Benjamin Franklin từng nói rằng thế giới này có 3 loại người: những người bất động, những người có thể vận động, và những người thực sự vận động. Chắc ai cũng sẽ hiểu ý ông ấy.
Nhiều người chẳng thấy cần phải thay đổi và họ cũng không muốn thay đổi. Họ ngồi yên như những tảng đá giữa dòng chảy, mặc cho dòng nước của bao sự kiện cứ miết chảy xung quanh. Lời khuyên của tôi đó là đừng động vào họ. Thủy triều và thời gian luôn đứng về bên biến đổi, và họ có thể sẽ bị bỏ lại phía sau bởi dòng chảy của đổi thay.
Có những người có thể vận động. Họ thấy thay đổi là cần thiết. Họ có thể sẽ không biết cụ thể cần phải làm gì, nhưng họ sẵn sàng lắng nghe, và hành động nếu họ tin vào điều ấy. Hãy làm việc và đi cùng họ. Hãy kết nối và cùng vẽ ra những giấc mơ, kế hoạch.
Và còn có những người thực sự vận động: những tác nhân đổi thay, những con người nhìn rõ dáng hình của một tương lai mới, và quyết tâm hiện thực hóa nó bằng chính hành động của bản thân và phối hợp với những người khác.
Họ biết rằng không hẳn lúc nào họ cũng cần phải xin phép. Như Gandhi nói, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, bạn phải trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn thấy.
Bởi vì khi có đủ người chuyển động, chúng ta sẽ tạo ra một phong trào. Và nếu phong trào đó đủ mạnh, nó sẽ trở thành một cuộc cách mạng.
Và với giáo dục, điều chúng ta cần giờ đây chính xác là một… cuộc cách mạng. (Trích Trường Học Sáng Tạo - Sir Ken Robinson)
Hãy đổi thay, đột phá từ chính nơi ta đứng và việc ta làm mỗi ngày thay vì cả ngày chỉ có than phiền, càm ràm, đổ lỗi tại hệ thống thế này, tại người khác thế kia, hay ngốn cả thời gian chặt chém trên mạng ngồi lê đôi mách nhưng đụng tí việc là bảo khó, bảo bận, bảo không có thời gian làm.
Những đứa trẻ không có quá nhiều thời gian để chờ đợi những cái "dở hơi" đó của người lớn. Chúng đang chờ mỗi người lớn... "cách mạng", để chúng còn được thích học, học thực và sống vui khỏe, hạnh phúc.