môi trường học thuật lành mạnh và tiến bộ. Không bảo thủ, không áp đặt; biết lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến phản biện, sẵn sàng vì lợi ích của học sinh mà thay đổi, cải tiến, luôn cập nhật cái hay, cái mới của các phương pháp giáo dục trên thế giới … Đó mới là những phẩm chất đáng quý của một người Leader trong ngành giáo dục.

Ngược lại, Hiệu trưởng cứ sử dụng quyền lực cứng của mình, buộc thầy cô và học trò (và cả PH) tuân thủ một cách cứng nhắc, vô lý. Theo đó, thầy cô cũng sẽ có khuynh hướng đi theo phong cách của Hiệu trưởng, cư xử với học sinh thiếu tôn trọng, áp đặt, không quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chỉ lo bảo vệ bản thân, hoàn thành nhiệm vụ được giao, bất kể học trò học hỏi được gì, cảm nhận như thế nào.

Chưa kể là chạy theo thành tích, ép học sinh học phụ đạo, học tăng cường; ép học sinh tham gia đủ thứ phong trào, hoạt động (mà bản thân học trò và gia đình không thích), chỉ để mang lại thành tích cho nhà trường.

Mình không thích nhà trường nào, nếu HS không tuân theo quy định (đa phần là vô lý) thì trừ hạnh kiểm của đứa nhỏ. Điểm Hạnh kiểm là thang điểm đánh giá đạo đức, phẩm hạnh của con mình. Mình không thích nhà trường nào mà thầy cô lạm dụng quyền hành của họ để hỡ chút là trừ Hạnh kiểm. Đạo đức và hạnh kiểm của mỗi em bé là 1 điều quan trọng mà cha mẹ nên giữ gìn, nâng niu cho con. Trẻ nhỏ cũng có tôn nghiêm của chúng, không phải người lớn muốn phán bừa ra sao cũng được.

Những ngôi trường với tư duy bảo thủ, phương pháp lạc hậu, với áp đặt 1 chiều, đó là môi trường mà bạn nên mạnh dạn từ bỏ.

Bạn nên chọn 1 ngôi trường mà, khi bạn nộp đơn vào, Hiệu Trường cởi mở, thầy cô tươi cười, lịch sự và tôn trọng. Các quy định của trường tuy đầy đủ, nội quy nghiêm túc; nhưng không cấm đoán, ép buộc. Học sinh được nhiều quyền lựa chọn, miễn sao không ảnh hưởng đến người khác và không ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Cụ thể hơn, mình sẽ chọn:

- Mình sẽ chọn 1 trường chỉ yêu cầu áo trắng, quần xanh; chớ mình không thích 1 trường buộc học sinh phải mua đồng phục của trường (vừa đắt, vừa kém chất lượng).

- Mình sẽ chọn 1 trường không bắt buộc học sinh phải học phụ đạo, học ngoài giờ. Không bao giờ mình chọn trường nào bắt học sinh học vào thứ 7.

- Mình không chọn 1 trường chỉ suốt ngày PR cho mấy kỳ thi mang tính thương mại, những kỳ thi vô bổ, nhảm nhí. Nhà trường nên có tâm, và có năng lực học thuật để đánh giá chính xác những kỳ thi này. Và chỉ nên giới thiệu, khuyến khích học sinh tham gia những kỳ thi uy tín, chất lượng.

- Mình sẽ không chọn 1 trường mà thầy cô chỉ chăm chăm dồn HS đi thi các kỳ thi nhảm nhí để để có thành tích. Nói cho cùng, thành tích đó chả có lợi gì cho con mình, mà chỉ có lợi cho thầy cô, cho nhà trường mà thôi.

5. Đừng chọn những trường quá chú trọng tính thương mại:

Dĩ nhiên, giáo dục tư nhân là 1 ngành kinh doanh, nói đến kinh doanh thì chủ trường phải tính toán rất nhiều. Nhưng, làm giáo dục mà chỉ biết nhìn vào khía cạnh thương mại, thì PH không nên chọn những trường đó.

Để tránh những trường kinh doanh kém chất lượng, bạn cần sàng lọc những gì:

- Những trường chạy QC dày đặc để tuyển sinh, thì bạn nên cân nhắc. Chi phí QC chính là từ học phí mà ra. Các hoạt động truyền thông về trường, tuy cần làm để cộng đồng hiểu thêm về cái hay, cái tốt của trường, nhưng nó khác với việc chạy QC để tuyển sinh. Hơn nữa, trường tốt thì HS phải xếp hàng xin vào, chớ không cần phải QC đâu.

- Trường chọn cách PR bằng việc tặng Học bổng cho các KOLs, nên nhiều KOL khen ngợi trường quá đáng, quá thổi phồng về trường. Cứ hễ nhận lời PR thì KOLs khen nức trời, còn chất lượng thực tế lại là câu chuyện rất khác.

- Bạn nên cẩn trọng với những trường mời các KOLs khen trường và toàn nói về những điều cao siêu như: giáo dục hạnh phúc, kỹ năng sống, thành nhân trước khi thành công, cho con tuổi thơ… và rất nhiều những câu sáo rỗng đại loại như vậy.

Theo mình quan sát, những trường nào chỉ biết nói những thứ mông lung ảo diệu, thì tính học thuật của các trường đó rất kém. Là bởi, những triết lý cao siêu đó rất là cảm tính, không đo lường được.

Ngược lại, chất lượng giảng dạy của nhà trường sẽ được đo lường chính xác bằng sự tiến bộ của trẻ về thành tựu học tập của trẻ. Muốn học sinh học giỏi, tiến bộ và đạt thành tích tốt, thì chất lượng giảng dạy và hàm lượng học thuật là 2 thứ cần dày công nghiên cứu và xây dựng qua thời gian. Không phải cứ bỏ vốn mở trường thì lập tức có ngay 1 đội ngũ giảng dạy tuyệt vời.

Ở Mỹ, theo mình biết, GV cũng có KPI rất nặng. KPI của GV chính là sự tiến bộ của hs. Nền giáo dục Mỹ không so sánh hs này giỏi hơn hs kia, nhưng họ phải bảo đảm hs của họ phải có sự tiến bộ. Và quan trọng hơn, sự tiến bộ của mỗi trẻ phải bằng hoặc hơn mức tiến bộ chung (tiêu chuẩn standard). Nếu có tiến bộ, nhưng tiến bộ ít quá thì vẫn không đạt.

Hàng năm, các trường ở Mỹ đều có kỳ thi đánh giá năng lực chuẩn hoá (MAP test), mỗi năm thi khoảng 3 lần, để đo lường cụ thể sự tiến bộ của HS. Các kỳ thi này cho kết quả định lượng như sau:

- Trẻ đạt bao nhiêu điểm, bao nhiêu % so với thang điểm tối đa

- Trẻ đạt top % bao nhiêu, khi so với các học sinh khác cùng cấp lớp (trong cùng kỳ thi)

- Trẻ tiến bộ bao nhiêu % so với chính con

- Tốc độ tiến bộ của trẻ so với mức độ tiến bộ chung là bao nhiêu

Những con số này, của kỳ thi chuẩn hoá uy tín, thì không thể làm giả được. Và dĩ nhiên, ở các trường tư CLK (chất lượng kém) thì họ sẽ chọn những lời hoa-mỹ-nhưng-không-kiểm-chứng-được để hấp dẫn PH thôi.

Những trường nào không chú trọng học thuật, mà chỉ chiều theo các sở thích ngắn hạn và dễ dãi của học sinh, thì cuối cùng, họ làm hư hỏng đứa nhỏ vì những nuông chiều tai hại. Trẻ có thể sẽ sở hữu các đặc điểm sau:

- Học kém, yếu so với mặt bằng chung.

- Năng lực tập trung kém, không thể tập trung học trong thời gian dài.

- Dễ bỏ cuộc. Khi gặp bài tập khó, vấn đề khó là bỏ cuộc.

- Không có tính tự giác và chủ động. Cha mẹ giục giã mới làm, hoặc thưởng tiền/ quà mới làm, hoặc trả giá kỳ kèo với cha mẹ (được đi chơi, được chơi game, được xem tivi…) thì mới chịu làm, mà khi làm cũng không làm đến nơi đến chốn.

- Thích hưởng thụ, thích vui vẻ, thích nuông chiều bản thân.

- Không có tính kỷ luật. Làm theo sở thích, theo cảm hứng nhất thời.

- Không kiên trì. Mới làm 1 chút rồi bỏ.

- Chỉ chọn những thứ dễ dãi. Không có hoài bão lớn. Mục tiêu cuộc sống nếu có, sẽ chỉ là cuộc sống vật chất, hoặc phù phiếm, danh tiếng (thích có nhiều tiền, thích làm youtuber/ ticktoker nổi tiếng…).

- Rất hài lòng và tự tin về bản thân. Luôn cho rằng bản thân đã đủ tốt rồi. Không cần tốt hơn. Nhưng khi thất bại thì đổ lỗi cho cả thế giới.

- Không có trách nhiệm. Không tự chịu trách nhiệm cho bản thân. Sẽ là 1 gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Năng lực thì ít, mà mong muốn thì nhiều.

- Làm được thì ít, mà đòi hỏi lợi ích/ quyền lợi nhiều.

Mình hy vọng bài viết này mang lại cho bạn vài góc nhìn khác trong việc chọn trường. Hy vọng hữu ích cho bạn.

Chúc cả nhà vui.

 

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Oct 06, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email